Đẩy mạnh giải quyết vụ việc thi hành án dân sự tồn đọng: Chuyện cũ cho năm mới

07/01/2008

Thi hành dứt điểm các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật hoặc chưa có hiệu lực pháp luật nhưng phải được thi hành ngay đóng một vai trò rất quan trọng. Nhưng thực tế lượng án chưa được tổ chức thi hành dứt điểm vẫn rất lớn. Vì thế, tìm ra nguyên nhân, giải pháp để đẩy mạnh giải quyết các vụ việc thi hành án, nhất là thi hành án dân sự (THADS) tồn đọng là một trong những mối quan tâm hàng đầu của ngành Tư pháp nói chung, các cơ quan quản lý THADS và cơ quan THADS nói riêng khi bước vào năm 2008.



Chấp hành viên kiêm thủ trưởng cơ quan

Trong khi THA là một công việc có tính chất phức tạp, nhạy cảm, thậm chí nguy hiểm, số lượng công việc hàng năm lại nhiều nhưng thực trạng thiếu hụt chấp hành viên (CHV) và cán bộ công chức (CBCC) làm công tác THADS lại rất phổ biến ở nhiều cơ quan THADS. Vì thế, tổ chức bộ máy và nhân sự của các cơ quan THADS tiếp tục được kiện toàn. Đến nay, hầu hết các cơ quan THADS cấp tỉnh đã thành lập các phòng chuyên môn. Việc luân chuyển, điều động CHV, CBCC làm công tác THA cho những nơi thiếu biên chế, có số lượng án nhiều tiếp tục được thực hiện. Mặc dù so với năm 2006, năm 2007 đã khắc phục thêm được 25/47 đơn vị THADS cấp huyện chỉ có 1 CHV; 25/39 đơn vị thiếu thủ trưởng cơ quan THA nhưng thực tế vẫn còn 14 cơ quan THADS chưa có thủ trưởng cơ quan và 22 cơ quan THADS cấp huyện chỉ có 01 CHV.

Như ở Hậu Giang, cả tỉnh có 19 CHV và CBCC làm công tác THADS, trong đó cơ quan THADS tỉnh chỉ có 2 CHV. Nếu nói về chức năng quản lý thì 1 người là thủ trưởng và 1 là phó thủ trưởng cơ quan. Nếu nói về nghiệp vụ, chuyên môn thì cả hai sẽ là CHV, trực tiếp thực hiện THA đối với những vụ việc thuộc thẩm quyền. Còn lại 17 CHV chia cho 8 cơ quan THA cấp huyện với lượng án tồn tính đến hết năm 2007 là hơn 4.000 vụ, chưa kể các vụ sẽ được thụ lý trong năm 2008. Ở Đồng Tháp, hiện chức danh Thủ trưởng cơ quan THADS là do Phó Giám đốc Sở Tư pháp kiêm nhiệm. Phó Thủ trưởng cơ quan THADS tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phú Thiện cho biết: “Chúng tôi (lãnh đạo cơ quan THADS tỉnh – NV) vẫn tham gia thực hiện THA nhưng chỉ đối với những vụ việc phức tạp, qui mô lớn, còn lại phải giao cho anh em làm. Nếu vụ việc nào mình cũng trực tiếp đi THA thì sẽ không có thời gian cho công tác quản lý”. Như vậy, gánh nặng công việc và trách nhiệm đang tập trung vào số lượng cán bộ, công chức (CBCC) làm công tác THADS và CHV ít ỏi ở các cơ quan THADS các cấp. Đó chính là một nguyên nhân khiến tình trạng án có điều kiện thi hành nhưng vẫn tồn đọng diễn ra từ năm này sang năm khác.

Trong khi số lượng cán bộ THA và CHV còn quá mỏng so với yêu cầu thì trình độ chuyên môn của một bộ phận CBCC làm công tác THADS còn chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ trong tình hình mới do thiếu rèn luyện, tu dưỡng và học tập nâng cao trình độ, chuyên môn. Bên cạnh đó cũng phải đề cập đến vấn đề đào tạo nghiệp vụ cho CHV. Các CHV mới được bổ nhiệm hầu hết đều đã học qua lớp đào tạo chức danh CHV của Học viện Tư pháp. Tuy nhiên, khả năng đào tạo của Học viện Tư pháp hiện chưa thể đáp ứng được yêu cầu về số lượng CHV của các cơ quan THADS địa phương khi mỗi năm chỉ tiêu đào tạo cho chức danh CHV của Học viện chỉ bằng 1/3 nhu cầu thực tế. Đấy là chưa kể đến việc các CBCC được cử học về không phải tất cả đều có thể được bổ nhiệm là CHV ngay và nếu được bổ nhiệm thì còn phải đợi thủ tục bổ nhiệm. Thực tế số lượng CBCC đã qua lớp đào tạo chức danh CHV ở Học viện Tư pháp được bổ nhiệm là CHV chỉ đạt 80%.

Trong những năm qua, Cục THADS đã phối hợp với các đơn vị hữu quan tổ chức nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ cho các CHV và CBCC làm công tác THADS. Song có nhiều CBCC làm công tác THADS hoặc CHV vẫn phải vận dụng kinh nghiệm là chính để thực hiện nghiệp vụ THA vì như trường hợp của ông Thiện, 17 năm làm công tác THADS, thậm chí hiện đã là Phó Thủ trưởng cơ quan THADS cấp tỉnh thì cũng mới được tham gia 2 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ. Từ đó cho thấy yêu cầu cấp thiết là cũng cần quan tâm đến hoạt động đào tạo nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho các CHV, CBCC làm công tác THADS. Vì nếu được trang bị kiến thức nghiệp vụ và pháp lý đầy đủ thì CBCC làm công tác THADS và CHV hiện nay mới có thể thi hành được nhiều án hơn, góp phần giảm lượng án tồn đọng trong thời gian tới.

