Sign In

Giao tiếp ứng xử của Chấp hành viên- kỹ năng quan trọng trong tổ chức thi hành án.

12/07/2021

Giao tiếp ứng xử của Chấp hành viên- kỹ năng quan trọng trong tổ chức thi hành án.
Thực tiễn cho thấy, xuất phát từ các mối quan hệ phát sinh đa dạng, phong phú và phức tạp được điều chỉnh bởi pháp luật về thi hành án dân sự, nên hơn ai hết Chấp hành viên có điều kiện làm việc, tiếp xúc với rất nhiều đối tượng với trình độ văn hoá, hoàn cảnh kinh tế, ý thức chấp hành pháp luật, nhân sinh quan và tính cách hoàn toàn khác nhau.
Thi hành án dân sự là công tác phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, trực tiếp ảnh hưởng đến các quyền về tài sản, nhân thân của đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan.Trong đó giữ vai trò trung tâm của hoạt động thi hành án dân sự là Chấp hành viên, người được nhà nước trao cho nhiều quyền năng trong quá trình tổ chức thi hành án theo thẩm quyền. Tuy nhiên hiệu quả thi hành án lại không chỉ phụ thuộc vào quyền năng đó mà là tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó khả năng giao tiếp, ứng xử của Chấp hành viên với đương sự khi thực hiện nhiệm vụ có một vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Thực tiễn cho thấy, xuất phát từ các mối quan hệ phát sinh đa dạng, phong phú và phức tạp được điều chỉnh bởi pháp luật về thi hành án dân sự, nên hơn ai hết Chấp hành viên có điều kiện làm việc, tiếp xúc với rất nhiều đối tượng với trình độ văn hoá, hoàn cảnh kinh tế, ý thức chấp hành pháp luật, nhân sinh quan và tính cách hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, ở giai đoạn thi hành án, dù ở vị trí là đương sự hay người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan thì hầu hết ở họ có một điểm chung về mặt diễn biến tâm lý đó là trạng thái búc xúc được đẩy lên cao trào, thậm chí ở một góc độ nào đó là sự phản ứng tiêu cực khi mất niềm tin vào cơ quan nhà nước nói chung và cơ quan pháp luật nói riêng khi mà quyền lợi không được bảo vệ tận cùng và đúng theo mong muốn chủ quan của họ. Có thể nói, để đến giai đoạn được gọi là “đương sự hay người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan” trong thi hành án dân sự là cả một quá trình dài của sự đấu tranh, mâu thuẫn, đối nghịch về quyền lợi giữa các bên và kết thúc bằng một bản án hoặc quyết định của Tòa án mà ở đó sẽ có sự phân định rõ ràng, cụ thể về quyền và nghĩa vụ phải thực hiện. Do vậy, phải trực tiếp đối diện với tâm lý “người thắng, kẻ thua” là một áp lực không hề nhỏ mà Chấp hành viên cần phải vượt qua và vượt qua bằng cách nào lại phụ thuộc phần lớn vào chính kỹ năng giao tiếp, ứng xử của mỗi Chấp hành viên.
Mặc dù các bản án, quyết định của Tòa án khi được đưa ra thi hành án hầu như đã rõ ràng về nội dung liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các bên. Tuy nhiên, để thi hành án được hiệu quả, việc đầu tiên Chấp hành viên phải làm khi tiếp xúc với đương sự là hãy biết lắng nghe và tạo điều kiện về mặt không gian, thời gian, tâm lý để họ có thể có cơ hội được trình bày và chia sẽ từ chính câu chuyện liên quan đến vụ việc mà trong đó có rất nhiều tình tiết, thông tin quan trọng sẽ là mấu chốt giúp Chấp hành viên tìm ra được “chìa khóa” khi thi hành vụ việc nhưng tại bản án, quyết định của Tòa án không thể hiện, phản ánh hết được. Đồng thời, chính từ thái độ biết lắng nghe của Chấp hành viên đã thể hiện được sự tôn trọng người dân, tạo nên niềm tin, sự an tâm từ họ, giúp xoá đi cảm giác khoảng cách vốn có ban đầu. Để từ đó tạo nên được sự biến chuyển, thay đổi tích cực đầu tiên về mặt tâm lý trong đó có vấn đề quan trọng là tác động đến ý thức tự nguyện, phối hợp trong thi hành án.
Tuy nhiên, nếu chỉ đơn thuần chỉ lắng nghe không thôi thì chưa đủ mà ở đây, tùy từng tính chất vụ việc Chấp hành viên cần có sự chủ động “mở lòng” để sẵn sàng chia sẽ cảm xúc, dù cảm xúc đó có thể là sự đồng cảm, ủng hộ hay không đi chăng nữa nhưng cũng hãy nên dành cho họ với một thái độ thật sự chân thành, thiện chí và cởi mở. Đặc biệt đối với những vụ việc thi hành án có  yếu tố đặc thù gắn liền với tình cảm gia đình, người thân như án ly hôn, chia thừa kế …. thì mỗi vụ việc là một câu chuyện buồn không giống nhau mà ở đó người trong cuộc có rất nhiều nỗi niềm cần được sẽ chia và thấu hiểu. Trong rất nhiều trường hợp, để có một sự nhìn nhận thấu đáo, khách quan hơn về bản chất vụ việc Chấp hành viên hãy tự đặt mình là trong cuộc, ngay trong chính vị trí của đương sự hay người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan để từ đó có thể giúp chủ động đưa ra những giải pháp thi hành án phù hợp và hiệu quả nhất trên cơ sở các quy định của pháp luật. Tuyệt đối không nên khi bắt đầu tiếp cận vụ việc, Chấp hành viên đã áp đặt ý chí và mặc định một cách nguyên tắc, máy móc về quan điểm giải quyết nếu có điều kiện mà không tự nguyện thì cưỡng chế để thi hành theo đúng quy định của pháp luật. Bởi chính điều đó sẽ vô tình khiến Chấp hành viên mất đi cảm xúc cần thiết để có mong muốn được hiểu và chia sẽ với đương sự, cũng đồng nghĩa với việc Chấp hành viên đã tự đánh mất đi cơ hội tiếp cận để thực hiện tốt hoạt động vô cùng quan trọng trong thi hành án dân sự là công tác vận động, thuyết phục thi hành án, đặc biệt là đối với người phải thi hành án khi mà thực tế họ luôn cố tình tìm mọi cách để trốn tránh hoặc kéo dài thời gian việc thực hiện nghĩa vụ, thậm chí là chống đối quyết liệt.
          Từ sự chủ động lắng nghe những thông tin do đương sự, người có quyền nghĩa vụ liên quan chia sẽ, thông qua sự cảm nhận, đánh giá khách quan của mình sẽ giúp Chấp hành viên xác định được mấu chốt của vấn đề cần vận động, thuyết phục ở đâu, đương sự cần được giải thích để hiểu và nhận thức ra được trách nhiệm của bản thân chỗ nào và đâu sẽ là nút thắt cần phải mở để giải quyết vụ việc. Ngoài ra, xa hơn nữa Chấp hành viên qua đó còn có thể nắm bắt được diễn biến tâm lý, nguyện vọng và dự đoán được hành vi sắp xảy ra của các đương sự để chủ động chuẩn bị có những giải pháp thi hành án phù hợp. Theo quy định mặc dù Chấp hành viên không được cố tình dây dưa, chậm trễ kéo dài khi thi hành vụ việc làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền nghĩa vụ liên quan, tuy nhiên cũng không phải vì thế mà bỏ qua, không giành thời gian cần thiết để tìm cơ hội làm việc, lắng nghe chia sẽ của đương sự. Dù thực tế những gì họ nói ra nhiều lúc chỉ là những câu chuyện không đầu không cuối và không phải lúc nào cũng dễ nghe, dễ  đồng cảm, chính vì thế mà Chấp hành viên trong giao tiếp ứng xử ngoài sự mềm dẻo cần thiết phải cần có cho mình khả năng kiềm chế và sự kiên nhẫn, điều này sẽ  giúp cho Chấp hành viên sẽ không có những phản ứng nhất thời do không làm chủ được cảm xúc khi bị cuốn vào sự phản ứng tiêu cực, những hành vi khiêu khích, thậm chí là xúc phạm của đương sự. Với Chấp hành viên ngoài kiến thức vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ, sự năng động, quyết liệt khi thi hành án thì sự điềm tĩnh, bình tĩnh lại là một “nốt lặng” hết sức cần thiết giúp Chấp hành luôn kiểm soát tốt nhất cảm xúc của chính mình.
Nếu nói giao tiếp là một “nghệ thuật” thì Chấp hành viên cần phải có cho mình điều đó hơn ai hết. Khi “nghệ thuật” ở đây chính là sự ứng biến linh hoạt, phù hợp có văn hóa trước những điều kiện hoàn cảnh khác nhau, sự diễn biến tâm lý phức tạp, đa chiều của đương sự. Sẽ không có một quy chuẩn chung cụ thể nào cho Chấp hành viên áp dụng trong tất cả các vụ việc cần giải quyết mà tự Chấp hành viên bằng kỹ năng, sự hiểu biết của mình trên cơ sở “trái tim nóng cùng với một cái đầu lạnh”  sẽ giúp dung hòa giữa cảm xúc và lý trí để một người  thực thi pháp luật như Chấp hành viên luôn làm tốt nhiệm vụ mà vẫn thấu tình đạt lý và có một hình ảnh đẹp trong mắt người dân./.
 
                                                        Nguyễn Thị Minh Tình
                                      Phó trưởng phòng Nghiệp vụ và tổ chức thi hành án,
                                                                  Cục THADS tỉnh Nghệ An
 

Các tin đã đưa ngày: