Một số điểm mới cần lưu ý về Luật bảo hiểm xã hội mới năm 2024 (hiệu lực từ 01/07/2025) – phần 2

17/10/2024


VII. Bổ sung quy định quản lý thu, đóng BHXH nhằm xử lý tình trạng trốn đóng BHXH
Vấn đề chậm đóng, trốn đóng BHXH ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người lao động. Hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH là hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 17 Luật BHXH 2014, tùy vào tính chất và mức độ vi phạm, có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Đối với Luật BHYT, tại Điều 11 Luật BHXH 2014, một trong những hành vi bị nghiêm cấm là không đóng hoặc đóng BHYT không đầy đủ theo quy định, chưa quy định hành vi về chậm đóng, trốn đóng.
Tuy nhiên, tại cả Luật BHXH và Luật BHYT hiện hành đều không có quy định tách biệt, định nghĩa rõ ràng về hành vi chậm đóng và hành vi trốn đóng BHXH, BHYT. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng biện pháp xử lý đối với từng mức độ của mỗi hành vi theo các chế tài hành chính, hình sự.
Trong thực tiễn triển khai, cơ quan BHXH không có khả năng, công cụ để xác định được các hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng là trốn đóng hay không phải trốn đóng, cũng không có thẩm quyền để chứng minh được người có nghĩa vụ đóng BHXH, BHTN, BHYT cố ý và có hành vi gian dối và bằng thủ đoạn khác theo hướng dẫn tại Điều 2 Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP.
Luật quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH. Để tăng cường tính tuân thủ pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung quy định xử lý tình trạng bằng việc dành riêng 1 chương để quy định về quản lý thu, đóng BHXH; làm rõ nội hàm, sửa đổi, bổ sung việc xử lý hành vi chậm đóng và hành vi trốn đóng và các biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, điều này nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật hành chính, hình sự và tình hình thực tiễn tổ chức.
1.Tại Điều 30 Luật BHXH 2024 xác định đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện
- Cơ quan BHXH chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xác định và theo dõi đối tượng tham gia BHXH bắt buộc quy định tại Điều 2 của Luật này; đôn đốc và hướng dẫn việc lập hồ sơ đăng ký tham gia BHXH bắt buộc.
Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp phối hợp với cơ quan BHXH để tổ chức việc xác định đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
- Cơ quan BHXH chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan vận động để phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.
- Các cơ quan chủ quản cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành về lao động, dân cư, thuế, đăng ký doanh nghiệp có trách nhiệm kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu liên quan đến người tham gia và người thuộc diện tham gia BHXH với cơ quan BHXH theo quy định của Chính phủ.
2. Điều 38. Chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN
- Chưa đóng hoặc đóng chưa đầy đủ số tiền phải đóng theo hồ sơ tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã đăng ký kể từ sau ngày đóng BHXH chậm nhất quy định tại khoản 4 Điều 34 của Luật này hoặc kể từ sau ngày đóng BHTN chậm nhất theo quy định của pháp luật về BHTN, trừ trường hợp quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 39 của Luật này;
- Không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia BHXH bắt buộc trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này;
- Không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia BHTN trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn phải tham gia BHTN theo quy định của pháp luật về BHTN;
- Thuộc trường hợp không bị coi là trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN theo quy định tại khoản 2 Điều 39 của Luật này.
3. Điều 39. Trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN:
- Sau 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này mà người sử dụng lao động không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia BHXH bắt buộc;
- Sau 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn phải tham gia BHTN theo quy định của pháp luật về BHTN mà người sử dụng lao động không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia BHTN;
- Đăng ký tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp hơn quy định tại khoản 1 Điều 31 của Luật này;
- Đăng ký tiền lương làm căn cứ đóng BHTN thấp hơn quy định của pháp luật về BHTN;
- Không đóng hoặc đóng không đầy đủ số tiền đã đăng ký BHXH bắt buộc sau 60 ngày kể từ ngày đóng BHXH bắt buộc chậm nhất quy định tại khoản 4 Điều 34 của Luật này và đã được cơ quan có thẩm quyền đôn đốc theo quy định tại Điều 35 của Luật này;
- Không đóng hoặc đóng không đầy đủ số tiền đã đăng ký BHTN sau 60 ngày kể từ ngày đóng BHTN chậm nhất theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và đã được cơ quan có thẩm quyền đôn đốc theo quy định tại Điều 35 của Luật này;
- Các trường hợp khác bị coi là trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN theo quy định của Chính phủ.
- Chính phủ quy định chi tiết Điều này; quy định các trường hợp thuộc khoản 1 Điều này nhưng có lý do chính đáng thì không bị coi là trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN.
Bên cạnh đó, Điều 40, 41 sửa đổi, bổ sung các biện pháp xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN.
4. Điều 40. Biện pháp xử lý hành vi chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN
- Bắt buộc đóng đủ số tiền chậm đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền BHXH, BHTN chậm đóng và số ngày chậm đóng vào quỹ BHXH, quỹ BHTN
- Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
- Không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.
- Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 Điều này.
5. Điều 41. Biện pháp xử lý hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN.
- Bắt buộc đóng đủ số tiền trốn đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số BHXH, BHTN trốn đóng và số ngày trốn đóng vào quỹ BHXH, quỹ BHTN.
- Xử phạt VPHC hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
- Không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.
- Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 Điều này.
VIII. Sửa đổi căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
Luật BHXH (sửa đổi) bổ sung tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố, cao nhất bằng 8 lần mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố. Đây là cơ sở quy định căn cứ đóng BHXH đối với những đối tượng không hưởng tiền lương (chủ hộ kinh doanh; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương...); và cũng là căn cứ để xác định trách nhiệm tham gia đối với đối tượng người lao động làm việc không trọn thời gian.
Về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc đối với khu vực ngoài nhà nước cơ bản kế thừa quy định hiện hành, song quy định cụ thể hơn theo hướng tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng, bao gồm mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác, được trả thường xuyên và ổn định trong mỗi kỳ trả lương. Trên cơ sở đó, Chính phủ quy định chi tiết nhằm xác định cụ thể các khoản phải đóng, không phải đóng BHXH bắt buộc; việc xác định tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH đối với trường hợp thỏa thuận trả lương theo giờ, ngày, tuần và theo sản phẩm, khoán.
Điều 31 quy định tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc được quy định như sau:
- Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng theo chức vụ, chức danh, ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề, hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có).
- Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc là tiền lương tháng, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được thỏa thuận trả thường xuyên, ổn định trong mỗi kỳ trả lương.
Trường hợp người lao động ngừng việc vẫn hưởng tiền lương tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất thì đóng theo tiền lương được hưởng trong thời gian ngừng việc.
- Với đối tượng là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; dân quân thường trực; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc do Chính phủ quy định.
- Các đối tượng sau được lựa chọn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc nhưng thấp nhất bằng mức tham chiếu và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng: Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác; Vợ hoặc chồng không hưởng lương từ ngân sách nhà nước được cử đi công tác nhiệm kỳ cùng thành viên cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được hưởng chế độ sinh hoạt phí; Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tham gia theo quy định của Chính phủ; Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã không hưởng tiền lương.
Sau ít nhất 12 tháng thực hiện đóng BHXH theo tiền lương làm căn cứ đóng BHXH đã lựa chọn thì người lao động được lựa chọn lại tiền lương làm căn cứ đóng BHXH
- Cũng theo Luật, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất bằng mức tham chiếu và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng.
- Thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng.
- Chính phủ quy định chi tiết điểm b khoản 1 Điều này; quy định việc truy thu, truy đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Khi chưa bãi bỏ mức lương cơ sở thì mức tham chiếu quy định tại Luật này bằng mức lương cơ sở. Tại thời điểm mức lương cơ sở bị bãi bỏ thì mức tham chiếu không thấp hơn mức lương cơ sở.
Về tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội, Luật BHXH (sửa đổi) kế thừa quy định của Luật hiện hành. Theo đó, tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm: 3% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ ốm đau và thai sản; 22% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện bằng 22% thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí và tử tuất.
IX. Bổ sung quy định về bảo hiểm hưu trí bổ sung
Luật BHXH năm 2024 bổ sung một chương 8 bổ sung quy định về bảo hiểm hưu trí bổ sung, trong đó tại Điều 124, 125, 126, 127 luật BHXH năm 2024 có quy định về đối tượng, nguyên tắc, Quỹ Bảo hiểm hưu trí bổ sung và chính sách của nhà nước đối với bảo hiểm hưu trí bổ sung, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động có thêm sự lựa chọn tham gia đóng góp để được hưởng mức lương hưu cao hơn.
- Đối tượng tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung là người sử dụng lao động và người lao động.
- Nguyên tắc bảo hiểm hưu trí bổ sung:
+ Mức đóng bảo hiểm hưu trí bổ sung do người sử dụng lao động và người lao động tự nguyện thỏa thuận.
+ Khoản đóng góp vào quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung được quản lý theo từng tài khoản hưu trí cá nhân
+ Hoạt động quản lý quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung thực hiện theo nguyên tắc công khai, minh bạch và phải bảo đảm đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.
+ Mức chi trả bảo hiểm hưu trí bổ sung được xác định trên cơ sở số dư tài khoản hưu trí cá nhân tại thời điểm chi trả, được tích lũy thông qua hoạt động đầu tư quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung theo nguyên tắc thị trường.
- Quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung
+ Quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung là quỹ tài chính độc lập với ngân sách nhà nước; được hạch toán, kế toán, lập báo cáo tài chính, kiểm toán theo quy định của pháp luật về kế toán và pháp luật về kiểm toán.
+ Nguồn hình thành quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung bao gồm đóng góp của người sử dụng lao động, người lao động và tiền sinh lời của hoạt động đầu tư của quỹ.
+ Quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung được sử dụng để chi trả chế độ hưu trí bổ sung cho người lao động, chi phí tổ chức và hoạt động quản lý.
- Chính sách của Nhà nước đối với bảo hiểm hưu trí bổ sung
+ Khuyến khích phát triển bảo hiểm hưu trí bổ sung thông qua các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về thuế.
+ Hoàn thiện pháp luật và chính sách về bảo hiểm hưu trí bổ sung, tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch; tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động có thêm sự lựa chọn tham gia đóng góp để được hưởng mức lương hưu cao hơn.
+ Chính phủ quy định về bảo hiểm hưu trí bổ sung.
X. Thay đổi quy định hưởng chế độ ốm đau
- Đối với chế độ nghỉ ngắn ngày
Theo quy định tại Điều 45 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, người lao động nghỉ ốm nửa ngày sẽ được giải quyết chế độ ốm đau. Cụ thể, khi tính mức hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau không trọn ngày thì trường hợp nghỉ việc dưới nửa ngày được tính là nửa ngày; từ nửa ngày trở lên được tính là một ngày.
Mức hưởng trợ cấp ốm đau nửa ngày được tính bằng một nửa mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày.
- Đối với chế độ nghỉ dài ngày
Người lao động mắc bệnh dài ngày không còn được nghỉ trọn 180 ngày theo quy định tại Điều 43 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 mà thay vào đó thời gian nghỉ được xác định theo thời gian đóng BHXH và điều kiện làm việc, không phân biệt người đó mắc bệnh gì.
Theo đó, người lao động mắc bệnh dài ngày chỉ được tính hưởng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian như sau:
- Làm việc trong điều kiện bình thường:
+ 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm.
+ 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm.
+ 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.
- Làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn:
+ 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm.
+ 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm.
+ 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.
Sau khi hết thời gian nghỉ nói trên mà người mắc bệnh dài ngày vẫn cần tiếp tục điều trị thì vẫn được nghỉ làm hưởng chế độ ốm đau ở mức thấp hơn.
Hết thời hạn hưởng chế độ ốm đau quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật BHXH năm 2024 mà vẫn tiếp tục điều trị thì người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức theo quy định tại khoản 3 Điều 45 của Luật BHXH năm 2024. Thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ hằng tuần.
XI. Sửa đổi, bổ sung về đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả
Nâng cao hiệu quả đầu tư quỹ BHXH, tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ BHXH thông qua việc mở rộng danh mục và phương thức đầu tư quỹ BHXH như:
- Danh mục đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội tại thị trường trong nước bao gồm:
+ Công cụ nợ của Chính phủ, bao gồm trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Kho bạc Nhà nước, công trái xây dựng Tổ quốc;
+ Trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh;
+ Tiền gửi tại các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước trên 50% vốn điều lệ; không thực hiện đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội tại các ngân hàng thương mại đang được kiểm soát đặc biệt;
+ Trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi của các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước trên 50% vốn điều lệ; không thực hiện đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội tại các ngân hàng thương mại đang được kiểm soát đặc biệt.
- Đầu tư quỹ BHXH tại thị trường quốc tế là trái phiếu Chính phủ
- Phương thức đầu tư quỹ BHXH bao gồm tự đầu tư, ủy thác đầu tư tại thị trường trong nước, thị trường quốc tế
- Chính phủ quy định lộ trình đa dạng hóa, tiêu chí danh mục đầu tư, cơ cấu đầu tư và phương thức đầu tư quỹ BHXH, bảo đảm nguyên tắc quy định tại Điều 121 của Luật này.
Bên cạnh đó, bổ sung quy định quản lý hoạt động đầu tư quỹ BHXH:
- Quỹ BHXH được đầu tư và hạch toán độc lập theo từng quỹ thành phần.
- Hoạt động đầu tư quỹ phải được kiểm soát, quản lý rủi ro và trích lập dự phòng rủi ro.
- Chính phủ quy định quy trình kiểm soát, quản lý rủi ro đầu tư, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro.
Ngoài ra bổ sung quy định việc duyệt, thẩm định, phê chuẩn quyết toán chi tổ chức và hoạt động BHXH; kiện toàn và nâng cao trách nhiệm của Hội đồng quản lý BHXH;  quy định rõ hơn các cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về tài chính BHXH, tài chính quỹ BHXH.
XII. Quy định cụ thể về mức tham chiếu thay cho mức lương cơ sở
Luật BHXH năm 2024 đã quy định cụ thể mức tham chiếu thay cho mức lương cơ sở dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ BHXH từ ngày 1/7/2025, cụ thể:
- Mức hưởng cho một ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau bằng 30% mức tham chiếu (khoản 3 Điều 46 Luật BHXH năm 2024)
- Mức trợ cấp một lần cho mỗi con khi người lao động sinh con, nhận con khi nhờ mang thai hộ hoặc nhận nuôi con dưới 06 tháng tuổi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 58 BHXH 2024 bằng 02 lần mức tham chiếu tại tháng lao động nữ sinh con, nhận con do nhờ mang thai hộ, nhận nuôi con nuôi.
- Mức hưởng cho một ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản bằng 30% mức tham chiếu (khoản 3 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2024)
- Mức trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức tham chiếu tại tháng mà người quy định tại khoản 1 Điều 85 Luật BHXH năm 2024.
- Điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc: tiền lương để tính mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần của người lao động bắt đầu tham gia BHXH trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được điều chỉnh theo mức tham chiếu tại thời điểm hưởng chế độ hưu trí. (Điều 73 Luật BHXH năm 2024)
- Mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức tham chiếu; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức tham chiếu (Điều 87 Luật BHXH 2024)
- Mức tham chiếu dùng để tính trợ cấp tuất một lần là mức tham chiếu tại tháng mà đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 Luật BHXH năm 2024.
XIII. Quy định giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH
Giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH là giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử bao gồm đăng ký tham gia, cấp sổ, đóng BHXH; giải quyết, chi trả chế độ BHXH và các hoạt động khác trong lĩnh vực BHXH.
Căn cứ tại Điều 6 Luật BHXH 2024 quy định chính sách của Nhà nước đối với BHXH
- Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng bao gồm trợ cấp hưu trí xã hội, BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, bảo hiểm hưu trí bổ sung để hướng tới bao phủ toàn dân theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
- Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia BHXH; có chính sách hỗ trợ về tín dụng cho người lao động có thời gian đóng BHXH mà bị mất việc làm.
- Ngân sách nhà nước bảo đảm các chế độ của trợ cấp hưu trí xã hội và một số chế độ khác theo quy định của Luật này.
- Bảo hộ, bảo toàn và tăng trưởng quỹ BHXH.
- Hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện.
- Khuyến khích các địa phương tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách, kết hợp huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ thêm tiền đóng BHXH cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
- Hoàn thiện pháp luật và chính sách về BHXH; phát triển hệ thống tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch và hiệu quả; ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, giao dịch điện tử và yêu cầu quản lý về bảo hiểm xã hội.
- Khuyến khích tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung.
Căn cứ tại Điều 26 Luật BHXH 2024 quy định giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH thì thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan BHXH theo quy định của Luật này và pháp luật về giao dịch điện tử.
- Hồ sơ, chứng từ sử dụng trong giao dịch điện tử thực hiện phù hợp với quy định của pháp luật về giao dịch điện tử. Giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH quy định tại khoản 1 Điều 26 có giá trị pháp lý tương đương với giao dịch bằng bản giấy.
- Chậm nhất là ngày 01 tháng 01 năm 2027, cơ quan bảo hiểm xã hội phải bảo đảm điều kiện để thực hiện giao dịch điện tử thuộc lĩnh vực bảo hiểm xã hội.
- Chính phủ quy định chi tiết Điều này và việc điều chỉnh, cắt giảm, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội từ giao dịch bằng bản giấy theo quy định của Luật này sang giao dịch điện tử để bảo đảm thuận tiện cho người tham gia và người thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Luật BHXH năm 2024 tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia và thụ hưởng quyền lợi BHXH thông qua việc bổ sung quy định giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH; điều chỉnh, cắt giảm, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục thực hiện BHXH. Lợi ích của sử dụng phần mềm kê khai BHXH qua mạng sẽ được củng cố rất nhiều khi tất cả các thủ tục được giao dịch qua mạng được thực hiện một cách nghiêm túc, có trách nhiệm. Giúp tiết kiệm được chi phí rất lớn cho xã hội.
- Kê khai hồ sơ thuận tiện theo mẫu: kê khai BHXH qua mạng giúp cho việc kê khai dễ dàng hơn, chỉ cần thao tác đơn giản để thực hiện điền thông tin theo mẫu có sẵn và tự động kết xuất tờ khai theo đúng mẫu vừa điền. Dễ dàng quản lý, có thể tra cứu lại tờ khai xem những thông tin điền đã chính xác hay chưa.
- Nộp hồ sơ dễ dàng, tránh những phiền hà, tiêu cực: việc thực hiện qua mạng giúp nộp hồ sơ một cách thuận lợi, không phải đến trực tiếp các cơ quan BHXH, không phải chờ đợi và có thể thực hiện bất kỳ thời gian nào. Như vậy có thể hạn chế giao dịch trực tiếp với cán bộ BHXH, giảm thiểu được nhiều phiền hà, tiêu cực trong quá trình kê khai.
- Công tác quản lý hồ sơ chặt chẽ, tiện lợi hơn: phần mềm kê khai BHXH qua mạng sẽ giúp lưu lại tất cả hồ sơ đã kết xuất và nộp cho cơ quan BHXH nên sẽ không lo nỡ bị thất lạc, dễ dàng đối chiếu lại, dễ dàng khai thác, tìm kiếm. Điều này giúp cho cơ quan Bảo hiểm xã hội giải quyết hồ sơ một cách nhanh chóng, tiến tới việc rút ngắn thời gian trả kết quả.
- Phần mềm kê khai bảo hiểm xã hội hỗ trợ về thủ tục giao dịch BHXH qua mạng 24/24: để thuận tiện, linh hoạt cho người sử dụng phần mềm khai BHXH qua mạng, các kênh tư vấn giao dịch đã ra đời, tích cực góp phần giải đáp, hỗ trợ những vướng mắc của khách hàng trong thủ tục kê khai BHXH qua mọi phương tiện kỹ thuật số như: qua điện thoại, qua email nhằm giúp các đơn vị thực hiện giao dịch điện tử kê khai một cách thuận lợi, nhanh chóng.
XIV. Sửa đổi, bổ sung quy định của các chế độ BHXH phù hợp hơn với thực tiễn, bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người lao động
Luật BHXH năm 2024 đã kế thừa, phát triển những quy định hiện hành phù hợp đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn, sửa đổi các quy định chưa phù hợp, bảo đảm tính khả thi, dài hạn, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Cụ thể là:
- Bổ sung quy định về hưởng chế độ ốm đau đối với trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau không trọn ngày;
- Người lao động được quỹ BHXH đóng bảo hiểm y tế trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng;
- Sửa đổi quy định thời gian hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày thống nhất tính theo năm;
- Bổ sung điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con đối với trường hợp phải nghỉ việc để điều trị vô sinh;
- Quy định trường hợp lao động nữ mang thai từ đủ 22 tuần tuổi trở lên đủ điều kiện quy định mà bị sảy thai, phá thai, thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ thì lao động nữ và người chồng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như trường hợp lao động nữ sinh con;
- Sửa đổi quy định thời gian hưởng chế độ thai sản đối với trường hợp sau khi sinh con chết;
- Người lao động được quỹ BHXH đóng bảo hiểm y tế trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng;
- Quy định thống nhất với Bộ luật Lao động năm 2019 về tuổi nghỉ hưu, điều kiện về tuổi hưởng lương hưu.
- Sửa đổi, bổ sung quy định về trợ cấp một lần khi nghỉ hưu để khuyến khích người lao động tiếp tục làm việc, đóng BHXH sau tuổi nghỉ hưu.
- Sửa đổi quy định về điều kiện về tuổi của thân nhân hưởng trợ cấp tuất hằng tháng thống nhất, phù hợp với tuổi nghỉ hưu của Bộ luật Lao động năm 2019.
- Sửa đổi quy định về quyền lựa chọn hưởng trợ cấp tuất hằng tháng hoặc một lần theo hướng tôn trọng quyền lựa chọn của thân nhân của người lao động, không phân biệt trường hợp nào; khi các thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng thì có quyền lựa chọn hưởng trợ cấp tuất hằng tháng hoặc lựa chọn hưởng trợ cấp tuất một lần theo hướng có lợi hơn.
Như vậy, các ý kiến đề xuất của BHXH Việt Nam nhằm tháo gỡ căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành Luật BHXH năm 2014 và Nghị quyết số 93/2015/QH13; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất, tính khả thi, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế và bảo đảm yếu tố bình đẳng giới. Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng phối hợp xây dựng bổ sung một số quy định về mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích trong thụ hưởng, tạo sự hấp dẫn, thu hút người lao động tích cực tham gia mới và tạo niềm tin ở lại hệ thống đối với người đang tham gia. Ngoài ra, BHXH Việt Nam cũng phối hợp hoàn thiện các quy định về quản lý nhà nước về BHXH, quyền, trách nhiệm của cơ quan BHXH cũng như các tổ chức, cá nhân liên quan và nhiều quy định khác trong dự thảo luật BHXH, góp phần xây dựng hệ thống chính sách BHXH toàn diện, hệ thống tổ chức thực hiện chính sách BHXH chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, công khai, minh bạch được đa số đại biểu Quốc hội đồng tình, biểu quyết tán thành.
- Bảo đảm an sinh xã hội theo quy định của Hiến pháp và thể chế hóa các nội dung cải cách trong Nghị quyết số 28-NQ/TW, phát triển hệ thống BHXH theo hướng đa dạng, linh hoạt, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế, tiến tới bao phủ BHXH đối với toàn bộ lực lượng lao động.
- Sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành Luật BHXH năm 2014 và Nghị quyết số 93/2015/QH13; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất, có tính khả thi, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế và bảo đảm yếu tố bình đẳng giới.
- Mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn để thu hút người lao động tham gia BHXH; đồng thời, bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động đang làm việc và người hưởng lương hưu. Hoàn thiện quy định quản lý nhà nước và hệ thống tổ chức thực hiện chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, công khai, minh bạch.
-  Hiệu lực thi hành
Tại Điều 140 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định về hiệu lực thi hành như sau:
1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2025.
2. Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 84/2015/QH13, Luật số 35/2018/QH14, Bộ luật số 45/2019/QH14 (sau đây gọi chung là Luật số 58/2014/QH13) và Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22 tháng 6 năm 2015 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.