Cơ quan THADS – lơ lửng giữa trời

Ngoài khó khăn từ vấn đề số lượng và chất lượng CBCC làm công tác THADS và CHV thì chính địa vị pháp lý của cơ quan THADS hiện nay đã cản trở rất nhiều đến việc thúc đẩy thi hành dứt điểm các vụ việc, dẫn đến tình trạng án tồn đọng. Ông Nguyễn Văn Cường – Trưởng cơ quan THADS tỉnh Hải Dương - cho rằng, việc Bộ trưởng Bộ Tư pháp uỷ quyền cho Giám đốc Sở Tư pháp quản lý công tác tổ chức của cơ quan THADS địa phương chỉ có thể làm biện pháp tình thế vì không tạo động lực cho hoạt động THADS phát triển. Sở Tư pháp không thể mãi là “bà đỡ” mà chỉ nên là cơ quan quản lý Nhà nước về công tác THADS. Do đó cần tổ chức hệ thống cơ quan THADS thành một ngành độc lập như cơ cấu tổ chức của ngành Thuế hay Kho bạc để xứng tầm và ngang cấp với các cơ quan khác ở địa phương, do UBND tỉnh quản lý, tạo điều kiện cho việc tổ chức thi hành các vụ việc được thuận lợi.

Hiện pháp luật chưa có qui định rõ ràng, cụ thể về cơ chế bắt buộc các cơ quan khác tham gia vào hoạt động THA và cơ chế cho cơ quan THADS tham gia các hoạt động của chính quyền. Bên cạnh đó, theo Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Nguyễn Đức Chính, các cấp chính quyền địa phương cũng chưa thực sự quan tâm đến công tác THADS. Ở nhiều địa phương hiện nay chưa đưa chỉ tiêu về THADS vào Nghị quyết của HĐND. Do đó, cơ quan THADS bị đặt vào tình trạng “lơ lửng giữa trời”. Với vị trí pháp lý như vậy, cơ quan THADS không thể yêu cầu mà chỉ có thể đề nghị các cơ quan khác phối hợp khi THA. Mà đã là đề nghị thì “họ (các cơ quan khác – NV) muốn thì phối hợp, không muốn thì thôi” như thực tế ở Đồng Tháp. Vì thế, phải nhờ đến Ban Chỉ đạo THADS, nhưng cũng chỉ “nhờ” được trong các vụ phức tạp, còn lại thì như bà Huỳnh Thị Son – Trưởng THADS tỉnh Hậu Giang, cơ quan THADS phải tự mà giải quyết (!!!). Nếu cơ quan THADS không tự giải quyết được thì đương nhiên án có điều kiện thi hành cũng sẽ là... án tồn.

Ngoài ra, một trong những nguyên nhân được đa số các CBCC làm công tác THADS và CHV ở địa phương cho là ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng án chưa được tổ chức thi hành dứt điểm hiện nay là vấn đề kinh phí dành cho hoạt động THA quá hạn hẹp so với điều kiện thực tế. Theo qui định hiện hành, mức phụ cấp cho CBCC làm công tác THADS và CHV được tính chung cho tất cả các cơ quan THADS, không phân biệt khu vực, là 50.000 – 70.000đ/ngày/người. Với mức khoán kinh phí 38 triệu đồng/người/năm mà với điều kiện làm việc ở một huyện đảo như Kiên Hải thì không thể đủ, khi muốn đi từ huyện xuống xã phải mất 1 tuần với 30 – 50km đường biển, không kể mưa bão phải lưu trú dài ngày. Vì thế, theo ông Nguyễn Quốc Trung – Trưởng cơ quan THADS huyện Kiên Hải (Kiên Giang), đối với các địa phương ở miền núi, hải đảo phải có mức phụ cấp khác với các địa phương ở đất liền, đồng bằng mới có thể bù đắp hợp lý những chi phí cần thiết cho các CBCC làm công tác THADS và CHV.

Trên đây chỉ là một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng án chưa được tổ chức thi hành dứt điểm ở các địa phương. Nếu những nguyên nhân nêu trên không được giải quyết kịp thời thì dù có đề ra và thực hiện bao nhiêu biện pháp đi nữa cũng “không hy vọng hết án tồn” như nhận định của Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Nguyễn Đức Chính. Mà còn án tồn thì bản án, quyết định cuối cùng của toà án không có giá trị thực tế, sẽ dẫn đến sự bất bình và mất niềm tin của công chúng đối với vai trò cũng như uy tín của hệ thống cơ quan tư pháp trong đời sống Nhà nước và xã hội./.

Trịnh Hương Giang

Tính đến hết ngày 30/9/2007 các cơ quan THADS trong toàn quốc phải thi hành 630.158 việc, trong đó có 381.051 việc có điều kiện thi hành (chiếm 60%). Mặc dù đã thực hiện nhiều giải pháp tích cực, nhưng kết quả thi hành xong hoàn toàn về việc chưa đạt chỉ tiêu đề ra từ đầu năm, số việc tồn đọng lớn. Tính đến 31/10/2007, toàn quốc còn 346.332 việc tồn đọng (chiếm 55% tổng số việc phải thi hành) với số tiền phải THA là 14.586.510.244.000 đồng, trong đó có 97.225 việc có điều kiện thi hành nhưng chưa thi hành xong (chiếm 31% số việc có điều kiện thi hành). Những vụ việc chưa được thi hành hoặc thi hành dở dang chủ yếu là những vụ việc có điều kiện về tài sản, có thể giải quyết ngay nhưng chưa được tổ chức thi hành.