Thi hành án dân sự có yếu tố nước ngoài - đề xuất hoàn thiện quy định của Luật thi hành án dân sự

15/09/2023


1. Khó khăn, vướng mắc
Trong khi việc mở cửa, hội nhập của Việt Nam với các nước khác trên thế giới đang ngày càng được tăng cường dẫn đến loại việc liên quan đến yếu tố nước ngoài phát sinh ngày càng nhiều; tuy nhiên, chưa có quy định đầy đủ về trình tự, thủ tục để tổ chức thi hành. Do pháp luật về thi hành án dân sự chưa có chính sách, quy định riêng về thi hành án có yếu tố nước ngoài nên đã dẫn đến rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án của Chấp hành viên, cụ thể:
- Chưa phân biệt và quy định các phương thức tống đạt, thông báo cho đương sự ở nước ngoài; trường hợp nào cần hoặc không cần thực hiện việc tương trợ tư pháp về dân sự đối với những trường hợp cụ thể như: (1) thi hành án có yếu tố nước ngoài nhưng các đương sự đều đang cư trú ở Việt Nam; (2) đương sự là cá nhân/pháp nhân Việt Nam và đang cư trú hoặc có trụ sở ở nước ngoài; (3) thi hành án có yếu tố nước ngoài nhưng đương sự là cá nhân/pháp nhân nước ngoài và đang ở nước ngoài…
- Việc quy định trình tự, thủ tục thi hành án có yếu tố nước ngoài giống như việc tổ chức thi hành án ở trong nước, trong khi đó, pháp luật về thi hành án dân sự quy định toàn bộ các quyết định, giấy báo, giấy triệu tập và các văn bản khác có liên quan đều phải thông báo cho đương sự. Nghĩa là trường hợp đương sự ở nước ngoài thì toàn bộ các văn bản, tài liệu muốn thông báo cho đương sự thì đều phải thực hiện thủ tục. Trong khi đó, thời hạn thực hiện ủy thác tư pháp kéo dài làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các trình tự, thủ tục khác về thi hành án.
Theo quy định tại Nghị định số 62/2015/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung) thì trong trường hợp nhận được kết quả ủy thác tư pháp thì thời gian để cơ quan thi hành án dân sự chờ nhận đủ kết quả là từ 6 tháng đến 12 tháng. Còn trong trường hợp không nhận được kết quả hoặc có thông báo về việc không thực hiện được ủy thác tư pháp thì cơ quan thi hành án dân sự phải chờ thời gian tối đa là 12 tháng để có thể thực hiện việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của Luật thi hành án dân sự.
Vậy thủ tục thi hành án sẽ được thực hiện như thế nào để đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật nhưng vẫn đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự ở nước ngoài? Những thời hạn quy định trong Luật thi hành án dân sự sẽ được áp dụng như thế nào trong trường hợp sau 06 tháng hoặc thậm chí là sau 01 năm, đương sự mới nhận được thông báo hợp lệ? Thời hạn đó được tính kể từ ngày đương sự nhận được thông báo hợp lệ, hay tính kể từ ngày cơ quan thi hành án dân sự bắt đầu thực hiện việc thông báo? Đây là một vấn đề chưa có quy định rõ ràng và gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan thi hành án dân sự trong quá trình áp dụng.
- Căn cứ để xác định “thông báo hợp lệ” chưa rõ ràng, là ngày người đó (hoặc người nhận thay) ký nhận thông báo, lập biên bản về việc giao thông báo? Thủ tục thông báo và căn cứ để xác định “thông báo hợp lệ” sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam hay theo quy định của pháp luật nước nhận ủy thác tư pháp?
- Chưa có quy định rõ ràng để xử lý trường hợp người phải thi hành án đang ở nước ngoài (trong thi hành nghĩa vụ gắn với nhân thân) và người phải thi hành án ở nước ngoài và không có tài sản ở Việt Nam (trong thi hành nghĩa vụ liên quan đến tiền, tài sản).
- Về chi phí, có những trường hợp người phải thi hành án (đang ở nước ngoài) chỉ phải thi hành khoản nghĩa vụ về án phí. Nếu không có quy định riêng để giải quyết mà vẫn thực hiện việc ủy thác tư pháp để thi hành nghĩa vụ này thì trên thực tế số tiền ngân sách nhà nước phải bỏ ra để thực hiện việc ủy thác tư pháp (như chi phí dịch thuật, chi phí thực hiện ủy thác tư pháp theo yêu cầu của nước ngoài…) còn lớn hơn số tiền nhận được.
Ngoài ra, có một số khó khăn, vướng mắc khác như: Khó khăn trong việc xác minh địa chỉ, nơi cư trú của đương sự ở nước ngoài; địa chỉ trong bản án, quyết định của Tòa không chính xác hoặc đương sự thay đổi địa chỉ; Cơ quan thi hành án dân sự không có thẩm quyền yêu cầu phía nước ngoài cung cấp thông tin về địa chỉ của đương sự ở nước ngoài; việc phối hợp với cơ quan công an, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để xác định thời điểm xuất cảnh và nơi đến của người phải thi hành án gặp nhiều khó khăn.
2. Đề xuất, kiến nghị
Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc nêu trên, đề xuất khi sửa đổi, bổ sung Luật thi hành án dân sự, cần có quy định riêng trình tự, thủ tục thi hành án có yếu tố nước ngoài, trong đó:
- Quy định thời điểm xác định có yếu tố nước ngoài làm căn cứ xác định thẩm quyền thi hành là trước khi ban hành quyết định thi hành án
- Quy định rõ việc thông báo thi hành án, căn cứ xác định thông báo hợp lệ trong các trường hợp:
Các đương sự đều đang ở Việt Nam: Thực hiện việc tổ chức thi hành án theo quy định thông thường
Đương sự là công dân, pháp nhân Việt Nam nhưng đang cư trú hoặc có trụ sở ở nước ngoài: Việc thông báo cho các đối tượng này thực hiện thông qua cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài. Thời hạn thực hiện các thủ tục về thi hành án tiếp theo sẽ được tính từ ngày cơ quan thi hành án dân sự nhận được xác nhận về việc đã thông báo hợp lệ cho đương sự.
Đương sự là cá nhân/pháp nhân nước ngoài và đang cư trú hoặc có trụ sở ở nước ngoài: Việc thông báo cho các đối tượng này thực hiện thông qua ủy thác tư pháp. Thời hạn thực hiện các thủ tục về thi hành án tiếp theo sẽ được tính từ ngày cơ quan thi hành án dân sự nhận được kết quả ủy thác tư pháp hoặc có xác nhận về việc đã thông báo hợp lệ cho đương sự.
- Quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh trong việc cung cấp thông tin về việc xuất, nhập cảnh của người phải thi hành án; thực hiện Quyết định tạm hoãn xuất cảnh của cơ quan thi hành án dân sự
- Quy định đặc thù về việc thi hành án chủ động có yếu tố nước ngoài: Không thực hiện việc tống đạt văn bản cho đương sự ở nước ngoài mà chỉ đăng tải trên Cổng thông tin điện tử hoặc thực hiện việc thông báo trực tuyến trên môi trường mạng; Đối với khoản phải thi hành án có giá trị dưới 5 triệu đồng mà người phải thi hành án ở nước ngoài và không có tài sản ở Việt Nam thì thực hiện việc miễn giảm hoặc tạm dừng việc thi hành án
- Xử lý trường hợp người phải thi hành án không có điều kiện thi hành án ở Việt Nam: Đối với trường hợp người phải thi hành án đang ở nước ngoài (trong thi hành nghĩa vụ gắn với nhân thân) và người phải thi hành án ở nước ngoài và không có tài sản ở Việt Nam (trong thi hành nghĩa vụ liên quan đến tiền, tài sản) thì cơ quan thi hành án dân sự sẽ không tiếp tục tổ chức thi hành án (bằng việc đình chỉ hoặc ra quyết định chưa có điều kiện…) mà sẽ hướng dẫn người được thi hành án thực hiện việc yêu cầu Tòa án nước ngoài công nhận và cho thi hành bản án, quyết định ở nước đó. Trên cơ sở đó, thực hiện việc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi hành án của nước ngoài tổ chức thi hành án, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả.
Hoàng Thu Thủy - Vụ NV1