Sign In

75 năm Xây dựng và Trưởng thành của Hệ thống Thi hành án dân sự nói chung và Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai nói riêng (19/7/1946 - 19/7/2021)

15/07/2021

75 năm Xây dựng và Trưởng thành của Hệ thống Thi hành án dân sự nói chung và Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai nói riêng (19/7/1946 - 19/7/2021)
 
 75 năm Xây dựng và Trưởng thành của Hệ thống Thi hành án dân sự nói chung và Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai nói riêng
(19/7/1946 - 19/7/2021)
 
 
 
 
Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, để khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác xét xử và thi hành án dân sự, ngày 24/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 13/SL, quy định về tổ chức các Tòa án và các ngạch Thẩm phán, trong đó, Khoản 3, Điều 3 của Sắc lệnh quy định: Ban Tư pháp xã có quyền “Thi hành những mệnh lệnh của các Thẩm phán cấp trên”. Đây chính là văn bản pháp lý đầu tiên đánh dấu sự ra đời về tổ chức và hoạt động của ngành Thi hành án dân sự trong chế độ mới. Tiếp đến, ngày 19/7/1946 Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 130/SL quy định về thể thức thi hành mệnh lệnh hoặc bản án của Tòa án, đây là văn bản của Nhà nước ta quy định riêng về thi hành án dân sự và cơ quan có thẩm quyền thi hành án dân sự đánh dấu sự hình thành ngành Thi hành án dân sự,
Trải qua các thời kỳ, giai đoạn lịch sử phát triển khác nhauHệ thống Thi hành án dân sự đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Nhìn lại lịch sử phát triển của Hệ thống Thi hành án dân sự 75 năm qua cho thấy Hệ thống Thi hành án dân sự đã từng bước phát triển và lớn mạnh không ngừng cả về quy mô, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức, Những thành tựu nổi bật về kết quả thi hành án dân sự.
Những dấu mốc quan trọng về quá trình hình thành và phát triển của Ngành THADS được thể hiện qua các giai đoạn :
Giai đoạn Từ năm 1945 đến năm 1950 hoạt động thi hành án dân sự đã trở thành một lĩnh vực công tác của ngành Tư pháp, do Thừa phát lại và Ban Tư pháp xã - một đơn vị, tổ chức của chính quyền cách mạng, gắn liền với Toà án và hoạt động xét xử thực hiện. Thời kỳ này, mặc dù cơ cấu tổ chức còn rất đơn giản, số lượng cán bộ ít và nghiệp vụ còn nhiều hạn chế,  song Ban tư pháp xã và Thừa phát lại đã có nhiều cố gắng trong việc thi hành những bản án, mệnh lệnh của thẩm phán, góp phần bảo đảm pháp chế của Nhà nước cách mạng Việt Nam, đặt nền móng cho Thi hành án dâ sự sau này. Từ năm 1950 đến năm 1960, việc thi hành án dân sự được giao cho Thẩm phán huyện thực hiện dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chánh án. Sau khi Hiến pháp năm 1959 ra đời. Công tác Thi hành án tiếp tục có thêm bước phát triển mới, đó là tại các Tòa án Nhân dân đã có nhân viên chấp hành án chuyên trách thực hiện nhiệm vụ thi hành án dân sự.
  Giai đoạn từ năm 1981 đến 1993: Sau khi được tái lập ngày 22/11/1981, Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ quản lý Toà án địa phương, trong đó có công tác thi hành án dân sự (Vụ Quản lý Toà án). Tại các Toà án nhân dân cấp tỉnh có Phòng thi hành án cấp huyện có Chấp hành viên hoặc cán bộ làm công tác thi hành án nằm trong cơ cấu bộ máy và biên chế của Toà án.
Ngày 28 tháng 8 năm 1989, Pháp lệnh Thi hành án dân sự - một hình thức văn bản pháp lý có hiệu lực cao nhất, lần đầu tiên đã được ban hành, đặt cơ sở pháp lý cho việc tăng cường, hoàn thiện tổ chức và hoạt động thi hành án dân sự. Trên cơ sở đó, quy chế Chấp hành viên đã được ban hành kèm theo Nghị định số 68/HĐBT ngày 06 tháng 3 năm 1990 của Hội đồng Bộ trưởng. Theo quy định của pháp lệnh thi hành án dân sự năm 1989 và quy chế Chấp hành viên thì chỉ có Chấp hành viên là người được Nhà nước giao trách nhiệm thi hành các bản án, quyết định của Tòa án. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Chấp hành viên do Bộ trưởng Bộ tư pháp quyết định theo đề nghị của Chánh án Tòa án Nhân dân địa phương, vào thời gian này, cơ chế thi hành án, đội ngũ cán bộ làm công tác thi hành án cũng không ngừng được cũng cố và tăng cường. Tuy nhiên, sự chỉ đạo điều hành công tác thi hành án vẫn chưa được thay đổi phù hợp, mọi quyết định quan trọng trong thủ tục thi hành án đều thuộc thẩm quyền của Chánh án, trọng tâm của Tòa án là xét xử nên một thời gian dài tổ chức hoạt động thi hành án chưa được quan tâm đầy đủ.
