Sign In

Ngành thi hành án dân sự hoàn thành 6/7 nhóm nhiệm vụ năm 2023 (16/11/2023)

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 15-11, Ban Pháp chế, HĐND tỉnh do ông Vũ Long Sơn, Tỉnh ủy viên, Trưởng ban làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh.

Công tác phối hợp với cơ quan công an trong hoạt động thi hành án dân sự và đề xuất, kiến nghị (10/11/2023)


1. Kết quả đạt được

1.1. Công tác chỉ đạo cơ quan Công an bảo vệ cưỡng chế thi hành án, phối hợp bảo vệ kho vật chứng của cơ quan thi hành án dân sự trong trường hợp cần thiết
Công tác bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự khi nhận được yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền là trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân, trong đó lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp thuộc Công an các địa phương là nòng cốt nhằm bảo vệ trật tự, an toàn cho việc cưỡng chế thi hành án dân sự, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời mọi hành vi vi phạm pháp luật; góp phần bảo vệ trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân.
Trong những năm qua, Công an các địa phương luôn làm tốt công tác phối hợp, trao đổi thông tin với Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và các cơ quan, đơn vị liên quan khi triển khai thực hiện cưỡng chế thi hành án dân sự; tham gia ký kết và ban hành quy chế phối hợp liên ngành trong công tác bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự giữa Cơ quan thi hành án dân sự, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Công an để triển khai đồng bộ, thống nhất trong toàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Khi có yêu cầu bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự của Cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp, lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp của Công an các địa phương đã chủ động phối hợp từ giai đoạn nghiên cứu hồ sơ vụ việc, xác minh, khảo sát thực tế, nắm tình hình, nắm tâm tư, nguyện vọng, thái độ của người bị cưỡng chế và những người có liên quan, cũng như khả năng chống đối, kích động của họ. Từ đó, xây dựng kế hoạch, phương án, dự kiến các tình huống và biện pháp xử lý để thống nhất trong bảo đảm thực hiện bảo vệ cưỡng chế sát với tình hình thực tế từng vụ việc và đúng theo quy định của pháp luật. Việc xây dựng nội dung kế hoạch, phương án bảo vệ cưỡng chế đã có sự trao đổi, thống nhất giữa lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp với Cơ quan thi hành án dân sự trước khi trình lãnh đạo đơn vị phê duyệt.
Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự, lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp chủ động phối hợp với Chấp hành viên của Cơ quan thi hành án dân sự, các đơn vị thuộc Công an các địa phương, chính quyền địa phương (UBND, Công an phường, xã, thị trấn...) nơi diễn ra buổi cưỡng chế, tổ chức tuyên truyền, giải thích quyền và nghĩa vụ của người bị cưỡng chế, người có quyền lợi ích liên quan việc cưỡng chế thi hành án dân sự, cũng như quần chúng nhân dân xung quanh khu vực, địa điểm cưỡng chế hiểu rõ về đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và vận động người bị cưỡng chế tự nguyện chấp hành bản án, quyết định thi hành án của Cơ quan thi hành án dân sự. Ngoài ra, Công an các địa phương thường xuyên phối hợp với Cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan, ban ngành có liên quan trao đổi, thống nhất các nội dung, giải pháp trước, trong và sau khi cưỡng chế thi hành án dân sự để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự, rút kinh nghiệm các thiếu sót (nếu cần thiết).
1.2. Công tác phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự các cấp trong việc thu, nộp các khoản tiền thi hành án dân sự trong các bản án hình sự của phạm nhân, làm căn cứ đề nghị Tòa án xét, quyết định miễn, giảm hình phạt cho người phải thi hành án có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật
a) Về phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin với cơ quan thi hành án về phạm nhân là người phải thi hành án dân sự
Các trại giam khi tiếp nhận phạm nhân đến chấp hành án, trong thời hạn 15 ngày đã kịp thời thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự các địa phương nơi Tòa án xét xử sơ thẩm về họ, tên phạm nhân là người phải thi hành án dân sự và các khoản án phí, bồi thường dân sự, các nghĩa vụ dân sự khác có trong bản án mà phạm nhân phải thực hiện.
Các trại giam khi nhận được quyết định thi hành án và các tài liệu liên quan khác của cơ quan thi hành án dân sự, đã tống đạt, thông báo cho phạm nhân biết để thực hiện và lưu hồ sơ phạm nhân theo đúng quy định.
Ngoài ra, để việc thi hành án dân sự được nhanh chóng, kịp thời Bộ Công an đã chỉ đạo đơn vị chức năng thường xuyên tra cứu trả lời cho các Cục, Chi cục thi hành án dân sự các địa phương (mỗi năm trên 1.000 trường hợp) đề nghị cung cấp nơi chấp hành án của phạm nhân để các cơ quan thi hành án dân sự trả lại tài sản, tiền, hoặc tống đạt các quyết định thi hành án chủ động cho phạm nhân đang chấp hành án tại các trại giam.
b) Về nhận tiền, tài sản, giấy tờ mà phạm nhân, thân nhân của phạm nhân tự nguyện nộp tại trại giam để thi hành án dân sự; nhận tiền, giấy tờ do cơ quan thi hành án dân sự chuyển đến để giao cho phạm nhân
Việc tiếp nhận tiền, giấy tờ mà phạm nhân là người phải thi hành án dân sự hoặc thân nhân của họ tự nguyện nộp tại các trại giam được thực hiện nghiêm túc theo đúng trình tự, thủ tục. Đặc biệt, để tạo điều kiện cho những phạm nhân cải tạo tiến bộ có cơ hội được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước như giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện, đặc xá, các trại giam đã thường xuyên giáo dục, phổ biến, hướng dẫn và tạo điều kiện cho phạm nhân liên lạc với thân nhân để vận động thân nhân của họ thực hiện nghĩa vụ dân sự. Đồng thời bố trí cán bộ thường trực để thu tiền thị hành án dân sự cho phạm nhân hoặc thân nhân họ tự nguyện đến nộp tiền tại trại, kể cả ngoài giờ làm việc hay ngày nghỉ. Việc nhận tiền do phạm nhân nộp đều được lập biên lai thu tiền, vào sổ theo dõi và chuyển tiền thu được vào tài khoản tạm gửi của cơ quan thi hành án dân sự hoặc được chuyển, bàn giao trực tiếp cho cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định thi hành án dân sự theo đúng quy định.
Những trường hợp tạm thu tiền thi hành án dân sự do phạm nhân hoặc thân nhân của họ tự nguyện nộp tại trại giam nhưng chưa nhận được quyết định thi hành án dân sự, các trại giam đều tiến hành lập biên lai thu tiền, lập biên bản theo mẫu quy định và thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự nơi Toà án xét xử sơ thẩm để ra quyết định thi hành án dân sự theo quy định. Sau khi nhận được quyết định thi hành án dân sự, trại giam đã tiến hành chuyển số tiền thu được vào tài khoản của cơ quan thi hành án dân sự.
c) Phối hợp trong kiểm tra công tác thi hành án dân sự
Để kiểm tra việc thực hiện công tác phối hợp của cơ quan thi hành án dân sự và các trại giam trong công tác thi hành án dân sự; rà soát, xử lý số tiền thi hành án dân sự còn tồn đọng tại các trại giam cũng như nắm được những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan trong quá trình thực hiện thi hành án dân sự, Bộ Công an đã cử cán bộ tham gia Đoàn kiểm tra của Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp đi kiểm tra thực tế tại một số Cục, Chi cục thi hành án dân sự các địa phương và một số trại giam. Qua công tác kiểm tra Đoàn công tác đã thống nhất được phương hướng xử lý số tiền thi hành án dân sự còn tồn đọng tại các trại giam đồng thời nắm được những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan trong việc phối hợp thực hiện thi hành án dân sự để kịp thời tháo gỡ, cũng như báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết.
2. Khó khăn, vướng mắc
2.1. Về bảo vệ cưỡng chế thi hành án, phối hợp bảo vệ kho vật chứng của cơ quan thi hành án dân sự
- Công tác phối hợp giữa các cơ quan trong hoạt động thi hành án dân sự có lúc, có nơi chưa thực sự hiệu quả, nhất là việc phối hợp trao đổi thông tin, hồ sơ, tài liệu chưa đầy đủ về vụ việc cưỡng chế giữa Cơ quan thi hành án dân sự với Cơ quan Công an chưa được đồng bộ, chặt chẽ, kịp thời dẫn đến quá trình thực hiện nhiệm vụ có lúc còn bị động, chưa nhịp nhàng; việc giải quyết, xem xét các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân một số vụ việc còn chậm dẫn đến việc xác định và đánh giá chưa sát với tình hình, chưa đúng tính chất, mức độ của vụ cưỡng chế thi hành án dân sự; một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ và chưa thật sự quan tâm đến công tác thi hành án dân sự.
- Số lượng việc và tiền thụ lý thi hành ngày càng tăng với nhiều vụ việc có tính chất phức tạp, khó thi hành; việc xử lý tài sản để thi hành án gặp nhiều khó khăn; ý thức chấp hành pháp luật của một số đương sự còn thấp đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác thi hành án dân sự.
- Các trường hợp phải cưỡng chế đều chấp hành pháp luật chưa tốt, chây ỳ, cố tình kéo dài thời gian, cản trở việc thi hành án, một số trường hợp lợi dụng lý do gia đình khó khăn không có chỗ ở, giá trị tài sản đấu giá thấp hơn giá trị thực tế hoặc tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất chưa xác định rõ ranh giới, quyền sở hữu... để gây khó khăn cho việc thi hành án.
- Do tính chất, đặc điểm của việc cưỡng chế thi hành án dân sự có liên quan đến quyền và lợi ích kinh tế của tổ chức, người phải thi hành án nên tính manh động, liều lĩnh của đối tượng rất nguy hiểm, khó lường.
- Biên chế cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp làm nhiệm vụ bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự còn thiếu, đặc biệt là ở cấp huyện thậm chí đào tạo chưa đúng chuyên ngành, thường xuyên có sự thay đổi vị trí công tác, phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau. Thường xuyên phải trưng dụng cán bộ, chiến sĩ ở nhiều mảng công việc khác nhau để tham gia bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự, do vậy có lúc chưa chủ động phối hợp chặt chẽ, đồng bộ khi xử lý các tình huống tập trung đông người xung quanh khu vực cưỡng chế.
- Trang thiết bị, phương tiện, công cụ hỗ trợ còn thiếu và lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu công tác, đặc biệt là các vụ bảo vệ cưỡng chế thi hành án dẫn sự phức tạp, nhiều đối tượng manh động, hung hãn, chống đối quyết liệt.
- Kinh phí bồi dưỡng cho lực lượng bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự còn thấp, phần nào chưa động viên họ yên tâm công tác.
2.2. Về việc thu, nộp các khoản tiền thi hành án dân sự trong các bản án hình sự của phạm nhân
- Theo quy định tại Điều 28 Luật Thi hành án dân sự, tòa án đã ra bản án, quyết định phải chuyển giao bản án cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền để tổ chức thi hành bản án, tuy nhiên, trong thực tế nhiều Tòa án chưa kịp thời chuyển hồ sơ nên cơ quan thi hành án dân sự chưa ra quyết định thi hành án dân sự. Vì vậy, nhiều trại giam khi tiếp nhận tiền của phạm nhân có văn bản gửi thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự thì được trả lời là chưa tổ chức thi hành án.
- Sự phối hợp giữa các cơ quan thi hành án dân sự với các trại giam để trao đổi thông tin còn chưa chặt chẽ, kịp thời nên ảnh hưởng đến việc thực hiện giải quyết thu, nộp, quản lý, chuyển giao tiền phạm nhân tự nguyện nộp tại trại để thi hành nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự mà tòa án đã tuyên. Một số cơ quan thi hành án dân sự chưa thực sự quan tâm, sau khi nhận được thông báo của trại giam chưa kịp thời có văn bản trả lời để cùng phối hợp thực hiện như cung cấp địa chỉ, số tài khoản để các trại giam thực hiện chuyển tiền, gửi biên lai thu tiền theo quy định và ngược lại các cơ quan thi hành án dân sự gửi rất chậm hoặc không gửi biên lai, quyết định kết thúc việc thi hành án để trại giam lưu hồ sơ phạm nhân dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong công tác thi hành án dân sự, đôn đốc phạm nhân thực hiện nghĩa vụ dân sự và ảnh hưởng đến quyền lợi của phạm nhân trong việc thực hiện các chính sách đối với phạm nhân theo quy định của pháp luật như xếp loại thi đua chấp hành án, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện….
