Một số đề xuất nâng cao hiệu quả công tác thi hành án tín dụng ngân hàng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang

15/08/2022
Thi hành án dân sự nói chung, thi hành án về tín dụng ngân hàng nói riêng là hệ quả phát sinh từ hoạt động xét xử của Tòa án, do cơ quan thi hành án tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật. Hoạt động thi hành án dân sự bao gồm các nguyên tắc, trình tự, thủ tục và biện pháp, cách thức khác nhau nhằm thực hiện các bản án, quyết định dân sự của toà án đã góp phần trực tiếp, tích cực vào việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân; thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh thông qua hoạt động thu hồi nợ, làm giảm nợ xấu và mở rộng tín dụng; bảo đảm an sinh xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động…


Tại tỉnh Bắc Giang, trong những năm qua, số lượng việc thi hành án liên quan đến các tổ chức tín dụng ngân hàng chiếm số lượng rất ít trong tổng số lượng việc phải thi hành (chiếm xấp xỉ 3%) nhưng tiền phải thi hành lại chiếm tỷ lệ rất lớn (trên 50 %) trong tổng số tiền phải thi hành án dân sự. Nhận thức rõ được vai trò của thi hành án tín dụng ngân hàng, Cục THADS tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các Chi cục THADS trực thuộc, nhất là những đơn vị có số việc án tín dụng ngân hàng lớn phối hợp với các tổ chức tín dụng ngân hàng trực tiếp thảo luận, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, yêu cầu các đơn vị tập trung rà soát, phân loại, làm rõ nguyên nhân và có biện pháp đôn đốc, xử lý dứt điểm các vụ việc tín dụng ngân hàng có điều kiện thi hành. Tuy nhiên, kết quả thi hành án liên quan đến tín dụng ngân hàng còn thấp, chưa đạt yêu cầu đề ra: Năm 2019 thi hành đạt tỷ lệ 58% về việc và 52,38% về tiền; Năm 2020 thi hành đạt tỷ lệ 56,1% về việc và 33,21% về tiền; Năm 2021 thi hành đạt tỷ lệ 48,2% về việc và 28,06% về tiền.
Kết quả trên cho thấy việc thi hành án tín dụng ngân hàng tại tỉnh Bắc Giang còn rất nhiều tồn tại và khó khăn vướng mắc như: vẫn còn tình trạng vi phạm về trình tự, thủ tục trong việc tổ chức thi hành án tín dụng ngân hàng; người phải thi hành án thiếu hợp tác, trốn tránh, gây khó khăn cho việc xử lý tài sản đã thế chấp; nhiều tài sản là động sản được thế chấp, nhưng đến khi xử lý thì khấu hao tài sản không còn nhiều giá trị sử dụng để bảo đảm thu khoản nợ cho ngân hàng... tài sản đảm bảo đã được kê biên và bán đấu giá nhưng vẫn không bán được sau nhiều lần giảm giá hoặc bán được nhưng với mức giá thấp hơn nhiều so với giá trị khoản nợ, đặc biệt là những tài sản là dây chuyền sản xuất, máy móc đã cũ; việc xử lý, bán đấu giá phần vốn góp chưa có quy định cũng như hướng dẫn cụ thể …
Hiệu quả thi hành án tín dụng ngân hàng chưa cao là do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau, trong đó tập trung vào một số nguyên nhân chủ yếu như: Một số nơi, thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chưa sát sao kiểm tra, chỉ đạo, phân công lãnh đạo trực tiếp phụ trách những vụ việc có giá trị lớn, có vướng mắc liên quan đến án tín dụng ngân hàng; một số cơ quan thi hành án dân sự chưa kịp thời thông tin hai chiều, chưa tích cực phối hợp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình các tổ chức tín dụng thực hiện quyền yêu cầu thi hành án; trình độ, chuyên môn nghiệp vụ của một bộ phận chấp hành viên chưa đáp ứng yêu cầu; nhận thức và áp dụng pháp luật chưa chính xác, dẫn đến khiếu nại, tố cáo của đương sự, việc thi hành án bị kéo dài; Pháp luật về thi hành án TDNH và các văn bản có liên quan còn nhiều bất cập, Thiếu cơ chế thi hành đối với tài sản di động. Tài sản hay di động bao gồm phương tiện giao thông, tàu thuyền khó xác định, kê biên, cưỡng chế đối với loại tài sản này gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, việc thẩm định, nhận thế chấp tài sản chưa chặt chẽ; đối với án liên quan đến ngân hàng thì đại diện ngân hàng tham gia việc yêu cầu thi hành án chưa tích cực, chủ động phối hợp trong quá trình tổ chức thi hành án. Trong quá trình tiến hành thẩm định, cho vay, một số trường hợp ngân hàng không thực hiện đúng quy trình, quy định; không xác định hiện trạng tài sản, không thẩm định kỹ nguồn gốc, giá trị tài sản hoặc một tài sản được thế chấp cho nhiều nơi. Bên cạnh đó, một số bản án, quyết định của Tòa án chưa rõ ràng dẫn đến việc thi hành án gặp nhiều khó khăn.
Để tiếp tục triển khai, thực thi đảm bảo hiệu lực, hiệu quả các quy định pháp luật về thi hành án tín dụng ngân hàng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, khắc phục những khó khăn, bất cập trong thực tế đòi hỏi cần có giải pháp tổng thể, cụ thể, trước mắt và lâu dài, trong đó cần tập trung các giải pháp sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về THADS. Qua đó không chỉ đương sự hiểu, nhận thức đúng về trách nhiệm, nghĩa vụ THA và tự nguyện THA, giảm thiểu sự chống đối mà còn tạo sự ủng hộ của cộng đồng đối với công tác THA. Tổ chức tập huấn pháp luật về THADS cho các doanh nghiệp (các tổ chức Ngân hàng, Bảo hiểm, các Hiệp hội doanh nghiệp, Câu lạc bộ doanh nghiệp...) với mục đích giúp doanh nghiệp hiểu và nắm rõ các thủ tục cần thiết trong hoạt động THADS.
Thứ hai, tăng cường các biện pháp xử lý vụ việc đối với các khoản nợ xấu của Ngân hàng thương mại có giá trị lớn, phức tạp, kéo dài.
Thứ ba, nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ Chấp hành viên, công chức các cơ quan THADS. Cục THADS cần thường xuyên rà soát, đánh giá chất lượng đội ngũ Chấp hành viên, cán bộ, công chức, đặc biệt là đội ngũ Chấp hành viên, Thẩm tra viên để từ đó có sự đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo về chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị để từ đó có sự điều động, phân công hợp lý trong việc thực thi nhiệm vụ THADS nói chung, thi hành các bản án, quyết định liên quan đến các tổ chức Ngân hàng thương mại nói riêng.
Thứ tư, Cục thi hành án dân sự tỉnh Bắc Giang, Viện kiểm sát nhân dân các cấp và các cơ quan chức năng cần tăng cường, thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động cho các cơ quan thi hành án dân sự nói chung và đội ngũ Chấp hành viên thi hành án dân sự nói riêng. Thực tế đã cho thấy, ở đơn vị nào, lãnh đạo đơn vị tích cực, chủ động thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ cho các Chấp hành viên đồng thời phối hợp tốt với các cơ quan chức năng trong hoạt động này, thì có rất ít các sai sót, vi phạm của Chấp hành viên; còn ngược lại thì rất nhiều các sai sót, vi phạm xảy ra.
Thứ năm, tăng cường vai trò, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo THADS tỉnh và Ban chỉ đạo THADS các huyện, thành phố. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo THADS, các cấp uỷ Đảng thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra hoạt động của các Ban chỉ đạo THADS; kịp thời tháo gỡ hoặc đề xuất với Tỉnh Ủy, UBND tỉnh những vướng mắc về cơ chế chính sách mà bản thân Ban chỉ đạo THADS không giải quyết được.
Thứ sáu, tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan quản lý THADS, cơ quan THADS với cơ quan, tổ chức liên quan. Tầm quan trọng của công tác phối hợp trong THADS thời gian qua đã được thể hiện qua các quy chế phối hợp liên ngành giữa Cục thi hành án dân sự tỉnh và các ngành, cơ quan, tổ chức liên quan như: Phối hợp chặt chẽ với cơ quan Tòa án, Công an, Viện kiểm sát trong các hoạt động: giải thích bản án; chuyển giao vật chứng; xét miễn giảm thi hành án; bảo vệ cưỡng chế..., phối hợp giữa cơ quan THADS, cơ quan đăng ký kinh doanh, Hải quan, Thuế làm cho công tác hậu kiểm đối với doanh nghiệp, các bên sẽ thông tin cho nhau về tình trạng của doanh nghiệp khi có yêu cầu.
Nguyễn Thị Hiên
Cục THADS tỉnh Bắc Giang