THADS có vai trò quan trọng trọng hoạt động tư pháp nói chung và quá trình giải quyết vụ án nói riêng. Để tổ chức thi hành án, cơ quan THADS phải thực hiện theo trình tự, thủ tục sau: Thụ lý, ra quyết định thi hành án; tổ chức thi hành án; thẩm tra, lưu trữ hồ sơ thi hành án.
Thụ lý, ra quyết định thi hành án là giai đoạn đầu, giữ vai trò quan trọng trong quá trình tổ chức THADS, là cơ sở pháp lý để bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật được tổ chức thi hành trên thực tế, góp phần tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước.
Trong năm 2022, các cơ quan THADS tỉnh Lai Châu đã ban hành 1.845 Quyết định thi hành án, trong đó 1.691 Quyết định thi hành án chủ động và 154 Quyết định thi hành án theo yêu cầu. 6 tháng đầu năm 2023, đã ban hành 1.186 quyết định, trong đó 992 quyết định thi hành án chỉ động và 194 quyết định thi hành án theo yêu cầu. Các Quyết định thi hành án về cơ bản đều được ban hành đúng thời hạn, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, bảo đảm các nội dung theo bản án, quyết định của Tòa án.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thụ lý, ra quyết định thi hành án còn một số hạn chế, vi phạm như: Trong quá trình tiếp nhận bản án của Tòa án, tiếp nhận đơn yêu cầu thi hành án, công chức thụ lý chưa kiểm tra kỹ tính hiệu lực của bản án, hồ sơ tài liệu kèm theo đơn yêu cầu thi hành án; có trường hợp xác định chưa đúng thẩm quyền thi hành án; xác định chưa đúng phạm vi yêu cầu thi hành án, nội dung yêu cầu chưa phù hợp với quyết định của bản án; Tiếp nhận đơn yêu cầu thi hành án là cơ quan, tổ chức chưa có đóng dấu của pháp nhân; trong trường hợp người yêu cầu thi hành án quá hạn, công chức thụ lý trả lời ngay là không tiếp nhận đơn mà không hướng dẫn người được thi hành án quyền chứng minh trở ngại khách quan, sự kiện bất khả kháng; chậm ra quyết định thi hành án, ra quyết định thi hành án sai thẩm quyền, các vật chứng được mô tả trong quyết định thi hành án không giống với nội dung bản án…
Nguyên nhân của những hạn chế, vi phạm đó là:
- Biên chế tại các cơ quan THADS ít trong khi khối lượng công việc lớn, số án qua các năm tăng cao cả về số lượng và tính chất, mức độ phức tạp, một người phải đảm nhiệm nhiều công việc; trình độ công chức tại các cơ quan THADS không đồng đều, có mặt còn hạn chế; một số công chức, trong đó có cả công chức làm công tác thụ lý chưa thực sự tích cực trong nghiên cứu văn bản phục vụ công tác chuyên môn; thiếu kỹ năng trong việc tiếp nhận bản án, đơn yêu cầu THA, tổng hợp, phân tích, đối chiếu nội dung của bản án với các thủ tục khác của cơ quan THADS (như thủ tục tiếp nhận vật chứng, biên lai thu tiền tạm ứng…) để kịp thời đề nghị Tòa án sửa chữa, bổ sung bản án, quyết định.
- Bản án của Tòa án tuyên còn có một số sai sót về họ tên, địa chỉ của đương sự; tuyên thiếu vật chứng hoặc chưa chính xác về vật chứng so với Biên bản giao nhận vật chứng giữa cơ quan Công an và cơ quan THADS.
- Công tác kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân đối với việc ban hành bản án của Tòa án và việc thực hiện công tác thụ lý, ra quyết định thi hành án của cơ quan THADS chưa thật sự đạt hiệu quả cao, chưa kịp thời phát hiện ra những sai sót.
Để công tác thụ lý, ra quyết định thi hành án đảm bảo chính xác, đúng thời hạn, đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định, là cơ sở để Chấp hành viên thi hành đúng quy định của pháp luật, đưa bản án, quyết định của Tòa án được thực thi nghiêm minh cần thực hiện một số giải pháp như sau:
1. Đối với các cơ quan THADS:
- Phân công công chức thực hiện công tác thụ lý, ra quyết định THA có tinh thần trách nhiệm, có trình độ năng lực, có kinh nghiệm công tác, có kỹ năng nắm bắt, kịp thời cập nhật, nghiên cứu sâu những quy định của pháp luật có liên quan đến thụ lý và ra quyết định THA, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, tiến độ công việc được giao.
- Khi tiếp nhận các bản án, quyết định do Tòa án chuyển giao hoặc yêu cầu thi hành án của đương sự, công chức cần kiểm tra kỹ các điều kiện về thẩm quyền chuyển giao bản án, quyết định; thẩm quyền thi hành án; hiệu lực của bản án, quyết định; thời hiệu yêu cầu thi hành án; người có quyền yêu cầu thi hành án; các tài liệu kèm theo bản án, quyết định; đối chiếu yêu cầu thi hành án của đương sự với nội dung của bản án.
- Khi xét thấy đủ điều kiện để nhận bản án, quyết định do Tòa án chuyển giao hoặc yêu cầu thi hành án của đương sự, công chức thụ lý cần phải thực hiện đầy đủ các thủ tục như ký vào biên bản giao nhận với Tòa án (đối với trường hợp nhận trực tiếp); thông báo bằng văn bản cho Tòa án đã chuyển giao biết (đối với trường hợp nhận qua đường bưu điện); vào sổ nhận bản án, quyết định; vào sổ nhận đơn yêu cầu thi hành án; thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu thi hành án. Việc vào sổ nhận bản án, quyết định, sổ nhận đơn yêu cầu thi hành án là căn cứ quan trọng để xác định thời hạn ra quyết định thi hành án, cần được thực hiện đầy đủ, kịp thời.
- Áp dụng đúng các quy định của pháp luật về ra quyết định thi hành án chủ động, ra quyết định theo yêu cầu, xác định đầy đủ, rõ ràng các căn cứ làm cơ sở ban hành quyết định.
- Quá trình soạn thảo các quyết định thi hành án, cần thực hiện đảm bảo các yêu cầu như: Thực hiện đúng theo mẫu quyết định thi hành án được ban hành kèm theo Thông tư số 01/2016/TT-BTP; Không được làm sai lệch nội dung của bản án, quyết định; đối với quyết định thi hành án theo yêu cầu, không được làm sai lệch nội dung yêu cầu thi hành án cũng như nội dung của bản án, quyết định đưa ra thi hành; Các khoản cho thi hành cần được trình bày đủ ý, logic, dễ hiểu, dễ triển khai thực hiện.
- Trường hợp xét thấy cần phải thu hồi, sửa đổi, bổ sung, hủy quyết định thi hành án, cần xác định rõ thẩm quyền, các căn cứ để thực hiện đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
- Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với Tòa án nhân dân trong quá trình tiếp nhận bản án, quyết định; kịp thời đề nghị Tòa án sửa chữa, bổ sung bản án để có căn cứ ra quyết định thi hành án.
Phối hợp tốt với Viện kiểm sát nhân dân trong việc cung cấp đầy đủ, kịp thời các quyết định thi hành án, đề nghị Viện kiểm sát kiến nghị trong trường hợp bản án có sai sót, khó thi hành mà Tòa án đã nhận được đề nghị của cơ quan THADS nhưng không thực hiện hoặc không kịp thời giải thích, sửa chữa bản án.
2. Đối với Tòa án nhân dân: Phối hợp tốt với cơ quan THADS trong quá trình chuyển giao bản án, quyết định; kịp thời sửa chữa, bổ sung bản án để cơ quan THADS có căn cứ ra quyết định thi hành án bảo đảm theo quy định của pháp luật; kịp thời chuyển giao cho cơ quan THADS những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
3. Đối với Viện kiểm sát nhân dân: Tăng cường hơn nữa công tác kiểm sát trong việc chuyển giao các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; phát hiện những sai sót, nhầm lẫn trong nội dung bản án, quyết định của Tòa án để kiến nghị sửa chữa, bổ sung kịp thời, làm căn cứ cho cơ quan THADS ra quyết định và tổ chức thi hành án đúng quy định của pháp luật./.
Theo Chánh văn phòng Cục THADS