Hoạt động thi hành án là hoạt động diễn ra sau khi kết thúc quá trình tố tụng nhằm đưa bản án, quyết định của Tòa án ra thi hành trên thực tế, khôi phục lại tình trạng ban đầu của các quan hệ pháp luật bị xâm hại trước đó. Chính vì vậy, chất lượng và hiệu quả của việc thi hành án dân sự phụ thuộc rất lớn vào hoạt động tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng. Nếu quá trình điều tra, truy tố, xét xử được thực hiện nghiêm túc, khách quan, đúng pháp luật, kịp thời ngăn chặn việc tẩu tán tài sản của đương sự, thì việc thi hành án sẽ thuận lợi, nhanh chóng và hạn chế được rất nhiều việc khiếu nại, tố cáo của các bên đương sự và người có liên quan. Trong quá trình tổ chức thi hành án cho thấy, nhiều đương sự có điều kiện thi hành án nhưng vẫn cố tình chây ỳ, không tự nguyện thi hành án, thậm chí có trường hợp còn chống đối quyết liệt, nhiều trường hợp không hiểu trình tự thủ tục thi hành án hoặc lợi dụng quyền tự do dân chủ của công dân làm đơn KNTC không đúng quy định của pháp luật, nhằm trì hoãn việc thi hành án. Nhiều trường hợp KNTC, cơ quan thi hành án dân sự đã giải quyết hết thẩm quyền nhưng đương sự vẫn tiếp tục gửi đơn đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và nhà nước, thậm chí có trường hợp còn tổ chức tụ tập đông người, kéo đến các cơ quan Đảng, nhà nước, gây rối trật tự, làm ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, đơn vị hoặc ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là từ khi Luật Thi hành án dân sự được ban hành đã được tăng cường, tập trung và chỉ đạo giải quyết những vụ việc khiếu nại, tố cáo nhất là các vụ việc tồn đọng, bức xúc, kéo dài, hạn chế phát sinh mới, chú trọng tiến độ, thời hạn, chất lượng giải quyết, tăng cường đối thoại, giải thích, giáo dục, thuyết phục, kết hợp với đi xác minh thực tế, tập hợp đầy đủ các thông tin, diễn biến của vụ việc, kể cả tâm tư nguyện vọng của đương sự, qua đó căn cứ vào quy định của pháp luật ra quyết định giải quyết phù hợp. Nhờ đó, trong những năm gần đây, các vụ việc khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực thi hành án dân sự đã giảm đi đáng kể.
Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn một số cơ quan thi hành án dân sự chưa coi trọng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, còn đùn đẩy né tránh; việc phân công, bố trí người làm công tác tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế về nghiệp vụ; công tác tiếp công dân ở các cơ quan Thi hành án dân sự tuy có duy trì nhưng không được thường xuyên, một số đơn vị giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chậm, thiếu chặt chẽ làm cho đương sự bức xúc khiếu nại nhiều lần, vượt cấp.
Lượng việc thi hành án hàng năm phát sinh ngày càng nhiều, năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước, số lượng việc thi hành án còn tồn đọng chuyển qua năm sau nhiều và có xu hướng tiếp tục gia tăng nhưng chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết dứt điểm; một số cơ quan Thi hành án có số lượng án quá lớn dẫn đến quá tải. Trong khi đó, biên chế ở một số đơn vị được Bộ Tư pháp phân bổ chưa đáp ứng theo yêu cầu công việc.
Một nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp và làm phát sinh khiếu nại, tố cáo là nhiều bản án, quyết định của Tòa án đã được tổ chức thi hành án xong, lại bị Tòa án, Viện Kiểm sát nhân dân cấp trên kháng nghị yêu cầu xét xử lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, có nhiều trường hợp kéo dài nhiều năm liền nhưng vụ án vẫn chưa được xét xử xong. Nhiều trường hợp đang tổ chức thi hành án thì bị Tòa án, Viện Kiểm sát yêu cầu hoãn, tạm đình chỉ để xem xét lại quyết định, bản án của Tòa án cấp dưới và sau đó xét xử lại trái ngược nhau, dẫn đến tình trạng hoài nghi của các đương sự đối với việc xét xử và thi hành án, khiến họ không an tâm khi thực hiện quyền và nghĩa vụ thi hành án. Có trường hợp, trong quá trình tố tụng các cơ quan tiến hành tố tụng chưa phối hợp thực hiện các biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm ngăn chặn đương sự tẩu tán tài sản, để đảm bảo thi hành án. Nhiều trường hợp bản án, quyết định của toà án tuyên không rõ ràng, không có tính khả thi, mặc dù cơ quan Thi hành án đã có ý kiến nhưng không được Tòa án đình chính, giải thích kịp thời. Nhiều vụ việc đã tổ chức kê biên, định giá, bán đấu giá nhưng phải tổ chức lại nhiều lần do không có người mua tài sản. Những vấn đề nói trên phần nào gây bức xúc cho đương sự dẫn đến khiếu nại. Có nhiều trường hợp người phải thi hành án lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo làm đơn khiếu nại, tố cáo sai sự thật hoặc gây rối, cản trở, trốn tránh việc thi hành án khiến cho bản án kéo dài, chưa thể thi hành được.
Bên cạnh đó cũng là những nguyên nhân gián tiếp như Chấp hành viên chưa thực sự kiên quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án, cá biệt có vụ việc Chấp hành viên còn thụ động, không tích cực đôn đốc thi hành án.
Một số kiến nghị và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự
Quán triệt sự lãnh đạo của Đảng trong công tác giải quyết khiếu nại về thi hành án dân sự cho Thủ trưởng, Chấp hành viên và cán bộ làm công tác thi hành án dân sự.
Cần quy định chế tài đối với hành vi khiếu nại không đúng sự thật để người khiếu nại nâng cao nhận thức về pháp luật, chỉ khi có đủ căn cứ chứng minh quyết định, hành vi, của Chấp hành viên, cơ quan Thi hành án là trái pháp luật mới thực hiện việc khiếu nại. Cũng cần quy định thời hạn giải quyết khiếu nại về thi hành án là một trong những căn cứ hoãn thi hành án, để người được biết nguyên nhân của việc chậm thi hành án là do đang giải quyết khiếu nại, cũng như đảm bảo quyền lợi cho người phải thi hành án.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án dân sự trong nhân dân. Tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân nâng cao ý thức pháp luật, tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Thực hiện tốt công tác xác minh, phân loại án, tổ chức đợt cao điểm giải quyết án tồn đọng, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành hữu quan trong việc tổ chức thi hành án dân sự.
Chú trọng giải quyết KNTC đúng thời hạn, đúng pháp luật ngay từ cơ sở. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về thi hành án, nhất là những nơi có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo hoặc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm.
Tạ Thị Lan Anh - Cục THADS tỉnh