Thực hiện Kế hoạch số 120-KH/CB ngày 30/12/2022 của Chi bộ Cục Thi hành án dân sự tỉnh Lai Châu thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và học tập, quán triệt, tuyên truyền chuyên đề năm 2023. Ngày 05/4/2023, Chi bộ Cục Thi hành án dân sự đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề quý II/2022 với nội dung: “Quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu và cán bộ, đảng viên, kết quả và sự cần thiết, tầm quan trọng của việc nêu cao trách nhiệm nêu gương, xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu và cán bộ, đảng viên”. Tham dự buổi sinh hoạt có 19/19 đảng viên của Chi bộ. Đồng chí Trần Công Hướng, Bí thư Chi bộ chủ trì buổi sinh hoạt.
Tại buổi sinh hoạt, đồng chí Bí thư chi bộ đã quán triệt các quy định của đảng về trách nhiệm nêu gương, xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu và cán bộ, đảng viên, cụ thể là quan điểm của Đảng qua các kỳ Đại hội XII, XIII; các văn bản cụ thể hóa quan điểm của Đảng về trách nhiệm nêu gương như: Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường trách nhiệm nêu gương; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương. Trong các quy định trên yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện trách nhiệm nêu gương về tư tưởng chính trị; đạo đức, lối sống, tác phong; tự phê bình, phê bình; quan hệ với Nhân dân; trách nhiệm trong công tác; ý thức tổ chức kỷ luật; đoàn kết nội bộ. Đảng yêu cầu cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong công việc, cuộc sống để tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc; nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ. Đối với người đứng đầu, quy định nêu gương nhằm kiểm tra, giám sát việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, chấn chỉnh, xử lý đối với những trường hợp chưa thực hiện đúng quy định, vi phạm đạo đức, lối sống, thoái hóa, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu có ý nghĩa hết sức quan trọng để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, đề cao ý thức trách nhiệm, tiên phong, gương mẫu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Vì vậy, đồng chí Bí thư yêu cầu mỗi đảng viên, công chức, nhất là các đồng chí giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tự giác nêu gương, tự soi, tự sửa, tự điều chỉnh thái độ và hành vi, răn đe, cảnh tỉnh, cảnh báo, phòng ngừa nguy cơ sai phạm; coi nêu gương là trách nhiệm, bổn phận và là đạo lý của người đảng viên trước Ðảng, trước Nhân dân; trách nhiệm nêu gương đó phải được thể hiện từ trong tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự phê bình, phê bình đến trong quan hệ với quần chúng, trách nhiệm trong công tác, ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết nội bộ"; có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”. Thực hiện nêu gương để khẳng định vị trí lãnh đạo, vai trò tiên phong, gương mẫu, tạo sự lan toả, thúc đẩy các phong trào cách mạng.
Để thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương, xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu và cán bộ, đảng viên, Chi bộ đã đề ra 05 giải pháp để triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần xây dựng Chi bộ, cơ quan trong sạch, vững mạnh./.
Theo Chánh văn phòng