Do việc trao đổi thông tin không kịp thời giữa trại giam và cơ quan thi hành án dân sự, nên có sự chồng chéo trong việc phạm nhân, thân nhân phạm nhân cùng thi hành trách nhiệm dân sự và trả lại tiền cho phạm nhân là người được thi hành án dân sự gây khó khăn cho trại giam và cơ quan thi hành án dân sự trong việc giải quyết khoản tiền đã thu từ phạm nhân nộp tại trại và thân nhân phạm nhân. Cá biệt có những trường hợp phạm nhân đã chết, chấp hành xong án phạt tù nhưng cơ quan thi hành án dân sự có văn bản thông báo đề nghị trại giam cung cấp số tài khoản để chuyển lại tiền thi hành án dân sự để trại giam trả lại cho phạm nhân.
- Việc ủy thác thi hành án dân sự giữa các cơ quan thi hành án dân sự liên quan đến nghĩa vụ dân sự của phạm nhân trong bản án hình sự không có văn bản thông báo hoặc thông báo chưa kịp thời cho trại giam biết nên việc phối hợp giữa trại giam và cơ quan thi hành án dân sự trong thực hiện thi hành án dân sự đạt hiệu quả chưa cao, gây khó khăn cho trại giam trong việc giải quyết khoản tiền đã thu của phạm nhân.
- Kinh phí để đảm bảo thực hiện công tác phối hợp giữa trại giam và cơ quan thi hành án dân sự trong thi hành án dân sự như kinh phí mua văn phòng phẩm, chi phí chuyển tiền, giấy tờ do trại giam tiếp nhận cho cơ quan thi hành án dân sự, chi tiền bồi dưỡng cho cán bộ chưa được thực hiện theo quy định tại Điều 11, Điều 12 Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BTP-BCA-BTC ngày 06/02/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính hướng dẫn trình tự, thủ tục thu, nộp, quản lý tiền, giấy tờ của người phải thi hành án dân sự và trả tiền, giấy tờ cho người được thi hành án dân sự là phạm nhân, Điều 9 Thông tư số 216/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án dân sự.
3. Kiến nghị, đề xuất
Cơ quan thi hành án dân sự các địa phương cần kịp thời trao đổi thông tin với trại giam về người phải thi hành án dân sự, người được thi hành án dân sự, nhanh chóng có văn bản trả lời khi nhận được thông báo của trại giam, đặc biệt là đối với các trường hợp được ủy thác. Sau khi cơ quan thi hành án dân sự xác minh điều kiện thi hành án đối với phạm nhân là người phải chấp hành án thì gửi biên bản xác minh cho trại giam để thuận lợi cho việc phối hợp thi hành án dân sự và làm cơ sở thực hiện chế độ, chính sách đối với phạm nhân trong thời gian chấp hành án phạt tù.
Khi nhận được thông báo của trại giam về việc phạm nhân hoặc thân nhân của họ tự nguyện nộp tiền để thi hành án, đề nghị cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án và thông báo cho trại giam theo quy định tại Điều 36 Luật thi hành án dân sự, Điều 9 Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BTP-BCA-BTC, kịp thời có văn bản trả lời cho trại giam biết để xử lý số tiền đã thu, tránh việc chồng chéo trong thu tiền thi hành án dân sự. Trường hợp cơ quan thi hành án dân sự từ chối không nhận tiền do phạm nhân tự nguyện thi hành án thì phải có văn bản xác nhận gửi cho trại giam nơi phạm nhân đang chấp hành án biết để phối hợp và có căn cứ thực hiện chế độ, chính sách đối với phạm nhân. Đồng thời, có văn bản hướng dẫn về việc giải quyết số tiền thu của phạm nhân hoặc thân nhân tự nguyện nộp để thi hành án dân sự trong trường hợp người được thi hành án chưa có đơn yêu cầu thi hành án hoặc không liên hệ được do người được thi hành án không có mặt tại địa phương, không rõ nơi cư trú để các trại giam thực hiện, tránh để tồn đọng số tiền thu để thi hành án của phạm nhân tại các trại giam.  Hoàng Thu Thủy - Vụ NV1

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong Hệ thống Thi hành án dân sự (17/10/2023)

 

Trong những năm gần đây, công tác công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số được Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS), chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả và đạt được nhiều kết quả tích cực. Về cơ bản, hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư đã đáp ứng yêu cầu quản lý, chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ của Bộ, Tổng cục THADS. Việc xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, phần mềm ứng dụng trong hoạt động của Bộ, Ngành được tăng cường, từng bước đồng bộ và mang lại hiệu quả rõ rệt. Nguồn nhân lực về công nghệ thông tin được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần tích cực thay đổi lề lối, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, lãnh đạo các cấp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành; phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng dịch vụ công của Bộ, Ngành Tư pháp. Cụ thể như sau:
I. THỰC TRẠNG THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
1. Kết quả thực hiện các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin theo các chương trình, kế hoạch
Qua rà soát, tính đến ngày 30/9/2023, Tổng cục THADS đang triển khai thực hiện 02 quyết định của Thủ tướng Chính phủ[1], 01 Nghị quyết của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp, 03 Đề án của Bộ Tư pháp[2] (kết quả thực hiện các nhiệm vụ cụ thể chi tiết theo Phụ lục gửi kèm).
 Nhìn chung, các nhiệm vụ ứng dụng CNTT đã được Tổng cục triển khai thực hiện, bước đầu đạt được một số kết quả: (i) Đưa vào vận hành, sử dụng một số phần mềm nghiệp vụ THADS như: (1) Phần mềm Quản lý thụ lý, Tổ chức thi hành án và thống kê THADS (Phần mềm Thụ lý); (2) Phần mềm CSDL điện tử người phải THA chưa có điều kiện; (3) Phần mềm Hỗ trợ trực tuyến; (4) Phần mềm Kế toán nghiệp vụ; (5) Phần mềm quản lý cán bộ; (6) Cổng thông tin điện tử THADS; (7) Phần mềm quản lý văn bản; (8) Triển khai chữ ký số; (9) Phần mềm Kế toán hành chính sự nghiệp (ii) Hình thành CSDL về THADS trên cơ sở vận hành các phần mềm và Cổng Thông tin điện tử THADS; (iii) Tổ chức một số lớp tập huấn nâng cao nhận thức về UDCNTT và hướng dẫn sử dụng một số phần mềm ứng dụng trong THADS; (iv) Bố trí được công chức đầu mối công nghệ thông tin tại các Cục THADS; (vi) Trình, phê duyệt Đề án biên lai điện tử THADS; (vii) Phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Toà án nhân dân tối cao, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính – Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan hoàn thiện và chạy thí điểm lần 2 tại 35 Chi cục THADS của 7 tỉnh, thành phố Phần mềm thu tạm ứng án phí, lệ phí tòa án trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG).
Kết quả nêu trên, bước đầu đã làm chuyển biến được nhận thức, đối với nhiệm vụ UDCNTT và chuyển đổi số trong Hệ thống THADS, mặc dù chưa đáp ứng yêu cầu, nhưng bước đầu xây dựng được nền tảng và tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng hệ thống thông tin THADS đồng bộ, thống nhất phục vụ quá trình chuyển đổi số trong THADS; cung cấp được các điều kiện cần thiết sẵn sàng nâng cấp kết nối, chia sẻ, đồng bộ hóa dữ liệu phục vụ tích hợp một số thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp lên Cổng DVC Bộ Tư pháp, Cổng DVCQG, từ đó góp phần đảm bảo nhu cầu thông tin, hỗ trợ các hoạt động quản lý, điều hành trong THADS giúp rút ngắn thời gian, giảm chi phí hành chính, chuyên môn cho Hệ thống THADS, người dân và doanh nghiệp.
2. Hạn chế
Các nhiệm vụ UDCNTT mặc dù cơ bản đã được triển khai theo kế hoạch, nhưng việc triển khai một số nhiệm vụ còn hạn chế, cụ thể:
- Về nhận thức: Nhiều công chức, trong đó cả công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, chưa thực sự coi UDCNTT, chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, là trách nhiệm của từng công chức mà vẫn coi UDCNTT, chuyển đổi số là nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn, nên chưa tích cực tham gia.
- Về tổ chức cán bộ: chưa xây dựng đội ngũ công chức làm công tác UDCNTT trong Hệ thống THADS đáp ứng được yêu cầu, vẫn thiếu về số lượng, chưa đảm bảo về chất lượng, nhiều công chức làm nhiệm vụ liên quan đến UDCNTT có trình độ chuyên môn chưa phù hợp; Chưa bố trí được công chức có trình độ chuyên môn phù hợp làm công tác UDCNTT;
- Các phần mềm nghiệp vụ còn nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ chưa được kịp thời đầu tư nâng cấp, cập nhật, bổ sung những tính năng mới để phù hợp với sự thay đổi của pháp luật; việc khai thác dữ liệu trên các phần mềm chuyên môn, nghiệp vụ còn chưa hiệu quả; khả năng kết nối, chia sẻ, tích hợp, cập nhật dữ liệu chưa đáp ứng yêu cầu (thường chậm và bị hạn chế về dung lượng, không có sự liên kết đầy đủ giữa các phần mềm có liên quan);
- Cơ sở hạ tầng kỹ thuật CNTT chưa được đầu tư kịp thời (đường truyền tốc độ chậm, dung lượng thấp; trang thiết bị, công nghệ cũ, cấu hình kỹ thuật chưa bảo đảm, nhưng chưa được kịp thời nâng cấp) nên gây nhiều khó khăn cho việc cập nhật dữ liệu, vận hành các phần mềm nghiệp vụ và xây dựng CSDL điện tử về THADS, THAHC;
- Chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu THADS, THAHC tập trung, thống nhất, có mối liên kết chặt chẽ về nội dung để phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành hoạt động THADS, THAHC;
- Cổng/Trang TTĐT nội dung chưa phong phú, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu truyền tải những thông tin của Hệ thống THADS, của Ngành Tư pháp; giao diện chưa hài hòa, thân thiện, chưa được kịp thời đầu tư nâng cấp;
- Các phần mềm trực tiếp phục vụ giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp như: gửi, nhận văn bản điện tử THADS; thu, chi tiền THADS; cung cấp thông tin THADS, THAHC chưa được đầu tư xây dựng, triển khai đồng bộ.
3. Nguyên nhân của hạn chế
3.1. Nguyên nhân chủ quan
- Một số công chức, trong đó có cả một số công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của UDCNTT, kể cả ở Tổng cục và các cơ quan THADS địa phương. Lãnh đạo các cơ quan THADS, đặc biệt là ở cấp tỉnh, cấp huyện chưa thực sự quan tâm, gương mẫu trong việc sử dụng, khai thác các tiện ích trên các phần mềm đang được vận hành trong Hệ thống THADS. Trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ UDCNTT, vẫn còn công chức ý thức trách nhiệm chưa cao, chưa thực sự chủ động, đeo bám công việc quyết liệt, kể cả công chức lãnh đạo, quản lý.  
- Tại Tổng cục THADS chưa được bố trí công chức có trình độ chuyên môn về CNTT và chuyển đổi số (kĩ sư, chuyên gia về CNTT…) để làm đầu mối tham mưu, hướng dẫn, chỉ đạo về UDCNTT và chuyển đổi số. Việc kiện toàn, sắp sếp, ổn định tổ chức và tuyển dụng người làm công tác UDCNTT tại Tổng cục còn chậm, kéo dài (từ năm 2019 đến nay) ảnh hưởng đến việc nghiên cứu, tham mưu cho các cấp lãnh đạo xây dựng các giải pháp tăng cường UDCNTT, chuyển đổi số trong THADS, THAHC.
- Ở địa phương chưa bố trí được công chức có trình độ chuyên môn về tin học, chuyển đổi số theo đúng yêu cầu vị trí, việc làm mà vẫn bố trí công chức là chuyên viên pháp lý kiêm nhiệm; Chưa có chính sách khuyến khích, đãi ngộ nên chưa thu hút được nguồn nhân lực CNTT có trình độ chuyên môn cao vào làm việc tại Tổng cục THADS và các cơ quan THADS địa phương.
- Kỹ năng sử dụng máy tính, khả năng ứng dụng CNTT của nhiều công chức THADS còn hạn chế, nhất là đội ngũ Lãnh đạo, Chấp hành viên, Thẩm tra viên lớn tuổi tại các cơ quan THADS; nhiều công chức không sử dụng hoặc chưa tích cực sử dụng các phần mềm UDCNTT hiện có trong THADS, THAHC.
3.2. Nguyên nhân khách quan
- Cơ chế để thực hiện nhiệm vụ UDCNTT và chuyển đổi số chưa phù hợp, chưa có sự phân cấp rõ ràng, vẫn có sự chồng chéo, chưa phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền giữa Cục CNTT Bộ Tư pháp với Tổng cục THADS (nhiều nhiệm vụ của Tổng cục THADS và Cục CNTT đều là đơn vị chủ trì triển khai thực hiện); Cơ sở hạ tầng CNTT không đảm bảo, không đáp ứng được nhu cầu lưu trữ dữ liệu và vận hành các phần mềm ứng dụng hiện có trong THADS.
- Chưa có quy hoạch tổng thể về hệ thống thông tin THADS, như: xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT; xây dựng, tạo lập CSDL điện tử THADS, THAHC. Việc nghiên cứu sửa chữa, nâng cấp các phần mềm chuyên môn nghiệp vụ và chuyển đổi số trong THADS, THAHC còn chậm, chưa có giải pháp để kịp thời bố trí nhân lực, kinh phí thực hiện các nhiệm vụ UDCNTT và chuyển đổi số.
- Việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật CNTT trong Hệ thống THADS chưa được thực hiện đồng bộ, hệ thống máy chủ của Bộ chưa đảm bảo dung lượng; đường truyền internet tại một số cơ quan THADS địa phương chưa đảm bảo, tốc độ đường truyền chậm, không ổn định; công tác đảm bảo an toàn an ninh thông tin ở các cơ quan THADS địa phương chưa được chú trọng; trang thiết bị tin học cũ, nhiều nơi cấu hình kỹ thuật chưa bảo đảm.
- Khối lượng các nhiệm vụ nhiều trong khi nguồn lực đầu tư cho việc thực hiện nhiệm vụ liên quan đến UDCNTT, chuyển đổi số tại Tổng cục THADS còn rất hạn chế, nên một số nhiệm vụ chưa được kịp thời so với tiến độ theo kế hoạch.
II. MỤC TIÊU, PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Mục tiêu
- Cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với với các thủ tục liên quan trực tiếp đến giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp trên môi trường internet để người dân, doanh nghiệp có thêm phương thức lựa chọn, cụ thể như: (i) Thủ tục gửi đơn yêu cầu thi hành án; (ii) Thủ tục tống đạt văn bản, giấy tờ điện tử THADS, THAHC; (iii) Thủ tục thu, nộp, chi trả tiền THADS; (iv) Thủ tục gửi đơn khiếu nại, tố cáo, phản ảnh và nhận kết quả giải quyết khiếu lại, tố cáo, nhận trả lời kiến nghị; (v) Thủ tục xác nhận kết quả THADS; (vi) Thủ tục đề nghị thay đổi chấp hành viên…;
 - Xây dựng và tạo dựng CSDL điện tử THADS tập trung phục vụ công tác quản lý, điều hành hoạt động THADS; tích hợp, đồng bộ CSDL điện tử THADS, THAHC với CSDL quốc gia về dân cư; phối hợp, đàm phán để tích hợp chia sẻ dữ liệu với các CSDL chuyên ngành như: bản án, quyết định của Toà án, tài khoản ngân hàng; đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản; thuế, bảo hiểm xã hội….;
- Rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật, tái cấu trúc và công bố công khai các thủ tục hành chính liên quan đến giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp trên Cổng DVCQG, Cổng DVC Bộ Tư pháp, Cổng Thông tin điện tử THADS của Tổng cục THADS;
- Xây dựng các phần mềm chuyên môn, nghiệp vụ: nâng cấp toàn diện Phần mềm Thụ lý; nâng cấp và tích hợp với Phần mềm CSDL điện tử người phải THA chưa có điều kiện; Phần mềm kế toán nghiệp vụ; Phần mềm CSDL chứng từ điện tử thu, chi tiền THADS; Phần mềm quản lý vật chứng, tài sản; Phần mềm quản lý cán bộ, Phần mềm giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiểm tra, xử lý kháng nghị, kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền; Phần mềm hướng dẫn nghiệp vụ THADS, THAHC; Cổng thông tin điện tử THADS. Các phần mềm khi xây dựng phải có phiên bản chạy trên máy tính cá nhân và trên điện thoại thông minh;
- Xây dựng được nguồn nhân lực UDCNTT, đảm bảo ở Tổng cục có ít nhất 3 đến 5 nhân sự, các Cục THADS địa phương có từ 1-2 nhân sự làm công tác UDCNTT và chuyển đổi số;
- Đảm bảo 100% công chức làm công tác THADS có các thiết bị đầu cuối đáp ứng yêu cầu kỹ thuật; 100% Chi cục THADS, Cục THADS, các phòng chuyên môn thuộc Cục THADS được kết nối mạng LAN và Internet. Phấn đấu. có đường truyền riêng phục vụ vận hành cầu truyền hình, các phần mềm trong Hệ thống THADS.
2. Nhiệm vụ trọng tâm
2.1. Nhiệm vụ thực hiện trong năm 2024
2.1.1. Kiện toàn tổ chức, biên chế làm công tác UDCNTT
 - Tại Tổng cục THADS: Để tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ về UDCNTT và chuyển đổi số, Tổng cục THADS cần tuyển dụng 03-05 kỹ sư CNTT để bố trí làm đầu mối  UDCNTT và chuyển đổi số. Đây là nhiệm vụ cấp bách cần làm ngay đầu năm 2024.
 - Ở các cơ quan THADS địa phương (tại 63 Cục THADS), phải tuyển dụng đủ công chức đáp ứng tiêu chuẩn làm công tác CNTT theo đúng đề án vị trí việc làm, không để tình trạng người không được đào tạo về công nghệ thông tin kiêm nhiệm.
2.1.2. Xây dựng Đề án kiến trúc số cho cơ quan THADS
Để đảm bảo thống nhất, hiệu quả trong chuyển đổi số và UDCNTT, cần phải có quy hoạch tổng thể về UDCNTT và chuyển đổi số để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ khó khăn, bản thân Tổng cục, Cục CNTT của Bộ Tư pháp không đủ nguồn lực để thực hiện. Do đó, cần phải có sự hỗ trợ từ các cơ quan chuyên môn thông qua hình thức ký kết chương trình hợp tác hoặc thuê triển khai thực hiện (tương tự như Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã làm). Tổng cục đã tổ chức cuộc họp với Cục CNTT, Văn phòng Bộ, Cục Kế hoạch – Tài chính cho ý kiến về việc xây dựng “Đề án kiến trúc số cho cơ quan THADS” và Đề án nâng cấp Phần mềm thụ lý, dự kiến hoàn thành Đề án vào 15/11/2023.
Hiện tại Tổng cục đang phối hợp với Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel (sau đây gọi tắt là Viettel) triển khai xây dựng Đề án này, xin gửi kèm bản dự thảo quy hoạch Hệ sinh thái THADS (Đề án kiến trúc số cho cơ quan THADS). Bên cạnh đó, Tổng cục cũng đã liên hệ với Bộ Thông tin, Truyền thông đề nghị hỗ trợ.
2.1.3. Về việc thực hiện các nhiệm vụ theo các chương trình, kế hoạch đã được ban hành
Ngoài các nhiệm vụ nêu trên, Tổng cục THADS sẽ tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể theo các chương trình, đề án, kế hoạch đã ban hành cụ thể theo thứ tự ưu tiên sau:
* Nhiệm vụ 1: Về nâng cấp Phần mềm Quản lý quá trình thụ lý, Tổ chức thi hành án và Báo cáo thống kê thi hành án dân sự (Phần mềm Thụ lý)
Tổng cục đã chỉ đạo các cơ quan THADS địa phương rà soát, đánh giá về chuyên môn nghiệp vụ, đã có tổng hợp ý kiến rà soát, góp ý, đề xuất nâng cấp, chỉnh sửa đối với phần mềm thụ lý của các đơn vị. Về cơ bản Phần mềm Thụ lý vẫn cơ bản đáp ứng được các nhu cầu quản lý hồ sơ thi hành án, quá trình tổ chức THA, tạo lập dữ liệu điện tử về tổ chức THADS và cập nhật được các số liệu về THADS. Tuy nhiên, Phần mềm này có một số hạn chế cần khắc phục ngay để sử dụng. Các hạn chế này chủ yếu là:
- Tốc độ truy cập, cập nhật, truy xuất dữ liệu chậm;
- Phần mềm bị hạn chế dung lượng (hiện tại Cục CNTT hạn chế, chỉ cho phép đính kèm 10 file, mỗi file không quá 5 MB, khoảng 60 trang văn bản), nên không thể cập nhật đầy đủ dữ liệu phát sinh trong một số hồ sơ thi hành án;
- Phần thống kê THADS chưa được chỉnh lý, phân tổ thống kê theo các chỉ tiêu mới đã được sửa đổi;
- Chưa có cổng kết nối để tích hợp, đồng bộ dữ liệu với CSDLQG về dân cư và Phần mềm thu, nộp tạm ứng án phí, lệ phí toà án trên Cổng DVCQG.
Những hạn chế này có thể khắc phục được ngay bằng các giải pháp sau:
- Trường hợp cơ sở Hạ tầng của Bộ sau khi được nâng cấp trong năm 2023, không thể đáp ứng được, thì sẽ tiến hành các thủ tục đấu thầu thuê trung tâm dữ liệu của đơn vị có đủ điều kiện, đáp ứng được các yêu cầu về pháp lý, về an toàn, an ninh thông tin để cài đặt, vận hành Phần mềm Thụ lý và quản lý dữ liệu hồ sơ thi hành án, tạo điều kiện cho việc nâng cấp dung lượng, tăng tốc độ đường truyền và nâng cấp, tích hợp với CSDLQG về dân cư, Phần mềm thu, nộp tạm ứng án phí, lệ phí toà án trên Cổng DVCQG.
- Do đây là phần mềm đặc thù, có tính chất chuyên biệt, không phổ biến trên thị trường, nên việc thực hiện sẽ tuân thủ theo đúng quy định tại Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2029 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư UDCNTT và sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; Thông tư số 12/2020/TT-BTTTT ngày 29/5/2020 của Bộ Thông tin truyền thông về hướng dẫn xác định chi phí thuê dịch vụ CNTT sử dụng nguồn vốn nhà nước theo phương pháp tính chí phí; Thông tư số 24/2020/TT-BTTTT ngày 09/9/2020 quy định về công kiểm tra, giám sát triển khai và nghiệm thu dự án đầu tư UDCNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
* Nhiệm vụ 2: Tiếp tục triển khai Phần mềm thu, nộp tạm ứng án phí, lệ phí trên Cổng DVCQG.
Đối với nhiệm vụ này, Tổng cục THADS đã phối hợp với Vụ Tổng hợp – TANDTC, Cục kiểm soát TTHC – Văn phòng Chính phủ và các đơn vị có liên quan chạy thử đợt 1 tại 5 Chi cục THADS của thành phố Hà Nội, xây dựng và ban hành Quy trình tạm thời về thu tiền tạm ứng án phí trên Cổng DCQG; hoàn thiện kỹ thuật, xây dựng biên lai điện tử đưa vào Thông tư sửa đổi Thông tư số 01/2016/TT-BTP làm căn cứ cho việc triển khai thực hiện, sẵn sàng cho việc triển khai chính thức. Tuy nhiên, do phần mềm có tác động lớn đến hoạt động của ngành Tòa án, của cơ quan THADS, người dân và doanh nghiệp, nên hai ngành đã thống nhất tiếp tục triển khai thí mở rộng đối với 35 Tòa án, Chi cục THADS thuộc Cục THADS các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Tuyên Quang, Lào Cai, Quảng Ngãi, Gia Lai, thời gian triển khai thí điểm từ ngày 21/8/2023 đến hết tháng 10/2023 trước khi đưa vào triển khai chính thức trên toàn quốc. Dự kiến việc thu tiền trên Cổng DVCQG sẽ được triển khai chính thức chậm nhất tháng 12/2023.
Tuy nhiên, hiện việc triển khai nhiệm vụ này đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc sau:
- Chưa có chứng từ thu tiền thống nhất (chưa tích hợp chứng từ thu tiền của cơ quan THADS với chứng từ thu của Ngân hàng khi người dân nộp tiền trên CDVCQG), nên gây khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp khi vẫn phải nhận biên lại thu tiền của cơ quan THADS và phát sinh thêm việc cho cơ quan THADS khi vừa phải xuất biên lai giấy, vừa phải theo dõi trên Cổng DVCQG (nội dung này, Tổng cục THADS đang chỉ đạo Vụ KH-TC của Tổng cục nghiên cứu giải pháp tháo gỡ);
- Một số Ngân hàng vẫn trả lại tiền cho đương sự sau khi giao dịch thành công trước khi có ý kiến của cơ quan THADS, không thực hiện đúng Thông tư 01/2023/TT-VPCP ngày 05/4/2023 của Văn phòng Chính phủ gây khó khăn cho việc kiểm soát của cơ quan THADS và dẫn tới việc vi phạm Thủ tục Tố tụng của TAND (nội dung này, Tổng cục đã phối hợp với Cục KSTTHC – Văn phòng Chính phủ tháo gỡ. Tuy nhiên về lâu dài, cần nghiên cứ xây dựng văn bản liên tịch giữa TANDTC, Bộ Tư pháp, Văn Phòng Chính Phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính để phối hợp thực hiện);
- Chưa bố trí được nhân lực để hỗ trợ đầy đủ các cơ quan THADS địa phương về kỹ thuật và chuyên môn (hiện tại Tổng cục đã chỉ đạo và xây dựng phương án tuyển dụng kĩ sư tin học trong đợt tuyển dụng năm 2023);
- Nhiều người dân không có tài khoản hoặc có tài khoản nhưng không lựa chọn phương thức nộp tiền qua Cổng DVCQG (Tổng cục đã trao đổi với TANDTC về các giải pháp tuyên truyền, hỗ trợ để người dân thực hiện);
- Chưa có cơ chế đối soát các khoản thu giữa cơ quan THADS với Ngân hàng, Kho bạc; Thời gian Kho bạc cung cấp thông tin về các khoản đã thu chưa kịp thời, thời gian dài (Tổng cục đã phối hợp với Cục KSTTHC – Văn phòng Chính phủ, các Ngân hàng, Kho bạc nhà nước nghiên cứu giải pháp tháo gỡ).