 Giai đoạn từ năm 1993 đến nay, trên cơ sở Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 21/4/1993 và Nghị định số 30/CP ngày 02/6/1993 của Chính phủ, kể từ ngày 01/7/1993 hệ thống tổ chức thi hành án dân sự được xây dựng theo cơ cấu từ Trung ương đến cấp huyện, do Chính phủ thống nhất quản lý và chỉ đạo. Các cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện, từ chỗ là Phòng Thi hành án thuộc Sở Tư pháp, Đội Thi hành án thuộc Phòng Tư pháp các phòng thi hành án cấp quân khu và tương đương. Ở Trung ương, Cục quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ tư pháp có nhiệm vụ tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ tư pháp quản lý tổ chức, chỉ đạo hoạt động thi hành án dân sự trong phạm vi toàn quốc.
Trong thời gian này, công tác thi hành án dân sự càng trở nên nặng nề hơn. Các cơ quan thi hành án dân sự được bổ sung nhiệm vụ tổ chức thi hành các bản án, quyết định về kinh tế, lao động, quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp, giá trị tiền, tài sản phải thi hành ngày càng lớn, tính chất ngày càng phức tạp. Tuy nhiên, với tinh thần khăc phục những khó khăn, thử thách mới, ngành tư pháp nói chung và hệ thống thi hành án dân sự nói riêng đã có nhiều nổ lực vượt bậc. Nhờ đó, công tác thi hành án dân sự trong giai đoạn này đã đạt được những kết quả quan trọng.  
Ngày 14/01/2004, Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 với nhiều đổi mới quan trọng về thi hành án dân sự, trên cơ sở của Pháp lệnh 2004, ngày 11/4/2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 50/2005/NĐ-CP. Theo đó, Các cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện, từ chỗ là Phòng Thi hành án thuộc Sở Tư pháp, Đội Thi hành án thuộc Phòng Tư pháp trở thành hệ thống cơ quan tương đối độc lập. Thi hành án dân sự cấp tỉnh là cơ quan chịu sự quản lý, chỉ đạo của Bộ Tư pháp. Thi hành án dân sự cấp huyện trực thuộc và chịu sự quản lý, chỉ đạo của Thi hành án dân sự cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện. Đội ngũ cán bộ thi hành án dân sự tiếp tục được cũng cố, kiện toàn cả về số lượng lẫn chất lượng. Cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, kinh phí hoạt động của các cơ quan thi hành án dân sự được tăng cường. Nhờ đó công tác thi hành án dân sự ngày càng có sự chuyển biến tích cực, kết quả thi hành án về việc và tiền năm sau cao hơn năm trước, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, giữ vững trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Để tiếp tục củng cố và hoàn thiện về tổ chức, bộ máy và cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thúc đẩy công tác thi hành án dân sự ngày càng hiệu quả, ngày 14/11/2008, Quốc hội khoá 12 đã thông qua Luật Thi hành án dân sự năm 2008. Ngày 09/9/2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2009/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự. Theo đó, ở trung ương, Tổng cục thi hành án dân sự là cơ quan trực thuộc Bộ tư pháp. Cấp tỉnh có Cục thi hành án dân sự là cơ quan trực thuộc Tổng cục thi hành án dân sự và cấp huyện có Chi cục thi hành án dân sự trực thuộc Cục thi hành án dân sự tỉnh. Từ những văn bản pháp lý trên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trải qua các thời kỳ, giai đoạn lịch sử phắt triển khác nhau, hệ thống thi hành án dân sự đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng và công cuộc xây dựng, bảo vệ tổ quốc Việt Nam XHCN.
