Thông tư số 06/2019/TT-BTP có 3 chương, 16 điều, đặc biệt có 12 biểu mẫu kèm theo, bao gồm: (1) Kết quả THADS tính bằng việc; (2) Kết quả THADS tính bằng tiền; (3) Kết quả thi hành cho ngân sách nhà nước; (4) Kết quả THADS tính bằng việc chia theo cơ quan Thi hành án và Chấp hành viên; (5) Kết quả THADS tính bằng tiền chia theo cơ quan Thi hành án và Chấp hành viên; (6) Kết quả đề nghị, xét miễn và giảm nghĩa vụ THADS; (7) Kết quả cưỡng chế THADS; (8) Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo về THADS; (9) Tiếp công dân trong THADS; (10) Kết quả giám sát, kiểm sát THADS; (1l) Kết quả bồi thường nhà nước trong THADS; (12) Kết quả theo dõi việc thi hành án hành chính. 12 biểu mẫu này đã được rút gọn từ 19 biểu mẫu của các Thông tư trước đây, như vậy đã giảm được 7 biểu mẫu, việc giảm bớt các biểu mẫu nói trên là phù hợp với yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, góp phần giảm bớt công việc của chấp hành viên, người công tác thống kê nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ các số liệu kết quả của tác của các cơ quan THADS các cấp.
Một số điểm mới của Thông tư số 06/2019/TT-BTP:
Một là, Thông tư số 06/2019/TT-BTP đã điều chỉnh một số nội dung cụ thể là: bổ sung quy định các cơ quan THADS ở địa phương phải chốt số liệu án chưa có điều kiện thi hành đã được chuyển sổ theo dõi riêng gửi cơ quan THADS cấp trên để theo dõi, quản lý theo kỳ báo cáo thống kê. Về phương thức báo cáo: Thông tư số 06/2019/TT-BTP bổ sung cách gửi bản scan báo cáo giấy hoặc báo cáo bằng văn bản điện tử qua thư điện tử hoặc Cục, Tổng cục THADS sự sẽ in trực tiếp từ phần mềm quản lý quá trình thụ lý, tổ chức thi hành án và báo cáo thống kê THADS đối với các đơn vị đã có đầy đủ dữ liệu trên phần mềm theo đề nghị bằng văn bản của Thủ trưởng đơn vị. Thông tư cũng quy định Chi cục trưởng, Cục trưởng chỉ đạo in bản lưu tại đơn vị vào ngày khóa sổ và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, kịp thời của số liệu trong các báo cáo được in từ phần mềm. Đồng thời, thời hạn gửi báo cáo thống kê cũng đã được điều chỉnh theo hướng chấp hành viên, cơ quan THADS, có trách nhiệm gửi báo cáo thống kê cho thủ trưởng đơn vị nơi công tác, Cục Thi hành án dân sự, Tổng cục THADS sớm hơn so với trước đây, từ chậm nhất trước 02 ngày của kỳ báo cáo kế tiếp (đối với chấp hành viên), 04 ngày (đối với chi cục THADS), 07 ngày (đối với Cục THADS) theo quy định trước đây xuống tương ứng còn 01 ngày, 02 ngày và 04 ngày.
Hai là, Thông tư số 06/2019/TT-BTP bổ sung, thay thế quy định thanh tra thống kê bằng quy định về thẩm tra thống kê, cụ thể việc thẩm tra thống kê THADS bao gồm các nội dung: Số liệu thống kê, bảng phân tích số liệu thống kê; nguồn số liệu thống kê; phương pháp tính số liệu thống kê; các báo cáo về số liệu thống kê; dữ liệu điện tử THADS và các số liệu khác liên quan đến thống kê THADS. Việc điều chỉnh, bổ sung quy định thẩm tra thống kê thay thế cho quy định về thanh tra thống kê để bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể là quy định tại khoản 1 Điều 67 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS về trách nhiệm của thẩm tra viên trong việc thẩm tra thống kê, báo cáo, dữ liệu về THADS.
Ba là, về cách tính số liệu thống kê: Thông tư số 06/2019/TT-BTP quy định số việc và số tiền đã chuyển sang sổ theo dõi riêng không được tính vào số việc/tiền chưa có điều kiện thi hành và cũng không được tính vào tổng số việc/tiền đã giải quyết, số việc/tiền năm trước chuyển sang và tổng số việc/tiền phải thi hành.
- Về việc chưa có điều kiện thi hành được xác định như sau: (1) Là việc cơ quan THADS đã ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án theo quy định tại Điều 44a Luật THADS (trừ số đã chuyển sổ theo dõi riêng); (2) Việc thi hành án mà người phải thi hành án có tài sản, nhưng tài sản đã được đảm bảo cho việc thi hành một nghĩa vụ khác mà đã xác định được số tiền còn lại không đủ để thi hành án hoặc tài sản đang bị cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế hình sự, biện pháp khẩn cấp tạm thời để đảm bảo xét xử và thi hành cho nghĩa vụ khác; (3) Việc thi hành các khoản thu cho Nhà nước trong trường hợp thi hành bản án, quyết định của Tòa án có xử lý tài sản bảo đảm thi hành khoản nợ xấu trong thời gian thực hiện thí điểm theo quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội, nếu giá trị tài sản không đủ hoặc chỉ vừa đủ thi hành khoản thu cho tổ chức tín dụng mà người phải thi hành án không có tài sản nào khác và tổ chức tín dụng cũng không đồng ý trích một phần để thi hành khoản thu cho ngân sách nhà nước.
- Về tiền chưa có điều kiện thi hành (trừ số tiền đã chuyển sổ theo dõi riêng) được xác định mở rộng hơn so với trước đây gồm 4 loại như sau: (1) Là số tiền được xác định theo quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án theo quy định tại Điều 44a Luật THADS; (2) Số tiền còn phải thi hành sau khi Chấp hành viên xử lý tài sản của người phải thi hành án hoặc sau khi người được thi hành án nhận tài sản để trừ vào tiền thi hành án. (3) Số tiền của việc thi hành các khoản thu cho Nhà nước trong trường hợp thi hành bản án, quyết định của Tòa án có xử lý tài sản bảo đảm thi hành khoản nợ xấu trong thời gian thực hiện thí điểm theo quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội, nếu giá trị tài sản không đủ hoặc chỉ vừa đủ thi hành khoản thu cho tổ chức tín dụng mà người phải thi hành án không có tài sản nào khác và tổ chức tín dụng cũng không đồng ý trích một phần tiền để thi hành khoản thu cho ngân sách nhà nước; (4) Số tiền còn phải thi hành sau khi đối trừ giá trị tài sản tại thời điểm báo cáo mà đã giảm giá lần thứ hai không có người tham gia đấu giá, trả giá hoặc bán đấu giá không thành.
Đặc biệt, việc quy định về tiền chưa có điều kiện thi hành ở loại số (3) và số (4) nêu trên là rất mới và rất cần thiết được áp dụng thực hiện vì có khả năng làm tăng trưởng rất lớn về tỷ lệ thi hành án về tiền.
Tóm lại, có thể khẳng định rằng: Thông tư số 06/2019/TT-BTP được ban hành là một bước hoàn thiện thể chế hóa kịp thời về chế độ báo cáo thống kê trong THADS; đã sửa đổi, bổ sung các quy định quan trọng, phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành như: Luật Tố tụng Hành chính năm 2015, Luật Thống kê năm 2015, Nghị định số 97/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia,
Nghị định số 60/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ quy định chi tiết nội dung báo cáo thống kê cấp quốc gia..., làm nền tảng, cơ sở pháp lý hữu hiệu, khả thi cho công tác thống kê THADS, tạo nhiều thuận lợi cho hoạt động thống kê của chấp hành viên và các cơ quan THADS các cấp, đảm bảo sự đầy đủ và chính xác của số liệu, kết quả thống kê THADS, đồng thời cũng góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo điều hành của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực THADS.