Sign In

Nghiên cứu sự cần thiết của việc quy định các trình tự, thủ tục thi hành án cho các loại bản án, quyết định khác nhau

30/04/2024

Luật THADS hiện hành về cơ bản đang quy định một trình tự, thủ tục áp dụng chung cho tất cả các loại bản án, quyết định của Tòa án, vụ việc cạnh tranh, phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại; mới chỉ dành 01 Chương quy định về thi hành án trong một số trường hợp cụ thể (Chương V quy định về thi hành án trong một số trường hợp cụ thể, trong đó có thi hành khoản tịch thu sung quỹ nhà nước, tiêu hủy tài sản, hoàn trả tiền, tài sản kê biên, tạm giữ trong bản án quyết định hình sự) nhưng còn chưa đầy đủ. Thực tiễn thi hành đã cho thấy những bất cập khi không phân tách và có các trình tự, thủ tục đặc thù cho từng loại việc. Cụ thể:
(i)  Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành của Tòa án:
Khoản 1 Điều 35 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 quy định: “Quyết định công nhận hòa giải thành được thi hành theo quy định của pháp luật về THADS”. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thi hành quyết định công nhận hòa giải thành tại Tòa án cũng đã phát sinh một số bất cập, hạn chế, cụ thể như sau:
- Quyết định công nhận hòa giải thành tại tòa án có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành, nhưng có thể bị xem xét lại theo đề nghị của các bên hoặc kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được, biết được quyết định. Như vậy, nếu sau khi đương sự có đơn yêu cầu, cơ quan THADS đã ra quyết định thi hành án và đang tổ chức thi hành mà quyết định đó bị xem xét lại theo yêu cầu của đương sự hoặc kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân thì chưa có quy định cụ thể về phương án giải quyết tiếp theo.
- Bất cập trong việc xác định giá trị pháp lý của Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành về giải quyết tranh chấp tài sản phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành án: Trong quá trình tổ chức vụ việc thi hành án cụ thể, khi cơ quan THADS áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án xử lý tài sản để thi hành án thì phát sinh tranh chấp với người thứ ba hoặc chưa xác định được phần sử hữu, sử dụng tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung. Trong trường hợp đó, Chấp hành viên cơ quan THADS sẽ hướng dẫn đương sự, người có tranh chấp khởi kiện ra tòa và Thủ trưởng cơ quan THADS phải ban hành quyết định hoãn thi hành án khi Tòa án thụ lý giải quyết yêu cầu của đương sự để xác định tài sản riêng của người phải thi hành án trong khối tài sản chung với người khác (Điều 74 Luật THADS) hoặc giải quyết tranh chấp tài sản (Điều 75 Luật THADS). Vấn đề phát sinh ở đây là, khi Chấp hành viên hướng dẫn khởi kiện ra Tòa án để giải quyết các nội dung trên thì Tòa án nhận đơn của đương sự, người có tranh chấp và có thông báo về việc chuyển vụ việc sang hòa giải. Vậy trong thời gian Tòa án chưa thụ lý đơn khởi kiện, đang tổ chức hòa giải thì Thủ trưởng cơ quan THADS có ra quyết định hoãn thi hành án đối với vụ việc hay không?
(ii) Hình phạt, biện pháp tư pháp về tiền, tài sản và nghĩa vụ tài sản khác trong bản án hình sự:
Thực tiễn tổ chức thi hành án các loại việc này theo quy trình của Luật THADS hiện hành, đã và đang phát sinh một số bất cập lớn, cụ thể như sau:
- Hiện nay nhiều vụ việc thi hành án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo, mặc dù Bản án đã tuyên kê biên tài sản để bảo đảm thi hành án nhưng cơ quan THADS chưa thể xử lý tài sản do quy định về quyền thỏa thuận phân chia tài sản giữa người phải thi hành án với các đồng chủ sở hữu quy định tại Điều 74 Luật THADS[1] hoặc quy định về quyền khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu phân chia tài sản còn có quan điểm chưa thống nhất đối với tài sản đã bị tuyên kê biên để bảo đảm thi hành án[2]. Việc thực hiện theo quy trình chung về thỏa thuận phân chia tài sản đối với các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế một mặt kéo dài quá trình tổ chức thi hành án, mặt khác chứa đựng nguy cơ đương sự tẩu tán tài sản, không bảo đảm việc thu hồi kịp thời, thu hồi tối đa tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt cho ngân sách Nhà nước trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng.
- Tài sản đã bị bản án tuyên kê biên để bảo đảm thi hành án giảm giá nhiều lần trong trường hợp bồi thường cho nhà nước không áp dụng quy định người được thi hành án được nhận tài sản để đối trừ nghĩa vụ của người phải thi hành án, dẫn đến không thu hồi được tài sản cho nhà nước hoặc thu hồi được nhưng bị thất thoát do tài sản bị giảm giá nhiều lần[3];
- Hiện nay số lượng vật chứng, tài sản tồn kho đã có quyết định thi hành án nhưng chưa xử lý được của cơ quan THADS tương đối lớn (10.898 việc, tương ứng 662.825 vật chứng). Một trong những nguyên nhân là do đương sự không đến nhận tiền, tài sản theo Thông báo của cơ quan THADS. Trong khi đó Luật THADS đang quy định thời gian quá dài để đủ kiện thực hiện việc sung công, giải quyết dứt điểm vụ việc.
(iii) Phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại:
Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thoả thuận và được tiến hành theo quy định của Luật Trọng tài thương mại, được thực hiện theo nguyên tắc Trọng tài viên phải tôn trọng thoả thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm và trái đạo đức xã hội[4]. Thực tiễn thi hành phán quyết trọng tài gặp một số khó khăn, bất cập, cụ thể:
- Bất cập khi quy định về thời điểm phán quyết trọng tài có hiệu lực và trách nhiệm chứng minh: Theo quy định khoản 5 Điều 61 Luật Trọng tài thương mại thì phán quyết trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Tuy nhiên, khác với bản án, quyết định của Tòa án, khoản 1 Điều 66 Luật Trọng tài thương mại về quyền yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài quy định: “Hết thời hạn thi hành phán quyết trọng tài mà bên phải thi hành phán quyết không tự nguyện thi hành và cũng không yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài theo quy định tại Điều 69 của Luật này, bên được thi hành phán quyết trọng tài có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan THADS có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài.” Trong trường hợp nội dung phán quyết xác định rằng trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày ra phán quyết thì bên có nghĩa vụ phải thực hiện xong nghĩa vụ. Điều này sẽ không thực tế khi đến thời điểm đó một bên không thực hiện, dẫn đến bên còn lại phải làm đơn yêu cầu thi hành án. Khi nhận được yêu cầu, cơ quan THADS lại phải xác định xem có bên nào đang thực hiện quyền khiếu nại tại Tòa án hay không? Quy định này đã dẫn đến chậm trễ trong việc thực hiện nghĩa vụ đã được nêu trong phán quyết.
Một vấn đề khác đặt ra ở đây chính là trách nhiệm xác định đơn yêu cầu thi hành án đáp ứng điều kiện thứ ba thì trước khi ra quyết định thi hành án thuộc về đương sự hay cơ quan THADS? Cho đến nay, chưa có quy định hay văn bản nào hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 66 Luật Trọng tài thương mại thì: “Đối với phán quyết của Trọng tài vụ việc, bên được thi hành có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan THADS có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài sau khi phán quyết được đăng ký theo quy định tại Điều 62 của Luật này”. Như vậy, đối với phán quyết của Trọng tài vụ việc, để được yêu cầu thi hành án, trước đó một hoặc các bên tranh chấp phải đăng ký phán quyết tại Tòa án nơi Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết. So với phán quyết do Trung tâm trọng tài thực hiện thì thời gian để được thụ lý, ra quyết định thi hành án theo đơn đối với trọng tài vụ việc có thể kéo dài thêm 16 ngày làm việc (cộng dồn) và trên thực tế sẽ kéo dài thêm gần 01 tháng.
Theo quy định tại Điều 30 Luật THADS thì thời hiệu yêu cầu thi hành án là 05 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực hoặc ngày thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định đén hạn. Tuy nhiên, đối với phán quyết trọng tài, để được ra quyết định thi hành án theo yêu cầu, người được thi hành án phải đáp ứng các điều kiện như đã phân tích ở trên. Điều này dẫn đến hậu quả là thời hiệu yêu cầu thi hành án của đương sự bị rút ngắn hơn so với thời hiệu 05 năm như Luật định. Mặt khác, quy định về việc bên được thi hành chỉ được quyền làm đơn yêu cầu thi hành án sau khi phán quyết đã được đăng ký cũng gây khó khăn, chậm trễ cho người được thi hành án trong việc thực hiện quyền của mình. Nhất là đối với trường hợp trong phán quyết trọng tài đã ấn định thời hạn thực hiện cụ thể do đã dự liệu trước các rủi ro có thể xảy ra, có thể dẫn đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại của bên được thi hành án đối với bên thứ ba nếu như quá thời hạn thực hiện đã nêu…
- Bất cập do chưa dự liệu được hậu quả pháp lý khi đã quá thời hạn 01 năm mà các bên không đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc theo quy định tại Điều 62 Luật Trọng tài thương mại:
+ Thời hạn để được yêu cầu sửa chữa và giải thích đối với những nội dung trong phán quyết trọng tài được ấn định trong một khoảng thời gian quá ngắn. Theo đó, thời điểm để các bên thực hiện quyền của mình là ngay sau khi pán quyết được ban hành, không được thực hiện quyền này trong giai đoạn thi hành án. Tức là, các bên chỉ được yêu cầu trong trường hợp không có thỏa thuận khác về thời hạn thì các bên chỉ được yêu cầu Hội đồng trọng tài sửa chữa những lỗi rõ ràng về chính tả, số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai trong phán quyết; giải thích về điểm cụ thể hoặc phần nội dung của phán quyết trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được phán quyết. Trong khi đó, thực tiễn cho thấy nhiều vụ việc, đến giai đoạn thi hành án mới phát hiện ra những nhầm lẫn, sai sót hoặc không rõ ràng, cụ thể của phán quyết mà nếu không sửa chữa, giải thích, đính chính (thuộc thẩm quyền của cơ quan ban hành phán quyết) thì không thể thi hành được và khi cơ quan THADS yêu cầu giải thích, đính chính, sửa đổi thì đã hết thời hạn theo luật định. Trong khi đó, đối với bản án, quyết định của Tòa, việc xem xét để giải thích, đính chính, sửa đổi không giới hạn về mặt thời gian.
+ Giới hạn về chủ thể có quyền yêu cầu sửa chữa và giải thích phán quyết: Do giới hạn về thời gian có quyền yêu cầu nên pháp luật quy định chỉ các bên tham gia giải quyết mới được quyền yêu cầu sửa chữa và giải thích nội dung phán quyết, vì lúc này chưa có đơn yêu cầu thi hành án nên chưa thuộc thẩm quyền của cơ quan THADS. Đến giai đoạn thi hành án, trường hợp có phát sinh khó khăn, vướng mắc từ chính nội dung của phán quyết, bên cạnh việc đã hết thời hạn yêu cầu giải thích đối với phán quyết thì cơ quan THADS cũng khong phải là chủ thể có quyền yêu cầu giải thích, đính chính đối với phán quyết đó.
+ Chưa lường hết được về hậu quả của việc nội dung của phán quyết có sai sót, nhầm lẫn hoặc nội dung có nhiều cách hiểu khác nhau nhưng không được sửa chữa, giải thích trong thời hạn luật định hoặc nội dung phán quyết rất khó thi hành[5]. Do đó, trong trường hợp này, phán quyết của Trọng tài thương mại mặc dù đã có hiệu lực nhưng không thể thi hành, vô hiệu trên thực tế, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.
- Bất cập về quy định xác định cơ quan THADS có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài. Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Trọng tài thương mại: “Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài là Cơ quan thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Hội đồng trọng tài ra phán quyết”. Thực tiễn cho thấy, trong nhiều vụ việc, tại nơi hội đồng trọng tài ra phán quyết thì người phải thi hành lại không có địa chỉ cư trú, tài sản, dẫn đến cơ quan THADS đã ra quyết định thi hành án phải thực hiện việc ủy thác đến cơ quan THADS nơi người phải thi hành án có địa chỉ, cư trú hoặc có tài sản, gây kéo dài thời gian thi hành án.
(iv) Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm
          Thủ tục thi hành quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm hiện có vướng mắc trong trường hợp quyết định giám đốc thẩm bị sửa.
(v) Thủ tục thi hành quyết định về phá sản gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do còn có những mâu thuẫn nhất định giữa pháp luật về phá sản và pháp luật THADS.
- Về việc tạm đình chỉ giải quyết yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán thực hiện nghĩa vụ về tài sản[6]
Điều 41 Luật Phá sản năm 2014 quy định trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án nhân dân thụ lý vụ việc phá sản, việc tạm đình chỉ thực hiện nghĩa vụ về tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán cơ quan THADS phải tạm đình chỉ THADS về tài sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã là người phải thi hành án, trừ bản án, quyết định buộc doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán bồi thường về tính mạng, sức khỏe, danh dự hoặc trả lương cho người lao động; việc tạm đình chỉ được thực hiện theo quy định của pháp luật về THADS. Trong khi đó, khoản 2 Điều 49 Luật THADS năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định: “Thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án khi nhận được thông báo của Tòa án về việc đã thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với người phải thi hành án. Thời hạn ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án”. Quy định trên cho thấy: Luật Phá sản và Luật THADS quy định khác nhau về thời hạn ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án; Luật THADS không loại trừ “bản án, quyết định buộc doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán bồi thường về tính mạng, sức khỏe, danh dự hoặc trả lương cho người lao động” khi quy định về việc ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án theo quy định tại khoản 1 Điều 41 Luật Phá sản năm 2014.
- Về việc lập danh sách người mắc nợ
Khoản 2 Điều 68 Luật Phá sản quy định: “Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày ra quyết định mở thủ tục phá sản, danh sách người mắc nợ phải được niêm yết công khai tại trụ sở Tòa án nhân dân tiến hành thủ tục phá sản, trụ sở chính của doanh nghiệp, hợp tác xã và phải gửi cho người mắc nợ trong 10 ngày làm việc kể từ ngày niêm yết”. Quy định việc quy định lập sách người mắc nợ trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày ra thông báo mở thủ tục phá sản với thời gian như vậy không đảm bảo cho việc lập danh sách người mắc nợ trong trường hợp số lượng người mắc nợ lớn; bên cạnh đó, pháp luật về phá sản không có quy định việc lập danh sách người mắc nợ phải được thực hiện như thế nào nên dẫn đến tình trạng Quản tài viên, Thẩm phán chỉ căn cứ vào sổ sách, tài liệu của công ty mà không triệu tập người mắc nợ đến để đối chiếu công nợ hay cung cấp tài liệu dẫn đến thiếu chính xác cả về họ tên, địa chỉ, khoản nợ không xác định được là khoản nợ theo giao dịch hợp đồng hay giao dịch khác. Vướng mắc nêu trên còn dẫn đến việc khi nhận được quyết định tuyên bố phá sản có khoản thu tiền từ người mắc nợ, cơ quan thi hành án theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 36 Luật THADS phải ra quyết định thi hành án và tổ chức thi hành đối với khoản thu từ người mắc nợ dẫn đến việc thi hành án gặp nhiều khó khăn do danh sách người mắc nợ không chính xác.
- Về giám sát hoạt động của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản
Khoản 4 Điều 9 Luật Phá sản quy định một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản là “giám sát hoạt động của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản”. Khoản 3 Điều 17 Luật Phá sản quy định một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan THADS là “Giám sát hoạt động của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản khi thực hiện thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản; yêu cầu Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản báo cáo việc thanh lý tài sản”. Quy định tại khoản 4 Điều 9 và khoản 3 Điều 17 Luật Phá sản cho thấy cả Thẩm phán và cơ quan THADS đều có quyền giám sát hoạt động của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, trong khi đó lại chưa có quy định phân định rõ trách nhiệm của cơ quan THADS và Thẩm phán.
(vi) Thi hành án có yếu tố nước ngoài
Chưa có quy định trình tự, thủ tục riêng để áp dụng cho những việc THADS có yếu tố nước ngoài, dẫn đến còn khó khăn vướng mắc nên việc tổ chức thi hành các loại việc này chưa đạt hiệu quả. Hiện nay, việc tổ chức thi hành đối với loại việc này mới chỉ có quy định tại Điều 181 Luật THADS. Trên thực tế, việc thi hành án có yếu tố nước ngoài gặp nhiều vướng mắc, bất cập điển hình như: Thời gian tống đạt các văn bản về THADS kéo dài (thời gian tống đạt đối với 01 văn bản thông thường là mất 06 tháng, có những trường hợp đặc biệt thì mất tới 01 năm); chưa xác định rõ “khái niệm” THADS có yếu tố nước ngoài[7]; chưa quy định trách nhiệm cụ thể của cơ quan THADS trong hoạt động tương trợ tư pháp[8]; trong việc thi hành nghĩa vụ gắn với nhân thân, tiền, tài sản trong khi đó người phải thi hành án đang ở nước ngoài không có tài sản ở Việt Nam...
Từ những phân tích nêu trên, tôi thấy rằng cần Quy định rõ quy trình, thủ tục thi hành đối với từng loại bản án, quyết định được giao cho cơ quan THADS thi hành, khắc phục cơ bản những bất cập hiện nay theo hướng quy định toàn diện, đầy đủ, mang tính khái quát các loại bản án, quyết định được thi hành; đồng thời, bên cạnh việc hoàn thiện trình tự, thủ tục chung về THADS, cần bổ sung trình tự, thủ tục thi hành án đối với một số bản án, quyết định cụ thể, bao gồm:
+ Thi hành các loại quyết định của Tòa án: quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm; quyết định phá sản
+ Thi hành phần dân sự trong bản án hình sự, nhất là đối với các bản án  hình sự về kinh tế, tham nhũng. Trong đó có quy định linh hoạt về cơ quan có thẩm quyền xử lý, hạn chế việc phải vận chuyển vật chứng tốn kém kinh phí, thời gian. Nghiên cứu rút ngắn các quy định về xử lý vật chứng, nhất là các vật chứng không có giá trị, hư hỏng, đã thông báo nhưng đương sự không đến nhận.
+ Thi hành phán quyết, quyết định trọng tài thương mại, vụ việc cạnh tranh;
+ Thi hành bản án, quyết định có yếu tố nước ngoài; thủ tục cơ quan THADS thực hiện tương trợ tư pháp tại Việt Nam....
Hoàng Thu Thủy - Vụ NV1
 

Các tin khác
Các tin đã đưa ngày: