Nhận thức rõ được tầm quan trọng của công tác này, thời gian qua Cục Thi hành án dân sự tỉnh Kiên Giang đã ban hành nhiều văn bản chấn chỉnh công tác tiếp công dân trong toàn tỉnh. Chính vì vậy đã thu được những kết quả nhất định. Trong 07 tháng đầu năm 2021 toàn tỉnh đã tiếp 143 lượt, 152 người. Trong đó: Cục THADS tỉnh đã tiếp: 44 lượt, 51 người, có 17 lượt khiếu nại, 06 lượt tố cáo, 21 lượt phản ánh, kiến nghị; các Chi cục tiếp: 99 lượt, 101 người, có 15 lượt khiếu nại, 06 lượt tố cáo, 73 lượt phản ánh, kiến nghị. Hầu hết người dân đến địa điểm tiếp công dân của Cục, Chi cục để trình bày, khiếu nại, tố cáo liên quan đến thi hành án dân sự.
Từ Cục, Chi cục Thi hành án dân sự đã nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng. Nhiều Chi cục THADS tuy còn khó khăn về trụ sở, thiếu về biên chế, công việc quá tải nhưng vẫn chú trọng bố trí được địa điểm để tiếp dân, bố trí cán bộ có kinh nghiệm để làm công tác này, đã xây dựng quy chế tiếp dân, bố trí lịch tiếp dân của lãnh đạo. Nhiều đồng chí lãnh đạo đã trực tiếp tiếp công dân định kỳ, thường xuyên theo quy định, từng bước khắc phục tình trạng khoán trắng cho một số cán bộ phụ trách; tổ chức đối thoại, chỉ đạo giải quyết khiếu nại các vụ việc phức tạp ngay từ cơ sở. Công tác tiếp công dân kiện toàn, hoạt động đi vào nề nếp.
Tuy nhiên, vẫn còn một số Chi cục bố trí cán bộ chưa đủ năng lực, trình độ, phẩm chất làm công tác tiếp công dân. Khi tiếp công dân, cán bộ tiếp công dân thường không nắm vững được thông tin về khiếu nại, tố cáo của công dân đã được cấp có thẩm quyền giải quyết. Việc bố trí cán bộ tiếp công dân thường chưa đảm bảo về chất lượng, thiếu am hiểu về chính sách, pháp luật, có lúc có nơi, cán bộ tiếp dân có thái độ chưa đúng mực, còn thách đố dân. Thủ trưởng một số Chi cục chưa quan tâm, chỉ đạo tổ chức tốt việc tiếp công dân, còn có biểu hiện ngại tiếp công dân, ngại đối thoại với công dân; một số cán bộ tiếp công dân chưa tận tình giải thích, hướng dẫn cho công dân hiểu về pháp luật THADS.
Từ những kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế trong công tác tiếp dân, rút ra một số kinh nghiệm như sau:
Để đảm bảo tính nghiêm túc trong quá trình thực hiện trách nhiệm của mình, cán bộ tiếp công dân phải có tác phong làm việc nghiêm túc, có thái độ đúng mực, lịch sự khi tiếp xúc với nhân dân; biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người dân; tận tình hướng dẫn, nhất là những người kém hiểu biết.
Cán bộ tiếp dân cần xử lý một cách linh hoạt, phù hợp trong từng tình huống. Đối với những trường hợp khiếu nại có cơ sở, cán bộ tiếp công dân cần có thái độ nghiêm túc, cầu thị, biết lắng nghe và công tâm xử lý vụ việc theo đúng quy định của pháp luật. Tránh trường hợp người dân phải đi lại nhiều lần để khiếu nại, tố cáo mà vẫn không được giải quyết.
Đối với trường hợp người đi khiếu nại có thái độ bức xúc, cử chỉ, lời nói quá khích,… cán bộ tiếp công dân phải bình tĩnh nghe họ trình bày hết sự việc, đồng thời nhắc nhở người đi khiếu nại phải có thái độ đúng mực.
Đối với trường hợp người đi khiếu nại, tố cáo có hành vi gây rối, vu cáo, coi thường cán bộ, cán bộ tiếp công dân phải bình tĩnh, ứng xử linh hoạt, mềm dẻo nhưng cương quyết, yêu cầu họ chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật. Nếu họ không chấm dứt hành vi trên thì cán bộ tiếp công dân trước tiên phải có thái độ rõ ràng, liên hệ ngay với bảo vệ cơ quan, nơi tiếp công dân để cùng khống chế hành vi trên, sau đó báo cáo ngay với Thủ trưởng cơ quan xin ý kiến giải quyết. Nếu xét thấy cần thiết thì tiến hành lập biên bản xử lý hành vi vi phạm pháp luật này.
Đối với trường hợp vụ việc khiếu nại đông người, tức là những vụ khiếu kiện có tính chất phức tạp, những người tham gia không chỉ là những người có lợi ích liên quan mà còn cả người thân của họ, thậm chí cả những người bị kích động, lôi kéo, đôi khi có cả những thương binh nặng, thân nhân liệt sỹ, người có công với cách mạng... Những người đi khiếu kiện trong trường hợp này thường có thái độ quá khích, đưa ra những yêu sách mang tính áp đặt chủ quan với cơ quan nhà nước. Cán bộ tiếp dân cần bình tĩnh nắm bắt nội dung cơ bản của vụ việc, báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ trưởng cơ quan thi hành án. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ trưởng thì việc tiếp công dân được tiến hành theo trình tự sau:
Thứ nhất, đề nghị những người đi khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cử ra đại diện theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 31 Luật Tiếp công dân năm 2013.
Thứ hai, giải thích quyền và nghĩa vụ cho người đại diện. Yêu cầu họ trình bày trung thực sự việc, thực hiện nội quy nơi tiếp công dân và các quyền nghĩa vụ khác của người khiếu nại, tố cáo.
Thứ ba, yêu cầu người đại diện trình bày nội dung vụ việc, xác định bản chất vụ việc, nguyên nhân phát sinh vụ việc. Quá trình tiếp công dân, cán bộ tiếp dân cần lưu ý, phân loại: người nào thực sự có lợi ích liên quan đến việc khiếu nại, người nào lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo... Người tiếp công dân tóm tắt nội dung sự việc, xác định cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết vụ việc, giải thích rõ cho dân hiểu các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo. Yêu cầu người đại diện giải thích cho những người đi khiếu kiện cùng thực hiện hướng dẫn của cán bộ tiếp công dân.
Thứ tư, Cán bộ tiếp công dân cũng cần phải chú ý kiểm tra năng lực hành vi của người khiếu nại. Nhiều khi cán bộ tiếp dân còn tùy thuộc vào tuổi tác, chức vụ, nghề nghiệp, tính cách, giới tính, mức độ bức xúc để có căn cứ của nội dung khiếu nại và có thái độ, cách thức tiếp cho phù hợp bảo đảm hiệu quả của việc tiếp công dân.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, mỗi một cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp công dân phải công tâm, am hiểu pháp luật, có đạo đức, gần dân, biết lắng nghe ý kiến của dân. Thường xuyên trau dồi kiến thức, thực hiện đồng bộ các kỹ năng tiếp công dân, nắm bắt được các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động giao tiếp trong tiếp công dân. Thông qua công tác tiếp công dân, các cơ quan thi hành án có điều kiện lắng nghe, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của nhân dân, thu nhận được những thông tin phản hồi về những vấn đề nảy sinh trong công tác thi hành án dân sự, từ đó đề ra những chủ trương, quyết định đúng đắn hợp lòng dân./.
Nguyễn Thanh Thúy
Phòng Kiểm tra - Giải quyết khiếu nại, tố cáo
Cục Thi hành án dân sự tỉnh Kiên Giang