Ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06). Đây là Đề án có ý nghĩa hết sức quan trọng để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ công tác dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. Đặc biệt, thực hiện hiệu quả Đề án 06 sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho đất nước, góp phần tiết kiệm, chống lãng phí, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.
|
Thời gian vừa qua, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin của toàn hệ thống THADS nói chung, của Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) nói riêng đã không ngừng được củng cố và phát triển. Việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số đã và đang ngày càng trở nên sâu rộng, phục vụ có hiệu quả trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của toàn hệ thống THADS và của Tổng cục THADS. Việc áp dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý hành chính nhà nước sẽ góp phần đơn giản hoá TTHC, giảm thiểu các quy trình công việc đang được tiến hành theo phương pháp thủ công hiện nay bằng việc xây dựng và đưa vào sử dụng các phần mềm tin học được xử lý qua mạng máy tính. Bám sát mục tiêu đề ra, Tổng cục THADS đã và đang tích cực triển khai và đạt được một số kết quả bước đầu.
Tổng cục THADS thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu của đơn vị chủ trì, từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật thuộc lĩnh vực THADS để phù hợp với việc thực hiện Đề án 06; phối hợp với Vụ Tổng hợp – Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), Cục Kiểm soát thủ tục hành chính – Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện các nhiệm vụ triển khai dịch vụ tư pháp công trực tuyến thu, nộp tạm ứng án phí, lệ phí trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; chủ động rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp để kịp thời công bố sau khi Thông tư sửa đổi Thông tư số 01/2016/TT-BTP được ban hành; thành lập Tổ triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ và chuyển đổi số quốc gia trong hệ thống Thi hành án dân sự; dự kiến ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nhiệm vụ Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Tổng cục Thi hành án dân sự;…
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Đề án 06 vẫn còn có những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc như: Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong hoạt động THADS còn rời rạc, nhỏ lẻ, chưa đầy đủ, thiếu tính đồng bộ, chưa có hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung; Thủ trưởng một số đơn vị chưa thực sự quyết liệt trong việc chỉ đạo triển khai, thiếu kiểm tra, giám sát, đôn đốc; tại Tổng cục THADS chưa được bố trí công chức có trình độ chuyên môn về CNTT và chuyển đổi số (kĩ sư, chuyên gia về CNTT…) để làm đầu mối hướng dẫn, chỉ đạo về nghiên cứu UDCNTT và chuyển đổi số; một số nhiệm vụ tiến độ thực hiện còn chậm, tỷ lệ hoàn thành chưa cao; nguồn lực phục vụ triển khai Đề án 06 còn thiếu, nhất là về nguồn nhân lực, kinh phí và các loại máy móc, trang thiết bị; công tác tuyên truyền hạn chế, chủ yếu vẫn mang nặng hình thức.
Nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả việc triển khai Đề án, Chương trình chuyển đổi số của Bộ, ngành Tư pháp, cũng như hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin Hệ thống THADS trong thời gian tới, Tổng cục Thi hành án dân sự đã có văn bản về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, Tổng cục đã yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị, Cục trưởng Cục THADS các tỉnh, thành phố:
-Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến công chức, viên chức, người lao động đơn vị về mục tiêu, yêu cầu, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc triển khai Đề án 06, Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; xác định việc thực hiện Đề án 06 là nhiệm vụ trọng tâm và thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của đề án cũng chính là giải pháp đột phá trong công tác chuyển đổi số của Bộ, ngành Tư pháp, góp phần cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phát huy hơn nữa vai trò và chịu trách nhiệm đối với tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ thực hiện liên quan được giao theo Đề án 06, Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong phạm vi địa bàn, lĩnh vực phụ trách. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; chấn chỉnh, xử lý kịp thời đối với tổ chức, cá nhân để xảy ra chậm trễ, sai phạm trong triển khai thực hiện.
- Rà soát, thực hiện đúng lộ trình, tiến độ các nhiệm vụ liên quan được giao tại Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các chương trình, kế hoạch của Bộ Tư pháp về triển khai Đề án 06, Kế hoạch liên quan đến hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của Bộ Tư pháp và của Tổng cục THADS: Kế hoạch hành động thực hiện Đề án 06 ban hành kèm theo Quyết định số 149/QĐ-BTP ngày 28/01/2022; Kế hoạch Chuyển đổi số Ngành Tư pháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 983/QĐ-BTP ngày 10/6/2021; Kế hoạch Chuyển đổi số của Bộ, ngành Tư pháp năm 2023 ban hành kèm theo Quyết định số 2648/QĐ-BTP ngày 30/12/2022; Kế hoạch hành động nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại Bộ Tư pháp năm 2023 ban hành kèm theo Quyết định số 774/QĐ-BTP ngày 23/5/2023 của Bộ Tư pháp; Kế hoạch cải cách hành chính năm 2023 của Hệ thống THADS ban hành kèm theo Quyết định số 186/QĐ-BTP ngày 09/3/2023, Thông báo số 142/TBKL-TCTHADS ngày 14/4/2023 của Tổng cục THADS.... Đồng thời, thực hiện tốt các chỉ đạo về bố trí nguồn nhân lực, kinh phí và các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện chất lượng, đảm bảo tiến độ các nhiệm vụ.
- Thực hiện rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc, bất cập về thể chế, chính sách và từ hoạt động thực tiễn, từ đó đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phương thức hoạt động theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ triển khai Đề án 06; đề xuất các giải pháp về nhân lực, cơ sở vật chất, tổ chức công việc hợp lý, khoa học để đảm bảo phục vụ, cung cấp dịch vụ công trực tuyến hiệu quả, đáp ứng kịp thời yêu cầu của người dân, doanh nghiệp, không để xảy ra việc chậm trễ trong thực hiện và giải quyết thủ tục hành chính.
Rà soát, cải tiến quy trình tiếp nhận, hướng dẫn hỗ trợ người dân, doanh nghiệp về các thủ tục hành chính tại đơn vị theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, là mục tiêu, động lực trong triển khai nhiệm vụ. Tập trung đẩy mạnh việc số hóa hồ sơ thi hành án, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, từng bước chuẩn hóa để kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước và giải quyết các thủ tục hành chính; thực hiện có hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến, triển khai xác thực chữ ký số, xử lý văn bản trên trục liên thông theo đúng quy định.
- Vận động 100% công chức, viên chức, người lao động tại đơn vị đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2 và cài đặt ứng dụng VneID, lựa chọn sử dụng dịch vụ công trực tuyến khi thực hiện thủ tục hành chính. Tuyên truyền, phổ biến cho công chức, viên chức, người lao động tại đơn vị về sử dụng dịch vụ công trực tuyến và tuyên truyền, hướng dẫn người thân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, hạn chế nộp hồ sơ trực tiếp.
Ngoài ra, Tổng cục THADS sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thuộc Tổng cục trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của đơn vị phối hợp tham mưu giúp Lãnh đạo Tổng cục trong việc thực hiện các nhiệm vụ triển khai Đề án 06; báo cáo và đề xuất Lãnh đạo Bộ quan tâm, chỉ đạo phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan để đảm bảo sự đồng bộ trong triển khai thực hiện và tiến độ được giao.
Phạm Ngọc Anh - Vụ NV3