Theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 điều 106 Luật Thi hành án sửa đổi, bổ sung năm 2014:
“2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng cho người mua, người nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án. Cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm cung cấp đầy đủ những văn bản, giấy tờ quy định tại khoản 3 Điều này cho người mua tài sản thi hành án, người nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án.
3. Hồ sơ đăng ký chuyển quyền sở hữu, sử dụng gồm có:
a) Văn bản đề nghị của cơ quan thi hành án dân sự;
b) Bản sao bản án, quyết định;
c) Quyết định thi hành án;
d) Quyết định kê biên tài sản, nếu có;
đ) Văn bản bán đấu giá thành hoặc quyết định giao tài sản, biên bản giao nhận tài sản để thi hành án;
e) Giấy tờ khác có liên quan đến tài sản”.
Tại điều 84 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 05 năm 2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai có quy định như sau:
“Điều 84. Trình tự, thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất trong các trường hợp trúng đấu giá quyền sử dụng đất; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai; xử lý hợp đồng thế chấp, góp vốn; kê biên bán đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất để thi hành án; chia, tách, hợp nhất, sáp nhập tổ chức, chuyển đổi công ty; thỏa thuận hợp nhất hoặc phân chia quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình, của vợ và chồng, nhóm người sử dụng đất
1. Người chịu trách nhiệm nộp hồ sơ được quy định như sau:
a) Người nhận quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất nộp hồ sơ đối với trường hợp nhận quyền sử dụng đất theo kết quả giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai; xử lý hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo thỏa thuận; quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành; kết quả đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; chia tách hộ gia đình, nhóm người sử dụng đất;
b) Tổ chức đã thực hiện việc xử lý quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất nộp hồ sơ thay người nhận quyền sử dụng đất đối với trường hợp xử lý hợp đồng thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất không theo thỏa thuận; kê biên bán đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất để thi hành án theo quy định của pháp luật.
2. Việc nộp hồ sơ đăng ký nhận quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thực hiện theo quy định tại Điều 60 và Điều 79 của Nghị định này.
Xem xét quy định trên có thể thấy căn cứ theo điểm b điều 84 Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì có những trường hợp cơ quan Thi hành án phải trực tiếp nộp hồ sơ thay người nhận quyền sử dụng đất và phải tuân theo các trình tự thủ tục quy định tại Điều 60 và Điều 79 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ .
Như vậy, có sự không thống nhất giữa hai điều luật này khi Luật Thi hành án dân sự quy định “Cơ quan Thi hành án có trách nhiệm cung cấp đầy đủ những văn bản, giấy tờ quy định tại khoản 3 Điều này cho người mua tài sản thi hành án, người nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án” tức là cơ quan thi hành án chỉ có trách nhiệm cung cấp các loại giấy tờ theo quy định tại khoản 3 Điều 106 Luật Thi hành án sửa đổi, bổ sung năm 2014 để người mua tài sản, người nhận tài sản tự đi đăng ký chuyển quyền chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản.
Còn theo quy định của điều 84 Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì đối với trường hợp xử lý hợp đồng thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất không theo thỏa thuận; kê biên bán đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất để thi hành án theo quy định của pháp luật. thì Tổ chức đã thực hiện việc xử lý quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất (Cụ thể ở đây là cơ quan thi hành án) nộp hồ sơ thay người nhận quyền sử dụng đất .
Theo đó, Chấp hành viên lại phải lập hồ sơ đăng ký biến động theo đúng yêu cầu của cơ quan đăng ký quyền sử dụng đất. Trên thực tế, ngoài các giấy tờ quy định tại khoản 3 điều 106 Luật Thi hành án sửa đổi, bổ sung năm 2014, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất còn yêu cầu thêm cả các giấy tờ khác. Ví dụ như trong trường hợp đương sự có đơn khiếu nại về việc thi hành án gửi đến Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất lại yêu cầu Chấp hành viên giải trình hoặc cung cấp thêm quyết định giải quyết khiếu nại, công văn trả lời khiếu nại…vv.Việc này gây mất rất nhiều thời gian và công sức của chấp hành viên. Những thủ tục nhiêu khê, phiền hà đồng thời cũng làm nản lòng người trúng đấu giá tài sản thi hành án.
Do vậy, để thuận lợi cho việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản thi hành án cần quy định thống nhất về trách nhiệm nộp hồ sơ đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản thi hành án. Đề nghị xem xét lại quy định “Tổ chức đã thực hiện việc xử lý quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất nộp hồ sơ thay người nhận quyền sử dụng đất” để giảm tải cho Chấp hành viên bởi chỉ riêng quá trình đôn đốc thi hành án đã là một quá trình dài và rất vất vả cho Chấp hành viên .
Thứ hai, cần có sự phối hợp, thống nhất giữa hai cơ quan về các giấy tờ cần thiết trong hồ sơ đăng ký biến động đất đai. Tránh việc cơ quan đăng ký yêu cầu thêm nhiều loại giấy tờ khiến người được thi hành án, người được nhận tài sản…phải đi lại quá nhiều lần. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân trong quá trình đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản thi hành án, đây cũng là một yếu tố góp phần nâng cao chất lượng công tác thi hành án dân sự ở nước ta.
Hoàng Thị Thanh Hoa
Chi cục THADS huyện Phú Xuyên