Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung với người khác, để thi hành án. Mặc dù pháp luật đã qui định, song khi áp dụng vào thực tiễn thi hành án còn vướng mắc, tranh luận, chưa thống nhất được nên áp dụng điều luật nào cho đúng.
Đã có luật qui định
Theo bộ luật Dân sự năm 2015, tài sản chung bao gồm: Sở hữu chung cộng đồng; Sở hữu chung của các thành viên gia đình; Sở hữu chung vợ chồng; Sở hữu chung trong nhà chung cư; Sở hữu chung hỗn hợp. Bộ luật này cũng qui định quản lý, định đoạt, phân chia và chấm dứt sở hữu chung.
Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung với người khác, để thi hành án. Luật thi hành án dân sự (THADS) đã qui định trình tự, thủ tục kê biên xử lý tài sản chung, cụ thể tại khoản 1 Điều 74 luật THADS qui định về xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án:
“Trường hợp chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án thì Chấp hành viên phải thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất biết để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận vi phạm quy định tại Điều 6 của Luật này hoặc thỏa thuận không được và không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.
Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.
Chấp hành viên xử lý tài sản theo quyết định của Tòa án”.
Theo điều luật này qui định, trước khi xử lý tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung với người khác, để thi hành án. Trước hết phải xác định được phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung với người khác. Muốn vậy, phải khởi kiện yêu cầu Tòa án xác định, mà không phân biệt loại sở hữu chung theo điều luật này qui định.
Bên cạnh đó, điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ. Qui định chi tiết và hướng dẫn một số điều của luật THADS (gọi tắt là NĐ 62/2015), qui định: “
Đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung của vợ, chồng thì Chấp hành viên xác định phần sở hữu của vợ, chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và thông báo cho vợ, chồng biết.
Đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì Chấp hành viên xác định phần sở hữu, sử dụng theo số lượng thành viên của hộ gia đình tại thời điểm xác lập quyền sở hữu tài sản, thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất. Chấp hành viên thông báo kết quả xác định phần sở hữu, sử dụng cho các thành viên trong hộ gia đình biết.
Trường hợp vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình không đồng ý với việc xác định của Chấp hành viên thì có quyền yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ. Hết thời hạn này mà không có người khởi kiện thì Chấp hành viên tiến hành kê biên, xử lý tài sản và trả lại cho vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của họ”.
Vấn đề đặt ra là khoản 1 Điều 74 luật THADS qui định tài sản chung thì phải khởi kiện ra Tòa án để phân chia, mà không phân biệt tài sản chung với ai. Sau khi có kết quả giải quyết của Tòa án, Chấp hành viên xử lý tài sản theo quyết định của Tòa án.
Còn điểm c khoản 2 Điều 24 của NĐ 62/2015, đối với tài sản chung vợ, chồng hoặc tài sản chung của hộ gia đình. Chấp hành viên có quyền phân chia phần cho vợ, chồng hoặc các thành viên trong hộ gia đình theo qui định. Mặc dù họ không đồng ý với việc phân chia của Chấp hành viên, nhưng quá thời hạn qui định họ không khởi kiện yêu cầu Tòa án phân chia, Chấp hành viên vẫn tiến hành cưỡng chế, kê biên, xử lý tài sản để thi hành án.
Còn tranh luận
Thực tiễn cho thấy, khi Chấp hành viên áp dụng điểm c khoản 2 Nghị định số 62/2015 để cưỡng chế, kê biên xử lý tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung vợ, chồng. Đã bị khiếu nại cho rằng Chấp hành viên không áp dụng khoản 1 Điều 74 luật THADS để xử lý tài sản là xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác.
Còn, Chấp hành viên áp dụng khoản 1 Điều 74 luật THADS khởi kiện yêu cầu Tòa án xác định phần sở hữu tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung của vợ, chồng. Tòa án cho rằng Chấp hành viên phải xác định phần sở hữu và xử lý theo qui định tại điểm c khoản 2 Điều 24 của NĐ 62/2015. Nên Chấp hành viên không có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần sở hữu.
Để giải quyết những “vướng mắc” như nêu ở trên, còn có ý kiến khác nhau, chưa thống nhất. Có ý kiến cho rằng để bảo vệ quyền sở hữu tài sản của chủ sở hữu theo Bộ luật dân sự, Chấp hành viên phải áp dụng khoản 1 Điều 74 luật THADS khởi kiện yêu cầu Tòa án phân chia phần sở hữu của các đồng sở hữu. Sau đó, căn cứ vào quyết định của Tòa án xử lý tài sản của người phải thi hành án, để thi hành án là đúng pháp luật.
Ý kiến khác cho rằng điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62/2015 đã hướng dẫn cụ thể. Chấp hành viên có quyền phân chia phần cho vợ, chồng hoặc các thành viên trong hộ gia đình và thông báo cho họ biết theo qui định. Nếu họ không đồng ý với việc phân chia của Chấp hành viên, nhưng quá thời hạn qui định họ không khởi kiện yêu cầu Tòa án phân chia, Chấp hành viên vẫn tiến hành cưỡng chế, kê biên, xử lý tài sản để thi hành án là đúng qui định, không cần khởi kiện kéo dài thời gian thi hành án. Nếu họ khiếu nại, tố cáo thì giải quyết việc khiếu nại, tố cáo theo pháp luật qui định.
Những vụ việc như nêu ở trên đã kéo dài nhiều năm chưa có hướng xử lý, dẫn đến án bị tồn đọng, kéo dài gây khó khăn cho các cơ quan THADS. Đến nay chưa có văn bản hướng dẫn thi hành của cơ quan có thẩm quyền.
Vậy, khi thực thi nhiệm vụ của mình Chấp hành viên áp dụng khoản 1 Điều 74 luật THADS hay điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62/2015 để kê biên tài sản của người phải thi hành án là tài sản chung vợ, chồng hoặc tài sản của hộ gia đình?
Cần trao đổi
Chúng tôi thấy ý kiến nào đi chăng nữa, cũng phải có căn cứ, đúng pháp luật mới chấp nhận được. Ai cũng biết, công tác THADS là một nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp và nhạy cảm. Bên cạnh đó pháp luật về THADS qui định chưa cụ thể, rõ ràng, khó áp dụng, còn “vênh” với các ngành luật khác, chưa đồng bộ, dễ dẫn đến “xung đột” pháp luật. Những người làm công tác THADS đều hiểu, luật THADS là luật hình thức, phạm vi điều chỉnh luật này được qui định tại Điều 1. Khi xử lý tài sản của người phải thi hành án cần áp dụng luật nội dung tương ứng với từng loại tài sản để thi hành án.
Trở lại vấn đề, phải căn cứ vào qui định của pháp luật để làm rõ áp dụng điều luật nào xử lý tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung vợ, chồng hoặc hộ gia đình, để thi hành án. Trước hết nên áp dụng điều luật nào?
Ở đây, khi Chấp hành viên kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung vợ, chồng hoặc của hộ gia đình. Cùng một vấn đề, nhưng khoản 1 Điều 74 luật THADS qui định cách xử lý khác với điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62/2015. Theo khoản 2 Điều 156 luật Ban hành văn bản qui phạm pháp luật năm 2015, qui định: “
Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn”. Thì khoản 1 Điều 74 luật THADS có hiệu lực pháp lý cao hơn điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62/2015. Do vậy, Chấp hành viên áp dụng khoản 1 Điều 74 luật THADS xử lý tài sản của người phải thi hành án để thi hành án là có căn cứ, đúng pháp luật.
Bộ luật Dân sự năm 2015 qui định Bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản; Biện pháp bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản; quản lý, sử dụng, định đoạt, phân chia tài sản sở hữu chung và nhiều điều luật của Bộ luật này qui định về tài sản. Điều 164 bộ luật này qui định:
“
1. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền tự bảo vệ, ngăn chặn bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền của mình bằng những biện pháp không trái với quy định của pháp luật.
2. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại”.
Để đảm bảo quyền lợi của các đồng sở hữu khác trong khối tài sản chung với người phải thi hành án theo pháp luật qui định. Chấp hành viên áp dụng khoản 1 Điều 74 luật THADS để kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung vợ, chồng hoặc hộ gia đình là có căn cứ, đúng pháp luật.
Chấp hành viên phải khởi kiên ra Tòa yêu cầu phân chia theo qui định tại khoản 1 Điều 74 luật THADS. Tòa án cho rằng Chấp hành viên phải xác định phần sở hữu và xử lý theo qui định tại điểm c khoản 2 Điều 24 của NĐ 62/2015. Nên Chấp hành viên không có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần sở hữu.
Như trên đã viện dẫn, khoản 1 Điều 74 luật THADS có giá trị pháp lý cao hơn điểm c khoản 2 Điều 24 của Nghị định 62/2015. Ngoài điều luật này ra, nghiên cứu hệ thống pháp luật Việt Nam, chưa có bất cứ điều luật nào qui định Chấp hành viên phải xác định phần sở hữu của các đồng sở hữu trong khối tài sản chung vợ, chồng hoặc hộ gia đình với người phải thi hành án. Bởi vậy, việc xác định này không có giá trị pháp lý. Trong khi đó, khoản 1 Điều 74 luật THADS, qui định: “...
Chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự ...”. Một trong những vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, đó là: “
Tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án theo quy định của pháp luật về THADS (khoản 12 Điều 26 Bộ luật TTDS năm 2015)”.
Pháp luật qui định là vây, nhưng Tòa án cho rằng Chấp hành viên không có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần sở hữu. Căn cứ vào điểm g khoản 1 Điều 217 và điểm a khoản 1 Điều 192 Bộ luật TTDS năm 2015, đình chỉ giải quyết việc dân sự thuộc trường hợp “
Người yêu cầu không có quyền yêu cầu”.
Theo đó chúng tôi thấy, điểm g khoản 1 Điều 217 , qui định: “
Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 192 của Bộ luật này mà Tòa án đã thụ lý”; Điểm a khoản 1 Điều 192 Bộ luật TTDS qui định: “
Người khởi kiện không có quyền khởi kiện theo quy định tại Điều 186 và Điều 187 của Bộ luật này hoặc không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự”;
Điều 186 Bộ luật TTDS qui định, Quyền khởi kiện vụ án: “
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”.
Điều 187 Bộ luật TTDS qui định: Quyền khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước: “
1. Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án về hôn nhân và gia đình theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.
2. Tổ chức đại diện tập thể lao động có quyền khởi kiện vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động hoặc khi được người lao/đ ủy quyền theo quy định của pháp luật.
3. Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quyền đại diện cho người tiêu dùng khởi kiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
4. Cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách hoặc theo quy định của pháp luật.
5. Cá nhân có quyền khởi kiện vụ án hôn nhân và gia đình để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình”.
Theo qui định tại Điều 187 Bộ luật TTDS năm 2015, thì Chấp hành viên có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án xác định phần sở hữu tài sản của người phải thi hành án và các đồng sở hữu tài sản trong khối tài sản chung vợ, chồng hoặc hộ gia đình để thi hành án. Nhằm đảm bảo việc thi hành Bản án, quyết định của Tòa án và bảo vệ quyền sở hữu tài sản của các đồng sở hữu khác. Sao Tòa án cho rằng Chấp hành viên không có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần sở hữu? Nhận định này của Tòa án là trái pháp luật qui định, cần phải được cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ.
Như phân tích trên, chúng tôi đồng tình với Chấp hành viên áp dụng khoản 1 Điều 74 luật THADS để kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung vợ, chồng hoặc hộ gia đình để thi hành án, là có căn cứ, đúng pháp luật.
Ý kiến đề nghị
Để việc áp dụng pháp luật được chính thống, hiểu và áp dụng thống nhất, hạn chế việc khiếu nại, tố cáo trong THADS. Giảm bớt án tồn đọng kéo dài, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan THADS hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Rất mong cơ quan có thẩm quyền sớm có văn bản hướng dẫn thi hành hai điều luật nói trên.
Trên đây là ý kiến của cá nhân mang tính tham khảo, rất mong các độc giả, đặc biệt là các Chấp hành viên, kiểm sát viên, các thẩm phán cùng trao đổi, tranh luận, để hiểu và áp dụng pháp luật được chính thống./.