Tiêu hủy
tài sản, vật chứng là hoạt động nghiệp vụ của Cơ quan THADS thực hiện theo quy định pháp luật. Quá trình thực hiện cần tuân thủ các quy định, điều kiện để việc tiêu hủy vật chứng, tài sản đúng quy định pháp luật, đảm bảo an toàn và không làm ảnh hưởng đến môi trường tại nơi tiêu hủy.
Theo quy định tại khoản 2, Điều 13,
Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp
hướng dẫn thực hiện một số thủ tục về quản lý hành chính và biểu mẫu nghiệp vụ trong thi hành án dân sự, có 03 trường hợp thực hiện tiêu hủy tài sản, vật chứng thuộc trách nhiệm của Cơ quan THADS.
-
Vật chứng, tài sản thuộc diện tiêu hủy theo bản án, quyết định;
-
Tài sản không bán được hoặc bị hư hỏng và không còn giá trị sử dụng (Đối với tang vật, tài sản tạm giữ bị hư hỏng, không còn giá trị sử dụng) theo quy định quy định tại khoản 3 Điều 126 Luật Thi hành án dân sự;
-
Tài sản của người phải thi hành án trong trường hợp cưỡng chế trả nhà, giao nhà, chuyển quyền sử dụng đất nhưng bị hư hỏng và không còn giá trị sử dụng mà đương sự không nhận hoặc không xác định được địa chỉ.
1. Vật chứng, tài sản thuộc diện tiêu hủy theo bản án, quyết định
Đây là khoản thi hành án do cơ quan THADS chủ động tổ chức thi hành, theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 36, Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014 và năm 2022 (Luật THADS);
Về trình tự, thủ tục: căn cứ
Điều 125, Luật THADS; Điều 32 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính phủ và Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 của Chính phủ (Nghị định số 62/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung), thực hiện như sau:
- Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày ra quyết định thi hành án, ra quyết định
thành lập Hội đồng tiêu hủy vật chứng, tài sản;
- Hội đồng tiêu hủy vật chứng, tài sản thực hiện việc tiêu hủy vật chứng, tài sản trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày được thành lập.
Ảnh minh họa: Ảnh 1: kiểm tra vật chứng, tài sản chuẩn bị tiêu hủy; Ảnh 2: tiêu hủy vật chứng, tài sản thuộc diện tiêu hủy theo bản án, quyết định
2. Tài sản không bán được hoặc bị hư hỏng và không còn giá trị sử dụng (
Đối với tang vật, tài sản tạm giữ bị hư hỏng, không còn giá trị sử dụng), quy định tại khoản 3 Điều 126 Luật THADS; khoản 2 Điều 14, Thông tư số 01/2017/TT-BTP ngày 23/01/2017 của Bộ Tư pháp về “
quản lý kho vật chứng, tài sản tạm giữ trong thi hành án dân sự ”;
Về trình tự, thủ tục:
-
Thành lập Hội đồng gồm cơ quan Tài chính, Viện kiểm sát…xác định tình trạng tài sản;
-
Ra quyết định về việc tiêu hủy tài sản đối với tang vật, tài sản tạm giữ bị hư hỏng, không còn giá trị sử dụng, được Hội đồng xác định, kết luận, theo mẫu B 14-THADS,
ban hành kèm theo Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp;
- Thành lập Hội đồng tiêu hủy vật chứng, tài sản và thực hiện việc tiêu hủy theo quy định tại Điều 125, Luật THADS;
Điều 32 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ.
3. Tài sản của người phải thi hành án trong trường hợp cưỡng chế trả nhà, giao nhà, chuyển quyền sử dụng đất nhưng bị hư hỏng và không còn giá trị sử dụng mà đương sự không nhận hoặc không xác định được địa chỉ.
Về trình tự, thủ tục: thực hiện như trường hợp tài sản không bán được hoặc bị hư hỏng và không còn giá trị sử dụng (Đối với tang vật, tài sản tạm giữ bị hư hỏng, không còn giá trị sử dụng).
Một số chú ý trong việc thực hiện nghiệp vụ tiêu hủy vật chứng, tài sản
Thứ nhất: đối với các trường hợp
tiêu hủy vật chứng, tài sản
không thuộc diện tiêu hủy theo bản án, quyết định, cần thành lập Hội đồng gồm cơ quan Tài chính, Viện kiểm sát…xác định tình trạng tài sản, trên cơ sở đủ điều kiện mới ra
quyết định về việc tiêu hủy tài sản, theo mẫu B 14-THADS ban hành kèm theo Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp. Căn cứ quyết định về việc tiêu hủy tài sản, thực hiện trình tự, thủ tục tiêu hủy theo quy định tại Điều 125, Luật THADS; Điều 32 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ;
Thứ hai: lập kế hoạch (bao gồm cả kinh phí xử lý) việc tiêu hủy vật chứng, tài sản thuộc diện tiêu hủy theo bản án, quyết định
chỉ trong trường hợp nếu xét thấy việc tiêu hủy có thể dẫn đến mất an toàn và ảnh hưởng đến môi trường, đối với vật chứng là chất độc, hóa chất nguy hiểm, ma túy (số lượng lớn) hoặc các loại vật chứng đặc thù khác phải tiêu hủy. Cơ quan THADS cần phối hợp với các cơ quan chuyên môn có liên quan tiến hành thuê tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ để tiến hành tiêu hủy theo quy định. Trường hợp có nhiều tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thì có thể tổ chức đấu thầu để lựa chọn. Theo quy định tại
khoản 1 Điều 13, Thông tư số 01/2017/TT-BTP ngày 23/01/2017 của Bộ Tư pháp;
Thứ ba: theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ, việc thực hiện tiêu hủy vật chứng, tài sản phải đảm bảo an toàn và không làm ảnh hưởng đến môi trường tại nơi tiêu hủy. Do đó,
Khi thành lập Hội đồng tiêu huỷ vật chứng, tài sản thuộc diện tiêu huỷ theo bản án, quyết định, khi thành lập Hội đồng tiêu huỷ vật chứng, tài sản, đối với nội dung “đại diện cơ quan chuyên môn tham gia Hội đồng khi cần thiết” Cơ quan THADS cần mời Cơ quan quản lý nhà nước về môi trường tại địa phương tham gia hội đồng. Trường hợp tiêu hủy các loại hóa chất độc hại hoặc các vật chứng, tài sản khác mà cần thiết phải có các trang thiết bị chuyên dùng hoặc chuyên gia thì Chấp hành viên ký hợp đồng với chuyên gia, cơ quan bảo đảm điều kiện tiêu hủy vật chứng, tài sản để thực hiện việc tiêu hủy.
Thứ tư: Đối với vật chứng, tài sản tạm giữ tồn đọng từ 01 năm trở lên, chưa xử lý (trừ trường hợp vật chứng, tài sản tạm giữ đang phải bảo quản theo quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền). Cơ quan thi hành án dân sự phối hợp với cơ quan Công an, Tòa án, Viện kiểm sát cùng cấp và các cơ quan chức năng để xác định tình trạng, lập danh sách vật chứng, tài sản tạm giữ còn tồn đọng, chưa xử lý và tiến hành xử lý theo quy đinh tại khoản 1 Điều 13, Thông tư số 01/2017/TT-BTP ngày 23/01/2017 của Bộ Tư pháp như sau:
- Đối với các vật chứng, tài sản tạm giữ mà vụ án bị đình chỉ thì cơ quan thi hành án dân sự đề nghị cơ quan đã ra quyết định đình chỉ vụ án ra quyết định xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ để tiến hành xử lý theo quy định.
- Đối với các vật chứng, tài sản tạm giữ mà Tòa án chưa chuyển giao bản án, quyết định; Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra chưa chuyển giao tài liệu liên quan đến vật chứng, tài sản tạm giữ thì cơ quan thi hành án dân sự đề nghị các cơ quan có liên quan nêu trên chuyển giao để tiến hành xử lý theo quy định.
- Đối với trường hợp không có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ hoặc không có tài liệu liên quan đến vật chứng, tài sản tạm giữ thì tổ chức họp liên ngành với các cơ quan có liên quan ở địa phương (Công an, Kiểm sát, Tòa án, Tài chính) thống nhất phương án, biện pháp xử lý.
Trường hợp không thống nhất được phương án, biện pháp xử lý thì báo cáo cơ quan thi hành án dân sự cấp trên trực tiếp hoặc cơ quan quản lý thi hành án dân sự để được chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết.
Trên đây là một số quan điểm về xử lý, tiêu hủy vật chứng, tài sản trong thi hành án dân sự, rất mong được sự trao đổi, chia sẻ của đồng nghiệp và mọi người./.