Sign In

Phản bác các luận điểm sai trái về chức năng xã hội của nhà nước Việt Nam hiện nay

11/12/2023

Các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin luôn khẳng định: nhà nước có hai chức năng cơ bản, đó là chức năng giai cấp và chức năng xã hội. Trong đó, chức năng xã hội là cơ sở, điều kiện và phương thức thực hiện chức năng giai cấp của nhà nước. Ph.Ăngghen cũng đã khẳng định: “ở khắp nơi, chức năng xã hội là cơ sở của sự thống trị chính trị; và sự thống trị chính trị cũng chỉ kéo dài chừng nào nó còn thực hiện chức năng xã hội đó của nó”[1]. Bởi với chức năng xã hội, nhà nước phải giải quyết các vấn đề xã hội nhằm bảo đảm xã hội giữ được ổn định, tiến bộ công bằng xã hội. Trong xã hội chủ nghĩa như Việt Nam đang xây dựng, chức năng xã hội của nhà nước cần hoạch định và thực thi có hiệu quả các chính sách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người, nhằm không để ai bị bỏ lại phía sau.
Mặc dù vậy, trong thời gian gần đây, các thế lực thù địch đã và đang không ngừng gieo rắc các luận điểm sai trái về việc xây dựng mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh cũng như kết quả thực hiện chính sách xã hội ở nước ta. Một trong những luận điểm đó là phê phán chức năng xã hội của nhà nước trong thực hiện chính sách xã hội, không đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và sự thụ hưởng của người dân. Luận điểm xuyên tạc này cho rằng nhà nước Việt Nam chỉ tập trung vào chức năng giai cấp nhằm đảm bảo vị thế thống trị của Đảng lãnh đạo, của chế độ, trong khi đó coi các chức năng xã hội là thứ yếu. Vậy sự thật hơn 90 năm qua là như thế nào?
Ngay từ những ngày đầu ra đời, Đảng ta đã nêu cao khẩu hiệu người cày có ruộng để tập hợp lực lược quần chúng từ những người nông dân vốn chiếm đến 95% dân số vào đầu thế kỷ XX. Khi cách mạng giải phóng dân tộc thành công vào năm 1945, một trong những sắc lệnh đầu tiên vào tháng 9 năm 1945 của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ để trông nom việc học của nhân dân. Đưa con chữ đến với 95% dân số đang mù chữ ngay từ những năm đầu sau Cách mạng Tháng Tám được coi là một thành tựu nhằm ổn định và phát triển xã hội lúc bấy giờ.
Trải qua hàng chục năm chiến tranh máu lửa giành độc lập cho đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam và từng người đảng viên chân chính đều tâm niệm về một sự nghiệp cách mạng mà ở đó chữ Dân được đặt lên hàng đầu. Cương lĩnh năm 1991 và Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 đã khẳng định mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Trong vòng ba thập kỷ, từ chỗ có 64% dân số thuộc diện nghèo theo chuẩn quốc tế vào năm 1992, nước ta đã đưa con số này xuống dưới 3% và xóa bỏ tình trạng đói kinh niên[2].  Kết quả và thành tựu xóa đói giảm nghèo của Việt Nam đã được Liên hợp quốc ghi nhận và tôn vinh khi đánh giá kết quả 8 mục tiêu Thiên niên kỷ vào năm 2015. Xóa đói giảm nghèo, đảm bảo mức độ tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản mang tính phổ quát và rộng hơn là chăm lo cho cuộc sống vật chất và tinh thần của từng người dân bình thường nhất, đấy chính là lớp nền đầu tiên trong chức năng xã hội mà mỗi nhà nước cần hướng đến thực hiện.
Ở một trình độ phát triển cao hơn, khi đất nước ta đã vượt qua trạng thái của một nước nghèo để trở thành nước có thu nhập trung bình, thì chức năng xã hội của nhà nước không chỉ dừng lại ở chỗ xóa đói giảm nghèo, cung cấp các dịch vụ xã hội xã hội cơ bản mang tính phổ quát cho mọi người dân. Hơn thế nữa và nhiều hơn nữa, đó là việc nhà nước tạo điều kiện cho mỗi người dân được thụ hưởng thành tựu phát triển chung và kiến tạo cơ hội chính đáng cho từng người dân phát triển theo mong muốn và năng lực của bản thân. Nắm bắt được những yêu cầu phát triển mới, Đại hội XIII của Đảng bổ sung thêm chủ trương“Dân thụ hưởng" vào nội dung dân chủ xã hội chủ nghĩa:“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Trong toàn bộ ý tưởng lớn về dân chủ xã hội chủ nghĩa, ba chữ “Dân thụ hưởng” không thể đơn giản coi như là việc người dân được nhận điều gì từ nhà nước, mà cần thiết được hiểu một cách rộng hơn, đó là người dân thực sự là người chủ đất nước, bao nhiêu lợi ích, bao nhiêu quyền hành đều ở nhân dân. Chính người dân là người làm chủ quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời người dân cũng trực tiếp thụ hưởng giá trị to lớn của quá trình đó. Và trong mối quan hệ nhà nước và người dân thì nhà nước là một công cụ thực thi quyền lực của nhân dân và đảm bảo lợi ích phát triển cho từng người dân. Từ góc độ này thì thành tựu phát triển kinh tế xã hội chỉ có ý nghĩa thật sự khi được chuyển hóa vào các khía cạnh phát triển xã hội, phát triển con người và đảm bảo công bằng trong cơ hội phát triển.
Trong những năm qua, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam, đều liên tục tăng để đạt con số 0,704 vào năm 2021, xếp vào nhóm nước có chỉ số HDI cao trên thế giới. Vị trí của Việt Nam cũng tăng liên tục từ thứ 119 vào năm 2017 lên thứ 115 năm 2021. Càng có ý nghĩa hơn khi chúng ta biết rằng, trong chỉ số HDI của Việt Nam, thành tựu giáo dục và sức khỏe, vốn là 2 chỉ báo xã hội quan trọng bậc nhất, có tỷ trọng đóng góp cao hơn so với thành tựu về thu nhập bình quân đầu người[3]. Cùng với sự gia tăng về chỉ số HDI thì Đảng và Nhà nước đã có những quyết tâm và nỗ lực đảm bảo công bằng xã hội trong hưởng thụ thành tựu phát triển giữa các nhóm dân cư và các vùng miền.
Trong những năm qua, với sự phát triển kinh tế thị trường định hưởng xã hội chủ nghĩa, đã diễn ra sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội, một tiến trình mà bất kỳ quốc gia nào cũng phải trải qua trong giai đoạn đầu phát triển. Tuy nhiên, bằng các chính sách lao động - việc làm để tạo thu nhập, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động trước các rủi ro của thị trường, các chính sách miễn giảm đóng góp cho người có nghèo và thu nhập thấp, kể cả trong thời gian đại dịch Covid – 19 và sau đó, thì nước ta đã có những thành công nhất định trong việc kiểm soát tốc độ gia tăng khoảng cách giàu nghèo, giữ hệ số GINI ở mức dưới 0,4[4]. Với thực trạng kiểm soát và phòng ngừa hệ quả xấu từ phân hóa giàu nghèo này, chúng ta càng thấm thía câu nói của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng“Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội”[5].
Nghị quyết 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới đã khẳng định chính sách phát triển xã hội là sự thể hiện tập trung nhất của chính sách đối với con người, vì con người, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, cách tiếp cận xây dựng hệ thống chính sách phát triển xã hội được chuyển dịch từ bảo đảm và ổn định sang ổn định và phát triển, trong đó chú trọng: “Đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội theo hướng toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững; xây dựng và thực hiện chính sách xã hội phải đặt trong tổng thể quản lý phát triển xã hội bền vững; giải quyết hài hoà các quan hệ xã hội, kiểm soát phân hoá xã hội, bảo đảm an sinh cho Nhân dân trong quá trình phát triển… Đổi mới công tác quản lý nhà nước; tăng cường phân cấp, phân quyền; phát huy vai trò chủ thể của Nhân dân, nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Nhà nước, tư nhân, tổ chức xã hội, cộng đồng và Nhân dân trong quản lý phát triển xã hội bền vững”.
Với một số những minh chứng trong kết quả thực hiện chính sách xã hội nêu trên cho thấy, thời gian qua, triển khai các Nghị quyết của Đại hội Đảng, nhà nước Việt Nam luôn thực hiện tốt chức năng xã hội của mình. Không phải như lời rêu rao của các thế lực thù địch: Nhà nước Việt Nam chỉ tập trung cho chức năng giai cấp mà không quan tâm tới thực hiện chức năng xã hội. Mà thực chất, trong những năm qua, Nhà nước Việt Nam đã: “Từng bước hoàn thiện đồng bộ và thực hiện có hiệu quả chính sách xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo: phát triển thị trường lao động, hướng tới xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế. Bảo đảm cơ bản an sinh xã hội, quan tâm nâng cao phúc lợi xã hội cho người dân; thực hiện ngày càng tốt hơn chính sách đối với người có công; tiếp tục cải thiện chính sách tiền lương; mở rộng bảo hiểm xã hội; tỷ lệ bảo hiểm y tế đạt trên 90%”[6]. Vì vậy, hoàn toàn có thể khẳng định rằng, nhà nước ta làm tốt chức năng giai cấp cũng để làm tốt hơn nữa chức năng xã hội vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

[1] C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, tập 20, Nxb CTQG – ST, H., 1994, Tr. 253
[3] Tổng cục Thống kê (2021). Báo cáo chỉ số phát triển con người (HDI) Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020.
[4] Tổng cục Thống kê (2022) Khảo sát mức sống hộ gia đình Việt Nam 2022
[5] Nguyễn Phú Trọng. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb CTQG, H, 2022. tr.21.
[6] Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, tr.65.
Bùi Phương Đình


Theo thinhvuongvietnam.com

Các tin đã đưa ngày: