Trong quá trình xâm lược và thiết lập chế độ thuộc địa ở Việt Nam, Thực dân Pháp đã phải đương đầu với sức phản kháng quyết liệt của dân tộc Việt Nam anh hùng. Biết bao thế hệ người Việt Nam yêu nước, bất chấp sức mạnh vật chất và sự tàn bạo của kẻ thù xâm lược, đã đứng dậy đấu tranh với nhiều hình thức, thực hiện mục tiêu đánh đuổi giặc ngoại xâm cứu nước. Đối phó với một dân tộc như vậy, Thực Dân Pháp đã sử dụng nhiều thủ đoạn dã man chính sách thâm độc như: Chia rẽ, đầu độc, ngu dân, đàn áp và khủng bố. Chúng đã dựng lên hàng loạt nhà tù, trong đó có Nhà tù Sơn La nhằm hủy diệt lực lượng lãnh đạo cách mạng và phong trào quần chúng và thủ tiêu ý trí đấu tranh của nhân dân.
Nếu như năm 1930 chỉ có 24 người tù Cộng Sản từ nhà giam Hỏa Lò bị đẩy lên Sơn La thì tháng 12 năm 1944 con số đó đã lên tới 1007 tù nhân. Sơn La là một tỉnh miền núi cách xa Hà Nội. Chỉ có một con đường độc đạo là con đường số 41 (nay là đường Quốc lộ 6) trình độ dân trí còn thấp và thủa đó là một trong những vùng nổi tiếng "Nước độc rừng thiêng" hoặc "Ai lên Hát lót Chiềng Lề, khi đi thì dễ khi về thì không". Không thể chém giết cùng một lúc hàng loạt những người dân Việt Nam yêu nước, nên Thực dân Pháp đã thực hiện âm mưu hết sức thâm độc là lợi dụng khí hậu khắc nghiệt, kết hợp với chế độ ăn uống kham khổ, chế độ lao tù hà khắc, lao động khổ sai cực nhọc… để giết dần, giết mòn cả thể xác lẫn tinh thần của người tù chính trị. Tàn nhẫn hơn, chúng dùng chế độ vật chất để mua chuộc biến những người lạc hậu thành hàng rào bao vây nhà tù, ngăn cách những người tù chính trị với đông đảo quần chúng nhân dân và lợi dụng sự khác nhau về phong tục tập quán, về ngôn ngữ để ngăn cản tuyên truyền cách mạng của những người tù chính trị.
Trong điều kiện sống lao động, bệnh tật và âm mưu của kẻ thù như vậy. Những người tù chính trị Sơn La phải thực sự đối đầu với những thử thách lớn. Nếu không có nghị lực ý chí và sáng tạo thì rất dễ bị sa ngã, đầu hàng kẻ địch. Qua các nguồn tài liệu còn lưu giữ được cho đến ngày nay, qua lời kể của các nhân chứng và hướng dẫn viên, các thành viên đoàn đã biết những người tù Cộng sản ngay từ lúc đặt chân tới Nhà tù Sơn La đã ý thức được những khó khăn, nguy hiểm và sớm tìm được cho mình những phương thức hoạt động thích hợp để sống, để tiếp xúc với dân, gây dựng cơ sở cách mạng, để đấu tranh trực tiếp với kẻ thù, rèn luyện và chuẩn bị chu đáo hành trang cần thiết khi có điều kiện trở về với Đảng với tổ chức. Có lẽ chưa có một nhà tù nào trong hệ thống nhà tù của Thực Dân Pháp lập ra nước ta lại có một mô hình tổ chức chặt chẽ, có hiệu quả của những người Đảng cộng sản như ở Nhà tù Sơn La, và cũng chính ở nơi “địa ngục trần gian” này lại trở thành một trường học cách mạng, đào tạo và tôi luyện cho cách mạng, cho Đảng nhiều cán bộ lãnh đạo xuất sắc như vậy: đồng chí Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Lương Bằng, Lê Thanh Nghị, Đặng Việt Châu, Văn Tiến Dũng, Nguyễn Văn Trân… Rất nhiều đồng chí giữ các cương vị trọng trách trong các cơ quan Đảng và Nhà nước ta đều thử thách, rèn luyện và trưởng thành từ Nhà ngục Sơn La.
Chính tại nơi đây, những người cộng sản, tù chính trị đã thành lập những chi bộ Đảng, học tập lý luận và hoạt động cách mạng một cách bí mật. Từ năm 1930 - 1939 đã có nhiều đoàn tù bị Thực Dân Pháp đày lên Nhà tù Sơn La, nhưng chưa thành lập được tổ chức Đảng bởi vì chưa có kinh nghiệm lãnh đạo, chưa gây được cảm tình với binh lính, gây dựng một cơ sở cách mạng bên ngoài. Vì vậy đến năm 1939 đã có nhiều đoàn tù bị đày lên Sơn La trong đó có các đồng chí nhiều kinh nghiệm hoạt động cách mạng có các đồng chí đã bị bắt và bị giam cầm ở các nhà tù khác như Côn Đảo, Hỏa Lò. Xuất phát từ những yêu cầu cấp bách lúc này trong nhà tù Sơn La phải có một chi bộ Đảng làm hạt nhân lãnh đạo và tổ chức đấu tranh. Cuối tháng 12 - 1939, các đồng chí Đảng viên trong nhà tù bí mật họp và lập ra chi bộ lâm thời gồm 10 đồng chí, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được cử làm Bí thư. Tháng 2 năm 1940, chi bộ lâm thời được chuyển thành chính thức, đồng chí Trần Huy Liệu được bầu làm Bí thư. Tháng 5 - 1940 đại hội chi bộ được tổ chức thảo luận, nội dung các chủ trương công tác và bầu ra Ban chi ủy, đồng chí Tô Hiệu được bầu làm Bí thư, chi bộ đề ra những chủ trương đường lối hoạt động, cụ thể:
1. Lãnh đạo mọi hoạt động trong tù đề ra phương hướng đấu tranh.
2. Giáo dục Đảng viên nâng cao lập trường quan điểm, ý chí chiến đấu, nhân sinh quan cộng sản, đạo đức phẩm chất cách mạng.
3. Rèn luyện và đào tạo cán bộ
4. Xây dựng cơ sở cách mạng bên ngoài nhà tù
5. Bắt liên lạc với tổ chức đảng bên ngoài nhà tù.
Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, đại hội đại biểu tù nhân được tổ chức. Các tù nhân thảo luận sôi nổi, thông qua quy chế chung về tổ chức nhà tù. Đại hội quyết định thành lập ủy ban nhà tù (Còn gọi là ủy ban hàng trại) đặt dưới sự lãnh đạo của chi bộ nhà tù. Đó là cơ quan cao nhất điều hành hoạt động của tù nhân giữa hai kỳ đại hội, có nhiệm vụ quyền hạn để tổ chức và thực hiện các nghị quyết của đại hội, chỉ đạo các ban cơ sở, đồng thời làm chức năng đối ngoại. Các ban cơ sở gồm có:
Ban trật tự trong, ban trật tự ngoài, Ban kinh tế, Ban cứu tế, Ban tuyên truyền, Ban huấn luyện, Phòng y tế, Ban khánh tiết, Ban Văn hóa, Ban dân vận. Riêng ban binh vận hoạt động bí mật trực thuộc chi ủy. Từ năm 1942 tập thể tù chính ở tù Sơn La đã hoàn thành về cơ cấu tổ chức của mình. Chức năng của mỗi ban hoạt động khác nhau nhưng cùng chung một mục đích đó là: Chống lại chế độ tù đày hà khắc của Thực Dân Pháp đối với tù chính trị, mặt khác anh em tù chính trị tổ chức học tập, cải thiện đời sống vật chất tinh thần, gây cơ sở cách mạng từ binh lính, công chức trong và ngoài nhà tù, bắt liên lạc với Trung ương Đảng.
Đến với Di tích Nhà tù Sơn La trong thời gian rất ngắn để thắp một nén nhang tỏ long thành kính, nhưng hình ảnh lưu lại mãi trong các thành viên đoàn về sự anh dũng, kiên trung, bất khuất của người chiến sĩ cách mạng, dù phải chịu đựng sự đàn áp, hành hạ, dù hy sinh gian khó, các chiến sĩ cách mạng vẫn kiên định lập trường cách mạng dưới sự dìu dắt của Đảng Cộng sản Việt Nam, góp phần đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Chuyến hành trình về nguồn đầy ý nghĩa sâu sắc nhằm tưởng nhớ và tri ân đến các anh hùng, liệt sỹ - những người đã hy sinh để bảo vệ cho nền độc lập của dân tộc, là câu chuyện sống động và sâu sắc về tình yêu Tổ quốc của thế hệ đi trước, góp phần tái hiện lại những trang sử hào hùng của dân tộc trong tâm thức của mỗi con người Việt Nam. Thông qua chuyến công tác về nguồn lần này, mỗi cán bộ, Đảng viên nói chung và Chi bộ Văn phòng Tổng cục nói riêng nhận thức sâu sắc hơn nữa về sự hy sinh, công lao to lớn của các thế hệ cha anh đi trước; ý nghĩa nền hòa bình độc lập dân tộc, ổn định của đất nước; từ đó phát huy vai trò trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tăng cường giáo dục thế hệ trẻ trong ngành về truyền thống đấu tranh anh dũng, tinh thần bất khuất, kiên cường trước sự tàn ác của quân thù; hun đúc lòng yêu quê hương, đất nước; đồng thời, cần tiếp tục thực hiện đầy đủ các chính sách đền ơn đáp nghĩa của Đảng, Nhà nước đối với các đối tượng gia đình chính sách, những người có công với cách mạng.
Nhà tù Sơn La một chứng tích về âm mưu thâm độc và tàn ác dã man của Thực Dân Pháp, đối với những người Cộng sản và những người yêu nước Việt Nam. Nó đã trở thành một trung tâm giam cầm và đày ải, tiêu hao dần lực lượng cách mạng Việt Nam. Trong 15 năm từ 1930 đến 1945, hàng nghìn những người yêu nước Việt Nam đã bị giam cầm tại nơi đây. Nhưng vượt lên trên gôm cùm và tội ác của Thực Dân Pháp, những cộng sản Việt Nam ở đây đã biến Nhà tù Đế Quốc thành trường học cách mạng, biến những bức tường đá lạnh lẽo của Nhà tù Đế Quốc thành những viên gạch hồng ấm tình đồng chí của những bạn tù, biến bóng đêm đen tối của nhà tù Đế Quốc thành những tia sáng cách mạng tỏa ra khắp vùng núi rừng Tây Bắc. Chính vì vậy Nhà tù Sơn La đã trở thành chiếc nôi của cách mạng Việt Nam, đã đào tạo, bồi dưỡng một đội ngũ các chiến sỹ trung kiên cho Đảng, cho dân tộc, đội ngũ những người Cộng sản kiên cường lãnh đạo nhân dân ta giành độc lập cho dân tộc.
Thắp một nén nhang thành kính trong niềm cảm xúc, kính trọng và khâm phục vô bờ, mỗi thành viên trong đoàn đều tích lũy cho mình những trải nghiệm riêng về những năm tháng đấu tranh hào hùng của Dân tộc và thầm hứa sẽ cống hiến hết sức mình cho Tổ quốc, thông qua nhiệm vụ công tác và nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao, rèn luyện và cống hiến hết mình để xứng đáng với những chiến sĩ đã ngã xuống hy sinh cho Tổ Quốc để chúng ta có nền hòa bình, độc lập ngày hôm nay.
Văn phòng Tổng cục Thi hành án dân sự