Ngày 27/6/1923, Nguyễn Ái Quốc với giấy thông hành mang tên người thợ ảnh “Chen Vang” rời cảng Hamburg trên con tàu mang tên nhà cách mạng Đức Karl Liebknecht chính thức lên đường sang Liên Xô. Ngày 30/6/1923, Người đến thành phố Petrograd (nay là Saint-Petersburg) - cái nôi của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại và tháng 7 cùng năm Người lên đường tới Moskova. Trên đất nước Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc đã viết nhiều bài báo nổi tiếng và cũng có những bài báo viết về Nguyễn Ái Quốc với những đánh giá đặc biệt sâu sắc và những dự cảm chính xác.
Nguyễn Ái Quốc, hiện thân của nền văn hóa tương lai
“Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai”. “Dân An Nam là một dân tộc giản dị và lịch thiệp. Qua phong thái thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới”. Đó là những dòng trong bài viết “Thăm một chiến sĩ Quốc tế Cộng sản - Nguyễn Ái Quốc” của nhà báo, nhà thơ Liên Xô Osip Emilyevich Mandelstam đăng trên tạp chí Ogoniok số 39.
Tháng 12/1923, Nguyễn Ái Quốc đã trả lời phỏng vấn nhà báo, nhà thơ Liên Xô Osip Emilyevich Mandelstam. Trong cuộc trả lời phỏng vấn này, Nguyễn Ái Quốc đã nhắc đến tình cảnh của Nhân dân Việt Nam “đang sống trong đen tối, thực sự là đêm tối” vì thực dân Pháp ra sức cấm Nhân dân Việt Nam xem sách báo, cho nên người Việt Nam không hiểu được những gì đang xảy ra trên thế giới. Khi Osip Emilyevich Mandelstam hỏi Nguyễn Ái Quốc rằng “Phong trào bất bạo động của Gandhi có ảnh hưởng đến Đông Dương không? Có làn sóng, tiếng vang nào lan đến không?” đã nhận được câu trả lời: “Không - người trò chuyện cùng tôi trả lời - người nông dân An Nam đang sống trong đêm tối của địa ngục, không có báo chí, không biết về những gì đang xảy ra trên thế giới. Chỉ có đêm, đêm sâu thẳm mà thôi”. Cũng trong bài trả lời phỏng vấn này, Nguyễn Ái Quốc cho biết về thân phận xuất thân của người, về quyết tâm ra đi tìm con đường cứu nước cho dân tộc. Người nói: “Tôi lớn lên trong một gia đình nhà Nho ở An Nam. Ở đó, thanh niên nghiên cứu Khổng giáo. Anh biết rồi đó, Khổng giáo không phải là một tôn giáo mà là một khoa học về những kinh nghiệm đạo đức và phép ứng xử. Và trên cơ sở đó, người ta đưa ra khái niệm “thế giới đại đồng”. Khi là một cậu bé ở tuổi 13, tôi lần đầu tiên đã nghe đến những từ Pháp: tự do, bình đẳng, bác ái và tình anh em - đối với chúng tôi tất cả người da trắng đều là người Pháp. Tôi muốn tìm hiểu nền văn minh của Pháp để biết xem cái gì ẩn đằng sau những từ ấy. Nhưng ở các trường Pháp dành cho người bản xứ, người Pháp dạy như dạy con vẹt. Người ta ngăn cấm chúng tôi tiếp xúc với sách báo, không chỉ là những nhà văn mới mà ngay cả Rousseau và Montesquieu. Tôi đã làm gì? Tôi quyết định đi ra nước ngoài”.
Osip Mandelstam đã giành những lời lẽ đẹp nhất để viết về Nguyễn Ái Quốc: “Nguyễn Ái Quốc hiện là người An Nam duy nhất ở Moskva…Đó là một thanh niên gầy gò, linh hoạt, mặc cái áo len đan… Nguyễn Ái Quốc… đang tỏa ra một cái gì thật lịch thiệp và tế nhị. Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai… Qua phong thái thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới”.
Những bài báo viết trên đất nước Liên Xô
Khi ấy, dù sống và làm việc ở Liên Xô song nhiều bài báo do Người viết vẫn tiếp tục đăng trên các báo của Pháp. Bài viết “Chế độ độc đoán ở Đông Dương - Người được bảo hộ và kẻ đi bảo hộ” (Arbitraire en Indochine - Protégés et protecteurs) ký tến Nguyễn Ái Quốc đăng trên báo Người cùng khổ số 16, ra tháng 7/1923. Bài “Ách áp bức không từ một chủng tộc nào” (L' oppression frappe toutes les races) ký tên Nguyễn Ái Quốc đăng trên báo Người cùng khổ số 17, ra tháng 8 năm 1923. Bài “Đội quân chống cách mạng” (L' Armée contre révolutionnaire) ký tên Nguyễn Ái Quốc, đăng trên báo Đời sống công nhân (La vie ouvrière), số 226 ra ngày 7 tháng 9 năm 1923. Bài “Nước Nga và Trung Hoa” (La Russie et la Chine), ký tên Nguyễn A. Q. đăng trên báo Đời sống công nhân, số 233. Bài “Chế độ thực dân Anh” (La colonisation Anglaise) ký tên Nguyễn Ái Quốc đăng trên báo “Đời sống công nhân” số 235 ra ngày 9 tháng 11 năm 1923.
Ngày 1 tháng 1 năm 1924, người viết bài viết bằng tiếng Pháp, ký tên Nguyễn Ái Quốc, nhan đề “Phong trào công nhân Thổ Nhĩ Kỳ” đăng trên báo Nhân đạo. Bài viết nêu lên sự phát triển của phong trào công nhân Thổ Nhĩ Kỳ, họ đã đánh bại bọn đế quốc, lật đổ ngai vàng của vua chúa nhưng giai cấp tư sản Thổ nhĩ Kỳ đã đoạt lấy thành quả cách mạng đó. Người đã rút ra kết luận quan trọng là: giai cấp vô sản sau cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc thì bắt buộc phải tiến hành một cuộc đấu tranh khác - cuộc đấu tranh giai cấp để tự giải phóng mình và quần chúng lao động.
Nguyễn Ái Quốc đến Liên xô, nhưng ở đây, Người đã không gặp được Lênin bởi Lênin đã từ trần. Dù không gặp được Lênin nhưng sau khi Lênin từ trần, trên Báo Sự thật ngày 27/01/1924 đã đăng bài viết của Nguyễn Ái Quốc với tựa đề “Lênin và các dân tộc thuộc địa”. Trong bài viết này, Nguyễn Ái Quốc đã dành những tình cảm vô cùng kính trọng đối với Lênin: “Khi còn sống, Người là cha, thầy học, đồng chí và cố vấn của chúng ta. Ngày nay, Người là ngôi sao sáng chỉ đường cho chúng ta đi tới cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa”.
Ngày 18/4/1924, Người viết bài báo với nhan đề “Liên bang Xô Viết và các dân tộc thuộc địa” đăng trên tạo chí Thư tín quốc tế, cơ quan ngôn luận của Quốc tế Cộng sản, bản tiếng Đức, số 46. Tháng 5/1924, Người viết bài viết bằng tiếng"Pháp và ký tên Nguyễn Ái Quốc với nhan đề: “Đoàn kết giai cấp” đăng trên báo Người cùng khổ, số 25. Bài viết thuật lại vụ xử án một người công nhân và thuật lại cuộc đấu tranh của công nhân đã buộc tòa phải xử trắng án. Kết luận bài báo này, Người viết: “vậy là, màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: Giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: Tình hữu ái vô sản”.
Đầu tháng 11/1924, Nguyễn Ái Quốc lên đường tới Quảng Châu, Trung Quốc để gây dựng phong trào cách mạng, kết thúc một thời gian hoạt động sôi nổi trên đất nước Liên Xô.
Hồng Phúc
Theo thinhvuongvietnam.com