Sign In

Vv triển khai thi hành và hướng dẫn nghiệp vụ theo dõi THA hành chính theo Nghị định số 71/2016/NĐ-CP

21/09/2016

      Thực hiện công văn số 2958/TCTHADS-NV3 ngày 08/9/2016 của Tổng cục Thi hành án dân sự về việc triển khai thi hành và hướng dẫn nghiệp vụ theo dõi thi hành án hành chính theo Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh đề nghị Trưởng các Phòng chuyên môn thuộc Cục, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự các huyện, thành phố tổ chức thực hiện một số việc như sau:
1. Quán triệt, triển khai thực hiện Luật tố tụng hành chính năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP đến toàn thể Chấp hành viên, Thẩm tra viên, công chức của đơn vị; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, cập nhật các quy định của pháp luật về thi hành án hành chính trên Trang Thông tin điện tử của Cục THADS. Phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức và hiểu biết của người dân về công tác thi hành án hành chính theo quy định của pháp luật hiện hành, thông qua đó tăng cường hơn nữa hiệu quả thi hành án hành chính tại địa phương.
2. Triển khai thực hiện chức năng theo dõi thi hành án hành chính theo quy định của Luật tố tụng hành chính năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP của Chính phủ ,gồm các nội dung sau:
- Lập sổ và thực hiện tiếp nhận, kiểm tra, vào sổ bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính thuộc thẩm quyền theo dõi. Sổ nhận bản án, quyết định thực hiện tương tự theo mẫu Sổ nhận bản án, quyết định (mẫu số 01, phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01 tháng 02 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số thủ tục về quản lý hành chính và biểu mẫu nghiệp vụ trong thi hành án dân sự). Phân công Chấp hành viên thực hiện theo dõi và lập hồ sơ theo dõi thi hành án hành chính.
- Ký văn bản thông báo về việc tự nguyện thi hành án gửi người phải thi hành án sau khi nhận được bản án, quyết định của Tòa án theo quy định; giao Chấp hành viên được phân công theo dõi việc thi hành án phải làm việc với người phải thi hành án để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định của Tòa án khi nhận được quyết định buộc thi hành án hành chính của Tòa án. Quá trình theo dõi thi hành án hành chính, cơ quan THADS có quyền yêu cầu người được thi hành án, người phải thi hành án, Thủ trưởng trực tiếp của người phải thi hành án cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan về quá trình và kết quả thi hành án.
- Trường hợp có căn cứ xác định việc người phải thi hành án chậm thi hành án, không chấp hành hoặc chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, Thủ trưởng cơ quan THADS có văn bản kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án. Căn cứ xác định có hành vi chậm thi hành án, không chấp hành hoặc chấp hành nhưng không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án như: Hết hạn tự nguyện thi hành án, người phải thi hành án vẫn không chấp hành nghĩa vụ theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc đã có quyết định buộc thi hành án của Tòa án hoặc vụ việc đã được lập biên bản về việc không chấp hành án…
- Trường hợp vụ việc đã có Quyết định buộc thi hành án hành chính của Tòa án, các đơn vị phải kịp thời gửi Quyết định buộc thi hành án hành chính về Cục THADS tỉnh để đăng tải công khai trên Trang thông tin điện tử của Cục THADS. Đồng thời Cục THADS tỉnh sẽ tích hợp trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục THADS thuộc Bộ Tư pháp và Cổng thông tin điện tử của Chính phủ đối với các vụ việc người phải thi hành án là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
- Ngoài ra, trong từng trường hợp thi hành án hành chính cụ thể, cơ quan THADS có quyền triệu tập các bên đương sự để lập biên bản về việc không thi hành bản án, quyết định tuyên hủy quyết định buộc thôi việc; lập biên bản về việc không thi hành án theo yêu cầu của người được thi hành án và các nhiệm vụ khác theo quy định của Luật tố tụng hành chính năm 2015, Nghị định số 71/2015/NĐ-CP.
3. Để công tác theo dõi thi hành án hành chính được đi vào nề nếp, đề nghị Trưởng các Phòng chuyên môn thuộc Cục, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự các huyện, thành phố tăng cường phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp trên địa bàn nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hành chính, trong đó có nội dung về: Chuyển giao và chỉ đạo Tòa án nhân dân cấp huyện trên địa bàn thực hiện chuyển giao bản án, quyết định (bao gồm quyết định buộc thi hành án) đã có hiệu lực pháp luật cho cơ quan THADS để theo dõi theo quy định của pháp luật; giải thích bằng văn bản những điểm chưa rõ, đính chính sai sót trong bản án, quyết định để thi hành theo đề nghị của cơ quan THADS; định kỳ thông báo kết quả giải quyết các vụ án hành chính của Tòa án… để cơ quan THADS thực hiện tốt chức năng theo dõi thi hành án hành chính thuộc thẩm quyền.
4. Về thẩm quyền theo dõi thi hành án hành chính đối với các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật trước ngày 01/7/2016: một số cơ quan THADS băn khoăn việc có hay không chuyển các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật trước ngày 01/7/2016 mà người phải thi hành án là Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện từ Chi cục THADS lên Cục THADS để theo dõi theo Luật tố tụng hành chính năm 2015. Tại Điều 3 Nghị quyết 104/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội về việc thi hành Luật tố tụng hành chính năm 2015 quy định: “Đối với bản án, quyết định của tòa có hiệu lực pháp luật trước ngày 1-7-2016 nhưng đến ngày này vẫn chưa được thi hành hoặc chưa thi hành xong thì được thi hành theo quy định của Luật Tố tụng hành chính 2015” và Luật tố tụng hành chính năm 2015 quy định thẩm quyền theo dõi thi hành án hành chính được xác định trên nguyên tắc cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp với Tòa án đã xét xử sơ thẩm, Tòa án đã ra quyết định buộc thi hành án hành chính thực hiện việc theo dõi thi hành án hành chính ( Điều 196, Điều 312 Luật tố tụng hành chính năm 2015, Điều 14 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP). Do đó, đề nghị các cơ quan THADS căn cứ vào thẩm quyền của Tòa án đã xét xử sơ thẩm để xác định thẩm quyền theo dõi thi hành án hành chính của mình theo đúng quy định.
5. Định kỳ 6 tháng, năm đề nghị các đơn vị tổng hợp, xây dựng báo cáo về tình hình, kết quả công tác thi hành án hành chính, gửi về Cục THADS tỉnh (qua Phòng Nghiệp vụ) để tổng hợp báo cáo Tổng cục THADS và xây dựng báo cáo của UBND tỉnh về tình hình, kết quả công tác thi hành án hành chính tại địa phương gửi Bộ Tư pháp.
* Mốc thời gian báo cáo:
- Đối với báo cáo 6 tháng (số liệu tính từ ngày 01/10 của năm trước liền kề đến hết ngày 31/3 của năm báo cáo) đề nghị gửi về Cục THADS tỉnh trước ngày 05/4 hàng năm.
- Đối với báo cáo năm (số liệu tính từ ngày 01/10 của năm trước liền kề đến hết ngày 30/9 của năm báo cáo) đề nghị gửi về Cục THADS tỉnh trước ngày 05/10 hàng năm.
Đề nghị Trưởng các phòng chuyên môn thuộc Cục, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện./. 
Các tin đã đưa ngày: