Sign In

Quốc hội ra Nghị quyết về phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm

30/11/2015

Quốc hội ra Nghị quyết về phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm
Ngày 27/11, Quốc hội đã biểu quyết và tán thành thông qua Nghị quyết về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao và công tác thi hành án năm 2016 và các năm tiếp theo.

Nghị quyết nêu rõ, những năm qua, Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao đã có nhiều cố gắng, khắc phục khó khăn, nỗ lực triển khai nhiều biện pháp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao, kiềm chế sự gia tăng của tội phạm, kịp thời giải quyết các tranh chấp trong nhân dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, cơ bản đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu đề ra trong các nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp.

Tuy nhiên, Nghị quyết cũng cho rằng, hiệu quả một số mặt của công tác tư pháp vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu. Tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm còn diễn biến phức tạp. Các loại tội phạm gây lo lắng trong nhân dân. Việc chấp hành pháp luật trong công tác điều tra, xử lý tội phạm có lúc, có nơi chưa nghiêm, có trường hợp dẫn đến oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Tham nhũng trong nhiều lĩnh vực còn nghiêm trọng, nhưng việc phát hiện và xử lý chưa tương xứng với tình hình thực tế…

Để khắc phục những hạn chế, Quốc hội giao Chính phủ tổng kết, đánh giá việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống tội phạm để xây dựng Chiến lược quốc gia về phòng, chống tội phạm trong giai đoạn tiếp theo.

Chính phủ thực hiện tốt công tác phòng ngừa xã hội, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm; tạo chuyển biến rõ rệt về an ninh trật tự, an toàn xã hội, trước hết ở các thành phố lớn và khu kinh tế trọng điểm.

Hằng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội về đánh giá toàn diện tình hình vi phạm pháp luật và kết quả xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội, tình hình tội phạm trong năm; dự báo và đề ra các giải pháp để chủ động phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, đặc biệt là các vi phạm pháp luật có tính chất nghiêm trọng, phức tạp xảy ra ở các lĩnh vực giao thông, đất đai, xây dựng, môi trường, phòng chống cháy nổ, an toàn thực phẩm, thuế, tài chính, thương mại, các loại tội phạm tham nhũng, buôn lậu, ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao, hoạt động có tổ chức, giết người, trộm cắp, chiếm đoạt tài sản, xâm hại trẻ em, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm có đối tượng phạm tội là lưu manh chuyên nghiệp, côn đồ hung hãn và tội phạm do người chưa thành niên thực hiện; về số lượng người nghiện ma túy và công tác cai nghiện để phòng ngừa tội phạm phát sinh từ các đối tượng này.

Chính phủ có giải pháp khắc phục hạn chế trong công tác thi hành án phạt tù, thi hành hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo, hình phạt cải tạo không giam giữ, quản chế, cấm cư trú, đặc biệt là tình trạng mang vật cấm vào cơ sở giam giữ. Tổ chức hiệu quả công tác thi hành án dân sự, chú trọng việc xác minh, phân loại chính xác, đúng pháp luật án dân sự có điều kiện thi hành và chưa có điều kiện thi hành, phấn đấu đạt tỉ lệ thi hành án dân sự xong 70% về việc và 40% về tiền trên tổng số án có điều kiện thi hành theo quy định mới của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự; có văn bản đôn đốc thi hành đối với 100% bản án hành chính có hiệu lực pháp luật.

Khắc phục triệt để việc xảy ra oan sai

Quốc hội yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao trong năm 2016 và những năm tới có giải pháp nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; giảm tỉ lệ trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng so với năm 2015; khắc phục triệt để việc để xảy ra oan sai; tăng tỉ lệ giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và số vụ án kết thúc điều tra của Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.

Cơ quan này phải nâng cao hơn nữa chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa, chất lượng kháng nghị, kiến nghị, bảo đảm các kiến nghị phải có căn cứ, đúng pháp luật, được các cơ quan, đơn vị hữu quan chấp nhận đạt tỉ lệ trên 80%; tăng cường trách nhiệm trong kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính; đẩy nhanh tiến độ giải quyết đơn yêu cầu bồi thường trong tố tụng hình sự; nâng tổng số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được giải quyết trong năm 2016 tăng trên 20 % so với năm 2015.

Với Tòa án nhân dân Tối cao, Quốc hội yêu cầu cơ quan này có giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, thực hiện tốt việc bảo đảm tranh tụng trong xét xử theo quy định; hạn chế tối đa bản án bị hủy, sửa do vi phạm quy định của pháp luật, bảo đảm tỉ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan hằng năm không vượt quá 1,5%; không để xảy ra tình trạng vi phạm thời hạn tạm giam bị cáo trong giai đoạn xét xử, phấn đấu không để xảy ra việc kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm.

Tòa án nhân dân Tối cao có giải pháp nâng cao chất lượng, tỉ lệ giải quyết các vụ án hành chính, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; kịp thời hướng dẫn, giải thích hoặc kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các kiến nghị của cơ quan cơ quan có thẩm quyền đối với bản án tuyên có sai sót; bảo đảm 100% bản án, quyết định của Tòa án phải được chuyển đến Viện Kiểm sát theo đúng thời hạn luật định; kịp thời chuyển các hồ sơ vụ án theo đề nghị của Viện kiểm sát để phục vụ việc giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

Tăng cường biện pháp xử lý tội phạm tham nhũng

Quốc hội giao Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Cơ quan thi hành án phối hợp chặt chẽ với Cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước trong công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng.

Trong giải quyết, xử lý người phạm tội kinh tế, chức vụ, tham nhũng, cần tăng cường áp dụng các biện pháp kê biên, phong tỏa tài khoản, tài sản của các đối tượng phạm tội ngay từ giai đoạn điều tra nhằm chống tẩu tán tài sản, bảo đảm việc thu hồi; xem xét việc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp tích cực khắc phục hậu quả thiệt hại trong vụ án; nâng tỉ lệ thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt đạt tỉ lệ trên 60%.

Cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm, bảo đảm 100% các vụ việc sau khi thanh tra, kiểm toán có dấu hiệu tội phạm đều được chuyển ngay đến cơ quan có thẩm quyền xem xét việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật.

Cơ quan điều tra tăng cường công tác nghiệp vụ, phát hiện, điều tra án tham nhũng, phấn đấu nâng tổng số các vụ án tham nhũng được phát hiện, khởi tố năm sau cao hơn năm trước.


Theo Báo điện tử Chính phủ

Các tin đã đưa ngày: