Thông tư liên tịch này áp dụng đối với cơ quan TAND, VKSND, cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thi hành quyết định của Tòa án giải quyết phá sản.
|
Cục Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa tổ chức cưỡng chế thi hành án
|
Theo đó, Thông tư liên tịch trên hướng dẫn cụ thể thủ tục thi hành quyết định của Tòa án giải quyết phá sản trong các trường hợp:
- Tạm đình chỉ, đình chỉ thi hành án;
- Thi hành án trong trường hợp DN, HTX phá sản là người được thi hành;
- Chuyển giao, ra quyết định thi hành án, thẩm quyền của Chấp hành viên trong việc thi hành quyết định của Tòa án giải quyết phá sản;
- Giải thích quyết định của Tòa án giải quyết phá sản;
- Phí chuyển tiền;
- Ủy thác thi hành án;
- Định giá và định giá lại tài sản;
- Bán tài sản;
- Chấp hành viên giám sát hoạt động của Quản tài viên, DN quản lý, thanh lý tài sản khi thực hiện thanh lý tài sản còn lại của DN, HTX phá sản;
- Xử lý đối với tài sản thanh lý đã tổ chức bán trước khi có quyết định tuyên bố DN, HTX phá sản;
- Giao tài sản, giấy tờ cho người mua được tài sản thanh lý;
- Phân chia tài sản sau khi bán đấu giá tài sản thanh lý;
- Bàn giao tài sản mà Quản tài viên, DN quản lý, thanh lý tài sản không bán được;
- Phí thi hành quyết định của Tòa án giải quyết phá sản;
- Đình chỉ và kết thúc thi hành quyết định tuyên bố phá sản;
- Gửi văn bản yêu cầu Quản tài viên, DN quản lý, thanh lý tài sản thực hiện việc thanh lý tài sản;
- Giải quyết khiếu nại việc thi hành quyết định của Tòa án giải quyết phá sản;
Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản là người được thi hành án theo các bản án, quyết định đã có hiệu lực khác thì cơ quan thi hành án dân sự vẫn tiếp tục tổ chức thi hành theo quy định. Chấp hành viên đồng thời thông báo kết quả thi hành án cho Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản để biết và Thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản để có phương án phân chia tài sản thu được.
Ngoài ra, việc xử lý đối với tài sản thanh lý đã tổ chức bán trước khi có quyết định tuyên bố doanh nghiệp hợp tác xã phá sản được quy định cụ thể tại Thông tư như sau:
Trường hợp Thẩm phán quyết định việc bán tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán sau khi mở thủ tục phá sản để bảo đảm chi phí phá sản theo quy định tại khoản 6 Điều 9 Luật Phá sản nhưng không bán được sau đó Thẩm phán mới ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản và chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành thì Chấp hành viên yêu cầu Quản tài viên tổ chức định giá tài sản theo quy định tại Điều 122,123 Luật Phá sản và bán đấu giá tài sản theo quy định.
Thông tư liên tịch 07/2018/TTLT-BTP-VKSNDTC-TANDTC có hiệu lực từ ngày 01/08/2018.