MỘT SỐ KHÓ KHĂN VƯỚNG MẮC TRONG HOẠT ĐỘNG THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

12/09/2023


Trong những năm gần đây điều kiện kinh tế, xã hội phát triển tích cực, nhiều ngành nghề được mở ra, các loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng liên tục gia tăng. Nhu cầu về vốn của các hộ gia đình, doanh nghiệp cũng tăng theo. Giao dịch của người dân với các tổ chức tín dụng, ngân hàng ngày càng nhiều và đa dạng, đã đem lại lợi ích to lớn cho nền kinh tế nói chung, đối với người dân và các tổ chức tín dụng, ngân hàng nói riêng. Tuy nhiên thực tế cũng phát sinh nhiều hệ lụy đối với xã hội, nhiều tổ chức ngân hàng vì chạy theo doanh thu, lợi nhuận bất chấp các quy định của pháp luật, không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong quá trình thẩm định hồ sơ cho vay, khi bên vay vốn không có khả năng thanh toán, phát sinh tranh chấp giữa bên cho vay và bên vay, đương sự khởi kiện ra Tòa án giải quyết. Đến giai đoạn tổ chức thi hành án dân sự, việc xử lý tài sản thế chấp rất phức tạp, kéo dài thời gian thi hành án, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự. Không chỉ có vậy, trong một số trường hợp quy định của pháp luật về thi hành án dân sự còn chưa đầy đủ, cụ thể vì thế ở các địa phương có những cách hiểu khác nhau, việc áp dụng pháp luật không thống nhất. Dưới đây là một số khó khăn, vướng mắc trong hoạt động thi hành án dân sự:
I. Thi hành án liên quan đến quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất
1. Phần lớn các hợp đồng thế chấp giữa bên vay và bên cho vay là tổ chức tín dụng, ngân hàng, đều chỉ căn cứ vào các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cơ quan có thẩm quyền cấp. không tiến hành kiểm tra, thẩm định, đối chiếu với diện tích thực tế, do vậy khi phát sinh tranh chấp ở giai đoạn thi hành án, Cơ quan thi hành án dân sự, tổ chức thi hành án tiến hành đo đạc, xác định gianh giới thửa đất, nhiều trường hợp diện tích thực tế khác với diện tích được xác định trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khác với hợp đồng thế chấp giữa bên vay và bên cho vay. Có trường hợp diện tích sử dụng thực tế lớn hơn có trường hợp nhỏ hơn diện tích ghi trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có trường hợp tài sản thế chấp là công trình kiến trúc trên thực tế không đúng với hợp đồng thế chấp.
2. Trường hợp tài sản thế chấp là đất sử dụng lâu dài và đất trồng cây hàng năm khác, gắn liền với công trình kiến trúc: Công trình kiến trúc xây dựng không đúng theo Giấy cấp phép xây dựng, hoặc ở các vùng nông thôn các trường hợp xây dựng trước đây không cần xin cấp phép xây dựng, do vậy nhiều trường hợp công trình xây dựng chồng lấn trên phần đất đất là đất trồng cây hàng năm khác, hoặc không xây dựng trên phần đất được cấp sử dụng lâu dài (đất thổ cư). Tuy nhiên hợp đồng thế chấp khi vay vốn vẫn xác định tài sản thế chấp nằm trên đất được cấp phép xây dựng, hoặc đúng trên phần đất được xác định là đất sử dụng lâu dài.
3. Trường hợp do trước đây cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không có phương tiện máy móc chính xác để xác định gianh giới, vị trí mốc giới giữa các hộ gia đình, nên nhiều trường hợp các hộ gia đình xây dựng các công trình kiên cố trên phần đất có sự chồng lấn lẫn nhau, nhưng trên thực tế các bên vẫn sinh sống ổn định, không tranh chấp. Khi phát sinh tranh chấp giữa bên vay và bên cho vay, Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án, tiến hành kê biên, thẩm định giá, xác định diện tích, gianh giới thửa đất phát hiện tài sản thế chấp không đúng so với sơ đồ, trích lục thửa đất  
Từ những sai xót, vi phạm trong quá trình cấp đất, cấp phép xây dựng và hợp đồng thế chấp tài sản để vay vốn, khi phát sinh tranh chấp, đương sự khởi kiện ra Tòa, Tòa án cũng chỉ căn cứ vào chứng cứ do các bên đương sự cung cấp, để xem xét, phán quyết, không xem xét thực tế hiện trạng tài sản thế chấp, do vậy đến giai đoạn thi hành án dân sự, Cơ quan thi hành án gặp muôn vàn khó khăn khi kê biên, xử lý tài sản. Phần lớn những việc như vậy đều thuộc diện án có điều kiện thi hành, nhưng lại rất khó tổ chức thi hành dứt điểm, kéo dài thời gian tổ chức thi hành án, không đảm bảo tiến độ, dẫn tới đương sự phản ánh, kiến nghị, khiếu nại đến nhiều cơ quan ban ngành; ảnh hưởng đến chỉ tiêu được giao đối với Chấp hành viên, Cơ quan thi hành án dân sự.
II. Thi hành án liên quan đến việc xử lý ½ giá trị tài sản tịch thu sung ngân sách nhà nước và trả lại ½ giá trị tài sản cho người có quyền lợi liên quan
Trong một số vụ việc vật chứng vụ án là phương tiện phạm tội. Tòa án tuyên tịch thu sung ngân sách nhà nước ½ giá trị tài sản, đồng thời trả lại ½ giá trị tài sản cho người là đồng sở hữu của tài sản đó. Hiện nay nhiều cơ quan thi hành án dân sự địa phương có những cách xử lý khác nhau và còn tồn tại những bất cập, cần cơ quan quản lý có thẩm quyền hướng dẫn để đảm bảo việc thực hiện được thống nhất, đúng quy định pháp luật.
1. Đối với tài sản Tòa án tuyên tịch thu sung ngân sách nhà nước toàn bộ tài sản là phương tiện phạm tội thì cơ quan thi hành án dân sự chỉ cần bàn giao sang cơ quan tài chính cùng cấp, việc xử lý tài sản đó được coi là xong. Tuy nhiên đối với tài sản Tòa án tuyên tịch thu sung ngân sách ½ giá trị, trả lại cho đồng sở hữu, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự ½ giá trị, có những cơ quan thi hành án dân sự cũng thực hiện bàn giao sang cơ quan tài chính để xử lý. Việc xử lý tài sản này có thể kéo dài cả năm không xử lý xong, tài sản trả cho các đồng sở hữu không thực hiện được, dẫn tới nhiều việc thi hành án tồn đọng kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ, chỉ tiêu được giao của Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự.
2. Cũng là trường hợp xử lý tài sản sung ngân sách nhà nước ½ giá trị, trả lại ½ giá trị tài sản cho người có quyền lợi liên quan là đồng sở hữu tài sản, lại có cách xử lý khác. Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự thực hiện ký hợp đồng với tổ chức thẩm định giá tài sản, sau đó thông báo quyền ưu tiên cho đồng sở hữu được mua tài sản đó, nếu đồng sở hữu không có nhu cầu mua tài sản chung, Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự thực hiện ký hợp đồng đối với tổ chức bán đấu giá để xử lý tài sản. Việc xử lý như vậy cơ quan thi hành án sẽ chủ động hơn, đẩy nhanh được tiến độ tổ chức thi hành án, xong cũng còn tồn tại một số bất cập:
- Theo Quy định tại Khoản 3, Điều 4 Thông tư số 200/2016/BTC ngày 09/11/2016, quy định việc lập quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự, kinh phí cưỡng chế thi hành án dân sự: Chi phí cho việc định giá, định giá lại, thẩm định giá... do người phải thi hành án chịu. Trên thực tế một số tài sản có giá trị không lớn, các khoản chi phí thẩm định giá, bán đấu giá lớn, thậm trí lớn hơn giá bán tài sản. Chấp hành viên, cơ quan Thi hành án dân sự các địa phương còn áp dụng khác nhau: Có trường hợp Chấp hành viên thuyết phục đồng sở hữu được trả lại ½ giá trị tự nguyện trả các khoản chi phí thẩm định giá, bán đấu giá, tuy nhiên không phải trường hợp nào người được nhận lại tài sản sẵn sàng chịu các khoản chi phí đó, họ cho rằng bản thân họ là người sở hữu hợp pháp tài sản đó, họ không có nghĩa vụ phải chịu các chi phí khi cơ quan Thi hành án xử lý tài sản ( vì họ không phải là người phải thi hành án), như vậy nguồn kinh phí để xử lý tài sản lấy từ nguồn nào cũng gây rất nhiều khó khăn cho Chấp hành viên, cơ quan Thi hành án dân sự.
- Đối với trường hợp như trên, có cơ quan Thi hành án dân sự, Chấp hành viên vẫn tiến hành thuê tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá tài sản để xử lý tài sản, sau đó trả lại ½ giá trị cho đồng sở hữu, người có quyền lợi liên quan, các chi phí thẩm định giá, bán đấu giá được lấy từ ½ giá trị tài sản sung ngân sách nhà nước, số tiền còn lại sau khi đã trừ các khoản chi phí được nộp vào ngân sách nhà nước. Nhưng không phải trường hợp nào cũng thuận lợi như vậy, có những tài sản giá trị thấp, sau khi thẩm định giá, bán đấu giá, trả lại ½ giá trị cho người được nhận lại tài sản theo bản án, quyết định thi hành án, số tiền còn lại không đủ để trả các khoản chi phí thẩm định giá, bán đấu giá và đương nhiên cũng không còn khoản tiền để sung ngân sách nhà nước. Nguồn kinh phí để thuê tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá trong những trường hợp này hiện cũng chưa có quy định cụ thể lấy từ nguồn nào, dẫn tới việc tổ chức thi hành án còn nhiều khó khăn, bất cập.
Trên đây là một số khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn của hoạt động thi hành án dân sự, rất mong nhận được hướng dẫn, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để đẩy nhanh tiến độ thi hành án, đảm bảo quyền lợi của nhà nước, tổ chức, cá nhân, hạn chế đơn thư khiếu nại trong lĩnh vực thi hành án dân sự, góp phần ổn định an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu mong đợi của cả xã hội./.
Trần Ngọc Bản Chi cục THADS huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên