Sign In

MỘT SỐ Ý KIẾN BÀN VỀ CÔNG TÁC PHỐI HỢP TRONG THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

18/07/2019

Công tác Thi hành án dân sự là giai đoạn cuối cùng của quá trình bảo vệ quyền lợi dân sự, các Bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật phải được đưa ra thi hành một cách nghiêm minh và đúng pháp luật, tạo sự công bằng trong xã hội, góp phần giữ vững an toàn trật tự, ổn định an ninh chính trị.
Bản án, quyết định đưa ra thi hành có hiệu quả là do sự tổ chức thi hành của cơ quan thi hành án dân sự một cách quyết liệt và chặt chẽ, nhân tố quyết định trong quá trình tổ chức thi hành án có kết quả là Chấp hành viên.Trong quá trình tổ chức thi hành án, Chấp hành viên sẽ có sự tác động trực tiếp đến tài sản, nhân thân của đối tượng thi hành án nên không tránh khỏi những chống đối, thậm chí xâm hại đến nhân phẩm, tính mạng, sức khỏe của Chấp hành viên, nên cần có sự phối của các ngành, các cấp, nhất là cơ quan bảo vệ pháp luật, đảm bảo tác nghiệp của Chấp hành viên được an toàn, hiệu quả.
Đặc thù của công tác thi hành án dân sự là cần có sự phối hợp, hỗ trợ của các các cơ quan quản lý, các cơ quan bảo vệ pháp luật, của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và chính quyền cơ sở. Trong thi hành án dân sự, phối hợp có hiệu quả không chỉ cho phép cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên giải quyết tốt công việc thuộc chức năng, thẩm quyền của mình, mà còn có thể giải quyết được những vấn đề khó khăn, phức tạp vượt ngoài khả năng và thẩm quyền của mình, những vấn đề đột xuất, cấp bách, những trọng tâm, ưu tiên đòi hỏi phải huy động nhiều nguồn lực bên ngoài mới có thể giải quyết được một cách có hiệu quả.
Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động thi hành án dân sự cho thấy, không phải lúc nào và ở đâu, sự phối hợp cũng phát huy tác dụng tích cực, mà có lúc sự phối hợp có cả tác dụng tiêu cực cản trở quá trình thi hành án hoặc làm ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Nếu sự phối hợp vượt quá nhu cầu cần thiết, đến mức bị lạm dụng thì sự phối hợp lúc đó sẽ trở nên phản tác dụng, làm nảy sinh những vấn đề tiêu cực trong quá trình tổ chức thi hành án và trong quản lý thi hành án dân sự, dẫn đến việc hạn chế sự phát triển và hoàn thiện các năng lực quản lý của cơ quan Thi hành án dân sự, đó chính là việc đùn đẩy trách nhiệm phối hợp được quy chế hóa một cách quá mức, quá nhấn mạnh nhu cầu phối hợp mà không tính đến việc phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm cụ thể, thì khi đó phối hợp có thể bị lạm dụng, tạo ra sự áp đặt đối với cơ quan, tổ chức có trách nhiệm phối hợp.
Do đó, để phối hợp có hiệu quả, quá trình xây dựng và thực hiện các quan hệ phối hợp trong thi hành án dân sự đòi hỏi phải đáp ứng và tuân thủ các yêu cầu đối với công tác phối hợp trong thi hành án dân sự.
Một là, phù hợp chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan Thi hành án dân sự, Chấp hành viên và các cơ quan hữu quan trong mối quan hệ phối hợp; Hai là, xây dựng được mối quan hệ tương tác giúp đỡ, bổ trợ nhau trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các bên tham gia phối hợp; Ba là, đa phương, đa dạng, có trọng tâm; Bốn là, tránh lạm dụng quan hệ phối hợp nhằm gây thiệt hại tới quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, cá nhân, tổ chức; Năm là, phải có kế hoạch, có người chủ trì, người chịu trách nhiệm đối với từng phần công việc, không đùn đẩy trách nhiệm thông qua phối hợp thi hành án; Sáu là, đảm bảo sự kết hợp hoạt động giữa cơ quan Thi hành án dân sự và các cơ quan hữu quan một cách hài hòa, đồng bộ nhằm đạt mục tiêu đề ra. Bảy là, thường xuyên, liên tục, ổn định. Tám là, phù hợp chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi hành án dân sự.
Để đảm bảo phát huy hiệu quả công tác phối hợp trong thi hành án dân sự, cơ quan Thi hành án dân sự, Chấp hành viên phải thiết lập và duy trì được mối quan hệ tốt với các cơ quan hữu quan nhằm giải quyết tốt các nội dung phối hợp.
Trực tiếp thiết lập mối quan hệ chính thức với cơ quan hữu quan, Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự, Chấp hành viên trực tiếp gặp gỡ thiết lập mối quan hệ thông qua các cuộc gặp chính thức.
Ngoài ra cũng có thể thiết lập mối quan hệ gián tiếp thông qua các cuộc gặp gỡ không chính thức, thông qua giao tiếp bằng văn bản, giấy tờ.
Trong quan hệ phối hợp, Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự, Chấp hành viên phải chủ động và thận trọng trong giao tiếp, ứng xử vì thái độ không lịch sự, cởi mở, cứng nhắc sẽ ảnh hưởng rất lớn trong việc duy trì mối quan hệ.
Luôn lấy công việc làm gốc, giữ đúng vị trí, vai trò quan trọng trong từng mối quan hệ; tôn trọng và lắng nghe ý kiến đóng góp; có tinh thần cầu thị và chia sẽ; lịch sự và có văn hóa, thái độ chân thành nhưng phải giữ nguyên tắc, giải quyết công việc đơn giản nhưng không bỏ qua thủ tục, nhất là không tạo ra xung đột để hiệu quả phối hợp không cao và sẽ khó trong mối quan hệ về sau.
Thường xuyên giữ mối quan hệ, hợp tác trong thục hiện nhiệm vụ, xây dựng quy chế phối hợp.
Để công tác Thi hành án dân sự ngày càng hoạt động có hiệu quả, đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, các cơ quan, tổ chức, cá nhân, tạo được niềm tin trong Nhân dân, thì công tác phối hợp trong thi hành án dân sự đóng vai trò quan trọng hàng đầu./.
 
  
                                                                                                                     Lê Thanh Giang
                                                                                                 Chi cục Thi hành án dân sự huyện Châu Thành

Các tin đã đưa ngày: