Một số chỉ đạo của Quốc hội để nâng cao chất lượng chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, thi hành án hành chính

19/12/2018
Với đặc thù đối tượng bị khởi kiện trong các vụ án hành chính là những quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền, ngoài ra, công tác thi hành các bản án hành chính là cơ chế tự thi hành khiến cho hiệu quả thi hành các bản án hành chính còn chưa cao. Trước thực trạng đấy, trong năm 2018, Đảng và Quốc hội đã có nhiều quan tâm, chỉ đạo sát sao đối với công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính.


Để hoàn thiện công tác quản lý về thi hành án hành chính, Quốc hội đã ban hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Chính phủ ban hành Nghị định số 71/2016/NĐ-CP quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Ngoài Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Nghị định 71/NĐ-CP, Quốc hội còn ban hành các Nghị quyết quan trọng liên quan đến công tác thi hành các bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật như:
- Nghị quyết số 111/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2016 và các năm tiếp theo. Theo đó, Quốc hội đã giao Chính phủ có giải pháp khắc phục hạn chế trong công tác thi hành án; chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thi hành đối với 100% bản án hành chính có hiệu lực pháp luật.
- Nghị quyết số 55/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Trong đó, đối với lĩnh vực THAHC, Quốc hội “giao Chính phủ chỉ đạo Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân có liên quan thực hiện đúng quy định tại Điều 60 của Luật Tố tụng hành chính, chấm dứt việc không chấp hành các bản án, quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, báo cáo kết quả việc THAHCtại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV”. 
- Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 đã yêu cầu “Tập trung thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành án dân sự, bảo đảm thi hành dứt điểm các bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính còn tồn đọng”.
Bên cạnh việc hoàn thiện pháp luật, tăng cường chỉ đạo đối với việc thi hành các bản án hành chính, ngày 10/01/2018 Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã có Nghị quyết số 1051/NQ-UBTP14 về việc thành lập Đoàn giám sát và Kế hoạch số 1052/KH-UBTP14 giám sát việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân tại 10 địa phương: Thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hải Dương, Quảng Nam, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, từ ngày 19/3 đến ngày 12/4/2018. Trên cơ sở kết quả giám sát tình hình chấp hành pháp luật về TTHC trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND, UBND, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã có Công văn số 1524/UBTP14 ngày 28/9/2018 kiến nghị Bộ Tư pháp thực hiện các giải pháp, cụ thể như sau:
- Tăng cường công tác giải đáp, hướng dẫn nghiệp vụ trên cơ sở tổng hợp các vướng mắc từ địa phương, đề xuất với Chính phủ các giải pháp hoàn thiện cơ chế thi hành án hành chính.
- Có biện pháp khắc phục căn bản tình trạng “hầu hết các cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên ngại va chạm trong việc ban hành các văn bản kiến nghị người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân”.
- Chỉ đạo cơ quan THADS các cấp thực hiện nghiêm túc trách nhiệm Luật giao; thực hiện việc kiến nghị xử lý trách nhiệm người phải thi hành án chậm thi hành án, không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ, không đúng bản án của Tòa án; bảo đảm chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội giao “chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thi hành đối với 100% bản án hành chính có hiệu lực pháp luật”.
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác thi hành án hành chính tại các địa phương, đặc biệt là các địa phương có số lượng lớn các bản án hành chính phải thi hành; tham mưu với Chính phủ có giải pháp nhằm thi hành dứt điểm các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật tồn đọng từ năm 2011 đến nay.
- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị cho đội ngũ Chấp hành viên để nâng cao chất lượng theo dõi việc thi hành các bản án hành chính đối với Quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND, UBND.
Trước những chỉ đạo tích cực, sự quan tâm của Đảng và Quốc hội, trong năm 2018, công tác thi hành án hành chính đã đạt được những kết quả khả quan, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của UBND các cấp trong quá trình tham gia tố tụng hành chính, đặc biệt là trong các khâu đối thoại, tham dự phiên tòa và thi hành bản án, quyết định của Tòa án, kết quả: Trong năm 2018, trên toàn quốc đã thi hành xong 139 vụ việc, còn lại 224 vụ việc chưa thi hành xong. Riêng 50 vụ việc người phải thi hành án là Chủ tịch UBND, UBND chưa thi hành án từ năm 2017 chuyển sang đã thi hành xong 25 vụ việc. Một số địa phương thi hành xong số việc tương đối lớn hoặc không còn tồn đọng vụ việc như: TP. Hồ Chí Minh (27/65 việc); Bà Rịa - Vũng Tàu (18/28 việc); Nghệ An (08/08 việc); Khánh Hòa (06/06 việc); Lâm Đồng (05/05 việc).
Vụ Nghiệp vụ 3