Sign In

Hội thi Chấp hành viên giỏi Khu vực Đồng bằng Bắc Bộ: Gay cấn các tiết mục tranh tài

01/06/2016

Hội thi là cơ hội để công chức, người lao động trong ngành ôn lại truyền thống, vun đắp tình yêu nghề, tăng cường giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm cũng như nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ.

Nằm trong chuỗi hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Thi hành án dân sự (THADS) (19/7/1946 – 19/7/2016), hôm qua (28/5), tại Học viện Tư pháp đã diễn ra vòng 2 Hội thi cấp Khu vực Đồng bằng Bắc Bộ với cuộc tranh tài đầy sôi nổi, hấp dẫn giữa các Chấp hành viên giỏi đã đạt giải Nhất, Nhì, Ba thuộc 11 tỉnh, thành phố, nhằm lựa chọn 1 đội thi đạt kết quả xuất sắc đại diện cho khu vực tham dự Vòng 3 thi chung kết toàn quốc.
Thêm yêu và gắn bó với nghề
Phát biểu khai mạc Hội thi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho rằng với 70 năm xây dựng và trưởng thành, trải qua không ít những thăng trầm, đến nay lĩnh vực THADS đã góp phần rất quan trọng vào việc thực hiện các nhiệm vụ chung của Bộ, ngành cũng như góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Hội thi là cơ hội để công chức, người lao động trong ngành thi hành án ôn lại truyền thống cũng như vun đắp thêm tình yêu ngành, yêu nghề đồng thời tăng cường giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Để hội thi đạt kết quả cao, Thứ trưởng đề nghị Ban giám khảo công tâm, vô tư, khách quan, thực hiện theo đúng các điều lệ cuộc thi, các thí sinh tham gia cống hiến hết mình.
11 đội thi tham gia thi Vòng 2 khu vực Đồng bằng Bắc Bộ bao gồm các đơn vị đến từ Cục THADS của các tỉnh, thành phố: Ninh Bình, Bắc Ninh, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hà Nam, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên. Mỗi đội sẽ phải trải qua 4 phần thi đó là: thi chào hỏi, trả lời câu hỏi, xử lý tình huống và năng khiếu.
 
 
 
Ngay từ phần thi chào hỏi, các đội thi đã tạo được không khí đầy sôi nổi, hào hứng cho người xem. Gây ấn tượng với hội thi từ giây phút đầu tiên là đội TP.Hà Nội với phần chào hỏi vô cùng khác biệt, mang đậm tính thời sự với “Bản tin thời án” cung cấp cho mọi người những số liệu và thông tin nóng nhất liên quan đến lĩnh vực thi hành án. Ngược lại, đội Hưng Yên lại chọn cách giới thiệu tự nhiên và hài hước bằng tiếng gõ mõ, rao giới thiệu về cuộc thi của nhân vật mẹ Đốp. Chỉ với 5 phút ngắn ngủi nhưng nhờ sự sáng tạo, chuẩn bị công phu, các đội thi không chỉ giới thiệu được bản thân mà còn khéo léo lồng ghép được truyền thống văn hóa, nét đẹp đặc trưng của quê hương mình thông qua những lời hát, điệu múa, tiểu phẩm ngắn.
Sự cạnh tranh quyết liệt giữa các đội thi được thể hiện rõ rệt nhất trong phần thi trả lời câu hỏi. 11 đội được chia thành 3 nhóm (4-4-3) lần lượt lên bốc thăm gói 10 câu hỏi xoay quanh về các nội dung lịch sử, truyền thống ngành THADS, lý thuyết về pháp luật nói chung và nghiệp vụ thi hành án, sau 30 giây mỗi đội phải đưa ra được đáp án của mình. Nhờ hình thức lựa chọn phương án đúng/sai mà các câu hỏi lý thuyết trở nên bớt khô khan và giúp các đội thi dễ ghi điểm cũng như dễ ghi nhớ kiến thức hơn.
 
 
 
Đa dạng màu sắc tranh tài
Ở phần thi xử lý tình huống, mỗi đội thi đã đem tới sân khấu rất nhiều màu sắc đa dạng về cách thể hiện, quan điểm cũng như cách thức giải quyết vấn đề. Phần thi diễn ra hết sức sôi nổi, quyết liệt với các tình huống phong phú như: đội Hải Phòng với việc tổ chức đối thoại giữa các bên đương sự để giải quyết đề nghị của đôi bên hoặc tìm biện pháp vận động hiểu quả người phải thi hành án tự nguyện thi hành là yêu cầu đặt ra trong phần xử lý dành cho các thí sinh đến từ Ninh Bình, Hải Dương. Tuy bối cảnh và cách xử trí khác nhau nhưng thỏa thuận, thuyết phục để đương sự tự nguyện thi hành án vẫn là biện pháp tốt nhất mà Chấp hành viên nên áp dụng là thông điệp chung mà các đội thi này đều muốn gửi gắm.

 
 
Được mong chờ nhất chính là phần thi năng khiếu với các tiết mục được đầu tư kỹ lưỡng về kịch bản, diễn xuất đồng thời được kết hợp khéo léo giữa nghệ thuật và kỹ năng nghiệp vụ, kiến thức chuyên môn. Thông qua câu chuyện tình yêu hài hước, hóm hỉnh của cô gái có người yêu là chấp hành viên trong tiểu phẩm “Lấy chồng Thi hành án” của TP.Hà Nội, mọi người đã phần nào hiểu rõ hơn về những khó khăn, vất vả của những người làm công việc này, từ đó có cách hiểu và cái nhìn cảm thông hơn.
Với tiểu phẩm “Nhà số 5 Phố Mới”, các thí sinh đến từ đội Hải Phòng muốn gửi tới Hội thi thông điệp những người làm thi hành án luôn phải đặt tinh thần thượng tôn pháp luật lên đầu, không để tình cảm cá nhân ảnh hưởng tới công việc. Bằng việc xây dựng các tình tiết đầy tính cám dỗ, gây khó dễ, đội Vĩnh Phúc lại muốn đề cao tinh thần sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, áp lực, không ngừng phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt mọi chỉ tiêu của các Chấp hành viên trong quá trình làm nhiệm vụ…
Trong không khí đầy hứng khởi của cuộc thi, thí sinh Nguyễn Tiến Duy (Thái Bình) hy vọng qua cuộc thi có thể đưa hình ảnh người Chấp hành viên với chức năng, nhiệm vụ mà pháp luật quy định đến gần gũi với công chúng và người dân hơn. Tham gia, cống hiến hết mình cho Hội thi cũng như các hoạt động khác hướng tới Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống của ngành nhưng các thí sinh vẫn cần hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Bộ, ngành giao phó là chia sẻ của thí sinh Nguyễn Hoài Phương (Bắc Ninh). Còn thí sinh Đỗ Văn Hùng (Vĩnh Phúc) mong muốn từ nay Hội thi sẽ được tổ chức thường niên để các chấp hành viên có cơ hội thể hiện tài năng cũng như củng cố kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ.
 
 
Kết thúc Hội thi, Ban Giám khảo lần lượt trao giải Ấn tượng, Phong cách, Triển vọng, Tiềm năng cho 4 đội Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam; trao 3 giải Khuyến khích cho các đội Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng; trao 2 giải Ba cho Bắc Ninh, Hưng Yên; 1 giải Nhì cho Vĩnh Phúc và giải Nhất thuộc về đội TP.Hà Nội.


Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp

Các tin đã đưa ngày: