NHIỀU VƯỚNG MẮC
Để tổ chức thi hành xong một bản án, các cơ quan THADS cũng như các chấp hành viên phải tốn khá nhiều công sức, khi gặp vướng mắc thì công sức và thời gian bỏ ra nhiều hơn. Tại cuộc tổng kết công tác THADS năm 2019 và triển khai công tác năm 2020, đồng chí Trần Thanh Út - Trưởng Phòng Nghiệp vụ và tổ chức thi hành án Cục THADS tỉnh nêu nhiều vướng mắc trong công tác THADS. Nhiều vụ việc do các tổ chức tín dụng, ngân hàng khi ký hợp đồng thế chấp không thẩm định rõ tài sản thế chấp, đến khi kê biên, bán đấu giá tài sản tổ chức thi hành án gặp một số vướng mắc khó xử lý như trên đất có mồ mã, nhà của người khác, đất nông nghiệp không có đường đưa phương tiện vào để sản xuất… Do đó, dù đã hạ giá nhiều lần nhưng vẫn không có người tham gia đấu giá tài sản, làm vụ việc kéo dài. Nhà ở cất trên đất ven sông thuộc khu vực thành phố, trung tâm chợ của huyện, xã, phường, thị trấn không thuộc diện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng thực tế có những trường hợp người dân vẫn thực hiện chuyển nhượng bằng giấy viết tay. Các căn nhà này dù có giá trị lớn vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng nhưng cơ quan THADS không thể kê biên, bán đấu giá do chưa thuộc diện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Việc kê biên, bán đấu giá tài sản để thi hành án thường kéo dài cũng là nguyên nhân ảnh hưởng tiến độ tổ chức thi hành án. Theo một số chấp hành viên, do tâm lý người dân e ngại khi mua tài sản bán đấu giá để thi hành nên nhiều tài sản kê biên đã tổ chức bán đấu giá, giảm giá nhiều lần nhưng vẫn không có người mua. Thêm vào đó, một số người phải thi hành án và những người có liên quan có hành vi ngăn cản, đe doạ người có nhu cầu mua tài sản nên việc tổ chức bán đấu giá tài sản gặp khó khăn. “Ở huyện An Biên, có trường hợp bán đấu giá tài sản thi hành án là căn biệt thự có giá khởi điểm lúc đầu 18 tỷ đồng, qua nhiều lần giảm giá còn 7,8 tỷ đồng nhưng vẫn không có người mua”, đồng chí Trần Hoàng Anh - Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện An Biên nêu dẫn chứng. Theo thống kê của Cục THADS tỉnh, hiện toàn tỉnh có 176 việc bán đấu giá chưa thành, trong đó bán đấu giá từ lần thứ 10 trở lên còn 9 việc nên chưa thể thi hành dứt điểm. Nhiều trường hợp tài sản kê biên có xảy tranh chấp, mặc dù toà án đã thụ lý nhưng chậm giải quyết, xét xử, dẫn đến để làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo của việc thi hành án.
Công tác THADS nhiều khi còn vấp phải những “bức chắn”, domột số quyết định, bản án của tòa án tuyên không rõ, có sai sót nhưng chậm giải thích, làm bản ánkhông thể tổ chức thi hành ngay được. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến một số án tồn đọng từ năm này sang năm khác. Theo Cục THADS tỉnh hiện vẫn còn 17 việc chưa thể thi hành do đang đợi văn bản giải thích các quyết định, bản án của toà án.
Ngoài các khó khăn, vướng mắc trên, nhiều cơ quan THADS đang “vướng” vào trường hợp người phải thi hành án không có tài sản để thi hành hoặc bỏ địa phương đi nơi khác không rõ địa chỉ, người phải thi hành án đang chấp hình phạt tù nên không có điều kiện thi hành án. Đối với việc thi hành án có giá trị nhỏ rất khó thi hành do tài sản là kê biên để thi hành án không tương xứng nghĩa vụ thi hành án... Bên cạnh đó,thủ tục hành chính trong THADS còn nhiều ràng buộc, mất rất nhiều thời gian để thi hành dứt điểm một vụ việc. Nhiều vụ việc phức tạp liên quan đất đai, phải trải qua nhiều khâu như xác minh, thẩm định giá, kê biên bán đấu giá tài sản nên mất nhiều thời gian giải quyết.
Ý THỨC CHẤP HÀNH CỦA NGƯỜI THI HÀNH ÁN CHƯA CAO
Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính làm ảnh hưởng tiến độ thi hành các vụ án. Theo nhiều chấp hành viên, thời gian qua,ý thức chấp hành pháp luật của nhiều người bị thi hành án chưa cao. “Nhiều người cố tình trốn tránh, chây ỳ không chịu thi hành án và tìm mọi cách để gây khó khăn cho cơ quan THADS. Khi chấp hành viên đến kê biên, thẩm định giá tài sản, đương sự chống đối, không hợp tác, thậm chí đe dọa dẫn đến vụ việc kéo dài, gây khó khăn trong quá trình thi hành án”, đồng chí Nguyễn Văn Bảy - Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Vĩnh Thuận cho biết. Một vài chấp hành khác cho biết, một số đương sự cố tình khiếu nại, tố cáo để cố tình trì hoãn việc thi hành án.
Nhiều vụ việc, dù cơ quan THADS nhiều lần đến vận động, thuyết phục đương tự nguyện thi hành án nhưng vẫn không thành công. Do đó, phải sử dụng đến biện pháp cưỡng chế thi hành án để bảo đảm kỷ cương, tính nghiêm minh của pháp luật.Năm 2019, các cơ quan THADS trong tỉnh ban hành 340 quyết định cưỡng chế thi hành án. Tuy nhiên, một số vụ việc dù cưỡng chế thành công nhưng sau đó bị đương sự quay lại tái chiếm tài sản thi hành án, gây tốn nhiều công sức và thời gian giải quyết cho cơ quan chức năng.
THIẾU KIÊN QUYẾT XỬ LÝ
Ngoài những nguyên nhân khách quan, ngành THADS tỉnh thẳng thắn nhìn nhận những nguyên nhân chủ quan dẫn đến án chậm thi hành còn nhiều. Theo Cục THADS tỉnh, thời gian qua, việc phối hợp giữa các cơ quan THADS, chấp hành viên với các cơ quan, ban ngành hữu quan đôi lúc chưa chặt chẽ nên ảnh hưởng tiến độ thi hành án. Lãnh đạo một số cơ quan THADS chưa sâu sát hoặc có chỉ đạo nhưng thiếu kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thi hành án của các chấp hành viên. Một số chấp hành viên khi thực hiện nhiệm vụ gặp khó khăn, phức tạp nhưng thiếu kiên quyết xử lý theo thẩm quyền nên kết quả tổ chức thi hành án chưa cao, án tồn đọng kéo dài. Một vài chấp hành viên còn thiếu sót trong trình tự thi hành án như chậm xác minh điều kiện thi hành án, chưa kịp thời tổ chức việc kê biên, xử lý tài sản thi hành án, từ đó dẫn đến khiếu nại.
Những năm gần đây, lượng án thụ lý có xu hướng tăng nhưng biên chế ngành THADS không tăng nên ảnh hưởng đến việc thực hiện các chỉ tiêu được giao về THADS. Năm 2019, có 21.238 vụ việc thụ lý nhưng toàn tỉnh chỉ có 78 chấp hành viên, nên bình quân mỗi chấp hành viên phải xử lý 272 vụ việc, có nơi chấp hành viên phải xử lý 400 vụ việc/năm. Theo đồng chí Nguyễn Văn Bảy, do số lượng án tăng nhiều nên có thời điểm chấp hành viên bị quá tải, ảnh hưởng tiến độ thi hành án.
Dù nguyên nhân khách qua hay chủ quan nhưng tình trạng nhiều án chậm thi hành đồng nghĩa với việc có nhiều người được thi hành vẫn chưa đảm bảo quyền lợi. Do đó, để công tác THADS đáp ứng được mong muốn của xã hội, các cơ quan THADS vẫn đang nỗ lực tháo gỡ những vướng mắc, khắc phục những hạn chế làm tốt hơn công tác THADS, đáp ứng yêu cầu của nhân dân, xã hội.
Bài và ảnh: TÚ LY
Báo Kiên Giang