Kết quả công tác thi hành án dân sự 10 tháng năm 2015 và một số kinh nghiệm tổ chức thi hành án tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Vĩnh Bảo
Thi hành án dân sự là hoạt động có tính chất đặc thù riêng trong hệ thống các cơ quan tư pháp, chức năng và nhiệm vụ của các cơ quan thi hành án dân sự là thi hành phần dân sự được quyết định trong các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Thực tế cho thấy việc thi hành án dân sự không hề đơn giản, không ít các vụ việc phức tạp trong quá trình tổ chức thi hành cần vận dụng rất nhiều quy định pháp luật của nhiều ngành khác nhau. Vì thế, để giải quyết được những vụ việc phức tạp cần phải có sự chỉ đạo của các cơ quan ngành cấp trên, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sự đồng thuận, phối hợp của các cơ quan, ban ngành liên quan. Trong thời gian vừa qua, tại huyện Vĩnh Bảo đã có những vụ việc rất phức tạp, kéo dài nhiều năm song Chi cục Thi hành án dân sự huyện vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm do gặp nhiều vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành. Trên cơ sở báo cáo của Chi cục, dưới sự chỉ đạo về nghiệp vụ của Cục Thi hành án dân sự thành phố, cùng sự quan tâm vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương đã chỉ đạo Chi cục Thi hành án dân sự huyện Vĩnh Bảo phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan, tổ chức thi hành thành công những vụ việc này. Kết quả đạt được góp phần nâng cao hiệu quả công tác của Chi cục trong năm 2015, qua đó rút ra một số bài học kinh nghiệm thực tiễn như sau:
* Kết quả thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ được giao:
Theo báo cáo thống kê 10 tháng (tính từ 31/9/2014-31/7/2015) Chi cục Thi hành án dân sự huyện Vĩnh Bảo phải thi hành tổng số 430 việc, với số tiền phải giải quyết là 10.100.129.000 đồng; đã giải quyết xong theo quy định của pháp luật 281 việc, với số tiền là 6.059.289.000 đồng; số việc còn lại chuyển kỳ sau là 149 việc, với số tiền phải giải quyết là 4.040.840.000 đồng; đạt 88 % về việc và 74 % về tiền trên tổng số việc và tiền có điều kiện thi hành.
Kết quả trên cho thấy, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Vĩnh Bảo đã bám sát chỉ đạo chung của ngành, tập trung lực lượng tổ chức thi hành án, khắc phục khó khăn quyết tâm đạt và vượt chỉ tiêu nhiệm vụ được giao trong năm. Trong khi hiện nay, Chi cục chỉ có 02 Chấp hành viên trên tổng số 10 biên chế được giao, với địa bàn hoạt động rộng, toàn huyện có 30 đơn vị cấp xã, kinh tế chủ yếu là làm nông nghiệp. Việc tổ chức thi hành số lượng việc hàng năm luôn gặp khó khăn do lực lượng chấp hành viên còn thiếu, tuy nhiên sau khi được kiện toàn về tổ chức, lãnh đạo Chi cục đã họp tiến hành phân loại hồ sơ một cách chi tiết, cụ thể và đề ra hướng giải quyết đối với từng hồ sơ để tố chức thi hành hiệu quả, nhất là những vụ việc điểm, việc khó thi hành. Cùng với sự vào cuộc của các cấp lãnh đạo, ban ngành địa phương, sự cố gắng, nỗ lực của tập thể lãnh đạo, công chức Chi cục trong thời gian qua, chắc chắn năm 2015 Chi cục Thi hành án dân sự huyện Vĩnh Bảo tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn.
* Một số bài học kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thi hành.
- Phải tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc tổ chức thi hành các vụ việc khó khăn, phức tạp, việc có số thu lớn. Đối với cơ quan thi hành án dân sự với đặc thù là cơ quan thuộc ngành dọc thì vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương là cực kỳ quan trọng, quyết định đến thành công của công tác thi hành án dân sự.
- Không ngừng tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong việc thi hành án dân sự. Để giải quyết một vụ việc thi hành án dân sự cần nắm bắt rất nhiều thông tin của đương sự như: Nơi cư trú, làm việc, nhân thân, điều kiện kinh tế, các mối quan hệ xã hội…. Vì vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan để nắm bắt thông tin kịp thời, chính xác, tránh việc đương sự tẩu tán tài sản, giúp giải quyết việc thi hành án được nhanh gọn và đạt kết quả cao.
- Thực hiện tốt sự chỉ đạo của Cục Thi hành án dân sự thành phố, sự thống nhất trong tập thể lãnh đạo Chi cục, sự đoàn kết trong toàn thể cán bộ, chấp hành viên Chi cục và nêu cao vai trò, trách nhiệm, gương mẫu của người đứng đầu cơ quan.
- Tuyên truyền pháp luật về thi hành án dân sự: việc hiểu biết sâu, rộng các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự của nhân dân nói chung, đương sự nói riêng là một trong những yếu tố giúp công tác thi hành án đạt kết quả cao; giúp người dân hiểu sâu, hiểu đúng về thi hành án dân sự, từ đó thay đổi tư duy nhận thức, tự nguyện thi hành phần nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật.
- Tích cực và nâng cao kỹ năng vận động, thuyết phục của chấp hành viên, cán bộ thi hành án đối với đương sự hoặc thân nhân đương sự, nhất là những người có uy tín, có ảnh hướng lớn đối với đương sự thi hành hoặc thi hành thay nghĩa vụ dân sự của đương sự.
- Phân loại hồ sơ thi hành án một cách chính xác, cụ thể để tìm ra giải pháp tổ chức thi hành hữu hiệu nhất, lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo và giám sát việc tổ chức thi hành của Chấp hành viên.
Trên đây là những kinh nghiệm mà Chi cục Thi hành án dân sự huyện Vĩnh Bảo đã áp dụng, xin trao đổi để các đồng nghiệp tham khảo.
Theo Trần Minh Đức - Chi cục THADS sự huyện Vĩnh Bảo