Cục Thi hành án dân sự tỉnh Vĩnh Phúc hướng tới Ngày truyền thống Thi hành án dân sự dân sự Việt Nam (19/7/1946- 19/7/2013)

24/07/2013
Sau 20 năm chuyển giao công tác thi hành án dân sự, nhất là từ khi tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập và đi vào hoạt động (1/1/1997), cùng với những thành tựu về kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh nói riêng đã đạt được những thành tựu đáng kể, trong đó có nhiều năm liền thi hành vượt chỉ tiêu, giảm việc thi hành án dân sự tồn đọng


Bộ máy cơ quan Thi hành án dân sự không ngừng được củng cố kiện toàn.

Sau khi chia tách tỉnh, Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc nhận bàn giao số cán bộ làm công tác thi hành án từ tỉnh Vĩnh Phú chuyển về chỉ vẻn vẹn 33 biên chế. Trong bối cảnh đó lãnh đạo Sở Tư pháp xác định công tác tổ chức, cán bộ là khâu có ý nghĩa quyết định trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của ngành, nên đã tập chung chỉ đạo kiện toàn về tổ chức, tăng cường số lượng biên chế, chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thi hành án; Thường xuyên rà soát, sắp xếp lại đội ngũ chấp hành viên, cán bộ thi hành án, nhằm khắc phục tình trạng vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.

Sau hơn 16 năm, tính đến ngày 30/6/2013, đội ngũ cán bộ, công chức trong ngành đã có 115 biên chế, cơ bản có trình độ cử nhân, nhiều người có trình độ Thạc sỹ luật, lý luận cao cấp chính trị. Toàn tỉnh hiện nay có 8 Chấp hành viên Trung cấp; 34 Chấp hành viên sơ cấp; 10 thẩm tra viên; 29 thư ký; còn lại là chuyên viên, kế toán, văn thư…

Nhìn chung, đội ngũ cán bộ thi hành án dân sự trong tỉnh có tinh thần trách nhiệm đối công việc được giao, có phẩm chất đạo đức trong sáng, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ và có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Chuyển biến mạnh mẽ trong công tác chuyên môn

Cùng với sự hoàn thiện về tổ chức bộ máy và tăng cường đội ngũ cán bộ, công chức trong toàn tỉnh, kết quả công tác thi hành án dân sự trong những năm qua đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ, số lượng vụ việc được giải quyết và giá trị tiền, tài sản thu được năm sau đều cao hơn so với năm trước, nhiều vụ việc phức tạp, tồn đọng nhiều năm đã được giải quyết, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tập thể và công dân.

Kết quả thi hành án 5 năm trở lại đây của các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh luôn đạt và vượt các chỉ tiêu về việc, về tiền, về giảm án chuyển kỳ sau của Bộ Tư pháp và Tổng cục Thi hành án dân sự giao cho các cơ quan Thi hành án dân sự. Gần đây nhất, năm 2012, đã thi hành xong về việc đạt tỉ lệ 91% (Bộ Tư pháp giao 88%); Về tiền giải quyết đạt 79% (Bộ Tư pháp giao 74%); Giảm án chuyển kỳ sau đạt 13% (chỉ tiêu Bộ Tư pháp giao10%).

9 tháng năm 2013, đã thi hành xong 3.906 việc/4.615 việc có điều thi hành, đạt tỉ lệ 85%; Về tiền, đã thi hành được 78.491.647.000 đồng/187.047.970.000 đồng có điều thi hành và nhiều tài sản có giá trị không qui đổi thành tiền, đạt tỉ lệ 42%, tăng 19% so với 9 tháng năm 2012; Kết quả giảm án chuyển kỳ sau cũng tăng 5% so với cùng kỳ năm 2012.

Trong quá trình giải quyết việc thi hành án các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh đã áp dụng đầy đủ các trình tự, thủ tục theo qui định của Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Bên cạnh đó, một trong những kết quả quan trọng nhất trong công tác thi hành án dân sự hơn 10 năm qua là đã tạo ra sự chuyển biến tích cực về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể và công dân về công tác thi hành án dân sự. Hoạt động thi hành án dân sự đã được coi là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm, chính vì vậy ngay từ những ngày đầu tỉnh mới được tái lập cho đến nay, Tỉnh uỷ, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản nhằm tăng cường hiệu quả công tác thi hành án dân sự. Các Quyết định, Chỉ thị của Đảng và chính quyền các cấp không những thể hiện sự quan tâm mà còn là trách nhiệm đối với công tác thi hành án dân sự, là căn cứ cho việc quản lý, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thi hành án cho các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh hoạt động có hiệu quả.

So với những năm trước, cơ sở vật chất, kinh phí phương tiện hoạt động cho các các cơ quan Thi hành án dân sự trong toàn tỉnh không ngừng được tăng lên, điều này cũng góp phần không nhỏ để thi hành án dân sự hoạt động hiệu quả..

Những kết quả đạt được trên đây đã phản ánh sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan Thi hành án dân sự Vĩnh Phúc nói chung cũng như từng cán bộ làm công tác thi hành án nói riêng, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự phối kết hợp chặt chẽ của các ngành hữu quan trong công tác thi hành án dân sự. Những kết quả đó đã được Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc ghi nhận, tặng Cờ thi đua xuất sắc, Bằng khen, công nhận danh hiệu Chiến sỹ thi đua ngành Tư pháp cho các tập thể và cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong nhiều năm qua. Đặc biệt, năm 2010, năm 2011, năm 2012 các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Vĩnh Phúc đã được Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân tỉnh tặng 04 Cờ thi đua xuất sắc cho Cục Thi hành án dân sự và các Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện. Dù còn nhiều khó khăn nhưng tập thể cán bộ công chức trong cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Vĩnh Phúc, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sự phối kết hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan cùng các tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể quần chúng trong tỉnh sẽ phát huy những thành tựu đã đạt được để đạt được những kết quả cao hơn.

Nguyễn Đức Nghĩa

Cục THADS tỉnh Vĩnh Phúc