Một số giải pháp hạn chế phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước, bảo đảm tài chính trong hoạt động thi hành án dân sự

31/07/2023
Để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước, bảo đảm tài chính của công dân, đồng thời hạn chế phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước, bảo đảm tài chính trong toàn hệ thống; ngày 28/7/2023, Tổng cục Thi hành án dân sự đã ban hành Công văn số 2713/TCTHADS-NV3 về việc chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước, bảo đảm tài chính trong hoạt động thi hành án dân sự


Thời gian vừa qua, với sự chỉ đạo kịp thời của Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Tổng cục, công tác bồi thường nhà nước, bảo đảm tài chính trong hoạt động thi hành án dân sự đã có sự chuyển biến tích cực, đạt được một số kết quả nhất định, các Cục Thi hành án dân sự đã có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao trong việc giải quyết bồi thường nhà nước, bảo đảm tài chính phát sinh tại đơn vị, số vụ việc phát sinh mới và số vụ việc giải quyết xong đều giảm so với cùng kỳ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động thi hành án dân sự cũng đang phải đối mặt với nguy cơ gia tăng các vụ việc bồi thường nhà nước, bảo đảm tài chính với số tiền lớn. Trong đó, các sai phạm dẫn đến bồi thường nhà nước, bảo đảm tài chính tại các cơ quan thi hành án dân sự chủ yếu phát sinh từ công tác tổ chức thi hành án như: xác minh điều kiện thi hành án, áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án và bán đấu giá tài sản,...
Do đó, để hạn chế đến mức thấp nhất các vi phạm xảy ra làm phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước, bảo đảm tài chính, đồng thời giải quyết dứt  điểm các vụ việc bồi thường nhà nước còn tồn đọng, ngày 28/7/2023, Tổng cục Thi hành án dân sự đã ban hành Công văn số 2713/TCTHADS-NV3 về việc chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước, bảo đảm tài chính trong hoạt động thi hành án dân sự, trong đó tập trung vào thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp từ công tác tổ chức cán bộ; tổ chức thi hành án; giải quyết khiếu nại, tố cáo; giải quyết yêu cầu bồi thường tại co quan thi hành án dân sự, tại Tòa án; khắc phục hậu quả đối với những vụ việc có khả năng xảy ra bồi thường nhà nước, bảo đảm tài chính; thực hiện việc chi trả, hoàn trả đối với những vụ việc đã được cấp kinh phí, cụ thể như sau:
1. Giải pháp đối với công tác tổ chức cán bộ: tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành toàn diện các mặt công tác của đơn vị, kiện toàn hoặc tham mưu kiện toàn đầy đủ các chức danh lãnh đạo, quản lý, chức danh Chấp hành viên, Thẩm tra viên, Kế toán viên,... Rà soát, đánh giá tổng thể về phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực công tác và ý thức trách nhiệm của đội ngũ công chức làm công tác thi hành án, nhất là đội ngũ Chấp hành viên; bảo đảm phân công nhiệm vụ tổ chức thi hành án phù hợp, đạt hiệu quả cao. Có biện pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ trong hoạt động thi hành án, xử lý nghiêm các trường hợp có vi phạm, đặc biệt là các trường hợp có vi phạm dẫn đến bồi thường nhà nước, bảo đảm tài chính.  Đơn vị nào để xảy ra bồi thường nhà nước, bảo đảm tài chính thì trách nhiệm trước hết thuộc về Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự.
2. Giải pháp đối với công tác tổ chức thi hành án: tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác tổ chức, giải quyết việc thi hành án dân sự trên địa bàn; hướng dẫn nghiệp vụ phải kịp thời, đầy đủ, đúng quy trình,rõ ràng, cụ thể, chủ động xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của Tổng cục thi hành án dân sự, báo cáo Ban chỉ đạo thi hành án dân sự và họp liên ngành đối với các vụ việc phức tạp, vượt quá thẩm quyền, hạn chế thấp nhất những vi phạm xảy ra trong quá trình tổ chức thi hành án làm phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước, bảo đảm tài chính trong hoạt động thi hành án dân sự.
Thường xuyên quán triệt, rút kinh nghiệm chung về nghiệp vụ đối với đội ngũ công chức, Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự. Chú trọng và đưa vào thành nền nếp, chế độ một số việc như: thẩm định, kiểm tra hồ sơ thi hành án trước khi ký hợp đồng ủy quyền bán đấu giá tài sản, bảo đảm tính pháp lý của tài sản đưa ra bán đấu giá, bảo đảm việc giao tài sản trúng đấu giá đúng thời hạn, đúng quy định…
3. Giải pháp đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo: tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra, giám sát chặt chẽ trình tự, thủ tục thi hành án ngay từ khâu thụ lý đến khi kết thúc việc thi hành án,trong đó tập trungđến công tác xác minh điều kiện thi hành án, áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản thi hành án, đảm bảo quá trình tổ chức thi hành án phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, hạn chế thấp nhất thiếu sót, vi phạm.
Tập trung nguồn lực, có biện pháp giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo;đặc biệt là khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài; khắc phục ngay các vi phạm, thiếu sót của Chấp hành viên, đặc biệt lưu ý các vụ việc khiếu nại liên quan đến kê biên, xử lý tài sản, khiếu nại chậm giao tài sản bán đấu giá thành. Trường hợp có khó khăn vướng mắc hoặc có thể phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước, bảo đảm tài chính phải kịp thời báo cáo xin ý kiến cấp trên.
Rà soát lại tất cả các vụ việc đã có quyết định giải quyết khiếu nạichấp nhận một phần hoặc toàn bộ nội dung khiếu nại, các quyết định xử lý kỷ luật người thi hành công vụ do có hành vi trái pháp luật gây ra,…khẩn trương khắc phục hậu quả, tổ chức thi hành dứt điểm việc thi hành án, tránh phát sinh yêu cầu bồi thường nhà nước, bảo đảm tài chính.
4. Giải pháp đối với công tác giải quyết yêu cầu bồi thường tại các cơ quan thi hành án dân sự: đối với những vụ việc đã có yêu cầu bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự trên địa bàn, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải chủ động tham gia giải quyết ngay từ giai đoạn đầu và báo cáo về Tổng cục Thi hành án dân sự. Quá trình giải quyết, chỉ đạo giải quyết phải tổ chức rà soát lại toàn bộ quá trình tổ chức thi hành án, xác định rõ sai phạm, phần trách nhiệm của cơ quan thi hành án dân sự, của Chấp hành viên và phần trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân khác là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại bị yêu cầu bồi thường; khắc phục tình trạng chậm hoặc kéo dài giải quyết làm phát sinh thêm số tiền phải bồi thường nhà nước.
Quan tâm cử người giải quyết bồi thường theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 43 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, đặc biệt lựa chọn người có kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực thi hành án dân sự để có đánh giá chính xác về các thiệt hại thực tế của người bị thiệt hại và mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra thiệt hại. Chủ động tranh thủ phối hợp với các cơ quan có liên quan, đặc biệt là cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước, cơ quan tài chính có thẩm quyền, từ giai đoạn xác minh thiệt hại, thương lượng giải quyết bồi thường theo quy định tại Điều 45, Điều 46 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 để việc giải quyết bồi thường chính xác, tránh thiệt hại cho Ngân sách nhà nước hoặc ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan.
5. Giải pháp đối với việc tham gia tố tụng để giải quyết yêu cầu bồi thường tại Tòa án: chấp hành nghiêm việc tham gia tố tụng giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước theo triệu tập của Tòa án; chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung vụ việc (về hồ sơ thi hành án, các căn cứ lập luận, phản biện đối với yêu cầu bồi thường,…) để tham gia hiệu quả tại Tòa án. Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự có trách nhiệm chỉ đạo và hỗ trợ các Chi cục Thi hành án dân sự trực thuộc trong việc tham gia tố tụng giải quyết yêu cầu bồi thường; khi được triệu tập tham gia tố tụng trong các vụ án giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước, Lãnh đạo cơ quan thi hành án dân sự phải trực tiếp tham gia phiên tòa, không được khoán trắng cho Chấp hành viên; thường xuyên báo cáo cơ quan quản lý cấp trên và Tổng cục Thi hành án dân sự để kịp thời chỉ đạo.
6. Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác dự báo, khắc phục hậu quả, đối với những vụ việc có khả năng xảy ra bồi thường nhà nước, bảo đảm tài chính: đối với những vụ việc có khả năng xảy ra bồi thường nhà nước, bảo đảm tài chính, cơ quan thi hành án dân sự cần chỉ đạo công chức gây sai phạm chủ động khắc phục hậu quả, giảm thiệt hại; tổ chức tiếp xúc người bị thiệt hại với thái độ cầu thị nhằm giảm bức xúc của người dân đối với cơ quan thi hành án.
Thực hiện tốt công tác dự báo các vụ việc có thể xảy ra bồi thường nhà nước, bảo đảm tài chính trong thi hành án dân sự; thường xuyên rà soát các quyết định, hành vi thực thi công vụ trong lĩnh vực thi hành án có thể dẫn đến vi phạm, phải thực hiện trách nhiệm bồi thường để tổ chức rút kinh nghiệm, phòng tránh. Trong các hội nghị, giao ban Quý, sơ kết, tổng kết phải lồng ghép nội dung cảnh báo, phòng ngừa việc phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước, bảo đảm tài chính, từ đó, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật đối với công chức cơ quan thi hành án dân sự.
7. Thực hiện nghiêm túc, đúng quy định pháp luật việc chi trả, hoàn trả đối với các vụ việc bồi thường nhà nước, bảo đảm tài chính đã được cấp kinh phí: đối với những vụ việc đã được cấp kinh phí bồi thường nhà nước, bảo đảm tài chính các cơ quan thi hành án dân sự phải thực hiện nghiêm túc việc chi trả, thu hồi khoản tiền hoàn trả của người có lỗi cũng như áp dụng những biện pháp thu hồi các khoản tiền mà cá nhân, tổ chức phải trả cơ quan thi hành án dân sự (nếu có) để hoàn trả ngân sách theo quy định.
Vụ Nghiệp vụ 3, TCTHADS
File đính kèm