* Nhiệm vụ 3: Nâng cấp Phần mềm kế toán nghiệp vụ THADS thành phần mềm dùng chung, vận hành và sử dụng online, xây dựng tiền đề cho việc tích hợp, đồng bộ với Phần mềm Thụ lý, Phần mềm thu, nộp tạm ứng án phí, lệ phí trên Cổng DVCQG và tiến tới thu tiền thi hành án trên Cổng DVCQG.
Để thực hiện nhiệm vụ này, Tổng cục đã làm việc với Công ty MISA là đơn vị đang quản lý, vận hành Phần mềm kế toán nghiệp vụ dự kiến triển khai như sau:
- Công ty MISA nhất trí chủ trì, tự nâng cấp Phần mềm kế toán Nghiệp vụ THADS thành phần dùng chung, sử dụng online. Sau khi có sản phẩm, MISA công bố công khai, để các cơ quan THADS địa phương có nhu cầu đăng ký sử dụng theo đúng quy định của pháp luật.
- Khi thiết kế, thi công bản nâng cấp, Công ty MISA đảm bảo một số nội dung: (i) Tận dụng và chuyển đổi các dữ liệu kế toán nghiệp vụ từ các máy cá nhân lên Trung tâm dữ liệu để dùng chung; (ii) Thiết kế mở, đảm bảo sẵn sàng kết nối, chia sẻ, đồng bộ với các cơ sở dữ liệu có liên quan; (iii) Đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho dữ liệu và hệ thống; (iv) Tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ người dùng, kịp thời khắc phục các sự cố xảy ra trong quá trình sử dụng; (vi) Phần mềm thiết kế phải đảm bảo các yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan THADS.
- Xây dựng và bổ sung các module chức năng phục vụ công tác quản lý thu, chi tiền thi hành án dân sự và quản lý vật chứng, tài sản theo yêu cầu quản lý của Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS.
* Nhiệm vụ 4: Xây dựng cầu truyền hình trực tuyến đến cấp huyện.
Ngày 17/5/2023, tại buổi làm việc với một số đơn vị thuộc Bộ về việc thực hiện công tác Ứng dụng dụng CNTT trong hệ thống THADS, Thứ trưởng Mai Lương Khôi chỉ đạo:“Cục Công nghệ thông tin chủ trì, chịu trách nhiệm trước Lãnh đạo Bộ việc rà soát, đánh giá, xây dựng Kế hoạch nâng cấp hệ thống truyền hình trực tuyến hiện có của các cơ quan THADS”. Như vậy, theo chủ trương của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, nếu dự án liên quan đến nhiều đơn vị và đảm bảo đồng bộ với Hệ thống truyền hình trực tuyến hiện có đang triển khai thì giao Cục CNTT chủ trì, phối hợp với Tổng cục THADS thực hiện.
Tổng Cục đã đề xuất tiếp tục giao nhiệm vụ này cho Cục CNTT triển khai thực hiện.
* Nhiệm vụ 5: Xây dựng hệ thống quản lý biên lai điện tử.
Thực hiện nhiệm vụ này, Tổng cục THADS trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt Đề án “Biên lại điện tử thu tiền trong hoạt động thi hành án dân sự” (Quyết định số 1693/QĐ-BTP ngày 09/8/2022), đồng thời ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án (Quyết định số 734/QĐ-TCTHADS ngày 12/9/2022) và Quyết định số 735/QĐ-TCTHADS ngày 12/9/2022 về việc thành lập Tổ công tác chỉ đạo và Nhóm giúp việc thực hiện Đề án.
Tổng cục THADS đã tổ chức khảo sát lấy ý kiến các Cục THADS và Chi cục THADS về việc quản lý, sử dụng biên lai thu tiền THADS và chủ động xây dựng dự thảo Đề cương và dự toán chi tiết dự án biên lai điện tử thu tiền trong hoạt động THADS; tổ chức buổi làm việc trực tiếp với Cục Công nghệ thông tin về việc xây dựng phần mềm. Tuy nhiên, do nội dung này phức tạp, có nhiều nội dung liên quan đến hệ thống công nghệ thông tin của Bộ Tư pháp, nên tới nay, đề án vẫn đang được Tổng cục THADS tiếp tục nghiên cứu để tham mưu Lãnh đạo Bộ triển khai thực hiện.
* Đối với các nhiệm vụ khác:
Các nhiệm vụ khác chưa triển khai thực hiện, đề nghị Lãnh đạo Bộ cho phép nghiên cứu, đưa vào quy hoạch Tổng thể, xây dựng Đề án UDCNTT trong tình hình mới và có lộ trình cụ thể để triển khai thực hiện. Đối với những nhiệm vụ triển khai thực hiện thường xuyên, Tổng cục THADS tiếp tục triển khai thực hiện theo kế hoạch.
2.2. Nhiệm vụ thực hiện năm 2025-2030
 - Xây dựng, tích hợp, đồng bộ dữ liệu và đưa vào sử dụng các phần mềm thu, chi tiền THADS; Phần mềm quản lý vật chứng, tài sản; Phần mềm giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiểm tra, xử lý kháng nghị, kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền; Phần mềm hướng dẫn nghiệp vụ THADS, THAHC và Cổng thông tin điện tử THADS;
  - Mua sắm đảm bảo 100% công chức có trang thiết bị đầu cuối đáp ứng yêu cầu kỹ thuật; 100% cơ quan THADS có mạng LAN, Internet;
  - Xây dựng kiến trúc CSDL lớn về THADS, THAHC và xây dựng các phương án tạo lập CSDL điện tử THADS, THAHC.
