Những năm gần đây, do hậu quả của khủng hoảng kinh tế nên nhiều doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh thua lỗ, thậm chí bị phá sản và không có khả năng thanh toán nợ ngân hàng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho việc thi hành án liên quan đến các tổ chức tín dụng ngày càng tăng về số việc và số tiền phải thi hành. Trong đó, tập trung chủ yếu ở những địa phương có kinh tế phát triển, có làng nghề, kinh doanh buôn bán như: huyện Thạch Thất, huyện Hoài Đức, huyện Chương Mỹ, huyện Đông Anh.
Hiện các vụ việc thi hành án liên quan đến lĩnh vực kinh doanh thương mại chiếm phần lớn tổng số tiền phải thi hành của mỗi đơn vị thi hành án dân sự. Theo thống kê, trong 3 tháng đầu năm công tác 2017, Toàn thành phố đã thụ lý 8.707 việc với tổng số tiền 4.107.938.398.000 đồng. Trong đó, số việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng là 435 việc với tổng số tiền 2.018.068.497.000 đồng, chiếm tỷ lệ 5% về việc nhưng lại chiếm 49% về tiền.
Số tiền phải thi hành lớn nhưng việc giải quyết thi hành án trong lĩnh vực này lại đang gặp rất nhiều khó khăn. Đó là việc xử lý tài sản thế chấp, đặc biệt là nhà, đất. Trong mỗi vụ việc về kinh doanh thương mại, Chấp hành viên phải mất rất nhiều thời gian để làm thủ tục kê biên, thẩm định giá tài sản. Tuy mất nhiều thời gian, nhưng khi thực hiện quy trình bán đấu giá tài sản để lại không hề đơn giản. Phần lớn các tài sản kê biên đảm bảo thi hành án ở án kinh doanh thương mại là nhà, đất. Trong khi nền kinh tế suy giảm, thị trường bất động sản trầm lắng nhiều tài sản đã được giảm giá nhiều lần theo quy định tại Điều 104 của Luật Thi hành án dân sự nhưng vẫn rất khó bán do người dân có tâm lý e ngại khi mua tài sản liên quan đến thi hành án. Chính vì vậy, tài sản kê biên thường không xử lý ngay được dẫn đến lượng án tồn, chuyển kỳ sau lớn.
Trong 3 tháng đầu năm, toàn thành phố đã thi hành xong được 42 việc/ 480.205.500.000 đồng, đình chỉ thi hành: 14 việc/61.506.164.000 đồng; đạt tỷ lệ giải quyết (số thi hành xong và đình chỉ thi hành án trên tổng số có điều kiện thi hành) đạt: 2,34 % về việc và 6,24% về tiền.
Bên cạnh đó, một số quy định của pháp luật về lĩnh vực thi hành án, đặc biệt là văn bản hướng dẫn về trách nhiệm phối hợp của các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội không cụ thể, có khi còn chồng chéo nên khi vận dụng còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, do trình độ hiểu biết và ý thức tuân thủ pháp luật của các bên đương sự, nhất là người phải thi hành án vẫn còn hạn chế dẫn đến thái độ chây ỳ, trốn tránh, trì hoãn thậm chí chống đối việc thi hành án.
Để khắc phục những khó khăn trên, Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội đã đề ra một số giải pháp, biện pháp tổ chức thi hành đối với loại việc thi hành án kinh doanh thương mại như sau:
1.Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc
Cục Thi hành án dân sự thành phố kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo về nghiệp vụ đối với những việc có khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền; thường xuyên tranh thủ sự lãnh đạo của Tổng cục, của Cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo tháo gỡ, những khó khăn vướng mắc và trong công tác phối hợp thi hành án.
Tổ chỉ đạo án tín dụng ngân hàng của Cục tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra việc chấp hành quy trình, thủ tục thi hành án dân sự, việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch đối với việc thi hành án dân sự cho các tổ chức tín dụng.
Tổ chức tập huấn, bỗi dưỡng kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ về kỹ năng thi hành án các vụ án tín dụng, ngân hàng cho Chấp hành viên, Thư ký thi hành án toàn thành phố.
2. Về công tác tổ chức cán bộ
- Thực hiện phân bổ chỉ tiêu Chấp hành viên cho các Chi cục Thi hành án trên địa bàn thành phố phù hợp, đáp ứng hoàn thành chỉ tiêu công tác; kết hợp luân chuyển, điều động, biệt phái đối với cán bộ, công chức nhằm tăng cường lực lượng cho các Chi cục đang có lượng việc phải thi hành án liên quan đến tín dụng, ngân hàng có số lượng lớn về việc và về tiền và khó khăn phức tạp như Chi cục THADS huyện Chương Mỹ, Thạch Thất, Hoài Đức, Phúc Thọ, Đông Anh, Quốc Oai...
3. Một số giải pháp, biện pháp cụ thể khác:
- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp giữa Cục thi hành án dân sự thành phố Hà Nội và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh thành phố Hà Nội trong công tác thi hành án dân sự.
- Thường xuyên rà soát, phân loại hồ sơ để kịp thời phát hiện và khắc phục những tồn tại, thiếu sót trong công tác.
- Tranh thủ sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo THADS các cấp, sự ủng hộ của chính quyền địa phương; tăng cường công tác phối hợp các ngành trong đó phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP Hà Nội trong thi hành án dân sự. Báo cáo Ban Chỉ đạo THADS đề nghị chỉ đạo cưỡng chế giao tài sản một số vụ phức tạp, kéo dài và chỉ đạo công tác phối hợp của Tòa án nhân dân và một số ngành trong công tác THADS.
- Nâng cao kỹ năng chuyên môn cho các Chấp hành viên; Hướng dẫn chỉ đạo về nghiệp vụ kịp thời cho các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc. Qua Công tác hướng dẫn, chỉ đạo ra các văn bản hướng dẫn chung cho các cơ quan THADS toàn thành phố để thực hiện.
- Những việc đang bán đấu giá tài sản phải tích cực, chủ động phối hợp tổ chức bán đấu giá đảm bảo chặt chẽ, đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định để sớm giải quyết dứt điểm vụ việc. Đối với các vụ việc đã bán đấu giá tài sản nhưng chưa tổ chức giao tài sản cho người mua trúng đấu giá, cần lập kế hoạch để tổ chức giao tài sản dứt điểm, không để tồn đọng kéo dài dẫn đến khiếu nại. Đối với các việc THA có tài sản nhưng không tự nguyện THA và phải kê biên, xử lý tài sản thì thực hiện ngay các thủ tục kê biên, xử lý tài sản theo quy định. Các vụ việc có khó khăn, vướng mắc chủ động báo cáo, đề xuất xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên và Ban chỉ đạo thi hành án hoặc đề xuất phối hợp liên ngành thống nhất giải quyết.
Kiều Nhung