Yêu cầu cải cách, xây dựng mô hình thi hành án dân sự hiệu quả ở Việt Nam trong tình hình mới

18/07/2021
Có thể khẳng định rằng Hệ thống THADS được kiện toàn và phát triển như hiện nay là cả một quá trình nỗ lực của Đảng, Nhà nước và nhân dân, trong đó phải kể đến nhiều nỗ lực nghiên cứu và đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài nước trong suốt thời gian qua. Mỗi thời kỳ thay đổi cơ bản mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ thi hành án đều gắn liền với các Văn kiện, Nghị quyết quan trọng của Đảng và đặc biệt là sự ra đời của mỗi bản Hiến pháp.


Những Văn kiện, Nghị quyết quan trọng của Đảng trong những năm gần đây tác động trực tiếp đến quá trình kiện toàn, phát triển của Hệ thống tổ chức THADS có thể kể đến đó là: Chương trình trọng tâm công tác tư pháp từ nay đến hết năm 2008 ngày 19/9/2007 của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương; Nghị quyết Trung ương 8 (khoá VII), Nghị quyết Trung ương 3 và Nghị quyết Trung ương 7 (khoá VIII); Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 9 của Đảng; Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới; Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/05/2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và gần đây là Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/03/2014 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Một trong những Văn kiện quan trọng nhất khẳng định chủ trương lớn xuyên suốt trong nhiều năm trong lĩnh vực THADS là Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trong đó xác định: “Xây dựng cơ chế bảo đảm mọi bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật phải được thi hành” và từ ngày ban hành Nghị quyết (ngày 02/6/2005) đến năm 2010 phải chuẩn bị các điều kiện về cán bộ, cơ sở vật chất để thực hiện việc chuyển giao tổ chức và công tác thi hành án cho Bộ Tư pháp. Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/05/2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010 cũng khẳng định: “Xây dựng Bộ luật thi hành án điều chỉnh tất cả các lĩnh vực thi hành án; xác định Bộ Tư pháp là cơ quan giúp Chính phủ quản lý nhà nước thống nhất công tác thi hành án”.
Như vậy, chủ trương giao Bộ Tư pháp quản lý nhà nước thống nhất công tác thi hành án đã được đồng thời đề cập đến ở trong hai Nghị quyết quan trọng của Đảng. Nguyên tắc bảo đảm mọi bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật phải được thi hành đã được đề cập đến trong trong một số Văn kiện trước đó của Đảng, tuy nhiên đặc biệt từ năm 2005 với sự ra đời của Nghị quyết số 48-NQ/TW và Nghị quyết số 49-NQ/TW thì chủ trương này của Đảng đã xác định rõ hơn về cơ chế, giải pháp, lộ trình, và hai trong số giải pháp quan trọng đó là việc chuẩn bị điều kiện về cán bộ, cơ sở vật chất để giao cho Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý công tác thi hành án và xây dựng Bộ luật thi hành án điều chỉnh tất cả các lĩnh vực thi hành án.
Để triển khai thực hiện các nội dung cải cách tư pháp nêu trên trong lĩnh vực THADS, Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp nhằm đưa các Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, đó là năm 2004 Bộ Tư pháp được giao chủ trì xây dựng Dự án Bộ Luật thi hành án. Bộ Tư pháp đã tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan soạn thảo Dự thảo Bộ luật Thi hành án để Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến. Dự thảo Bộ luật được chuẩn bị công phu và đã thể hiện rõ chủ trương của Đảng về thống nhất quản lý công tác thi hành án. Dự thảo Bộ luật đã có được sự đồng thuận cao trong các thành viên Chính phủ. Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2007 của Quốc hội thì Dự án Bộ luật Thi hành án được đưa vào chương trình chuẩn bị của Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 11 (tháng 3/2007).
Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận tại Quốc hội, do còn nhiều ý kiến khác nhau vấn đề thống nhất quản lý công tác thi hành án1 (cân nhắc về tính hợp lý của việc Bộ Tư pháp vừa thống nhất quản lý nhà nước về thi hành án, vừa trực tiếp tổ chức thực hiện công tác này); về việc chuyển giao công tác thi hành án phạt tù, tử hình, trục xuất từ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cho Bộ Tư pháp; nội dung của quản lý thống nhất công tác thi hành án không đồng nghĩa với việc tập trung các cơ quan trực tiếp thực hiện thi hành án thuộc các bộ, ngành khác vào Bộ Tư pháp; một số đại biểu Quốc hội cũng nhấn mạnh vào thời điểm đó có nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau thực hiện 07 loại hình phạt chính, 07 loại hình phạt bổ sung và 04 biện pháp tư pháp được qui định trong Bộ luật hình sự hiện hành. Một số đại biểu cũng lưu ý tình trạng yếu kém của công tác THADS ở thời điểm đó với tỷ lệ bản án được thi hành chỉ mới đạt 33,37% tổng số việc phải thi hành, 2.188 người bị kết án phạt tù đang lẩn trốn chưa bắt lại được để đưa đi thi hành. Với lý do đó, các đại biểu cho rằng trong thời gian trước mắt, nếu giao toàn bộ việc thi hành án hình sự, hành chính, dân sự cho Bộ Tư pháp để trực tiếp tổ chức thực hiện là khó khả thi. Mặt khác, ngay trong Dự thảo Bộ luật cũng chưa xác định rõ cơ chế, biện pháp, các nguồn lực và điều kiện bảo đảm tổ chức thực hiện việc chuyển giao công tác thi hành án phạt tù.
Với những lý do nêu trên, tại Tờ trình số 04/UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 30/07/2007 về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2007 nêu rõ “đến nay dự án Bộ luật thi hành án vẫn còn một số vấn đề cơ bản có nhiều ý kiến khác nhau nên chưa thể trình Quốc hội thông qua trong thời gian trước mắt”. Do vậy, Bộ luật này đã không được thông qua theo kế hoạch, thay vào đó, Quốc hội giao cho Chính phủ xây dựng 02 dự án luật độc lập: Luật THADS và Luật Thi hành án hình sự. Vấn đề thống nhất đầu mối giúp Chính phủ quản lý công tác thi hành án đã không được đặt ra trong 02 Luật này2.
Đến năm 2014, Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/03/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đề cập đến nội dung về quản lý công tác thi hành án đã khẳng định: “Dừng việc thực hiện chủ trương “chuẩn bị điều kiện về cán bộ, cơ sở vật chất để giao cho Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý công tác thi hành án”nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW. Tiếp tục thực hiện mô hình tổ chức các cơ quan thi hành án như hiện nay. Tăng cường trách nhiệm, quyền hạn của TAND và ủy ban nhân dân địa phương trong công tác thi hành án”.
Như vậy, hai chủ trương lớn của Đảng về cải cách tư pháp đó là thống nhất quản lý công tác thi hành án và xây dựng Bộ Luật thi hành án trong một thời gian dài nghiên cứu đã chưa thành hiện thực. Tuy nhiên, nguyên tắc bảo đảm mọi bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật phải được thi hành vẫn được duy trì và là chủ trương đúng đắn, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta. Việc xây dựng Bộ Luật thi hành án và thống nhất quản lý công tác thi hành án cũng chỉ là hai trong số các giải pháp quan trọng để bảo bảo thực hiện nguyên tắc này. Vậy cơ chế, giải pháp thay thế nào hoặc tiếp tục nghiên cứu để kết hợp đồng thời những giải pháp này với các giải pháp khác để tìm ra lời giải cho bài toán bảo đảm mọi bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật phải được thi hành vẫn luôn là câu hỏi lớn đặt ra đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta hiện nay và trong thời gian tới.
Kể từ khi Luật THADS 2008 được ban hành (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2014) đến nay, Hệ thống tổ chức THADS tiếp tục được kiện toàn từ trung ương xuống địa phương cả cơ cấu bộ máy các phòng ban và đội ngũ CHV, Lãnh đạo thi hành án để không ngừng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới được bổ sung, tăng cường cho hệ thống THADS. Tuy nhiên, công tác THADS trong thời gian vừa qua đã và đang đứng trước những thực trạng đó là nhiều quy định của pháp luật THADS và các lĩnh vực pháp luật chuyên ngành khác mâu thuẫn, chồng chéo nhau; nhiều vụ án có giá trị kinh tế lớn, đặc biệt lớn (điển hình là những vụ án kinh tế, tham nhũng) hiệu quả thi hành không cao;3 có những vụ việc do còn nhiều quan điểm khác nhau, khiếu nại, tố cáo kéo dài trong nhiều năm vẫn chưa giải quyết dứt điểm; chưa kể đến việc xuất hiện những vụ án hình sự mà hoặc là đương sự đang lẩn trốn ở nước ngoài hoặc là tài sản của họ ở nước ngoài, việc thi hành đối với những vụ việc này sẽ đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho cơ quan thi hành án trong khi thể chế pháp luật cả trong nước và các thể chế song phương hoặc đa phương về THADS còn thiếu hoặc đã bị lạc hậu; hàng ngày cơ quan THADS vẫn phải dành lượng thời gian đáng kể cho việc thanh tra, kiểm tra, giám sát thi hành án kể cả trong nội bộ và từ các cơ quan bên ngoài. Việc thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động thi hành án nhằm bảo đảm việc chấp hành đúng pháp luật của cơ quan THADS là hết sức cần thiết, đây không phải là ngoại lệ ở các nước trên thế giới, tuy nhiên bất kỳ một hoạt động thanh tra, kiểm tra nào cũng phải bảo đảm nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến quy trình vận hành thông suốt, trôi chảy các quy trình, thủ tục THADS của CHV cơ quan thi hành án. Thực trạng nêu trên nếu không kịp thời tổng kết, tìm ra giải pháp sẽ vô tình trở thành những yếu tố gây khó khăn rất lớn cho công tác THADS, có thể ảnh hưởng tới việc thực hiện chủ trương của Đảng về bảo đảm mọi bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật phải được thi hành.
Trong bối cảnh hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang quyết tâm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020; Kết luận số 34-NQ/TW ngày 07/8/2018 của Bộ Chính trị về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18-NQ/TW; Nghị định số 101/2020/NĐ-CP nhằm từng bước thể chế hóa các yêu cầu của việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, do đó, việc sắp xếp các cơ quan trong Hệ thống THADS nhằm tạo thiết chế vững chắc bảo vệ quyền con người, quyền công dân là quan trọng và hết sức cần thiết. Để tiếp tục duy trì tổ chức và hoạt động THADS, trước mắt, một số giải pháp tạm thời nhằm kịp thời kiện toàn Hệ thống THADS theo các các chủ trương nêu trên của Đảng cần được nghiên cứu triển khai thực hiện như: (i) tiếp tục giữ nguyên mô hình tổ chức của Tổng cục THADS, các đơn vị trực thuộc (trừ việc giải thể một đơn vị sự nghiệp công lập4); (ii) mô hình Cục THADS được thành lập theo đơn vị hành chính cấp tỉnh phù hợp với định hướng sắp xếp của TANDTC5; Đối với các đơn vị thuộc Cục, sắp xếp lại một số phòng chuyên môn thuộc Cục THADS theo hướng sáp nhập lại, bảo đảm tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng các tiêu chí thành lập theo quy định tại Nghị định số 101/2020/NĐ-CP; (iii) mô hình các Chi cục THADS cấp huyện sẽ được sắp xếp theo Nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện. Sắp xếp các Chi cục THADS cấp huyện phù hợp với phương án, mô hình sắp xếp TAND cấp huyện của TAND tối cao6 và thực hiện sau khi Bộ Chính trị, UBTVQH có Nghị quyết sắp xếp các TAND cấp huyện.7
Việc kiện toàn, sắp xếp lại Hệ thống THADS để hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn theo các chủ trương mới của Đảng về cải cách tổ chức bộ máy nhà nước là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, do chức năng, nhiệm vụ của Hệ thống THADS có tính chất đặc thù, nên đồng thời với yêu cầu sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, trong quá trình kiện toàn tổ chức bộ máy cũng cần phải tính đến yêu cầu bảo đảm mọi BA, QĐ của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân phù hợp với bản chất của  Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà chúng ta đang hướng tới.
Về lâu dài, trên cơ sở kế thừa kinh nghiệm đúc rút được từ lịch sử hình thành và phát triển của Hệ thống THADS trong nước, cần đẩy mạnh việc nghiên cứu, tham khảo một số mô hình THADS hiệu quả trên thế giới nhằm học tập kinh nghiệm tiếp tục cải cách, đổi mới xây dựng mô hình THADS Việt Nam tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả vừa phù hợp với thực tiễn trong nước, vừa phù hợp với xu thế của thời đại là yêu cầu cần thiết trong bối cảnh nước ta đang hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay. Qua nghiên cứu kinh nghiệm ởchâu Âu cho thấy, có bốn mô hình THADS tiêu biểu khác nhau8, đó là mô hình THADS tư nhân, mô hình THADS trực thuộc Tòa án, mô hình THADS hỗn hợp và mô hình THADS do cơ quan hành chính đảm nhiệm9. Ví dụ, mô hình THADS do nhân viên THADS tư (Thừa phát lại) đảm nhiệm, điển hình ở Pháp, Benelux và Scotland (cũng như ở nhiều quốc gia Đông âu khác và ở Bồ Đào Nha. Ở Pháp, Thừa phát lại cũng được tổ chức như là nhân viên công quyền hoạt động ngoài hệ thống Tòa án. Thẩm phán thi hành án cũng có thể can thiệp vào quá trình tổ chức thi hành án (Thẩm phán là người đứng đầu cơ quan tòa án địa phương). Ở những hệ thống tư pháp này, Thừa phát lại có địa vị kinh tế cũng như địa vị xã hội rất cao.(ii) Mô hình THADS do Tòa án đảm nhiệm. Mô hình hệ thống tổ chức THADS do Tòa án đảm nhiệm được tổ chức ở Áo, Tây Ban Nha và Đan Mạch. Ví dụ, ở Áo, Tòa án địa phương nơi người phải thi hành án cư trú có trách nhiệm thực hiện các thủ tục THADS, công việc THADS chủ yếu được thực hiện bởi nhân viên Tòa án với những thủ tục hoàn toàn riêng biệt. Ở Tây Ban Nha thì Thẩm phán Tòa án với tư cách là người ra quyết định, bản án có trách nhiệm tổ chức thi hành bản án, quyết định do mình ban hành. Ở đây, Thẩm phán là người có trách nhiệm chính và đầu tiên trong việc thi hành bản án trên cơ sở yêu cầu của người được thi hành án. (iii) Mô hình THADS hỗn hợp. Hệ thống tổ chức THADS loại này tồn tại ở Cộng hòa Liên bang Đức và ở Anh. Ở những quốc gia này, thủ tục THADS một phần được thực hiện bởi CHV hoặc Thủ trưởng cơ quan thi hành án (đặc biệt là trong việc thu giữ tài sản là động sản), việc thu giữ tài khoản của người phải thi hành án đang do người thứ ba nắm giữ lại được thực hiện bởi Tòa án. Tuy nhiên, cũng có sự khác biệt giữa các quốc gia có cùng hệ thống tổ chức THADS loại này. Ví dụ, ở Đức, CHV điều hành hoạt động văn phòng riêng của mình ngoài hệ thống Tòa án và đặt dưới sự giám sát của Tòa án (Điều 766 Bộ luật Tố tụng dân sự Đức)10. Thu nhập của CHV chủ yếu bởi lương và một phần từ các khoản phí (Điều 834 Bộ luật Tố tụng dân sự Đức)11 Còn ở Anh, yêu cầu thu giữ tài sản đối với bên thứ ba được thực hiện bởi Thẩm phán của Tòa án, người đã ra BA, QĐ. Ở Anh, Tòa án không tự động thi hành các bản án do mình ban hành mà phải trên cơ sở yêu cầu của người được thi hành án, họ sẽ thực hiện các bước thi hành án. Việc tự do cạnh tranh giữa những người có thẩm quyền thi hành án cũng là một đặc điểm nữa của hệ thống tổ chức thi hành án dân sự ở Anh.(iv) Hệ thống THADS do cơ quan hành chính đảm nhiệm. Thụy Điển và Phần Lan là những nước có hệ thống THADS hoàn toàn khác so với các mô hình nêu trên. Ở những quốc gia này, công tác THADS được thực hiện bởi một cơ quan hành chính hoạt động độc lập ngoài hệ thống của Tòa án. Cơ quan có thẩm quyền thi hành án ở Thụy Điển được tổ chức như là một cơ quan hành chính và đặt dưới sự giám sát của Bộ Tài chính và được chia làm 10 cơ quan thi hành án cấp khu vực, trong đó được tách ra bởi 84 Văn phòng thi hành án. Thẩm quyền của cơ quan thi hành án cũng bao gồm các thủ tục thi hành án đơn giản, tái thiết lại các khoản nợ xấu và giám sát thủ tục phá sản. Ở Thụy Điển, chiến lược thi hành án chủ yếu được kiểm soát bởi một hãng thi hành án. Mới đây, tổ chức của cơ quan thi hành án đã thay đổi và việc thi hành án đối với các khoản thuế bây giờ được chuyển giao cho Hội đồng Thuế của Nhà nước. Mô hình tổ chức thi hành án mới sẽ loại bỏ thay thế bất kỳ sự ưu tiên nào được áp dụng đối với người phải thi hành án là cơ quan công quyền.
Qua phân tích các mô hình tổ chức THADS ở các nước châu Âu nêu trên cho thấy về tổng thể trên thế giới có sự đa dạng về mô hình tổ chức THADS, ngoài ra, mặc dù cùng chia sẻ chung một mô hình thi hành án nhưng phân tích chi tiết tổ chức bộ máy THADS ở các nước khác nhau lại có sự khác nhau về phương pháp tổ chức thi hành án, nhiệm vụ, quyền hạn của người làm công tác THADS và của các cơ quan THADS, v.v. Điều đáng lưu ý trong các mô hình tổ chức thi hành án này đó là mặc dù là mô hình thi hành án công (việc tổ chức thi hành án do các cơ quan thi hành án của nhà nước đảm nhiệm) hay mô hình tổ chức thi hành án tư (do các tổ chức tư nhân thực hiện, ví dụ ở Pháp) nhưng đều tuân theo nguyên tắc bảo đảm việc việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức thi hành án được thực hiện bởi người đại diện cho cơ quan tư pháp (ví dụ Thẩm phán thi hành án, mô hình của Pháp) nhằm bảo đảm mọi BA QĐ được thi hành nhanh chóng và có hiệu quả trên thực tế. Hoặc theo mô hình THADS của Đức, THADS là những thủ tục thuộc về nhà nước, bắt buộc thực hiện để bảo đảm quyền lợi của người yêu cầu thi hành án11, được thực hiện bởi CHV thi hành án là công chức nhà nước hoạt động ngoài Tòa án nhưng luôn đặt dưới sự quản lý, kiểm soát chặt chẽ của Tòa án trong quá trình tổ chức thi hành nhằm bảo đảm việc thi hành án luôn tuân thủ đúng hiến pháp, đúng pháp luật và bảo vệ quyền lợi bình đẳng cho các bên có liên quan.
Sự phát triển của mô hình tổ chức THADS ở Việt Nam hiện nay mặc dù về chi tiết cũng có những nét tương đồng với một số mô hình THADS trên thế giới (ví dụ, với hệ thống tổ chức THADS được tổ chức theo ngành dọc từ trung ương xuống địa phương bao gồm Tổng cục THADS, Cục THADS cấp tỉnh, Chi cục THADS cấp huyện do CHV là công chức nhà nước thực hiện giống với mô hình THADS công ở một số nước hoặc hệ thống các văn phòng thừa phát lại do các Thừa phát lại không phải là công chức nhà nước tổ chức thực hiện việc thi hành án, mô hình này giống với mô hình THADS tư ở các nước). Tuy nhiên, xét một cách tổng thể thì mô hình THADS hiện nay của Việt Nam không giống với các mô hình chung về THADS ở nhiều nước trên thế giới. Không thể phủ nhận rằng mô hình THADS tư nhân lại không có những ưu điểm nhất định so với mô hình THADS công như ưu thế về giảm ngân sách chi trả lương cho người làm công tác thi hành án, tăng thuế thu từ hoạt động của các văn phòng thừa phát lại cho ngân sách, giảm tải công việc ở các cơ quan THADS, nâng cao năng lực cạnh tranh giữa các tổ chức làm dịch vụ THADS, tăng cơ hội lựa chọn cho người dân, v.v. đặc biệt ưu thế này sẽ được phát huy trong điều kiện khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, những hạn chế của nó so với mô hình thi hành án công thì vẫn chưa có lời giải thỏa đáng vì lẽ dĩ nhiên các mô hình THADS tư sẽ luôn theo đuổi mục tiêu kinh tế theo đúng quy luật của nền kinh tế thị trường mà các mục tiêu khác có thể sẽ bị ảnh hưởng hoặc có thể bị xem nhẹ như việc bảo vệ quyền cơ bản của công dân (quyền về nhân thân và quyền về tài sản, đặc biệt đối với bên có quyền lợi đối lập), quyền con người, quyền bình đẳng giữa người được thi hành án và người phải thi hành án, và các giá trị nhân đạo khác, v.v. Đây cũng là một trong các lý do mà pháp luật THADS của Đức luôn coi công tác thi hành án là đặc quyền thuộc về trách nhiệm của nhà nước, do công chức nhà nước thực hiện. Thực tiễn thi hành án quốc tế cho thấy, trong mọi trường hợp rất khó để một tổ chức thi hành án tư nhân có thể bảo đảm sự hài hòa về lợi ích giữa người được thi hành án với người phải thi hành án và lợi ích công trong khi họ chỉ được hưởng lợi ích từ khách hàng của họ là một trong các bên trong quan hệ này, vì việc bảo vệ hoặc không làm phương hại đến lợi ích của bên khác không phải là khách hàng sẽ liên quan đến các vấn đề về chi phí, lợi nhuận. Ngoài ra, việc kết hợp như thế nào giữa mô hình thi hành án tư và mô hình thi hành án công nhằm bảo đảm vừa phát triển song song của hai hệ thống này, vừa bảo đảm hiệu quả thi hành án là một vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu từ những kinh nghiệm quốc tế có liên quan.
Trước những bất cập, hạn chế phát sinh trong thực tiễn THADS ở Việt Nam,cũng như của các văn phòng thừa phát lại trong một vài năm gần đây ở Việt Nam đã đặt ra yêu cầu cần tìm hiểu kinh nghiệm, tiếp thu ưu điểm từ các mô hình tổ chức THADS tiên tiến trên thế giới nhằm xây dựng mô hình quản lý nhà nước và THADS thực sự hiệu quả ở Việt Nam trong tương lai là một trong những yêu cầu cấp bách đặt ra hiện nay./.
TS. Nguyễn Văn Nghĩa, Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp.
 
 
1.Báo cáo Thẩm tra Dự án Bộ luật Thi hành án số 1363/BC-UBPL11 ngày 02/11/2005 của Ủy ban Pháp luật.
2.Báo cáo số 112-BC/BCS ngày 16/8/2013 của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp Báo cáo kết quả tổng kết công tác THADS giai đoạn 1993-2012 và công tác thi hành án hành chính giai đoạn 1996-2012 thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp, tr. 8.
3.Xem thêm TS. Nguyễn Văn Nghĩa & ThS. Hoàng Thị Thanh Hoa, Việc THADS điển hình, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 22/2020, tr. 22-23.
4.Giải thể Trung tâm Thống kê, Quản lý dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin theo Quyết định số 1030/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Tư pháp đến năm 2021, định hướng đến năm 2030.
5.ThS. Trần Thị Phương Hoa, Kiện toàn tổ chức của Hệ thống Thi hành án dân sự nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, 2020, tr. 13.
6.TANDTC xây dựng Đề án “Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của TAND bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII” , Đề án này đã được Ban Tổ chức Trung ương cho ý kiến, đã báo cáo Ban chỉ đạo CCTPTW, nội dung chính như sau:
- Thí điểm sáp nhập các TAND cấp huyện (sáp nhập 02 Tòa án cấp huyện).
- Tiêu chí sáp nhập: TAND cấp huyện có quy mô nhỏ, số lượng án phải giải quyết dưới 200 vụ/năm; Biên chế từ 08 người trở xuống; Địa bàn liền kề, giao thông thuận lợi; Lựa chọn các TAND cấp huyện đại diện cho các vùng, miền và có sự thống nhất của cấp ủy địa phương; Sáp nhập các TAND cấp huyện mà huyện đó thuộc diện sắp sếp theo Nghị quyết của UBTVQH.
- Chủ trương thí điểm: Sáp nhập 37 TAND cấp huyện. Miền Bắc: 14 TAND cấp huyện thuộc tỉnh Cao Bằng (03 huyện trùng với NQ 37), Bắc Kạn, Hòa Bình (01 huyện trùng với NQ 37), Nam Định, Quảng Ninh (01 huyện trùng với NQ 37) và thành phố Hải Phòng; Miền Trung và Tây Nguyên: 18 TAND cấp huyện thuộc tỉnh Thanh Hóa, Quảng Trị (01 huyện trùng với NQ 37), Quảng Ngãi (03 huyện trùng với NQ 37), Quảng Nam, Bình Định và Kon Tum; Miền Nam: 05 TAND cấp huyện thuộc tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Tiền Giang. Sau 03 năm thực hiện, tổ chức sơ kết và đề xuất sẽ cho sáp nhập các TAND cấp huyện có án phải giải quyết dưới 200 vụ/năm; Biên chế từ 08 người trở xuống (tổng số có 165 TAND cấp huyện thuộc diện sáp nhập).
7.
Xem thêm: TS. Nguyễn Ngọc Vũ, TS. Nguyễn Văn Nghĩa và ThS. Trần Thị Lành, Một vài suy nghĩ về việc kiện toàn tổ chức bộ máy Hệ thống Thi hành án dân sự theo định hướng xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, https://thads.moj.gov.vn/noidung/KyNiem70Nam/Lists/TinTucSuKien/View_Detail.aspx?ItemID=180.
8.Mads Andenas, Burkhard Hess and Paul Oberhammer, Thực tiễn thi hành án dân sự ở châu Âu, British Institute of International and Comparative Law, 2005, tr. 33-36.
9.Xem thêm ThS. Nguyễn Văn Nghĩa, Tìm hiểu một số mô hình tổ chức Thi hành án dân sự ở châu Âu, Tạp chí Nghề Luật số 01/2018.
10.§ 766 Erinnerung gegen Art und Weise der Zwangsvollstreckung
(1) Über Anträge, Einwendungen und Erinnerungen, welche die Art und Weise der Zwangsvollstreckung oder das vom Gerichtsvollzieher bei ihr zu beobachtende Verfahren betreffen, entscheidet das Vollstreckungsgericht. Es ist befugt, die im § 732 Abs. 2 bezeichneten Anordnungen zu erlassen.
(2) Dem Vollstreckungsgericht steht auch die Entscheidung zu, wenn ein Gerichtsvollzieher sich weigert, einen Vollstreckungsauftrag zu übernehmen oder eine Vollstreckungshandlung dem Auftrag gemäß auszuführen, oder wenn wegen der von dem Gerichtsvollzieher in Ansatz gebrachten Kosten Erinnerungen erhoben werden.
11.§ 834 Keine Anhörung des Schuldners
Vor der Pfändung ist der Schuldner über das Pfändungsgesuch nicht zu hören. Tiếng Anh “The Debtor is not to be heard, prior to the attachment, regarding the request for attachment”.
12.Prof. Dr. Olaf Muthorst, University of Hamburg, Grundzüge des Zwangsvollstreckungsrechts, Nomos, 2013, p. 19.