Triển khai công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ Hệ thống Thi hành án dân sự năm 2019

11/04/2019
Ngày 10/4/2019, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBPN) Hệ thống Thi hành án dân sự đã tổ chức cuộc họp triển khai công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ năm 2019. Tham dự cuộc họp có đồng chí Nguyễn Văn Sơn - Phó Tổng Cục trưởng, Trưởng Ban; các đồng chí thành viên Ban và Tổ thư ký giúp việc.

Điểm lại kết quả công tác năm 2018, Ban VSTBPN Hệ thống THADS đã được kiện toàn theo Quyết định số 524/QĐ-TCTHADS ngày 19/4/2018, do có sự thay đổi về việc phân công Lãnh đạo Tổng cục phụ trách công tác VSTBPN ngành và một số thành viên Ban đã được điều động sang đơn vị khác. Theo đó, đồng chí Nguyễn Văn Sơn - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục  THADS là Trưởng ban. Quyết định kiện toàn cũng đã quy định cụ thể và toàn diện hơn chức năng, nhiệm vụ của Ban VSTBPN Hệ thống THADS, đảm bảo thống nhất với chức năng, nhiệm vụ của Ban VSTBPN Ngành Tư pháp. Ban đã tham mưu Tổng cục ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch hoạt động bình đẳng giới của Hệ thống THADS năm 2018 (theo Quyết định số 536/QĐ-TCTHADS ngày 24/4/2018), và đã ban hành Chương trình công tác số 1456/TCTHADS-VSTBPN ngày 24/4/2018 của Ban nhằm triển khai các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch vừa nêu. Đối với Ban VSTBPN tại địa phương, một số Cục THADS cũng đã ban hành quyết định kiện toàn Ban VSTPBN như Bắc Kạn, Đà Nẵng, Gia Lai, Hà Giang, Lâm Đồng, Lai Châu, Ninh Bình, Thừa Thiên Huế. Trên cơ sở Kế hoạch hoạt động bình đẳng giới của Hệ thống THADS năm 2018, các Cục THADS địa phương cũng đã ban hành Kế hoạch hoạt động bình đẳng giới năm 2018.
Ban VSTBPN của Hệ thống và các Cục THADS cơ bản đã thực hiện được 4/4 mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch; tham gia đầy đủ, tích cực các hoạt động của Ban VSTBPN ngành Tư pháp tổ chức. Ban VSTBPN Hệ thống THADS đã tham dự các hội thảo, hội nghị, tập huấn về công tác bình đẳng giới, VSTBPN do Ban VSTBPN Ngành Tư pháp tổ chức và có tham luận trình bày tại các hội nghị; có văn bản triển khai việc thực hiện Chương trình phối hợp số 60/CTPH-BTP-HLHPNVN giữa Bộ Tư pháp và Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam năm 2018 đến Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục và các Cục THADS địa phương; tổ chức các hoạt động nhân các lễ kỷ niệm, phối hợp với BCH Công đoàn quan tâm, chăm lo đời sống cho công chức nữ. Một số địa phương đã có nhiều sáng kiến tổ chức hoạt động như phổ biến, tuyên truyền về bình đẳng giới (Cục THADS tỉnh Đăk Lăk); tham gia tích cực các hoạt động của địa phương (cử công chức nữ tham dự lớp tập huấn kỹ năng giao tiếp, xây dựng kế hoạch làm việc cá nhân cho nữ công chức được quy hoạch Trưởng, Phó phòng trở lên; tổ chức và tham gia các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng, uống nước nhớ nguồn - như Cục THADS tỉnh Bình Dương); tổ chức các hoạt động nâng cao kỹ năng chăm sóc gia đình cho công chức nữ; phối hợp với BCH Công đoàn cùng đơn vị trong việc tổ chức hoạt động cho công chức nữ trong ngày kỷ niệm 8/3, 20/10 thông qua các hình thức hoạt động sôi nổi như tổ chức tọa đàm, nói chuyện, đi tham quan, thực tế. Nổi bật là Cục THADS tỉnh Bình Phước chủ trì tổ chức Tọa đàm VSTBPN và kỷ niệm 88 năm ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2018) cho các Cục THADS tỉnh, thành phố Miền Đông, Miền Tây Nam bộ, kết hợp với hội nghị thi đua của khu vực.
Đối với công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ THADS, Tổng cục THADS đã hướng dẫn, chỉ đạo cơ quan THADS địa phương thi hành kịp thời, đúng pháp luật các bản án, quyết định liên quan tới phụ nữ và trẻ em, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em. Trong năm công tác 2018, đối với các vụ việc liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái (phân chia tài sản của vợ, chồng sau ly hôn; thi hành nghĩa vụ cấp dưỡng...),  các cơ quan THADS địa phương đã thi hành xong gần 279 nghìn việc/ gần 295 nghìn việc có điều kiện, đạt tỉ lệ 94,61% (tương đương với tỉ lệ thi hành xong năm 2016: 94,13%; 2017: 93,23%) và trên 985 tỷ đồng/ trên 1.520 tỷ đồng có điều kiện, đạt tỉ lệ 64,82% (tương đương với tỉ lệ thi hành xong năm 2016: 61,82%; năm 2017: 65,76%).
Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng công tác bình đẳng giới và VSTBPN trong Hệ thống năm 2018 vẫn còn không ít hạn chế, khó khăn. Số lượng hoạt động còn ít; chưa có nhiều nội dung chuyên sâu liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Hệ thống. Công tác kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực này còn chưa sâu sát, kịp thời. Việc lồng ghép về bình đẳng giới trong các hoạt động chuyên môn ở một số đơn vị chưa đạt hiệu quả cao, còn gặp khó khăn nhất định, điển hình như việc thi hành án giao con khó tổ chức thi hành; việc thi hành án cấp dưỡng kéo dài nhiều năm; án mua bán phụ nữ tại các tỉnh biên giới ngày càng phức tạp v.v... Một số chỉ tiêu về tăng cường sự tham gia của công chức nữ trong các vị trí quản lý, lãnh đạo tại địa phương còn gặp khó khăn, vì chưa có nguồn công chức nữ đủ điều kiện để giới thiệu bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo. Một số Cục THADS chưa thực sự quan tâm bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ của công tác bình đẳng giới và VSTBPN.
Ghi nhận những kết quả đạt được, đồng thời thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, khó khăn còn gặp phải, đồng chí Nguyễn Văn Sơn - Phó Tổng Cục trưởng, Trưởng Ban và các thành viên Ban đã tập trung trao đổi, thảo luận, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của Ban trong năm 2019. Với tinh thần đó, đồng chí Trưởng Ban yêu cầu Ban và Tổ thư ký giúp việc tích cực tham mưu thực hiện tốt các hoạt động từ khâu triển khai công tác, tổ chức thực hiện đến kiểm tra, đánh giá. Trên cơ sở Kế hoạch hành động về bình đẳng giới của Hệ thống THADS năm 2019, Ban VSTBPN Hệ thống cần có văn bản triển khai, chỉ đạo, quán triệt đến các cơ quan trực thuộc Tổng cục, các Cục Thi hành án dân sự. Trong năm 2019, cần tập trung thực hiện một số hoạt động chuyên sâu về lĩnh vực này, như tọa đàm về công tác lồng ghép vấn đề giới trong công tác chuyên môn, đề xuất và phối hợp tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế khi được phê duyệt, kiểm tra chuyên đề tại một số cơ quan THADS địa phương, lồng ghép nội dung kiểm tra đối với các đoàn kiểm tra. Các hoạt động cần có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của Đoàn Thanh niên, Công đoàn, Ban Nữ công của Tổng cục; đồng thời, sẽ tiếp tục đề nghị sự hỗ trợ, giúp đỡ, tham dự của Ban VSTBPN Ngành Tư pháp.
Để triển khai các nhiệm vụ trên, trên cơ sở đề xuất của Tổ thư ký giúp việc, Ban VSTBPN Hệ thống THADS cũng cơ bản nhất trí về việc sẽ kiện toàn các thành viên Tổ thư ký. Theo đó, sẽ tăng số lượng thành viên, ưu tiên các đơn vị nghiệp vụ, tổ chức cán bộ để tham mưu, giúp việc, triển khai hiệu quả hơn các hoạt động của Ban.
Nguyễn Thị Ngân
Tổ Thư ký giúp việc Ban VSTBPN Hệ thống THADS