Phân biệt bồi thường nhà nước, bảo đảm tài chính và một số vấn đề về áp dụng cơ chế giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước, bảo đảm tài chính trong hoạt động thi hành án dân sự

29/08/2023


1. Khái quát về bồi thường nhà nước và bảo đảm tài chính
Hiện nay, pháp luật quy định khi quyền và lợi ích hợp pháp của công dân bị xâm phạm do hoạt động của người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động thi hành án dân sự sẽ được giải quyết bằng hai cơ chế bồi thường nhà nước và bảo đảm tài chính. Bồi thường nhà nước và bảo đảm tài chính được điều chỉnh và thực hiện theo trình tự, thủ tục khác nhau, tuy nhiên, trong thực tiễn thời gian qua, nhiều cơ quan thi hành án dân sự địa phương vẫn còn có sự nhầm lẫn trong việc áp dụng cơ chế bồi thường nhà nước và bảo đảm tài chính để thi hành án, dẫn đến việc lập sai, lập thiếu hồ sơ gây kéo dài việc giải quyết bồi thường. Vì vậy, bài viết này sẽ tập trung phân tích sự khác nhau khi thực hiện bồi thường nhà nước hoặc bảo đảm tài chính trong hoạt động thi hành án dân sự.
Về bản chất, bồi thường nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự là trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật của công chức cơ quan thi hành án dân sự gây ra trong quá trình tổ chức thi hành án. Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là trách nhiệm pháp lý thay thế, theo đó Nhà nước với tư cách là bên sử dụng lao động, có trách nhiệm bồi thường khi cán bộ, công chức do mình quản lý có hành vi vi phạm pháp luật trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Trong khi đó, bảo đảm tài chính để thi hành án là việc ngân sách nhà nước cấp kinh phí cho cơ quan, tổ chức hoạt động hoàn toàn bằng kinh phí do ngân sách nhà nước cấp phải thi hành án đã áp dụng mọi biện pháp tài chính cần thiết mà vẫn không có khả năng thi hành án thì ngân sách nhà nước bảo đảm nghĩa vụ thi hành án. Cơ chế bảo đảm tài chính từ ngân sách nhà nước để thi hành án xuất phát từ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước, bao gồm cả cơ quan thi hành án dân sự hoạt động bằng nguồn ngân sách Nhà nước. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ mà phát sinh nghĩa vụ phải thi hành án, bản thân các cơ quan đã áp dụng các biện pháp theo quy định pháp luật để thi hành án mà không đủ thì ngân sách nhà nước cấp kinh phí theo trình tự, thủ tục bảo đảm tài chính để thi hành án.
Như vậy, bảo đảm tài chính là trách nhiệm sau cùng khi cơ quan thi hành án dân sự phải thi hành án không còn đủ khả năng thi hành án thì ngân sách nhà nước cấp phần kinh phí còn lại để bảo đảm nghĩa vụ thi hành án. Còn đối với bồi thường nhà nước, đó là trách nhiệm pháp lý thay thế cho cán bộ, công chức do cơ quan thi hành án dân sự quản lý có hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình tổ chức thi hành án gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Vấn đề phân biệt giữa bồi thường nhà nước và bảo đảm tài chính trong THADS đã được quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BTP-BTC ngày 10/6/2016 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính hướng dẫn bảo đảm tài chính từ ngân sách nhà nước để thi hành án, cụ thể, tại khoản 2 Điều 4 quy định: “Trường hợp nghĩa vụ thi hành án của cơ quan, tổ chức phát sinh do người thi hành công vụ gây ra và đã được giải quyết theo trình tự, thủ tục bồi thường nhà nước thì việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật được thực hiện theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của nhà nước”.
Theo quy định trên, pháp luật hiện nay đang phân biệt bồi thường nhà nước và bảo đảm tài chính trong thi hành án dân sự dựa trên tiêu chí về trình tự, thủ tục thực hiện. Có thể cùng một dạng nghĩa vụ thi hành án, nhưng trước đó đã được giải quyết theo trình tự, thủ tục bồi thường nhà nước thì việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án được thực hiện theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của nhà nước.
2. Tiêu chí phân biệt bồi thường nhà nước và bảo đảm tài chính trong hoạt động thi hành án dân sự
Từ những khái quát về bản chất đặc trưng của cơ chế bồi thường nhà nước và bảo đảm tài chính như đã phân tích ở trên, có thể thấy bồi thường nhà nước, bảo đảm tài chính có những tiêu chí khác biệt cơ bản như sau:
Thứ nhất, cơ sở pháp lý xác định trách nhiệm của cơ quan thi hành án dân sự trong công tác bồi thường nhà nước bao gồm: (1) Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, (2) Nghị định số 68/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật TNBTCNN, (3) Thông tư 09/2019/TT-BTP ngày 10/12/2019 quy định biện pháp hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục bồi thường nhà nước, (4) Thông tư 08/2019/TT-BTP ngày 10/12/2019 quy định biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước.
Cơ sở pháp lý để thực hiện bảo đảm tài chính trong hoạt động thi hành án dân sự: hiện nay, nội dung bảo đảm tài chính từ ngân sách nhà nước để thi hành án được quy định tại Điều 65 Luật THADS năm 2014, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự (Điều 39 đến Điều 42) và Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BTP-BTC ngày 10/6/2016 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính hướng dẫn bảo đảm tài chính từ ngân sách nhà nước để thi hành án.
Ngoài ra, vấn đề này còn được điều chỉnh bởi một số các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan như: Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017; Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước; Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 07/10/2013 của Chính phủ quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 130/2005/NĐ-CP; Nghị định số 84/2014/NĐ-CP ngày 08/09/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Cụ thể, tại Điều 65 Luật Thi hành án dân sự đã quy định: “Trường hợp cơ quan, tổ chức hoạt động hoàn toàn bằng kinh phí do ngân sách nhà nước cấp phải thi hành án đã áp dụng mọi biện pháp tài chính cần thiết mà vẫn không có khả năng thi hành án thì ngân sách nhà nước bảo đảm nghĩa vụ thi hành án...”
Khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BTP-BTC ngày 10/6/2016 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính hướng dẫn bảo đảm tài chính từ ngân sách nhà nướcđể thi hành án đã quy định về phạm vi bảo đảm tài chính: “Trường hợp nghĩa vụ thi hành án của cơ quan, tổ chức phát sinh do người thi hành công vụ gây ra và đã được giải quyết theo trình tự, thủ tục bồi thường nhà nước thì việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật được thực hiện theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của nhà nước”.
Căn cứ theo các quy định nêu trên, việc cấp kinh phí bảo đảm tài chính để thi hành án được áp dụng đối với các bản án, quyết định của Tòa án có nội dung giải quyết bồi thường mà trước đó chưa được xem xét, thụ lý giải quyết theo quy trình của Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước.
Đối với những bản án, quyết định có nội dung giải quyết bồi thường của Tòa án thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của nhà nước theo quy định tại Điều 21 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, đã có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự theo Điều 12 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước mà người yêu cầu bồi thường khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường theo quy định tại Điều 52 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì việc cấp kinh phí bồi thường nhà nước được thực hiện theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Thứ hai, về cơ chế cấp kinh phí để thi hành nghĩa vụ bồi thường của cơ quan thi hành án dân sự theo bản án, quyết định của Tòa án.

Theo quy định của Luật Thi hành án dân sự và Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Nhà nước cấp kinh phí thực hiện nghĩa vụ bồi thường theo bản án, quyết định của Tòa án mà bên phải thi hành án là cơ quan nhà nước (trong đó có cơ quan thi hành án dân sự) được thực hiện theo một trong hai cơ chế: cơ chế cấp kinh phí bồi thường nhà nước và cơ chế cấp kinh phí bảo đảm tài chính. Hai cơ chế này khác nhau ở điểm:

- Đối với cơ chế cấp kinh phí bồi thường nhà nước thì Ngân sách nhà nước cấp toàn bộ kinh phí bồi thường theo quyết định giải quyết bồi thường hoặc bản án của Tòa án đã có hiệu lực. Theo đó, trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định giải quyết bồi thường hoặc bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm bồi thường phải gửi hồ sơ đến Bộ Tài chính đề nghị cấp kinh phí, chi trả tiền bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định tại Điều 62 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Người thi hành công vụ có hành vi sai phạm thực hiện trách nhiệm hoàn trả theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
- Đối với cơ chế bảo đảm tài chính thì ngân sách nhà nước chỉ cấp kinh phí bồi thường sau khi người thi hành công vụ và cơ quan quản lý người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật đã chủ động và thực hiện hết khả năng có thể đối với nghĩa vụ bồi thường theo bản án, quyết định của Tòa án (Nhà nước chỉ thực hiện cấp kinh phí bảo đảm tài chính đối với phần không có khả năng thi hành án). Theo đó, cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm bồi thường có đủ điều kiện bản đảm tài chính theo quy định tại Điều 2 Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BTP-BTC, căn cứ theo quy định tại Điều 8, Điều 9 Thông tư này để lập và gửi hồ sơ về Tổng cục Thi hành án dân sự xem xét đề nghị Bộ Tài chính thẩm định cấp kinh phí bảo đảm tài chính để thi hành án. Căn cứ số kinh phí bảo đảm tài chính được ngân sách nhà nước cấp, người thi hành công vụ có hành vi sai phạm tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hoàn trả theo quy định của pháp luật về bảo đảm tài chính.  
Thứ ba, sự khác nhau giữa trình tự, thủ tục thực hiện bồi thường nhà nước và bảo đảm tài chính.
Theo quy định tại Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và Quy trình nội bộ về giải quyết bồi thường nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự (ban hành kèm Quyết định số 1366/QĐ-TCTHADS ngày 13/12/2018 của Tổng cục trưởng Tổng cục thi hành án dân sự) thì trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường bao gồm các bước sau:
+ Thụ lý đơn
- Tiếp nhận yêu cầu bồi thường.
- Kiểm tra, xử lý yêu cầu bồi thường.
- Thông báo thụ lý.
+ Giải quyết bồi thường
- Cử người giải quyết yêu cầu bồi thường.
- Xác minh thiệt hại.
- Thương lượng.
- Quyết định giải quyết bồi thường.
- Chuyển giao Quyết định giải quyết bồi thường.
+ Chi trả tiền bồi thường
- Lập hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường.
- Thông báo về việc chi trả kinh phí bồi thường.
- Chi trả cho người bị thiệt hại.
- Thực hiện trách nhiệm hoàn trả.
Đối với bảo đảm tài chính, trình tự giải quyết bao gồm các bước sau:
+ Thụ lý đơn yêu cầu thi hành án
 - Ra quyết định thi hành án.
 - Thông báo thụ lý.
 + Cơ quan, tổ chức phải thi hành án thuộc diện đối tượng được đảm bảo tài chính để thi hành án có trách nhiệm áp dụng các biện pháp tài chính
 - Yêu cầu người có lỗi thực hiện nghĩa vụ thi hành án.
- Sử dụng khoản kinh phí tiết kiệm được từ nguồn kinh phí tự chủ theo quy định.
+ Chi trả tiền bảo đảm tài chính
- Lập hồ sơ bảo đảm tài chính
- Thanh toán tiền thi hành án cho người được thi hành án.
- Hoàn trả các khoản bảo đảm tài chính để thi hành án vào ngân sách.
Thứ tư, về cơ chế giải quyết vụ việc: bảo đảm tài chính để bảo đảm nghĩa vụ thi hành bản án mà cơ quan thi hành án dân sự là bên phải thi hành án, theo đó, khi nhận được đơn yêu cầu thi hành án, căn cứ theo nội dung bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án phải ra quyết định thi hành án và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành án.
Đối với bồi thường nhà nước có các cơ chế để giải quyết như: giải quyết tại cơ quan thi hành án dân sự quản lý trực tiếp người thi hành công vụ; giải quyết tại Tòa án. Trong giai đoạn áp dụng thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2009, người bị thiệt hại bắt buộc phải yêu cầu giải quyết bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ thì vụ việc mới được xác định giải quyết theo quy trình bồi thường nhà nước. Tuy nhiên, khi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 có hiệu lực pháp luật đã mở rộng cơ chế giải quyết yêu cầu bồi thường tại Tòa án, theo đó: (1) Người bị thiệt hại yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ giải quyết yêu cầu bồi thường (2) cho phép người bị thiệt hại có quyền khởi kiện ngay ra Tòa án khi có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự; (3) kết hợp giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự tại Tòa án đối với yêu cầu bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự. Do đó, chỉ cần có văn bản xác định hành vi sai phạm của người thi hành công vụ, người bị thiệt hại đã có thể khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết bồi thường theo trình tự, thủ tục tố tụng dân sự.
Có thể thấy, cùng một dạng nghĩa vụ thi hành án, nhưng trước đó đã được giải quyết theo trình tự, thủ tục bồi thường nhà nước thì vụ việc được thực hiện theo quy định pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, cụ thể:
 Những trường hợp đã có một trong các loại văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự sau: 1. Bản án, quyết định của Tòa án có thẩm quyền xác định rõ hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ; 2. Quyết định giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự chấp nhận một phần hoặc toàn bộ nội dung khiếu nại của người khiếu nại; 3. Quyết định hủy, thu hồi, sửa đổi, bổ sung quyết định về thi hành án vì quyết định đó được ban hành trái pháp luật; 4. Quyết định xử lý hành vi vi phạm pháp luật của người thi hành công vụ bị tố cáo trên cơ sở kết luận nội dung tố cáo theo quy định của pháp luật về tố cáo; 5. Văn bản của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền trả lời chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự; 6. Quyết định xử lý kỷ luật người thi hành công vụ do có hành vi trái pháp luật; 7. Văn bản khác theo quy định của pháp luật đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 5 Điều 3 của Luật này (Điều 12 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017), thì người bị thiệt hại có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết yêu cầu bổi thường theo thủ tục tố tụng dân sự (khoản 1 Điều 52 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước) hoặc yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự trực tiếp quản lý ngưởi thi hành công vụ gây thiệt hại giải quyết yêu cầu bồi thường (Điều 39 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước). Khi hồ sơ yêu cầu bồi thường đã đầy đủ thành phần theo quy định tại Điều 41 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường sẽ tiến hành các bước: thụ lý, xác minh thiệt hại, thương lượng,...và ban hành quyết định giải quyết bồi thường. Trường hợp, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết bồi thường quy định tại Điều 47 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước mà người yêu cầu bồi thường không đồng ý với quyết định đó hoặc kể từ ngày có biên bản kết quả thương lượng thành quy định tại khoản 7 Điều 46 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước mà cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại không ra quyết định giải quyết bồi thường hoặc kể từ ngày có biên bản kết quả thương lượng không thành quy định tại khoản 7 Điều 46 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, người yêu cầu bồi thường không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết yêu cầu bồi thường trong trường hợp quyết định giải quyết bồi thường quy định tại Điều 47 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã có hiệu lực pháp luật (khoản 4 Điều 52 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước).
Như vậy, theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, ngay khi có văn bản làm căn cứ bồi thường, dù người bị thiệt hại lựa chọn giải quyết bồi thường tại cơ quan có trách nhiệm bồi thường hoặc Tòa án thì các vụ việc trên đều sẽ được thực thi theo cơ chế bồi thường Nhà nước. Do đó, có thể thấy trong thời gian sắp tới, số vụ việc đề nghị bảo đảm tài chính từ ngân sách nhà nước để thi hành án có xu thế giảm so với giai đoạn trước thời điểm Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 có hiệu lực pháp luật (vì các vụ việc này đã chuyển sang giải quyết theo cơ chế bồi thường nhà nước).
3. Một số vấn đề lưu ý khi áp dụng cơ chế giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước, bảo đảm tài chính trong hoạt động thi hành án dân sự
Từ những điểm khác nhau trên giữa cơ chế bồi thường nhà nước và bảo đảm tài chính có thể thấy việc giải quyết vụ việc phát sinh trách nhiệm bồi thường theo trình tự, thủ tục của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 sẽ tạo thuận lợi cho cơ quan thi hành án dân sự là cơ quan quản lý người thi hành công vụ gây ra lỗi, cũng như là cơ quan giải quyết yêu cầu bồi thường và người bị thiệt hại. Ngay sau khi có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự, người bị thiệt hại có thể chọn cơ chế giải quyết bồi thường tại cơ quan thi hành án dân sự hoặc Tòa án. Khi quyết định giải quyết bồi thường hoặc bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật thì trong thời hạn 02 ngày cơ quan thi hành án dân sự trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại phải lập và gửi hồ sơ xin cấp kinh phí đối với toàn bộ số tiền được ghi nhận tại Quyết định giải quyết bồi thường hoặc tuyên trong bản án, quyết định.
Tuy nhiên, nếu người bị thiệt hại khởi kiện yêu cầu bồi thường tại Tòa án trong trường hợp chưa có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, thì sau khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật sẽ được giải quyết theo thủ tục bảo đảm tài chính. Theo đó, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, cơ quan, tổ chức phải thi hành án thuộc diện đối tượng được đảm bảo tài chính để thi hành án có trách nhiệm áp dụng các biện pháp tài chính như:  (1) Yêu cầu người có lỗi thực hiện nghĩa vụ thi hành án; (2) Sử dụng khoản kinh phí tiết kiệm được từ nguồn kinh phí tự chủ theo quy định. Sau khi cơ quan, tổ chức phải thi hành án đã thực hiện 2 bước nêu trên và không có khả năng áp dụng các biện pháp tài chính được theo quy định Điều 2 Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BTP-BTC ngày 10/6/2016 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính thì mới được lập hồ sơ xin cấp kinh phí bảo đảm tài chính. Do đó, có thể thấy quy trình BĐTC mất rất nhiều thời gian, có thể kéo dài hơn so với các vụ việc được giải quyết theo trình tự bồi thường nhà nước.
Đối với vụ việc giải quyết theo cơ chế bồi thường Nhà nước, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 62 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 và Điều 15 Quy trình nội bộ về giải quyết bồi thường nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự (ban hành kèm Quyết định số 1366/QĐ-TCTHADS ngày 13/12/2018 của Tổng cục trưởng Tổng cục THADS) thì trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được bản án của Tòa án, quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật, cơ quan thi hành án dân sự trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại phải gửi hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường đến cơ quan có thẩm quyền, theo đó, cơ quan thi hành án dân sự không ra quyết định thi hành án theo Luật Thi hành án dân sự trong những trường hợp này. Đối với vụ việc giải quyết theo cơ chế bảo đảm tài chính, thì khi nhận được đơn yêu cầu thi hành án căn cứ theo nội dung bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án phải ra quyết định thi hành án và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành án theo Luật Thi hành án dân sự và Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BTP-BTC hướng dẫn bảo đảm tài chính từ ngân sách nhà nước để thi hành án.
          Ngoài ra, trong quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường của người bị thiệt hại tại cơ quan thi hành án dân sự, ngay khi có yêu cầu, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cần cử người có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, nghiên cứu kỹ các quy định về trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường tại cơ quan thi hành án dân sự theo Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017 để tham mưu lãnh đạo cơ quan thi hành án dân sự giải quyết bồi thường đúng pháp luật, chặt chẽ nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân, đồng thời hạn chế thấp nhất mức thiệt hại phải bồi thường nhà nước.
Khi có thông báo thụ lý của Tòa án về việc giải quyết yêu cầu bồi thường của đương sự hoặc giải quyết yêu cầu bồi thường trong vụ án hình sự, hành chính liên quan đến công tác thi hành án dân sự, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải có trách nhiệm chỉ đạo chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung, hồ sơ, tài liệu, chấp hành nghiêm việc tham gia tố tụng giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước theo triệu tập của Tòa án, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan thi hành án dân sự, của Nhà nước.
Vụ Nghiệp vụ 3, Tổng cục THADS