Thực hiện Kế hoạch công tác năm 2018 của Tổng cục Thi hành án dân sự được phê duyệt kèm theo Quyết định số 213/QĐ-BTP ngày 02/02/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, nhằm triển khai hiệu quả công tác thi hành án hành chính, công tác theo dõi thi hành án hành chính theo Luật tố tụng hành chính năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án; ngày 16/10/2018, Tổng cục Thi hành án dân sự đã ban hành Quy trình theo dõi thi hành án hành chính kèm theo Quyết định số 1130/QĐ-TCTHADS của Tổng cục trưởng.
Quy trình quy định thống nhất trách nhiệm, nội dung công việc, thời hạn thực hiện, mối quan hệ giữa các Phòng chuyên môn, giữa các công chức thuộc Cục, Chi cục Thi hành án dân sự trong công tác theo dõi thi hành án hành chính theo Luật tố tụng hành chính 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP; bảo đảm việc theo dõi thi hành án hành chính của các cơ quan thi hành án dân sự kịp thời, đúng pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, công dân. Quy trình gồm 03 Phần chính và Phụ lục mẫu biểu kèm theo, cụ thể:
- Phần 1: Những quy định chung, bao gồm: (1) Mục đích ban hành Quy trình; (2) Phạm vi điều chỉnh của Quy trình; (3) Đối tượng áp dụng Quy trình.
- Phần II: Sơ đồ quy trình theo dõi thi hành án hành chính.
- Phần III: Diễn giải chi tiết nội dung quy trình, bao gồm 03 mục:
+ Mục 1: Tiếp nhận, phân loại bản án, quyết định và phân công chấp hành viên, bao gồm: (1) Tiếp nhận bản án, quyết định của Tòa án; (2) Đọc, phân loại bản án, quyết định có nội dung theo dõi và bản án, quyết định không có nội dung theo dõi; (3) Phân công Chấp hành viên thực hiện theo dõi thi hành án hành chính.
+ Mục 2: Thực hiện theo dõi thi hành án hành chính, bao gồm: (1) Ra văn bản thông báo về trách nhiệm tự nguyện thi hành án; (2) Làm việc với người phải thi hành án trong trường hợp nhận được Quyết định buộc thi hành án hành chính của Tòa án; (3) Công khai và chấm dứt công khai thông tin về việc không chấp hành án trong trường hợp nhận được Quyết định buộc thi hành án hành chính; (4) Yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan về quá trình và kết quả thi hành án để phục vụ việc theo dõi thi hành án hành chính; (4) Kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo, xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án; (5) Các công việc phát sinh khác trong quá trình theo dõi thi hành án hành chính; (6) Thực hiện chế độ báo cáo, thống kê thi hành án hành chính.
+ Mục 3: Lập, rà soát, thẩm tra và lưu trữ hồ sơ theo dõi thi hành án hành chính, bao gồm: (1) Lập, cập nhật và bổ sung hồ sơ theo dõi thi hành án hành chính; (2) Lưu trữ hồ sơ theo dõi thi hành án hành chính.
- Phần 4: Tổ chức thực hiện.
- Phụ lục các mẫu biểu kèm theo Quy trình: Gồm 08 mẫu biểu sử dụng trong hoạt động theo dõi thi hành án hành chính (từ Mẫu số 01-THAHC đến Mẫu số 08-THAHC).
Theo dõi thi hành án hành chính là nhiệm vụ tương đối mới của hệ thống thi hành án dân sự; đang được Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo. Trong khi đây là một kênh thông tin quan trọng, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về thi hành án hành chính; đồng thời, tăng cường công tác theo dõi thi hành án hành chính được Tổng cục Thi hành án dân sự xác định là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Do đó, việc ban hành Quy trình có ý nghĩa quan trọng, giúp các cơ quan thi hành án dân sự triển khai bài bản, hiệu quả và đúng quy định pháp luật; góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hành chính, bảo đảm các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đều được thi hành trên thực tế.
Nguyễn Thị Kim Quy
Vụ Nghiệp vụ 3 - TCTHADS