Nhận diện vụ việc phức tạp trong Thi hành án dân sự và một số kinh nghiệm tổ chức thi hành

26/05/2022


Thực tế hiện nay, chưa có quy định cụ thể nào về xác định vụ việc thi hành án dân sự (THADS) phức tạp. Trên thực tế, tính phức tạp của một vụ việc thi hành án chủ yếu được đánh giá dựa trên yếu tố chủ quan. Một số ý kiến cho rằng có thể dựa vào giá trị tranh chấp của yêu cầu thi hành, việc thi hành liên quan đến nhiều cơ quan, nhiều cấp nhiều ngành khác nhau và tính phức tạp của vụ án được thể hiện trong quá trình xét xử ở giai đoạn trước để đánh giá mức độ phức tạp cho giai đoạn thi hành án. Tuy nhiên, những tiêu chí như thế cũng chỉ mang tính tương đối, vì giá trị tranh chấp, sự phức tạp của các mối quan hệ cũng như tính phức tạp của vụ án trong giai đoạn xét xử không phải là yếu tố quyết định đến mức độ phức tạp trong giai đoạn thi hành án. Có rất nhiều vụ việc giá trị tranh chấp rất nhỏ có thể là vài triệu đồng và đã được Tòa án giải quyết bằng một quyết định công nhận thỏa thuận của các đương sự, nhưng để thi hành được thì lại rất khó khăn. Do vậy, khi đánh giá ở các tiêu chí mang tính định lượng, bề ngoài, thì có lẽ đây là những vụ việc đơn giản, dễ thi hành nhưng khi tiến hành giải quyết thì có thể sẽ gặp phải những vấn đề khó khăn, phức tạp không thể lường trước được, thậm chí có những vụ việc không thể thi hành được trên thực tế. Ngược lại, có những vụ việc với giá trị tài sản rất lớn, đồng thời mối quan hệ giữa các đương sự cũng rất phức tạp, nhưng khi thi hành lại diễn ra một cách thuận lợi nhanh chóng.
1.Một số vấn đề chung về vụ việc thi hành án phức tạp
Ngày 29/8/2016, Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS ban hành Quyết định số 907/QĐ-TCTHADS quy định rõ 09 tiêu chí để xác định việc THADS trọng điểm. Theo đó, các tiêu chí nêu tại Quyết định này cũng có thể được xem như là một trong những tiêu chí xác định việc THADS khó khăn, phức tạp, nhằm tạo thuận lợi cho quá trình rà soát, phân loại, tổng hợp, báo cáo, theo dõi và chỉ đạo giải quyết. Theo quy định này, việc THADS được xác định là trọng điểm khi đáp ứng một trong các tiêu chí sau:
1. Khi tổ chức thi hành án phát sinh vấn đề phức tạp liên quan đến chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước.
2. Các vụ việc thi hành án dân sự mà Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Lãnh đạo địa phương đã có văn bản chỉ đạo giải quyết.
3. Việc thi hành án dân sự có quan điểm khác nhau giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có tình huống pháp lý mà pháp luật chưa quy định, quy định chưa cụ thể hoặc pháp luật có mâu thuẫn, xung đột, đã tổ chức họp liên ngành nhưng chưa thống nhất được quan điểm giải quyết; việc thi hành án dân sự chưa nhận được sự đồng thuận của cấp ủy, chính quyền địa phương về việc xét xử, thi hành án.
4. Khi tổ chức cưỡng chế có sự chống đối quyết liệt của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương và việc cưỡng chế đã được tạm dừng.
5. Có vi phạm các quy định của pháp luật trong quá trình tổ chức thi hành án, đã phát sinh hoặc có thể phát sinh hậu quả phức tạp, khó khắc phục.
6. Cần giải quyết các quyền lợi của tập thể người lao động trong trường hợp tổ chức cưỡng chế đối với người phải thi hành án là các doanh nghiệp, có ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
7. Bản án, Quyết định của Tòa án hoặc Trọng tài thương mại, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh tuyên không rõ, khó thi hành, cơ quan Thi hành án dân sự hoặc đương sự đã có yêu cầu giải thích nhưng cơ quan có thẩm quyền chậm trả lời theo quy định tại khoản 2 Điều 179 Luật Thi hành án dân sự hoặc đã có văn bản trả lời nhưng chưa rõ.
8. Việc thi hành các bản án liên quan đến tội phạm về tham nhũng thuộc diện án trọng điểm mà Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng hoặc Thành ủy, Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo.
9. Các việc thi hành án dân sự khác mà Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự xét thấy cần đưa vào danh sách việc thi hành án dân sự trọng điểm.
Từ quy định trên và qua thực tiễn tổ chức thi hành án, có thể nhận định vụ việc THADS phức tạp là vụ việc thường có các yếu tố sau:
- Vụ việc thi hành án liên quan đến nhiều cấp, nhiều địa phương, nhiều cơ quan hoặc có yếu tố nước ngoài dẫn đến việc tổ chức thi hành mất nhiều thời gian, công sức cũng như phụ thuộc vào sự phối hợp, hỗ trợ và tuân thủ của nhiều cơ quan, tổ chức.
- Vụ việc thi hành Bản án, Quyết định mà trong quá trình xét xử, các cấp xét xử có quan điểm khác nhau, thậm chí trái ngược nhau trong việc đánh giá một chứng cứ, một vấn đề, từ đó dẫn đến án phải sửa, hủy nhiều lần. Vì vậy, trong quá trình tổ chức thi hành án, nhiều cơ quan, tổ chức hữu quan và nhân dân tại địa phương không đồng thuận, phát sinh nhiều khiếu nại, kiến nghị.
- Vụ việc thi hành án mà Bản án, Quyết định có sai sót; có vi phạm thủ tục tố tụng hoặc không có tính khả thi nhưng không được khắc phục kịp thời nên việc tổ chức thi hành án không thể thực hiện được.
- Vụ việc thi hành án mà vụ việc có đương sự là đối tượng chính sách (dân tộc, tôn giáo, người có công…) dẫn đến quá trình tổ chức thi hành án có khả năng phát sinh những tình huống nhạy cảm ảnh hưởng đến an ninh trật tự và an toàn xã hội tại địa phương.
- Vụ việc thi hành án mà trong quá trình tổ chức thi hành án có biểu hiện tiêu cực hoặc thiếu trách nhiệm. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thiếu khách quan, toàn diện; có biểu hiện bao che, xử lý vi phạm chưa nghiêm dẫn đến khiếu nại bức xúc, kéo dài.
- Vụ việc thi hành án phát sinh tình huống mà pháp luật chưa có quy định cụ thể hoặc quy định không rõ ràng, có sự chồng chéo, mâu thuẫn.
Xét về mức độ phức tạp, có thể chia những vụ việc phức tạp trong THADS thành những nhóm/loại cơ bản như sau:

Những vụ việc do bản án, quyết định của Tòa án tuyên không rõ, có sai sót dẫn đến khó khăn, phức tạp trong tổ chức thi hành án. Hiện nay, số lượng bản án, quyết định mà Tòa án tuyên không rõ, có sai sót được chuyển qua giai đoạn thi hành án không phải là ít, có những trường hợp bản án, quyết định của Tòa án tuyên không rõ ràng, thiếu khả thi nên không thi hành được trên thực tế, dẫn đến khiếu nại, tố cáo gay gắt, kéo dài. Tuy nhiên, không phải tất cả các bản án, quyết định này đều thuộc diện phức tạp khó thi hành, mà chỉ có những bản án, quyết định nội dung tuyên không rõ, có sai sót nhưng Tòa án không thể giải thích được hoặc có giải thích nhưng nội dung giải thích chung chung, không cụ thể thì mới khó thi hành.

Những vụ việc khó khăn, phức tạp do vướng mắc về mặt thể chế. Đó là những vấn đề khó khăn, phức tạp có nguyên nhân xuất phát từ các quy định thiếu chặt chẽ, chồng chéo của pháp luật, các quy định giữa Luật THADS với một số Bộ luật và luật khác như Bộ luật tố tụng dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở… còn có một số quy định không thống nhất, đặc biệt là trong vấn đề xử lý tài sản; xác định thời điểm chuyển giao quyền sở hữu, sử dụng... dẫn đến các khó khăn, vướng mắc trong việc kê biên đối với quyền sử dụng đất là tài sản bảo đảm đã được bản án, quyết định tuyên xử lý để thi hành án; trong vấn đề kê biên tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung của vợ chồng, của hộ gia đình; trong việc xử lý tài sản trên đất thuê trả tiền hàng năm; trong trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; trong việc kê biên quyền sử dụng đất đã chuyển nhượng cho người thứ ba sau khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; trong việc thực hiện biện pháp cưỡng chế mở khóa, mở gói để kiểm tra hiện trạng, thẩm định giá, bán đấu giá hoặc giao bảo quản tài sản là quyền sử dụng đất vv... đây là một trong những vấn đề khó giải quyết nhất, phức tạp nhất trong thực tiễn THADS.
Những vụ việc phức tạp phát sinh từ những nguyên nhân khách quan khác. Đây là những vụ việc mà nội dung bản án, quyết định không có sai sót, các quy định pháp luật có liên quan cũng đã rõ ràng cụ thể nhưng lại rất phức tạp, khó thi hành mà nguyên nhân lại phát sinh từ những vấn đề thực tế. Ví dụ, trong một bản án về tranh chấp đất, Tòa án tuyên buộc ông A phải trả lại cho ông B diện tích đất giáp ranh gữa hai nhà có chiều dài 20m chiều ngang 0,3m. Khi Chấp hành viên tiến hành khảo sát trên thực địa thì thấy phần đất chiều ngang 0,3m có 10cm nằm trong phần tường căn nhà 4 tầng của ông A. Trong trường hợp này qua nghiên cứu bản án cho thấy các căn cứ để Tòa án tuyên nội dung như trên là đúng pháp luật. Hơn nữa, việc tổ chức thi hành án cũng không gặp vướng mắc về mặt pháp lý. Tuy nhiên, để thi hành đúng nội dung bản án trên là rất khó khăn, vì 10cm nằm ở phần tường nhà của ông A phải xử lý như thế nào? Nếu cắt 10cm tường này ra thì căn nhà 4 tầng của ông A có thể sẽ bị sụp đổ, khi đó thiệt hại xảy ra ai sẽ phải chịu trách nhiệm?.
Những vụ việc phức tạp có nguyên nhân từ vi phạm của cơ quan THADS trong quá trình tổ chức thi hành án. Đây là những vi phạm do lỗi khách quan, chủ quan của Chấp hành viên, của cơ quan THADS trong quá trình tổ chức thi hành án như: Chậm ban hành quyết định thi hành án; không thực hiện việc ủy thác sau khi có căn cứ xác định vụ việc không thuộc thẩm quyền của mình; Chấp hành viên chậm tổ chức cưỡng chế, kê biên khi đương sự có điều kiện thi hành; Chấp hành viên xác minh không đầy đủ, cụ thể điều kiện thi hành án, không hoặc chậm tống đạt các quyết định, văn bản cho đương sự vv… Đây là nguyên nhân, đôi khi cũng là cái cớ để đương sự khiếu nại, tố cáo nhằm kéo dài vụ việc thi hành án, khiến cho vụ việc THADS trở nên phức tạp, kéo dài.
Những vụ việc phức tạp có nguyên nhân hỗn hợp từ các loại trên. Có thể nói đây là loại việc phức tạp nhất trong số các loại việc phức tạp, vì vấn đề của nó xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó, để giải quyết được những vụ việc này thì ngoài kỹ năng, nghiệp vụ của Chấp hành viên cần đến sự phối hợp, thống nhất của nhiều cơ quan, ban ngành trong cả hệ thống chính trị.
Như vậy, khi đã xác định một vụ việc là khó khăn, phức tạp thì điều đầu tiên cần phải thực hiện đó là phải tìm cho được đầu mối, tức là tìm ra bản chất, mấu chốt của vấn đề. Chỉ có khi nào tìm ra được tận gốc rễ của vấn đề, thì lúc đó mới có được biện pháp tốt nhất để giải quyết vất đề.
2.Một số kinh nghiệm trong giải quyết các việc thi hành án phức tạp
Để giải quyết vụ việc phức tạp trước hết Chấp hành viên phải xác định được tính chất phức tạp của vụ việc thuộc loại nào, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm và đề xuất biện pháp giải quyết. Ví dụ, khi cho rằng vụ việc phức tạp vì nội dung bản án, quyết định của Tòa án đã tuyên không rõ ràng. Vậy thì, cần xác định không rõ ràng ở điểm nào; đồng thời cần xem xét hồ sơ một cách cẩn thận, toàn diện để đánh giá khả năng giải thích bản án của Tòa án có thể làm rõ hơn điểm không rõ ràng đó hay không. Hay như trường hợp khó thi hành do pháp luật không quy định hoặc quy định chồng chéo thì Chấp hành viên cần phải xác định được những vấn đề cụ thể mà pháp luật không quy định hay quy định chồng chéo. Có như vậy thì mới tìm ra các biện pháp để giải quyết một cách cụ thể.
Thứ hai, về mặt lãnh đạo, Thủ trưởng cơ quan THADS phải là người sớm nhận diện ra vụ việc phức tạp, khó khăn để bố trí phân công phù hợp với năng lực của Chấp hành viên. Người được phân công giải quyết phải có tinh thần trách nhiệm và thái độ nghiêm túc trong công việc, lập kế hoạch và theo dõi việc thực hiện tiến độ. Ngoài bản lĩnh giải quyết công việc đòi hỏi Chấp hành viên hoặc người giải quyết hồ sơ phải nắm vững chuyên môn nghiệp vụ và nhạy bén trong xử lý tình huống, biết vận dụng các phương pháp phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể để mang lại hiệu quả tốt nhất.
Khi được giao giải quyết vụ việc, Chấp hành viên cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình tổ chức thi hành án, những bước đi phù hợp, thường xuyên báo cáo và trao đổi với lãnh đạo cơ quan, các Chấp hành viên khác để kiểm tra cách giải quyết có phù hợp không - điều đó có thể tháo gỡ những vấn đề vướng mắc kịp thời, tránh trường hợp càng giải quyết càng làm cho sự việc phức tạp hơn. Đặc biệt, khi giải quyết đối với loại hồ sơ này luôn cần sự kiên nhẫn và quyết tâm của Chấp hành viên cũng như sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của người có thẩm quyền.
Từ thực tiễn tổ chức thi hành án, tác giả tổng kết một  số kinh nghiệm giải quyết đối với vụ việc phức tạp, cụ thể như sau:
 Một là, nghiên cứu hồ sơ, tìm ra điểm vướng mắc dẫn đến giải quyết vụ việc gặp khó khăn (điểm nghẽn), kéo dài hoặc rơi vào bế tắc. Trường hợp vụ việc kéo dài do xung đột pháp luật, pháp luật chưa quy định hoặc pháp luật không còn phù hợp thì đề xuất các giải pháp khác phù hợp để tháo gỡ điểm nghẽn.
Hai là, kĩ năng phối hợp với các cơ quan hữu quan. THADS là công việc khó khăn và phức tạp. Bởi vì, hoạt động này liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích về tài sản và nhân thân của các bên đương sự. Để giải quyết việc thi hành án, cơ quan THADS, Chấp hành viên phải tiến hành nhiều thủ tục như: tống đạt, xác minh, áp dụng các biện pháp đảm bảo, biện pháp cưỡng chế thi hành án... Do đó, việc phối hợp tốt với các cơ quan hữu quan là một trong những yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả của công tác THADS.
Đối với cơ quan THADS, cần tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức Đảng và chính quyền nơi có tài sản hoặc cá nhân, tổ chức liên quan đến việc thi hành án, đặc biệt coi trọng và phát huy vai trò, vị trí của Ban chỉ đạo thi hành án vì đây là cơ quan có thể điều hòa tốt nhất mối quan hệ giữa cơ quan thi hành án và các cơ quan hữu quan trong quá trình giải quyết những việc thi hành án phức tạp nhằm huy động sức mạnh của hệ thống chính trị ở địa phương cũng như tạo sự đồng thuận của xã hội để thống nhất phương thức tổ chức thi hành vụ việc đạt hiệu quả cao nhất. Kỹ năng phối hợp với các cơ quan hữu quan trong THADS xét cho cùng là kỹ năng giao tiếp, xây dựng các mối quan hệ và vận dụng nó vào giải quyết công việc của các cá nhân. Do đó, để có được kỹ năng phối hợp tốt với các cơ quan hữu quan thì kỹ năng giao tiếp của cán bộ, công chức cơ quan THADS phải được đặt lên hàng đầu (đó là kĩ năng trong tổ chức họp, trao đổi trực tiếp, báo cáo bằng văn bản, cách thức cung cấp hồ sơ, tài liệu, thông báo kết luận, kết quả giải quyết…), kĩ năng này đòi hỏi cán bộ, công chức cơ quan THADS phải biết học hỏi, tiếp thu, đúc rút kinh nghiệm thực tiễn, biết vận dụng năng lực, trình độ chuyên môn  kết hợp đạo đức công vụ để làm tốt vai trò giao tiếp, đặt vấn đề.
Thực tế cho thấy, cơ quan THADS nào thực hiện tốt việc tham mưu, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và phát huy vai trò của Ban chỉ đạo thi hành án thì ở đó công tác THADS có nhiều thuận lợi và đạt hiệu quả cao.
Ba là, kỹ năng vận động thuyết phục
Trong quá trình tổ chức thi hành án, có thể nói kỹ năng vận động, thuyết phục là “chìa khóa vàng” để giải quyết nhanh chóng và hiệu quả tất cả các vụ việc từ đơn giản đến phức tạp. Đặc biệt, đối với những vụ việc phức tạp (nói riêng) nếu Chấp hành viên sử dụng tốt kỹ năng vận động, thuyết phục thì vẫn có thể giải quyết được công việc một cách hiệu quả. Ví dụ, trong trường hợp bản án tuyên không rõ, khó thi hành, hay trường hợp chưa có quy phạm pháp luật điều chỉnh, nếu Chấp hành viên có kỹ năng tốt thì vẫn có thể vận động, thuyết phục các bên đương sự thực hiện theo một thỏa thuận khác với nội dung của bản án nhưng không trái pháp luật. Như vậy, việc thi hành án vẫn được giải quyết nhanh chóng, hiệu quả mà không phải chờ giải thích, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền hay chờ sửa đổi các quy định pháp luật. Để có được kỹ năng vận động, thuyết phục và vận dụng thuần thục trong công tác không phải là vấn đề đơn giản mà Chấp hành viên phải không ngừng nỗ lực học hỏi, đúc kết, rút kinh nghiệm qua thực tế, là sự tổng hợp kiến thức pháp luật, kiến thức xã hội một cách sâu rộng, đồng thời biết vận dụng yếu tố thực tiễn (tìm hiểu rõ nhân thân, quan hệ gia đình của đương sự; tìm hiểu các mối quan hệ bên ngoài xã hội của người phải thi hành án và các vấn đề khác có liên quan; giải thích pháp luật về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của các bên đương sự; phối hợp tốt với chính quyền cơ sở, tranh thủ sự phối hợp, ủng hộ, giúp đỡ của các chủ thể khác có ảnh hưởng đến đương sự; người có khả năng thuyết phục được đương sự như: người thân trong gia đình, họ hàng; người có uy tín tại nơi làm việc, nơi cư trú; người có chức sắc trong tôn giáo …) thì mới làm tốt kĩ năng này. Bốn là, trường hợp đã sử dụng các kĩ năng trên mà không hiệu quả, phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thì Chấp hành viên trước hết phải xác minh đầy đủ, cụ thể điều kiện thi hành án của người phải thi hành án trước khi tiến hành cưỡng chế (Chấp hành viên cần lưu ý tùy vào biện pháp cưỡng chế để tiến hành xác minh những vấn đề cần thiết, có thể là xác minh về về nhân thân, về gia đình và các mối quan hệ xã hội của đối tượng phải thi hành án; xác minh về thái độ, quan điểm của chính quyền, các tổ chức ở địa phương và của dư luận nhân dân đối với vụ án và đối với người phải thi hành án; xác minh về điều kiện địa hình và giao thông nơi phải tổ chức cưỡng chế...) để có kế hoạch chi tiết cho việc bố trí lực lượng, xử lý các tình huống khẩn cấp trong quá trình tiến hành cưỡng chế. Tiếp theo, xây dựng kế hoạch cưỡng chế chặt chẽ đúng quy định và thống nhất với các ngành liên quan; thông báo đầy đủ, rõ ràng, công khai về cưỡng chế thi hành án; áp dụng đúng biện pháp cưỡng chế thi hành án phù hợp với từng trường hợp cụ thể.
Việc lựa chọn biện pháp cưỡng chế rất quan trọng và cần được xem xét, cân nhắc kỹ để đảm bảo đúng pháp luật, hiệu quả, tránh gây ảnh hưởng xấu và khiếu kiện của đương sự... Trong trường hợp cần thiết, các biện pháp cưỡng chế có thể được thay đổi để phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế.
Năm là, trong trường hợp phát sinh các tranh chấp, khiếu nại về việc thi hành án, cần thực hiện tốt các biện pháp vận động, thương lượng, thỏa thuận để giải quyết việc thi hành án, đồng thời phải nghiên cứu kỹ quy định của pháp luật, chuẩn bị tài liệu, hồ sơ đầy đủ, chặt chẽ và tham mưu người có thẩm quyền giải quyết dứt điểm việc khiếu nại, tố cáo.
Tóm lại, để giải quyết những vụ việc phức tạp, Chấp hành viên hoặc người được giao giải quyết hồ sơ phải nghiên cứu xem xét kỹ hồ sơ thi hành án, tìm những vấn đề hồ sơ mắc phải chưa giải quyết được, nhận ra vấn đề vướng mắc là vấn đề gì, có thuộc trường hợp khó giải quyết không; vấn đề đó có phải là nguyên nhân chính làm cho hồ sơ phức tạp chưa giải quyết được không; xem xét những vấn đề đã nảy sinh làm vụ việc phức tạp, nhận diện vấn đề vướng mắc thuộc dạng nào trong các loại án phức tạp và dự báo những vấn đề sẽ tiếp tục phát sinh nếu chậm giải quyết hoặc khi tiếp tục tiến hành xử lý. Sau khi đã xác định và phân loại được vấn đề cần giải quyết, bước tiếp theo là lựa chọn kỹ năng giải quyết phù hợp cho mỗi loại việc.