  - Tiếp tục rà soát, tái cấu trúc các quy trình nghiệp vụ, các thủ tục liên quan đến giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp, đồng thời cung cấp DVC trực tuyến toàn phần trên Cổng DVCQG, Cổng DVC Bộ Tư pháp;
- Tiếp tục cập nhật, bổ sung làm giàu CSDL điển tử THADS, THAHC;
- Nâng cấp hệ thống giám sát an toàn, an ninh thông tin.
III. ĐỀ XUẤT VÀ KIẾN NGHỊ
1. Đề xuất
Để tạo bước chuyển biến rõ nét trong xây dựng, triển khai và ứng dụng công nghệ thông tin, phục vụ quản lý, chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo Bộ; phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ công chức, viên chức trong Ngành và cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, Tổng cục THADS đề xuất Lãnh đạo Bộ Tư pháp cho ý kiến về chủ trương đối với nội dung sau: Hiện tại, các nhiệm vụ UDCNTT trong hệ thống THADS được ghi nhận ở  các văn bản, đề án của Bộ, nguồn lực để triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn: nguồn vốn đầu tư công hạn hẹp, khả năng bố trí ngân sách, kinh phí thực hiện khó khăn, cần phải có một Đề án mới toàn diện, mang tính khả thi, Tổng cục THADS đề nghị Lãnh đạo Bộ đồng ý chủ trương để Tổng cục THADS phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng “Đề án Kiến trúc số cho cơ quan THADS” trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đề án trình Thủ tướng Chính phủ có thu hút tất cả các nhiệm vụ UDCNTT trong các đề án trước đây của Bộ và bổ sung thêm các nhiệm vụ nhằm đáp ứng yêu cầu UDCNTT, chuyển đổi số trong Hệ thống THADS. Nghiên cứu, thuê các đơn tổ chức có chức năng, đủ khả năng, đáp ứng các yêu cầu về pháp lý, kỹ thuật giúp Tổng cục THADS thực hiện các nhiệm vụ sau:
+ Xây dựng “Đề án Kiến trúc số cho cơ quan THADS”
+ Tư vấn xây dựng các chương trình, kế hoạch, dự án thành phần để triển khai các công việc liên quan đến chuyển đổi số và UDCNTT trong THADS, THAHC;
+ Triển khai thuê trung tâm dữ liệu, đường truyền và dịch vụ quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu điện tử THADS, THAHC và các phần mềm chuyên môn nghiệp vụ THADS, THAHC và cầu truyền hình trực tuyến, nếu cơ sở hạ tầng của Bộ không đáp ứng được;
2. Kiến nghị
2.1. Đề nghị giao Cục CNTT chủ trì phối hợp Tổng cục THADS trong việc nghiên cứu, triển khai các nhiệm vụ nêu trên; Đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, các chuẩn an toàn thông tin, chuẩn kết nối để tích hợp, đồng bộ, chia sẻ dữ liệu THADS, THAHC với các CSDL chuyên ngành khác theo quy định.
2.2. Giao Cục Kế hoạch – Tài chính Bộ Tư pháp phối hợp với Tổng cục THADS nghiên cứu cơ sở pháp lý; bố trí nguồn kinh phí thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số và UDCNTT trong THADS.
2.3. Đề nghị Lãnh đạo Bộ hỗ trợ Tổng cục THADS làm việc với Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông và Viettel để đề nghị hỗ trợ Tổng cục THADS về một số nội dung trọng yếu sau:
- Trao đổi với Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông để chỉ đạo các đơn vị chuyên môn của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Chuyển đổi số quốc gia; Cục An toàn thông tin; Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông; Trung tâm thông tin…) hỗ trợ, tư vấn, giúp đỡ Tổng cục THADS xây dựng Kế hoạch tổng thể về chuyển đổi số trong Hệ thống THADS;
- Trao đổi với Lãnh đạo Viettel đề nghị tư vấn, hỗ trợ Tổng cục THADS quy hoạch, xây dựng Hệ sinh thái THADS, THAHC để triển khai thực hiện các nhiệm vụ UDCNTT và chuyển đổi số trong Hệ thống THADS; Nghiên cứu, hỗ trợ Tổng cục THADS xây dựng các phần mềm chuyên môn, nghiệp vụ THADS; đề nghị Viettel hỗ trợ tập trung nâng cấp và vận hành Phần mềm Thụ lý, Tổ chức THADS, Thống kê THADS, trước mắt nâng cấp để tích hợp, đồng bộ dữ liệu với CSDL Quốc gia về dân cư, Phần mềm thu, nộp tiền tạm ứng án phí, lệ phí toà án trên Cổng DVCQG và nâng cấp tính năng thống kê THADS theo Thông tư ban hành Chế độ báo cáo thống kê THADS, THAHC mới sau khi được ban hành;
- Trao đổi với Lãnh đạo Bộ Thông tin, tuyền thông và Viettel để chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tư vấn, giúp Tổng cục THADS xây dựng phương án thuê dịch vụ CNTT để thuê đường truyền, thuê hệ thống cầu truyền hình trực tuyến đến cấp huyện, thuê hạ tầng kỹ thuật, trung tâm dữ liệu, xây dựng và vận hành cầu truyền hình, các phần mềm chuyên môn, nghiệp vụ và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong THADS, THAHC./.  
[1] Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ trướng Chính phủ phê duyệt danh sách dịch vụ công trực tuyến tích hợp trên Cổng DVCQG năm 2022; Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. [2] Đề án UDCNTT, thực hiện chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng trong hoạt động của Hệ thống THADS giai đoạn 2021-2025 ban hành kèm theo Quyết định số 639/QĐ-BTP ngày 27/4/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Kế hoạch UDCNTT, phát triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động của ngành Tư pháp giai đoạn 2021-2025 ban hành kèm theo Quyết định số 682/QĐ-BTP ngày 07/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Kế hoạch Chuyển đổi số Ngành Tư pháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ban hành kèm Quyết định số 983/QĐ-BTP ngày 10/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Nghị quyết số 22 NQ/BCSĐ ngày 29/3/2022 về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác công nghệ thông tin trong hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp giao đoạn 2022 – 2025.
Các tin đã đưa ngày: