Nên quy định cơ quan thi hành án được thu phí đấu giá tài sản

31/12/2007
Hiện nay, mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đấu giá tài sản được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 96/2006/TT-BTC ngày 16/10/2006 của Bộ Tài chính. Trong hoạt động thi hành án dân sự, nhiều trường hợp cơ quan thi hành án phải xử lý tài sản bằng hình thức bán đấu giá.


Hình thức bán đấu giá tài sản trong thi hành án theo Điều 47 Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 14/1/2004 tuỳ từng trường hợp cụ thể sẽ do cơ quan thi hành án tự tổ chức bán đấu giá tài sản hoặc ký hợp đồng uỷ quyền với đơn vị có chức năng bán đấu giá tài sản quy định tại Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18/1/2005 của Chính phủ là doanh nghiệp bán đấu giá tài sản hoặc Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, hội đồng bán đấu giá tài sản để bán đấu giá tài sản. Khi bán đấu giá tài sản, đơn vị bán đấu giá tài sản được thu phí đấu giá. Đối tượng nộp phí đấu giá là người có tài sản bán đấu giá (chủ sở hữu tài sản hoặc người được chủ sở hữu uỷ quyền bán tài sản hoặc cá nhân, tổ chức có quyền bán tài sản của người khác theo quy định của pháp luật) và người tham gia đấu giá tài.

 Trong trường hợp cơ quan thi hành án ký hợp đồng uỷ quyền bán đấu giá tài sản với đơn vị có chức năng bán đấu giá tài sản, thì đơn vị bán đấu giá tài sản sẽ thu phí đấu giá theo quy định tại khoản 2 mục II Thông tư số 96/2006/TT-BTC nêu trên của Bộ Tài chính. Tuỳ thuộc vào đặc điểm, điều kiện cụ thể của địa phương, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cụ thể mức thu phí đấu giá áp dụng cho phù hợp đối với từng loại đối tượng nộp phí, từng mức giá trị của tài sản bán được, từng mức giá khởi điểm đấu giá của tài sản, quyền sử dụng đất hoặc diện tích đất bán đấu giá, nhưng không vượt quá mức thu quy định. Mức thu phí đấu giá này được áp dụng thống nhất cho cả phí thuộc ngân sách nhà nước và phí không thuộc ngân sách nhà nước. Trường hợp là phí không thuộc ngân sách nhà nước thì mức phí đó (mức phí áp dụng thống nhất) đã bao gồm thuế giá trị gia tăng theo quy định của Luật thuế giá trị gia tăng và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Trong trường hợp cơ quan thi hành án dân sự trực tiếp tổ chức việc bán đấu giá tài sản để đảm bảo thi hành án, thì cơ quan thi hành án có thu phí đấu giá của người tham gia đấu giá không và với mức thu như thế nào, thì chưa được quy định cụ thể.

Chúng tôi cho rằng cần có quy định cho phép cơ quan thi hành án được thu phí đấu giá của người tham gia đấu giá. Mức thu phí đấu giá này là thu theo mức thu áp dụng đối với đơn vị thu phí thuộc cơ quan trung ương theo quy định tại điểm a.2 khoản 1 mục II Thông tư số 96/2006/TT-BTC ngày 16/10/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đấu giá. Bởi vì, theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 và Nghị định số 50/2005/NĐ-CP ngày 11/4/2005 của Chính phủ về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự, thì cơ quan thi hành án dân sự hiện nay do Bộ Tư pháp thành lập và chịu sự quản lý, chỉ đạo của Bộ Tư pháp về tổ chức, cán bộ, công chức, kinh phí, nghiệp vụ, do đó, cơ quan thi hành án dân sự là đơn vị thuộc cơ quan trung ương đóng ở địa phương. Vì vậy, mức thu phí đối với người tham gia đấu giá tài sản thi hành án do cơ quan thi hành án dân sự trực tiếp tổ chức bán đấu giá áp dụng theo mức thu của đơn vị thu phí thuộc cơ quan trung ương.

Thông tư số 96/2006/TT-BTC ngày 16/10/2006 của Bộ Tài chính quy định 2 mức thu: mức thu phí đấu giá áp dụng tại đơn vị thu phí thuộc cơ quan trung ương và mức thu phí đấu giá áp dụng tại đơn vị thu phí thuộc cơ quan địa phương). Mức thu phí đấu giá áp dụng tại đơn vị thu phí thuộc cơ quan trung ương đã được quy định cụ thể như sau:

STT

Giá khởi điểm của tài sản

Mức thu (đồng/hồ sơ)

1

Từ 20.000.000 đồng trở xuống

20.000

2

Từ trên 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng

50.000

3

 Từ trên 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng

100.000

4

Từ trên 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng

200.000

5

Trên 500.000.000 đồng

500.000

Mức thu phí đấu giá áp dụng tại đơn vị thu phí thuộc cơ quan địa phương chưa được quy định cụ thể, mà tuỳ thuộc vào đặc điểm, điều kiện cụ thể của địa phương do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định nhưng không vượt quá mức thu áp dụng tại đơn vị thu phí thuộc cơ quan trung ương.

Trong thời gian qua, một số địa phương đã ban hành biểu phí đấu giá tài sản, như Quảng Ngãi, Nam Định v.v... Các địa phương này quy định mức thu phí đối với người tham gia đấu giá bằng mức thu áp dụng tại đơn vị thu phí thuộc cơ quan trung ương nêu trên. Do vậy, cơ quan thi hành án thu phí đấu giá đối với người tham gia đấu giá tài sản thi hành án theo mức thu phí áp dụng tại đơn vị thu phí thuộc cơ quan trung ương là phù hợp với Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004, Nghị định số 50/2005/NĐ-CP ngày 11/4/2004 của Chính phủ và Thông tư số 96/2006/TT-BTC ngày 16/10/2006 của Bộ Tài chính và đảm bảo thực hiện thu theo mức thống nhất trong phạm vi cả nước.

Khoản thu phí đấu giá này là khoản thu nhằm bù đắp chi phí cho việc tổ chức bán đấu giá và thu phí để chi trực tiếp cho hoạt động bán đấu giá đó, kể cả trong trường hợp bán đấu giá thành hoặc không thành, nhằm giảm bớt chi phí cho đối tượng phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án hoặc ngân sách ngân sách nhà nước trong trường hợp ngân sách nhà nước phải đảm bảo kinh phí cưỡng chế thi hành án. Cơ quan thi hành án sử dụng khoản thu phí đấu giá này để chi các khoản như: chi phí niêm yết, thông báo công khai việc bán đấu giá, chi phí tổ chức đăng ký mua tài sản bán đấu giá, chi phí hồ sơ tham gia đấu giá, chi phí trưng bày, cho xem tài sản, chi phí tổ chức phiên bán đấu giá, chi phí bàn giao tài sản v.v...

Trong trường hợp số tiền phí đấu giá đã thu không đủ để chi phí cho việc tổ chức bán đấu giá tài sản, thì số chi phí còn thiếu này được lấy từ khoản chi phí cưỡng chế thi hành án của đối tượng phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án.

Lê Anh