Nhìn lại lịch sử hình thành, xây dựng và phát triển có thể thấy hệ thống thi hành án dân sự đã từng bước phát triển và lớn mạnh không ngừng, những thay đổi về tổ chức, những thành tựu và cả những hạn chế đã để lại bài học quý giá cho hiện tại và tương lai của Hệ thống thi hành án dân sự, song dù ở bất cứ thời điểm nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào, cán bộ, công chức ngành thi hành án dân sự vẫn đoàn kết, sáng tạo và nổ lực phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Kết quả thi hành án về việc và tiền nhìn chung đều vượt chỉ tiêu đề ra, tăng dần qua từng giai đoạn, số việc còn phải thi hành chuyển ký sau giảm đáng kế, công tác giải quyết khiếu nại tố cáo dần được kiểm soát và đi vào hoạt động có nề nếp, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và pháp chế XHCN, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và nhà nước, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam XHCN.
Những thành tựu đạt được của Ngành THADS tỉnh Đồng Nai
Cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai được thành lập theo Quyết định số 380/QĐ-THA ngày 08/6/1993 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, trên cơ sở tách ra từ Phòng Thi hành án thuộc Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai. Với hệ thống Đội thi hành án cấp huyện trực thuộc bao gồm 08 đơn vị cấp huyện.
Về tổ chức bộ máy: kể từ khi bàn giao, tổng số cán bộ, công chức toàn tỉnh là 45 người, trong đó có 16 chấp hành viên, phòng thi hành án dân sự tỉnh có 12 người, với 4 chấp hành viên, phần lớn cán bộ, công chức cơ quan thi hành án là cán bộ, công chức của Tòa án chuyển sang và công chức mới tuyển dụng chưa qua đào tạo, thậm chí nhiều công chức mới vào ngành mới tốt nghiệp trung học sơ sở, tuổi đời còn rất trẻ, chưa có kinh nghiệm về chuyên môn do vậy chất lượng thi hành án dân sự không đáp ứng được yêu cầu và mục đích đã đặt ra, do đó kết quả thi hành án nhiều năm liền đạt kết quả chưa cao.
28 năm qua, ngành Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai đã có sự lớn mạnh vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, bộ máy toàn tỉnh có 01 Cục và 11 Chi cục đã được thành lập. Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai, hiện nay toàn Cục có 188/195 biên chế.
Về cơ cấu cán bộ: Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai có 94 Chấp hành viên (trong đó: 01 Chấp hành viên cao cấp, 23 Chấp hành viên trung cấp, 70 Chấp hành viên sơ cấp), 12 Thẩm tra viên, 37 Thư ký thi hành án và Thư ký trung cấp thi hành án, 09 chuyên viên, 13 kế toán viên và 23 công chức khác. Có 06 công chức có trình độ thạc sỹ; 180 công chức có trình đại học và 02 công chức khác; có 51 công chức có trình độ cử nhân và cao cấp lý luận chính trị, 66 công chức có trình độ trung cấp lý luận chính trị; quản lý nhà nước: 01 chuyên viên cao cấp, 07 chuyên viên chính, 89 chuyên viên.
Cục THADS tỉnh Đồng Nai có 05 phòng chuyên môn và 11 Chi cục trực thuộc, cụ thể:
- Lãnh đạo Cục: Cục trưởng, 02 Phó Cục trưởng,
- Lãnh đạo các phòng chuyên môn: Có 04/05 Phòng có Trưởng phòng và 01 Phó trưởng phòng giao phụ trách  
Lãnh đạo Chi cục THADS: có 11/11 Chi cục đã có Chi cục trưởng và 17 Phó Chi cục trưởng.
Về kết quả thi hành án
Qua mỗi giai đoạn, số lượng án thụ lý mới liên tục tăng cao, đặc biệt là từ năm 2008 đến nay, do tác động của khủng hoảng kinh tế nên số việc, tiền thụ lý mới tăng một cách đột biến, bất thường nhưng với quyết tâm của toàn thể cán bộ, công chức trong Ngành Thi hành án dân sự tỉnh, nên đã đạt được kết quả đáng phấn khởi. Trước đây năm 1993, khi nhận bàn giao số lượng án tồn đọng được Tòa án bàn giao sang các cơ quan thi hành án để tiếp tục tổ chức thi hành là 9.506 việc với tổng số tiền phải thi hành gần 12 tỷ đồng và nhiều tài sản khác.
Sau 28 năm kết quả công tác thi hành án dân sự đã có sự chuyển biến tích cực được thể hiện qua tỷ lệ thi hành án về việc, về giá trị. Kết quả thi hành án về việc từ năm 1993 đến năm 2020 đã thụ lý 314.783 việc và 25.618.753.504.000đồng. Kết quả thi hành án về việc và tiền đều tăng cao và vượt chỉ tiêu do Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh giao. 
 
