Các nguyên tắc và quy định mang tính nhân đạo của pháp luật thi hành án dân sự

16/09/2022
Pháp luật THADS là một bộ phận cấu thành trong hệ thống pháp luật Việt Nam, vì vậy các nguyên tắc và quy định pháp luật THADS cũng được áp dụng cùng những nguyên tắc đặc thù của pháp luật nói chung, gồm những quan điểm chỉ đạo, quán triệt trong toàn bộ tổ chức và hoạt động. Đồng thời, mục đích của hoạt động THADS là nhằm thực thi công lý, khôi phục lại tình trạng ban đầu các quyền và lợi ích đã bị xâm hại, bảo đảm công bằng, công lý, do vậy, các nguyên tắc và quy định của pháp luật THADS còn mang tính nhân đạo, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do cơ bản của con người.


1. Nguyên tắc tôn trọng và bảo đảm quyền tự do cơ bản của con người
Các quyền tự do cơ bản của con người là những giá trị xã hội cao quý, có ý nghĩa lớn lao về nhiều mặt đối với từng cá nhân và cả xã hội. Hiến pháp năm 2013 ghi nhận: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật” (Điều 14). Còn đối với Luật THADS, nguyên tắc tôn trọng và bảo đảm các quyền và tự do cơ bản của công dân thể hiện ở việc coi danh dự, nhân phẩm, các quyền và tự do của con người, đồng thời đòi hỏi tất cả các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, các cá nhân mà trước hết là cơ quan thi hành án, những người làm công tác thi hành án có trách nhiệm tôn trọng con người, bảo vệ các quyền và tự do của họ.
Luật THADS thể hiện nguyên tắc này ở chỗ có những quy định chặt chẽ, chi tiết về thủ tục thi hành án nhằm bảo đảm sự tuân thủ nguyên tắc tôn trọng và bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân, bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, an toàn và bí mật về thư tín, điện thoại, điện tín của công dân; quyền được sử dụng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình. Điều 5 Luật THADS quy định "Trong quá trình thi hành án, quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ". Khoản 1 Điều 8 quy định "Đương sự có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình nhưng phải có người phiên dịch. Đương sự là người dân tộc thiểu số mà không biết tiếng Việt thì cơ quan thi hành án dân sự phải bố trí phiên dịch". Khi tổ chức thi hành án, các cơ quan thi hành án, Chấp hành viên phải đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt trình tự, thủ tục thi hành án, chỉ được áp dụng các biện pháp cưỡng chế khi hội đủ các căn cứ và chỉ trong giới hạn được pháp luật THADS quy định. Phải có cơ chế kiểm tra, giám sát nhằm huỷ bỏ kịp thời các biện pháp này khi không cần thiết hoặc phát hiện có vi phạm.
Nguyên tắc tôn trọng và bảo đảm các quyền tự do cơ bản của con người cũng đòi hỏi cơ quan thi hành án, Chấp hành viên tôn trọng sự tự nguyện thi hành án, sự thỏa thuận của các bên đương sự trong quá trình thi hành án nếu những thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và đạo đức xã hội. Khoản 1 Điều 6 Luật THADS quy định "Đương sự có quyền thỏa thuận về việc thi hành án, nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Kết quả thi hành án theo thỏa thuận được công nhận", hoặc quy định Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định đình chỉ thi hành án trong trường hợp "Đương sự có thỏa thuận bằng văn bản hoặc người được thi hành án có văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự đình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ quyền, lợi ích được hưởng theo bản án, quyết định..." (điểm c khoản 1 Điều 50).
2. Nguyên tắc nhân đạo
Nhân đạo là một trong những truyền thống quý báu từ ngàn xưa của dân tộc ta, nguyên tắc nhân đạo trong Luật THADS là khôi phục lại tình trạng ban đầu các quyền và lợi ích đã bị xâm hại, bảo đảm công bằng, công lý, đồng thời bảo vệ có hiệu quả các lợi ích khác nhau, tôn trọng nhân phẩm và danh dự của cá nhân trong quá trình thi hàn án.
Nguyên tắc nhân đạo thể hiện trong các quy định về trình tự, thủ tục thi hành án. Khoản 1 Điều 45 Luật THADS quy định người phải thi hành án có quyền tự nguyện thi hành án "Thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án"; chỉ áp dụng biện pháp cưỡng chế khi đương sự có điều kiện mà không tự nguyện thi hành án  "Hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 45, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế" (khoản 1 Điều 46); không tổ chức cưỡng chế vào các ngày lễ, ngày nghỉ theo quy định của pháp luật lao động và trong khoảng thời gian từ 22h00’ đến 06ho00’ sáng ngày hôm sau theo quy định tại khoản 2 Điều 46 "Không tổ chức cưỡng chế thi hành án trong thời gian từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật và các trường hợp đặc biệt khác do Chính phủ quy định". Khi phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thì phải tuân thủ những điều kiện rất chặt chẽ như chỉ cho phép kê biên tài sản tương ứng với nghĩa vụ thi hành án và thanh toán chi phí cần thiết về thi hành án: "Việc áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế thi hành án phải tương ứng với nghĩa vụ của người phải thi hành án và các chi phí cần thiết (khoản 1 Điều 13 Nghị định 62/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ)). Khi kê biên tài sản không được kê biên các loại tài sản là những thứ cần thiết tối thiểu cho cuộc sống hàng ngày của người phải thi hành án và gia đình họ. Khoản 2, khoản 3 Điều 87 Luật THADS quy định tài sản không được kê biên gồm:
a) Số lương thực đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người phải thi hành án và gia đình trong thời gian chưa có thu nhập, thu hoạch mới;
b) Số thuốc cần dùng để phòng, chữa bệnh của người phải thi hành án và gia đình;
c) Vật dụng cần thiết của người tàn tật, vật dụng dùng để chăm sóc người ốm;
d) Đồ dùng thờ cúng thông thường theo tập quán ở địa phương;
đ) Công cụ lao động cần thiết, có giá trị không lớn được dùng làm phương tiện sinh sống chủ yếu hoặc duy nhất của người phải thi hành án và gia đình;
e) Đồ dùng sinh hoạt cần thiết cho người phải thi hành án và gia đình.
3. Tài sản sau đây của người phải thi hành án là doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ:
a) Số thuốc phục vụ việc phòng, chữa bệnh cho người lao động; lương thực, thực phẩm, dụng cụ và tài sản khác phục vụ bữa ăn cho người lao động;
b) Nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế và thiết bị, phương tiện, tài sản khác thuộc các cơ sở này, nếu không phải là tài sản để kinh doanh;
c) Trang thiết bị, phương tiện, công cụ bảo đảm an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ, phòng, chống ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, nguyên tắc nhân đạo còn thể hiện trong các quy định khác như: Việc thi hành án được hoãn khi "Người phải thi hành án bị ốm nặng, có xác nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên; bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quyết định của Tòa án" (điểm a khoản 1 Điều 48 Luật THADS). Quy định về miễn giảm án phí, tiền phạt khi người phải thi hành án "Không có tài sản hoặc có tài sản nhưng tài sản đó theo quy định của pháp luật không được xử lý để thi hành án hoặc không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án và người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng" (điểm a khoản 1 Điều 61)...
3. Nguyên tắc kết hợp tôn trọng quyền tự định đoạt của đương sự với việc bảo vệ lợi ích của Nhà nước
Theo quy định của Luật THADS, ngoại trừ những khoản thi hành án chủ động, đối với khoản thi hành án theo đơn yêu cầu thì bản án, quyết định của Tòa án chỉ được đưa ra thi hành khi có đơn yêu cầu của người được hoặc người phải thi hành án. Khoản 1 Điều 36 quy định: "Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án khi có yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Luật THADS". Đây là điểm khác biệt căn bản giữa thi hành án hình sự và THADS, thể hiện quyền tự định đoạt của đương sự. Khi bản án hình sự có hiệu lực, việc thi hành án được cơ quan chức năng thực hiện theo quy định của pháp luật, không phụ thuộc vào ý chí của đương sự. Còn đối với các vụ án dân sự nói chung, sau khi các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, các bên vẫn có quyền tiếp tục thể hiện ý chí của mình về việc thi hành các phán quyết của Tòa án. Trong quá trình thi hành án, người được thi hành án có quyền "Thỏa thuận với người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về thời gian, địa điểm, phương thức, nội dung thi hành án" (điểm c khoản 1 Điều 7), và ngược lại, điểm a khoản 1 Điều 7a cũng quy định như vậy đối với người được thi hành án, nếu thỏa thuận không trái với pháp luật, đạo đức xã hội và không làm cản trở hoạt động thi hành án.
Bên cạnh đó, xuất phát từ yêu cầu bảo vệ lợi ích của Nhà nước, Luật THADS quy định quyền chủ động ra quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án trong những trường hợp sau (khoản 2 Điều 36):
a) Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí Tòa án;
b) Trả lại tiền, tài sản cho đương sự;
c) Tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu hủy vật chứng, tài sản; các khoản thu khác cho Nhà nước;
d) Thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước;
đ) Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
e) Quyết định của Tòa án giải quyết phá sản.
Việc kết hợp chặt chẽ việc tôn trọng quyền tự định đoạt của đương sự và sự chủ động thi hành của cơ quan thi hành án tạo nên cơ chế đặc thù của pháp luật THADS, bảo đảm quyền tự lựa chọn cách giải quyết cũng như sự tự nguyện thỏa thuận giữa các bên đương sự. Đồng thời khẳng định trách nhiệm của Nhà nước ta trong việc bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của công dân và tổ chức trong hoạt động THADS.