Để nâng cao năng lực, hiệu quả giải quyết trong công tác BTNN và ngăn ngừa phát sinh trách nhiệm BTNN trong hoạt động THADS; đồng thời khắc phục một số tồn tại, hạn chế trong công tác BTNN, trong thời gian qua Tổng cục THADS đã ban hành nhiều văn bản gửi các cơ quan THADS địa phương về việc thực hiện, chỉ đạo thực hiện một số nội dung, giải pháp về công tác BTNN trong hoạt động THADS. Theo đó, công tác BTNN trong hoạt động THADS đã từng bước đi vào nề nếp và đạt được những kết quả tích cực, các cơ quan THADS có trách nhiệm bồi thường đã kịp thời thụ lý, xem xét giải quyết yêu cầu bồi thường khi có đủ căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật; một số vụ việc phức tạp, kéo dài nhiều năm đến nay đã được giải quyết dứt điểm, góp phần khôi phục, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; kết quả giải quyết BTNN và BĐTC 06 tháng đầu năm 2025 cho thấy: Về BTNN, toàn hệ thống THADS đang theo dõi, giải quyết 22 vụ việc; bao gồm 20 vụ việc năm trước chuyển sang, 02 vụ việc thụ lý mới (giảm 67% so với cùng kỳ năm 2024). Trong đó: đã kết thúc giải quyết 04 vụ việc (tăng 50% so với cùng kỳ năm 2024). Về BĐTC có 04 vụ việc, trong đó 04 vụ việc từ năm trước chuyển sang, không có vụ việc phát sinh trong kỳ báo cáo.
Tuy nhiên, vẫn còn một số vụ việc chậm được giải quyết hoặc giải quyết không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; việc đôn đốc thực hiện trách nhiệm hoàn trả chưa được thực hiện nghiêm; một bộ phận Thủ trưởng, Chấp hành viên chưa thực sự quyết liệt trong việc chỉ đạo, tổ chức giải quyết các vụ việc về BTNN… Bên cạnh đó, hoạt động THADS cũng đang phải đối mặt với nguy cơ gia tăng các vụ việc phát sinh trách nhiệm BTNN, BĐTC, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của của Bộ, ngành và Hệ thống THADS.
Do vậy, ngày 11/04/2025, Tổng cục THADS đã ban hành Công văn số 1248/TCTHADS-NV3 yêu cầu Cục trưởng Cục THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác BTNN, BĐTC, hạn chế các nguy cơ phát sinh trách nhiệm BTNN như sau:
1. Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về BTNN, BĐTC trong hoạt động THADS; thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Bộ Tư pháp, của Tổng cục THADS về công tác BTNN, BĐTC trong hoạt động THADS.
2. Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về THADS nhằm hạn chế sai sót, vi phạm làm phát sinh hậu quả BTNN. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm hạn chế phát sinh trách nhiệm BTNN, BĐTC theo đúng nội dung chỉ đạo của của Bộ Tư pháp, của Tổng cục THADS
[1].
3. Thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm của công chức trong quá trình tổ chức thi hành án dẫn đến phải thực hiện hoặc nguy cơ phải thực hiện trách nhiệm BTNN. Làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo đảm các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo là căn cứ đúng để xác định hành vi sai phạm. Quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thủ trưởng cơ quan THADS phải dự báo trước các nguy cơ phát sinh thiệt hại (nếu có) và nghiên cứu ngay giải pháp phù hợp, hạn chế tối đa thiệt hại xảy ra, trong đó cần chỉ đạo công chức có hành vi sai phạm chủ động khắc phục hậu quả, giảm nguy cơ phát sinh thiệt hại tiếp theo; tổ chức tiếp xúc người bị thiệt hại với thái độ cầu thị nhằm giảm bức xúc của công dân, tổ chức đối với cơ quan THADS.
4. Đối với những vụ việc đã có yêu cầu bồi thường, cơ quan THADS phải chủ động giải quyết ngay từ giai đoạn đầu và chỉ đạo rà soát toàn bộ quá trình tổ chức thi hành án, xác định rõ sai phạm, phần trách nhiệm của cơ quan THADS, của Chấp hành viên và phần trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân khác là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại bị yêu cầu bồi thường; khắc phục tình trạng chậm hoặc kéo dài giải quyết làm phát sinh thêm số tiền phải BTNN.
Đối với các vụ việc bị khởi kiện yêu cầu bồi thường tại Tòa án, Thủ trưởng cơ quan THADS phải chấp hành nghiêm việc tham gia tố tụng giải quyết yêu cầu BTNN theo triệu tập của Tòa án, tập trung chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung; cử người tham gia hiệu quả tại Tòa án, chỉ đạo và hỗ trợ các Chi cục THADS trực thuộc trong việc tham gia tố tụng giải quyết yêu cầu BTNN theo triệu tập của Tòa án theo đúng nội dung chỉ đạo của Tổng cục THADS
[2].
5. Đối với những vụ việc đã có quyết định giải quyết bồi thường hoặc bản án, quyết định của Tòa án về giải quyết yêu cầu bồi thường có hiệu lực pháp luật, cơ quan THADS là cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại cần nghiêm túc kịp thời rà soát, lập hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường theo đúng quy định của pháp luật và theo hướng dẫn, chỉ đạo của Tổng cục THADS
[3].
Đối với các vụ việc đã được cấp kinh phí BTNN, BĐTC, các cơ quan THADS phải thực hiện nghiêm túc việc tiết kiệm từ kinh phí chi thường xuyên, thu hồi khoản tiền hoàn trả của người có lỗi cũng như áp dụng những biện pháp thu hồi các khoản tiền mà cá nhân, tổ chức phải trả cơ quan thi hành án (nếu có) để hoàn trả ngân sách theo quy định theo đúng quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BTP-BTC ngày 10/6/2016 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính hướng dẫn bảo đảm tài chính từ ngân sách nhà nước để thi hành án. Có kế hoạch chỉ đạo giải quyết dứt điểm những vụ việc tồn đọng kéo dài.
6. Thực hiện nghiêm túc việc báo cáo, thống kê đối với các vụ việc phát sinh hoặc có nguy cơ phát sinh trách nhiệm BTNN theo đúng nội dung chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Tổng cục
[4].
7. Cục trưởng Cục THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm đôn đốc, chỉ đạo thực hiện đầy đủ, trách nhiệm và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải quyết BTNN, hạn chế tối đa nguy cơ phát sinh các vụ việc BTNN và nguy cơ phát sinh thiệt hại trong các vụ việc BTNN, BĐTC trong lĩnh vực THADS.