 
Về cơ sở vật chất:
Vào thời điểm tháng 07/1993 khi bàn giao công tác thi hành án dân sự từ Toà án sang thì trụ sở, phương tiện làm việc hầu như không có gì để bàn giao vì bản thân Tòa án khi đó hết sức khó khăn, thiếu thốn. Ngay sau khi tiếp nhận bàn giao, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện đã quan tâm bố trí ngay trụ sở cho các cơ quan thi hành án dâ sự, đây chỉ là sự khắc phục trước mắt, tạm thời để đảm bảo cho các cơ quan thi hành án dân sự đi vào hoạt động. Trụ sở một số cơ quan thi hành án dân sự huyện nằm chung với phòng Tư pháp, cá biệt có đơn vị phải thuê nhà dân bên ngoài làm trụ sở thi hành án trong nhiều năm liền như Thi hành án dân sự huyện Thống Nhất. Kho tang vật vẫn phải gửi nhờ kho Tòa án, thiết bị làm việc văn phòng như máy vi tính, pho to được trang cấp rất hạn chế, cán bộ pháp lý, kế toán, chấp hành viên thao tác nghiệp vụ chủ yếu bằng hình thức viết tay.
Đến nay cơ sở vật chất trang thiết bị đã được đầu tư, đổi mới căn bản, có 11 /11 trụ sở Chi cục được xây dựng mới, trong đó có Chi cục THADS thành phố Biên Hòa đã được xây dựng và đưa vào sử dụng vào ngày 19/7/2017. Các Chi cục THADS dân sự cấp huyện được cải tạo nâng cấp, có 03/11 Chi cục có kho vật chứng, hầu hết cán bộ công chức được trang bị máy tính làm việc, Cục Thi hành án dân sự tỉnh và các Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện được trang bị đầy đủ phương tiện làm việc với 14 xe ô tô và trên 15 xe máy các loại để phục vụ công tác và cưỡng chế, vận chuyển tang vật.
Thể chế pháp luật về thi hành án được ban hành ngày càng hoàn thiện góp phần tạo khung pháp lý cho tổ chức hoạt động thi hành án, đặc biệt Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 06/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác thi hành án dân sự và Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BTP-BCA-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 19/ 5/2016 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao Quy định hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự.
Một trong những kết quả quan trong công tác thi hành án dân sự 28 năm qua đó là đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể và công dân về công tác thi hánh án dân sự. Hoạt động thi hành án dân sự đã được coi là một trong các nhiệm vụ chính trị quan trọng được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm. Ban chỉ đạo thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện được củng cố, kiện toàn và hoạt động ngày càng hiệu quả, nhất là sau bầu cử Quốc hội khóa XIII và Hội đồng nhân dân cấc cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016. Thông tư liên tịch số 14/2011/TTLT-BTP-BCA-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 11/7/2011 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tạo hành lang pháp lý cho Ủy ban nhân dân thực hiện tốt hơn nhiệm vụ quyền hạn của mình trong công tác thi hành án dân sự, nhất là trong chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự trên địa bàn và chỉ đạo trong việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
 Những danh hiệu và hình thức khen thưởng của các cá nhân, tập thể trong ngành Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai đã đạt được trong thời gian qua
Với những thành tích và đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tính riêng từ năm 1993 trở lại đây, nhiều tập thể và cá nhân trong ngành Thi hành án dân sự Tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp và UBND tỉnh tặng thưởng bằng khen. Về danh hiệu thi đua: Có 15 lượt tập thể được tặng Cờ thi đua cấp Bộ, Ngành, tỉnh; 126 lượt cá nhân được công nhận Chiến sĩ thi đua cấp Bộ, Ngành, tỉnh và nhiều danh hiệu và hình thức khen thưởng khác.
Do vậy để ghi nhận thành tích vẻ vang của ngành và động viên các thế hệ cán bộ, công chức và người làm công tác thi hành án dân sự tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, ngày 05/3/2013 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 397/QÐ-TTg lấy ngày 19/7 hàng năm là "Ngày Truyền thống Thi hành án dân sự". Với những lý do, ngày 19/7 là ngày Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 130/SL, tháng 7 hàng năm gắn liền với nhiều sự kiện quan trọng liên quan đến công tác thi hành án dân sự, như: Tháng 7/1993, hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự được chuyển giao từ Tòa án sang các cơ quan của Chính phủ, trở thành một hệ thống độc lập; tháng 7/2004, Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 có hiệu lực thi hành; tháng 7/2009 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 có hiệu lực thi hành. Chính vì vậy, tháng 7 nói chung và ngày 19/7 nói riêng có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với các thế hệ cán bộ, công chức và người làm công tác thi hành án dân sự trước đây, hiện tại và sau này.
Ðây là nguồn động viên, cổ vũ lớn lao để cán bộ, công chức, người lao động trong ngành Thi hành án dân sự hôm nay tiếp bước truyền thống các thế hệ  đi trước vượt mọi khó khăn phấn đấu hoàn thành tốt hơn nữa công tác thi hành án dân sự, góp phần thiết thực vào thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh".
Nguyễn Ngọc Cưỡng – Chánh Văn Phòng Cục THADS tỉnh Đồng Nai.
Link youtube: https://www.youtube.com/watch?v=fWZ3-yF2rjg
 

Các tin đã đưa ngày: