Sign In

Nữ thủ lĩnh “thép” ngành thi hành án dân sự

30/06/2020

Những ai mới tiếp xúc với đồng chí Nguyễn Thị Hạnh đều bị thu hút bởi sự cởi mở và duyên dáng. Nếu không biết trước, ít ai ngờ người phụ nữ ấy lại là thủ lĩnh của một cơ quan thi hành án dân sự, từng bước đưa Chi cục xếp hạng cuối cùng trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua của ngành thi hành án thủ đô.
 
Huyện Quốc Oai là một huyện thuần nông đang trong quá trình đô thị hóa, lượng án tồn đọng trong nhiều năm, án tín dụng ngân hàng tăng nhanh nhưng bằng kinh nghiệm được tích lũy nhiều năm, đồng chí Hạnh bàn bạc, thống nhất trong ban lãnh đạo, từng bước tháo gỡ vướng mắc, hướng dẫn nghiệp vụ, đôn đốc, động viên các chấp hành viên, cán bộ Chi cục để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Năm 2019, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Quốc Oai đã có thành tích xuất sắc vượt chỉ tiêu của cấp trên, được Bộ trưởng Bộ tư pháp công nhận tập thể lao động xuất sắc. Cùng với thành tích của tập thể, cá nhân đồng chí Hạnh cũng được công nhận Chiến sỹ thi đua cơ sở. Đồng chí Hạnh cho rằng, để đạt được thành tích như vậy, không thể thiếu sự đóng góp của một tập thể đoàn kết, biết sẻ chia và có trách nhiệm.

Nhiều năm gắn bó với ngành thi hành án, đặc biệt lại ở vị trí lãnh đạo, đồng chí Hạnh hiểu rõ được những khó khăn, vất vả của ngành. Người được thi hành án cứ liên tục phản hồi tại sao án có hiệu lực rồi mà quyền lợi họ chưa nhận được, nhiều vụ án người phải thi hành án chống đối quyết liệt, không chịu giao tài sản, người phải thi hành án đang trong trại cải tạo, điều kiện thi hành án không có, khi ra tù thì không có nghề nghiệp, không có khả năng thi hành án.

Đồng chí Hạnh cho rằng phải áp dụng linh hoạt trong trong giải quyết các vụ án khác nhau bởi đặc thù mỗi đương sự có một hoàn cảnh khác nhau và luôn đặt quyền lợi của người dân lên trên hết. Đối với đồng chí Hạnh, giải quyết một vụ việc không đơn thuần là thi hành một Bản án, Quyết định của Tòa án mà còn phải thấu tình, đạt lý. Đồng chí Hạnh luôn luôn cố gắng vận động người phải thi hành án tự nguyện thi hành, đặt mình vào hoàn cảnh của đương sự để hiểu được họ, thấu hiểu được tâm tư, nguyện vọng của đương sự, đảm bảo tốt nhất cho quyền lợi không chỉ của người được thi hành án, người phải thi hành án, mà cả những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Đối với cán bộ, công chức trong đơn vị, đồng chí Hạnh luôn quan tâm tạo điều kiện về mọi mặt, cả về cơ sở vật chất và tinh thần, luôn quan tâm, động viên để cán bộ công chức yên tâm phát huy năng lực, sở trường công tác để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Nhiều người cho rằng, nữ giới làm thi hành án sẽ có nhiều thuận lợi nhưng có rất nhiều nguy hiểm mà người ngoài ngành không thể hiểu được. Có nhiều trường hợp đương sự chống đối quyết liệt, sử dụng cả axit, dao, gậy để chống đối với cán bộ thi hành án. Nhưng với đồng chí “ ai sinh ra cũng sẽ có duyên với một nghề, và khi mình đã chọn nghề nào thì sẽ theo đuổi và phấn đấu hết mình vì nó”.
 
Tác giả: Đỗ Thị Nhàn

Các tin đã đưa ngày: