Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xác minh, phân loại án

29/11/2017
Trong thời gian qua, hoạt động kiểm tra công tác thi hành án dân sự luôn được lãnh đạo Bộ Tư pháp và lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự quan tâm. Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã ban hành Nghị quyết số 10/NQ-BCSĐ về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trọng tâm công tác thi hành án dân sự năm 2017 đã đặt ra nhiều yêu cầu. Trong đó có việc cần phải chú trọng nâng cao chất lượng công tác kiểm tra của Tổng cục Thi hành án dân sự đối với các cơ quan thi hành án dân sự địa phương, đặc biệt là cấp Chi cục, đáp ứng yêu cầu quản lý ngành. Bên cạnh đó, tại kỳ họp Quốc hội khóa XIV Kỳ họp thứ 4, Ủy ban Tư pháp đã kiến nghị các cơ quan thi hành án dân sự cần tiếp tục tập trung khắc phục những vi phạm, sai sót, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là những sai sót, vi phạm đã kéo dài như vi phạm trong công tác xác minh điều kiện thi hành án, hạn chế các vụ việc khiếu nại, tố cáo gay gắt, nâng cao kỷ luật kỷ cương chấp hành bản án hành chính, tăng cường phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành bản án.


Để đánh giá thực chất kết quả thi hành án của các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương phục vụ cho công tác quản lý ngành ngày một tốt hơn; đồng thời có giải pháp thực hiện kiến nghị của Ủy ban Tư pháp nêu trên. Vừa qua, Tổng cục Thi hành án dân sự đã thực hiện kiểm tra công tác xác minh, phân loại án tại 19 cơ quan Thi hành án dân sự, đại diện các tỉnh phía Bắc, phía Nam và miền Nam Trung Bộ, trong đó có một số đơn vị có án lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và có đơn vị ở miền núi, ít án như Sơn La. Kết quả kiểm tra cho thấy bên cạnh một số kết quả tích cực, các đơn vị được kiểm tra còn nhiều tồn tại, hạn chế, cụ thể như sau:
1. Những kết quả đạt được của các đơn vị được kiểm tra
- Năm 2017, các đơn vị được kiểm tra đã tích cực, chủ động trong việc tổ chức thi hành án, thực hiện khá tốt nhiều thủ tục trong công tác xác minh điều kiện thi hành án như: Sau khi ra quyết định thi hành án đã tiến hành phối hợp với chính quyền địa phương để xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án tại nơi cư trú; phối hợp với các cơ quan có chức năng để xác minh đối với tài sản thuộc diện đăng ký chuyển quyền sở hữu sử dụng; phối hợp với trại giam để xác minh đối với các trường hợp người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù đã căn cứ kết quả xác minh điều kiện thi hành án, phân loại án để tổ chức thi hành theo quy định; nhiều hồ sơ thể hiện đôn đốc, lưu các biên bản làm việc, các Thông báo về thi hành án theo quy định. Đối với các việc chưa có điều kiện thi hành, đăng tải công khai các trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành; thực hiện xác minh lại theo định kỳ; chuyển sổ theo dõi việc chưa có điều kiện thi hành.
- Thủ trưởng, Chấp hành viên cơ quan Thi hành án dân sự địa phương đã chú ý đến việc tổ chức thi hành án đảm bảo đúng quy định; Việc phân loại án được các đơn vị chú trọng, về cơ bản việc phân loại án chưa có điều kiện là chính xác; Việc sắp xếp, quản lý hồ sơ cơ bản chặt chẽ; Hồ sơ thi hành án xong đưa vào lưu trữ được Chấp hành viên được sắp xếp gọn gàng, đánh số bút lục đầy đủ.
- Trong công tác thi hành án, các cơ quan Thi hành án dân sự đều nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như sự phối hợp nhiệt tình của các ban ngành, đoàn thể tại địa phương. Các cơ quan Thi hành án dân sự thường xuyên tổ chức họp liên ngành kịp thời xử lý đối với các vụ việc phức tạp, có vướng mắc pháp luật, các vụ việc án tuyên không rõ, khó thi hành. Có một số đơn vị đã ban hành được Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự với Công an, Viện kiểm sát nhân dân và Toà án nhân dân. Sau khi Quy chế được ban hành, Cơ quan Thi hành án dân sự đã giải quyết dứt điểm nhiều hồ sơ án có điều kiện và án liên quan đến tổ chức tín dụng ngân hàng.
- Việc xác minh lại sau khi có quyết định chưa có điều kiện thực hiện khá tốt, khá đầy đủ, các hồ sơ liên quan đến người phải thi hành án là phạm nhân thực hiện phối hợp tích cực với Tổng cục VIII/ Trại giam.
- Đa số các đơn vị được kiểm tra đạt và vượt chỉ tiêu về việc, về tiền và giảm án tồn chuyển kỳ sau (Chi cục Thi hành án dân sự Quận 10, Quận 2, Quận 9 thuộc Thành phố Hồ Chí Minh; một số đơn vị đã chú trọng, thực hiện tốt công tác xác minh, phân loại án (Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương; Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Thủ Dầu Một).
2. Một số tồn tại, hạn chế phát hiện qua kiểm tra và nguyên nhân
2.1 Một số tồn tại, hạn chế phát hiện qua kiểm tra
Một là, vi phạm, thiếu sót trong việc xác minh điều kiện thi hành án. Chấp hành viên chưa làm hết trách nhiệm, có nhiều vi phạm phổ biến về trình tự, thủ tục xác minh và xác minh thiếu nội dung, cụ thể:
- Vi phạm về thời hạn xác minh; Xác minh thiếu nội dung, thiếu thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án như: (01) Chưa xác minh, làm rõ thu nhập của người phải thi hành án đã phân loại án chưa có điều kiện thi hành án; Người phải thi hành án có tài sản nhưng Chấp hành viên không xử lý tài sản đảm bảo thi hành án mà phân loại việc chưa có điều kiện thi hành án; (02) Chấp hành viên chưa xác minh, làm rõ tài sản của đương sự trong khối tài sản chung, Biên bản xác minh chưa thể hiện đầy đủ các thông tin liên quan đến điều kiện thi hành án, thậm chí có biên bản mâu thuẫn về mặt nội dung, thiếu tính logic, chặt chẽ; một số trường hợp có tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất nhưng chưa xác minh tại cơ quan quản lý đất đai theo quy định; có vụ việc sau khi ban hành Quyết định chưa có điều kiện thi hành án mới xác minh tại trại giam hoặc nơi cư trú khác của đương sự, xác minh tình trạng hoạt động của doanh nghiệp; (03) Người phải thi hành án có tài sản thế chấp ở Ngân hàng nhưng Chấp hành viên không xác minh rõ tài sản thế chấp có đủ đảm bảo trả cho Ngân hàng và khoản phải thi hành án hay không. Có trường hợp Chấp hành viên phân loại việc chưa có điều kiện thi hành án khi chưa đủ căn cứ; (04) Người phải thi hành án là doanh nghiệp nhưng Chấp hành viên xác minh không đầy đủ về tình trạng hoạt động của doanh nghiệp: không xác minh tại Sở kế hoạch đầu tư, cơ quan thuế, tài khoản, sổ sách của doanh nghiệp; (05) Người phải thi hành án ở trại giam nhưng Chấp hành viên không xác minh tại trại giam; (06) Biên bản xác minh quá sơ sài (Biên bản xác minh chỉ có 9 chữ). Một số hồ sơ lưu sẵn Biên bản xác minh chưa ghi ngày, tháng, năm nhưng có ghi sẵn nội dung xác minh và các chữ ký, đóng dấu của người có thẩm quyền;
- Nhiều trường hợp sau khi ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án nhưng Chấp hành viên không tiến hành xác minh lại. Một số trường hợp đã tiến hành xác minh lại, tuy nhiênkhông đúng định kỳ hoặc không đủ 02 lần theo quy định tại khoản 2 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự. Một số trường hợp đã xác minh lại, tuy nhiên, sau hai lần xác minh chưa có điều kiện thì không thông báo cho người được thi hành án về kết quả xác minh.
- Vi phạm về thực hiện chi tiền chi phí xác minh điều kiện thi hành án, cụ thể: (01) Việc thực hiện chi tiền chi phí xác minh điều kiện thi hành án bồi dưỡng cho người trực tiếp thực hiện xác minh điều kiện thi hành án từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước, tuy nhiên, thực hiện không thống nhất, có nơi chi; (02) Việc chi tiền phải theo đúng số lượng người trong biên bản đã ghi nhận và phù hợp với danh sách chi tiền. Tuy nhiên, một số biên bản xác minh còn sửa chữa, thiếu chữ ký người ghi biên bản, Thủ trưởng cơ quan Thi hành án chưa xem xét kỹ trước khi ký duyệt chi; một số biên bản xác minh không ghi đầy đủ thời gian kết thúc biên bản xác minh.
- Trong nhiều trường hợp, Thư ký, Thẩm tra viên chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm của mình trong xác minh điều kiện thi hành án, thẩm tra hồ sơ, báo cáo thống kê, dữ liệu và các tài liệu khác về thi hành án dân sự, như: một số hồ sơ thi hành án xong, khi đưa vào lưu trữ Thẩm tra viên chưa thực hiện thẩm tra để kịp thời phát hiện các sai sót, từ đó kiến nghị, đề xuất khắc phục, xử lý theo đúng quy định; Lãnh đạo một số đơn vị chưa thực hiện việc kiểm tra, phê duyệt và đóng dấu cơ quan trước khi hồ sơ đưa vào lưu trữ.
Hai là, vi phạm, thiếu sót trong việc phân loại án. Kết quả tổng hợp cho thấy Chấp hành viên phân loại án sai tập trung ở các loại cơ bản sau: (01) Bản án tuyên trả tài sản, Chấp hành viên không xử lý tài sản theo án tuyên và phân loại án chưa có điều kiện thi hành án; có trường hợp Công an chưa chuyển giao tang vật, cơ quan Thi hành án dân sự không đôn đốc Công an chuyển giao tài sản để trả cho đương sự mà phân loại án chưa có điều kiện thi hành án; (02) Người phải thi hành án có tài sản nhưng Chấp hành viên không xử lý tài sản mà phân loại việc chưa có điều kiện thi hành án, cá biệt có trường hợp ra quyết định chưa có điều kiện thi hành án khi vụ việc đang được thi hành với số tiền rất lớn; (03) Chưa đủ căn cứ để phân loại vụ việc chưa có điều kiện thi hành án đã phân loại vụ việc chưa có điều kiện thi hành án: Chấp hành viên chưa xác minh, làm rõ tài sản, thu nhập của đương sự, người phải thi hành án có tài sản thế chấp ở Ngân hàng, không xác minh giá trị tài sản có lớn hơn nghĩa vụ thế chấp không, không xác minh đầy đủ về tình trạng hoạt động của doanh nghiệp; (04) Có trường hợp cùng một người phải thi hành án phải thi hành nhiều quyết định thi hành án nhưng lại phân loại vào hồ sơ có điều kiện (đối với án theo đơn) và chưa có điều kiện thi hành án (đối với án chủ động); (07) Nhiều hồ sơ thuộc diện miễn thi hành án nhưng chưa làm thủ tục đề nghị xét miễn thi hành án. Nhiều trường hợp phân loại hồ sơ thi hành án chưa đúng như: Đã thi hành được 01 phần, phần còn lại ủy thác thì lại phân loại việc ủy thác mà không phân loại là việc thi hành xong; hồ sơ đang được tạm đình chỉ theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, đồng thời người phải thi hành án có tài sản (đã được chuyển nhượng sau khi có bản án), tuy nhiên, lại có quyết định đưa vụ việc vào diện chưa có điều kiện thi hành.
Ba là, một số vi phạm, sai sót khác như: (1) Vi phạm trong việc ban hành quyết định thi hành án làm cơ sở để phân loại, tiến hành xác minh và tổ chức việc thi hành án; (2) Vi phạm, thiếu sót về ủy thác thi hành án (3) Vi phạm về thông báo thi hành án  (4) Về áp dụng đơn vị tính giá trị khi hạch toán, thống kê tiền thi hành án không đúng quy định dẫn đến chênh lệch rất lớn số tiền phải thi hành án và số tiền thi hành xong; (5) Vi phạm trong việc thanh toán tiền thi hành án; (6) Vi phạm về thiết lập, bảo quản hồ sơ thi hành án; (7) Không thực hiện đúng, đầy đủ việc lập báo cáo thống kê, gửi báo cáo thống kê liên ngành về Thi hành án dân sự; (07) Không thực hiện đúng, đầy đủ việc lập báo cáo thống kê, gửi báo cáo thống kê liên ngành về thi hành án dân sự.  
2.2 Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế
Nguyên nhân khách quan
- Số việc và tiền phải thi hành án rất lớn; số thụ lý mới trong năm nhiều, đặc biệt là những vụ án tín dụng ngân hàng, án thu hồi tài sản cho nhà nước có giá trị lớn; nhiều vụ việc khó khăn, phức tạp, bị xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm v.v... Có đơn vị trung bình 1 CHV phải thi hành từ trên 300 đến trên 700 việc. Ví dụ: Thủ Dầu Một - Bình Dương (700 việc), Dĩ An - Bình Dương (500 việc); quận Hai Bà Trưng - Hà Nội (400 - 500 việc); Quận 10, Quận 2, Quận 9 (gần 400 việc), ...
- Có đơn vị tỉ lệ việc có điều kiện khá cao lên đến 86%; Có đơn vị việc phải thi hành tập trung chủ yếu vào các loại án tín dụng ngân hàng, các tranh chấp dân sự phức tạp và loại việc này tăng đột biến trong những năm gần đây. Số vụ việc phải thực hiện quy trình bán đấu giá lớn (hàng trăm việc) nên chưa đảm bảo thời gian vật chất cho một số mặt công tác.
- Số lượng Chấp hành viên, Thư ký thi hành án của Cục còn thiếu, có biến động trong công tác tổ chức do đi biệt phái hoặc tham gia các lớp học dài hạn.
- Có đơn vị Lãnh đạo Chi cục mới được điều động về, thời gian đầu còn phải tập trung vào khắc phục những hạn chế, khó khăn do ảnh hưởng từ việc xử lý đối với lãnh đạo Chi cục thời kỳ trước.
- Công tác thi hành án dân sự trên địa bàn rộng, chưa được sự phối hợp tích cực, chặt chẽ của chính quyền địa phương (công an khu vực, tổ trưởng tổ dân phố...) nên khó khăn cho công tác xác minh, nhất là xác minh lại đối với các trường hợp đi đâu không rõ, không còn hoạt động tại địa chỉ cũ.
- Văn phòng đăng ký đất đai thu phí khai thác thông tin về tài sản là quyền sử dụng đất của người phải thi hành án như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương.
Nguyên nhân chủ quan
- Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự chưa quan tâm, sâu sát đến từng vụ việc cụ thể, dẫn đến nhiều vụ việc Chấp hành viên chưa xác minh, làm rõ về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án nhưng vẫn ký ban hành quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án; chưa quyết liệt trong việc chỉ đạo, kiểm tra Chấp hành viên tổ chức thi hành án, phân loại án dẫn đến để xảy ra nhiều vi phạm. Chưa quan tâm, đầu tư nguồn lực đối với loại án chủ động.
- Có đơn vị ý thức trách nhiệm của một số Chấp hành viên còn chưa cao; chưa tích cực trong việc xác minh, tổ chức việc thi hành án; bỏ qua nhiều thủ tục xác minh cần thiết trước khi phân loại án; nhận thức pháp luật chưa đầy đủ nên để xảy ra tình trạng thực hiện xác minh chưa kịp thời đầy đủ, toàn diện; phân loại việc chưa có điều kiện trong khi có điều kiện; thực hiện xác minh kể cả sau khi đã chuyển sổ theo dõi.
- Nhiều vụ việc có điều kiện thi hành án nhưng Chấp hành viên chưa có kế hoạch hiệu quả để động viên thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án hay xử lý tài sản, thi hành dứt điểm vụ việc; nhiều vụ việc đủ điều kiện được xét miễn giảm án nhưng Chấp hành viên không thực hiện các thủ tục gửi Tòa án xem xét miễn, giảm theo quy định.
3. Giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác thi hành án dân sự  
Để khắc phục những tồn tại hạn chế trong công tác thi hành án dân sự nêu trên, tại Hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự năm 2018, phiên làm việc buổi sáng ngày 25/11/2017 là Hội nghị nội bộ các cơ quan Thi hành án dân sự, đồng chí Nguyễn Thắng Lợi - Vụ trưởng Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo Tổng cục Thi hành án dân sự đã thông tin về kết quả kiểm tra và đề xuất những giải pháp cần khắc phục trong công tác xác minh, phân loại án của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương, cụ thể:  
Một là, trách nhiệm của Bộ Tư pháp và Tổng cục Thi hành án dân sự:
- Trên cơ sở các Kết luận chính thức của các Đoàn kiểm tra, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự cần xử lý nghiêm trách nhiệm đối với cá nhân, đơn vị có sai sót, vi phạm theo thẩm quyền; chấm dứt tình trạng trên “nóng”, dưới “lạnh”,  trên “quyết liệt”, nhưng một số nơi, nhất là cấp cơ sở, vẫn “thờ ơ”, chưa làm tròn nhiệm vụ. Đồng thời, Tổng cục Thi hành án dân sự tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo phương châm “hướng về cơ sở”, kịp thời hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của cơ sở; gắn bó, phối hợp với địa phương, với cấp ủy chính quyền địa phương nhiều hơn, là chỗ dựa tin cậy, động viên, khích lệ cán bộ, công chức trong toàn Hệ thống hoàn thành nhiệm vụ.
Đồng thời, Tổng cục Thi hành án dân sự có văn bản chỉ đạo Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, kiểm tra, quan tâm, sâu sát đến từng vụ việc cụ thể; chịu trách nhiệm về các vi phạm trong thi hành án tại đơn vị mình quản lý; tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra chuyên đề, đột xuất, nhất là kiểm tra tập trung vào các đơn vị có lượng án lớn, có biểu hiện chạy theo thành tích, tăng cường kiểm tra đến đối tượng là cơ quan Thi hành án dân sự cấp huyện. Tăng cường công tác hậu kiểm, đặc biệt là việc khắc phục vi phạm.
- Về công tác phối hợp: Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự tiếp tục tăng cường phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo Tòa án các cấp kịp thời chuyển giao bản án, quyết định để cơ quan Thi hành án dân sự tổ chức thi hành kịp thời khoản chủ động thi hành án. Đối với những vụ việc chưa xử lý được tài sản, chưa thi hành án được do cơ quan công an chưa chuyển giao tang vật, tòa án chưa giải thích bản án, Tổng cục kiến nghị đồng chí Trưởng Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự các Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo cơ quan công an, tòa án phối hợp với cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện tốt việc chuyển giao tang vật và yêu cầu cơ quan đã ra bản án, quyết định giải thích bằng văn bản những điểm chưa rõ hoặc không phù hợp với thực tế trong bản án, quyết định đó để thi hành.
- Về thể chế: (1) Nghiên cứu hoàn thiện pháp luật thi hành án dân sự về các khoản miễn giảm thu, nộp ngân sách Nhà nước; (2) Sửa đổi mẫu bìa hồ sơ thi hành án để phản ánh đầy đủ quá trình tác nghiệp thi hành án; (3) Hướng dẫn cụ thể trong việc ra quyết định chưa có điều kiện; (4) Hướng dẫn cụ thể hơn cho các cơ quan Thi hành án dân sự về thủ tục thực hiện tương trợ tư pháp.
- Về công tác tổ chức cán bộ: cần chủ động hơn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị nguồn thay chế lãnh đạo nghỉ chế độ, hoặc trong công tác thay thế, luân chuyển.
Hai là, trách nhiệm của các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương:
- Đối với các đơn vị được kiểm tra: (01) Tiếp tục tập trung khắc phục những vi phạm, sai sót, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, đặc biệt là những sai sót, vi phạm đã kéo dài như vi phạm trong công tác xác minh điều kiện thi hành án, hạn chế các vụ việc khiếu nại, tố cáo gay gắt, nâng cao kỷ luật kỷ cương chấp hành bản án hành chính, tăng cường phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành bản án; (02) Phổ biến các nội dung Kết luận kiểm tra của Tổng cục, đặc biệt là các sai phạm về chuyên môn, nghiệp vụ tới toàn thể cán bộ, Chấp hành viên các cơ quan Thi hành án dân sự trong Thành phố để rút kinh nghiệm, hạn chế sai sót tương tự; (03) Tổ chức họp kiểm điểm xác định rõ, cụ thể trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ, trên cơ sở đó, có hình thức xử lý phù hợp hoặc kỷ luật tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm theo quy định. Lãnh đạo các đơn vị được kiểm tra có nhiều vi phạm phải nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm khi chưa thực hiện tốt công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành đơn vị, để xảy ra sai phạm; (04) Nâng cao hơn nữa trách nhiệm quản lý trong việc tổ chức thi hành án và xác minh điều kiện thi hành án và phân loại án. Tăng cường và nâng cao chất lượng kiểm tra, tự kiểm tra trong đơn vị và các đơn vị trực thuộc (nhất là giữa các Chi cục làm tốt và các Chi cục làm chưa tốt). Tập trung kiểm tra đối với các đơn vị có lượng án phải thi hành lớn. Lãnh đạo Cục chỉ đạo Lãnh đạo Phòng Nghiệp vụ, các Chấp hành viên kiểm tra, tự kiểm tra hồ sơ thi hành án để kịp thời khắc phục thiếu sót, tránh để xảy ra vi phạm, báo cáo Lãnh đạo đơn vị về tiến độ và kết quả tổ chức thi hành án định kỳ hàng tháng, hàng quý. Lãnh đạo Chi cục cần nâng cao trách nhiệm sự, tăng cường phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ; (05) Đối với việc tổ chức thi hành án: Thủ trưởng cơ quan thi hành án: (i) tập trung chỉ đạo tổ chức thi hành dứt điểm các việc có điều kiện thi hành; (ii) Lập kế hoạch cụ thể để giải quyết các vụ việc có khó khăn, vướng mắc, vụ việc có tính chấp phức tạp; (iii) Chú trọng thực hiện và chỉ đạo các Chi cục Thi hành án dân sự kịp thời kiến nghị Tòa án chuyển giao bản án, quyết định; (iv) Thực hiện đúng và đầy đủ quy định về thống kê liên ngành về Thi hành án dân sự; (v) Tổ chức đợt cao điểm xác minh lại đối với các hồ sơ chưa có điều kiện. Các Chi cục cần báo cáo Cục và Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự để có cơ chế phối hợp với UBND các cấp, Cơ quan Công an trong công tác phối hợp xác minh điều kiện thi hành án; Chủ động, tích cực hơn nữa trong việc phối hợp với Tòa án, Viện kiểm sát cấp cao; Tòa án, Viện kiểm sát, Công an.
- Đối với các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương
Những vi phạm, thiếu sót trong công tác xác minh, phân loại án đã được phát hiện qua công tác kiểm tra nêu trên là bài học kinh nghiệm sâu sắc trong toàn Hệ thống Thi hành án dân sự. Các cơ quan Thi hành án dân sự cần rút kinh nghiệm từ những vi phạm, tồn tại, hạn chế nêu trên, đồng thời tự tiến hành kiểm tra, rà soát tại địa phương. Từ đó, có hình thức quán triệt, tự chấn chỉnh để tránh xảy ra sai phạm tương tự, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác tổ chức thi hành án, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, bảo đảm kết quả thi hành án dân sự, hành chính năm 2018 ổn định, thực chất.
Có thể thấy công tác kiểm tra có vai trò quan trọng trong quản lý nhà nước đối với Hệ thống thi hành án dân sự. Thông qua công tác kiểm tra, Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp đánh giá được thực chất kết quả thi hành án. Trên cơ sở đánh giá kết quả thi hành án của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương, Tổng cục Thi hành án dân sự dự báo, giao chỉ tiêu phù hợp và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi hành án của Hệ thống được chính xác.
Nguyễn Hằng – Vụ GQKNTC – Tổng cục THADS