Với vai trò là thi hành các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Thực tế thi hành các vụ việc cho thấy công tác thi hành án dân sự hết sức phức tạp, không ít các vụ việc trong quá trình thi hành án cần vận dụng nhiều quy định, cần sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng thuận của các cơ quan liên quan và sự phối, kết hợp của nhiều cấp, nhiều ngành. Có những vụ án kéo dài rất nhiều năm với nhiều lý do khác nhau mà các cơ quan chưa giải quyết dứt điểm dẫn đến người dân khiếu nại, tố cáo, gây mất an ninh, ảnh hưởng đến trật tự; nhiều vụ việc không giải quyết được do gặp nhiều vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành.
Hàng năm, một số lượng lớn các vụ việc mới phát sinh với tính chất ngày càng phức tạp, các vụ việc chưa có điều kiện thi hành liên quan đến tín dụng, ngân hàng ngày càng chiếm tỷ lệ lớn (xử ly tài sản thế chấp gặp nhiều khó khăn) dẫn đến việc tồn đọng án tại cơ quan ngày càng gia tăng. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án và các quy định pháp luật liên quan chưa thực sự hiệu quả. Trình độ, năng lực cán bộ, Chấp hành viên có nhiệm vụ thi hành án chưa cao; thái độ phục vụ, tiếp dân chưa được chú trọng đúng mức; Có những trường hợp Chấp hành viên chưa tổ chức xác minh điều kiện thi hành án trước khi áp dụng biện pháp cưỡng chế, một số trường hợp bản án, quyết định của Tòa án có sai sót gây bức xúc cho đương sự nhưng cơ quan thi hành án vẫn tổ chức thi hành dẫn đến phát sinh khiếu nại, tố cáo; một số Chấp hành viên chưa chú trọng đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa triệt để; vẫn còn tình trạng đùn đẩy, để công dân gửi đơn khiếu nại, tố cáo vượt cấp nhiều, tạo điểm nóng…
Năm 2018, công tác thi hành án dân sự ở Đức Trọng tuy còn nhiều khó khăn, hạn chế nhưng với sự quan tâm chỉ đạo của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Lâm Đồng, Huyện ủy, Hội đồng nhân dân huyện, Ủy ban nhân dân huyện, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự huyện, phối hợp nhịp nhàng của tập thể Lãnh đạo trong đơn vị; sự đồng thuận, quyết tâm của đội ngũ cán bộ, công chức và sự phối hợp kịp thời của chính quyền địa phương, các cơ quan, ban ngành có liên quan công tác thi hành án có những bước chuyển biến rõ nét. Kết quả thi hành án dân sự về việc và về tiền trong 06 tháng cơ bản đạt chỉ tiêu được giao. Đã thi hành xong 598/1057 việc có điều kiện thi hành (đạt 56,58 % so với số việc có điều kiện thi hành) và thi hành xong 40.212.148.000/196.990.873.000 đồng (đạt 20,41% so với số tiền có điều kiện thi hành).
Sự đoàn kết, đồng thuận, quyết tâm, trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật của đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động trong đơn vị bước đầu đã được quan tâm, chấn chỉnh kịp thời. Mối quan hệ phối hợp của chính quyền địa phương, các cơ quan, ban ngành có liên quan được củng cố. Để tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trong thời gian tới, tạo sự đột phá trong công tác quản lý điều hành và kết quả công tác thi hành án năm 2018, tạo đà cho những năm tiếp theo, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đức Trọng tập trung thực hiện các giải pháp sau:
- Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và chuẩn mực đạo đức Chấp hành viên; nâng cao vai trò trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, chống trì trệ trong đội ngũ cán bộ thi hành án; quán triệt, yêu cầu Chấp hành viên tích cực nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục thuyết phục, trong đó chú trọng việc thỏa thuận thi hành án để đương sự tự nguyện thi hành án, hạn chế các vụ việc phải cưỡng chế thi hành án.
- Hoạt động thi hành án dân sự là thực thi phán quyết của Tòa án hoặc tổ chức khác theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thi hành án, Chấp hành viên và các cơ quan thi hành án không chỉ tập trung vào phần quyết định của Tòa án mà cần nghiên cứu nội dung bản án, quyết định của Tòa án, đối chiếu với các quy định pháp luật liên quan. Trong quá trình tổ chức thi hành án, CHV phát hiện những điểm chưa rõ, có sai sót thì tham mưu cho Lãnh đạo yêu cầu cơ quan đã ra bản án, quyết định giải thích bằng văn bản những điểm chưa rõ hoặc không phù hợp với thực tế trong bản án, quyết định đó để thi hành; kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định theo quy định của pháp luật.
Đối với các vụ việc phải cưỡng chế thi hành án, yêu cầu Chấp hành viên thực hiện việc xác minh điều kiện thi hành án, lấy thông tin đầy đủ đầy đủ trước khi áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế; tránh trường hợp Chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế chỉ căn cứ vào giấy tờ tài sản mà không tiến hành xác minh thực tế.
- Về trình tự xử lý tài sản kê biên, Chấp hành viên phải ban hành văn bản để thông báo cho đương sự biết theo quy định của Luật Thi hành án dân về: trình tự định giá tài sản, quyền yêu cầu định giá lại, quyền thoả thuận về tổ chức bán đấu giá và quyền nhận lại tài sản trước khi mở cuộc bán đấu giá 01 ngày làm việc, trình tự xử lý tài sản không có người tham gia đấu giá, bán đấu giá không thành… Hiện nay vẫn còn một số Chấp hành viên có nhận thức việc thông báo bán đấu giá tài sản kê biên là trách nhiệm của Công ty bán đấu giá nên không tiến hành thông báo cho đương sự biết dẫn đến phát sinh khiếu nại, tố cáo và nguy cơ bị hủy kết quả bán đấu giá.
- Tổ chức tốt việc tiếp công dân để kịp thời nắm bắt tình hình cũng như tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người có đơn khiếu nại, tố cáo từ đó tập trung, chủ động giải quyết khiếu nại, tố cáo triệt để ngay từ khi có đơn khiếu nại, tố cáo, không để phát sinh khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài, cần vận dụng linh hoạt kỹ năng dân vận trong công tác tiếp dân, trực tiếp thực hiện việc đối thoại với công dân trước khi trả lời.
- Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng yêu cầu kịp thời cung cấp thông tin về tài khoản, tài sản thế chấp, nghiêm túc thực hiện các quyết định về phong tỏa, khấu trừ tiền trong tài khoản theo quy định của pháp luật.
|
|
Mai Văn Hưng
Chi cục THADS huyện Đức Trọng |