Phối hợp trong cưỡng chế thi hành án: Độc lập nhưng vẫn… phụ thuộc.

11/04/2008

Pháp lệnh Thi hành án dân sự (THADS) đã quy định về trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong quá trình THA. Tuy nhiên, trên thực tế, THA vẫn không thể chủ động vì phải chờ vào các cơ quan phối hợp – nhất là lực lượng công an, đặc biệt trong các vụ phải tổ chức cưỡng chế.



Địa phương nào cũng mắc.

Trong những năm qua, mặc dù các cơ quan THA đã có nhiều biện pháp mạnh để đưa các bản án, quyết định của Toà án ra thi hành, tuy nhiên số lượng việc tồn đọng vẫn còn rất lớn (năm 2007 còn đến gần 250 ngàn việc chưa có điều kiện thi hành). Một trong những nguyên nhân được Bộ Tư pháp chỉ ra tại Hội nghị tổng kết 3 năm thi hành Pháp lệnh THADS là cơ chế phối hợp giữa cơ quan THA và các cơ quan liên quan còn nhiều bất cập. Rõ nét nhất là việc phối hợp với lực lượng công an trong bảo vệ cưỡng chế THA. Pháp lệnh THADS quy định rõ cơ quan Công an có trách nhiệm thực hiện đầy đủ yêu cầu của cơ quan THA nhưng trên thực tế, THA lại phải phụ thuộc vào kế hoạch công tác của cơ quan này. Mà quy trình báo cáo của Công an thì cũng lắm rối rắm, phức tạp, tham gia cưỡng chế phải được Giám đốc đồng ý, nếu không thì ..hãy đợi đấy. Từ chủ động cơ quan THA thành bị động, vì đơn giản không có công an thì THA cũng không thể làm gì được.

Không chủ quan mà nói rằng, 64 tỉnh thành thì tất cả đều đã gặp trường hợp kế hoạch cưỡng chế đổ bể vì…công an bận. Nhiều địa phương tình trạng này lặp đi lặp lại thành quen, đến nỗi không hoãn cưỡng chế vì thiếu công an mới là ..chuyện lạ. Thậm chí, kế hoạch cưỡng chế đến giờ chót vẫn không thực hiện được chỉ vì công an hứa rồi …không đến.

Để khắc phục tình trạng này, cơ quan THA phải sử dụng nhiều biện pháp. Nam Định khi xác định một vụ việc nào phải cưỡng chế, THA phải gửi công văn trước cho Công an từ 3- 6 tháng, thậm chí có vụ gửi trước đến 8 tháng. Hà Nội, Vĩnh Phúc…thì luôn tranh thủ sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo THA các cấp, tức là dùng mệnh lệnh của cấp trên với cấp dưới (vì Trưởng Ban chỉ đạo THA thường là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND). Một số tỉnh khác, cứ đến kỳ họp HĐND là đưa chuyện này ra chất vấn... Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những giải pháp tạm thời, còn việc phối hợp hay không và phối hợp như thế nào thì vẫn ngoài tầm kiểm soát của cơ quan THA. Tất nhiên, nói như vậy nhưng cũng phải nhìn vào thực tế là mặc dù pháp luật đã trao quyền chủ động cho chấp hành viên, cho cơ quan THA và các cơ quan liên quan, trong đó có công an có trách nhiệm phối hợp nhưng không phải lúc nào quy định này cũng thực hiện được trên thực tế. Bởi lẽ, các vụ cưỡng chế phải cần đến hàng trăm cán bộ, chiến sĩ công an tham gia làm công tác bảo vệ. Với số lượng như vậy, ngành công an cũng cần phải có thời gian để bố trí lực lượng, chứ không thể lúc nào cần là có.

Sẽ có lực lượng cảnh sát biệt phái?

Vì phụ thuộc rất lớn vào lực lượng công an trong cưỡng chế THA nên đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra hậu quả là các bản án bị dây dưa, kéo dài, án tồn đọng đang có xu hướng ngày càng tăng. Thêm vào đó, gây lãng phí cho ngân sách nhà nước mỗi khi kế hoạch cưỡng chế bị đổ bể (mà cơ quan chịu tác động trực tiếp là THA vì thực tế họ rất khó khăn trong quyết toán). Để khắc phục tình trạng này, theo bà Phạm Thị Đương – Trưởng THA Nam Định thì cần quy định  rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm trong hoạt động THA, nhất là lực lượng bảo vệ cưỡng chế. Cần phải có lực lượng Cảnh sát tư pháp chuyên trách phục vụ cho công tác THADS. Lực lượng này trước mắt có thể vẫn do ngành Công an quản lý nhưng phải quy định rõ ràng, cụ thể về nhiệm vụ của họ cũng như các chế tài ràng buộc. Đồng tình với quan điểm này, ông Đỗ Xuân Hợi – Trưởng THA Lạng Sơn bức xúc: nên có lực lượng hỗ trợ riêng cho công tác THA. Điều đó không chỉ tạo điều kiện cho cơ quan THA chủ động trong cưỡng chế , mà còn để áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với các đối tượng cố tình chống đối, cản trở THA.

Dự thảo Luật THADS hiện đang được Bộ Tư pháp gấp rút hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét thông qua. Bên cạnh vấn đề về nâng cao vị thế cho cơ quan THA, mở rộng quyền năng cho chấp hành viên, Ban soạn thảo còn đặc biệt lưu ý để bổ sung quy định về biệt phái cảnh sát hỗ trợ tư pháp. Mặc dù hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về cơ quan quản lý đối với lực lượng này, nhưng trước mắt để khắc phục những bất cập trong công tác phối hợp cưỡng chế THA hiện nay, thì có thể quy định cảnh sát tư pháp biệt phái, đến làm nhiệm vụ tại cơ quan THADS. Họ sẽ được hưởng chế độ cũng như phải chịu những chế tài riêng.

 (Bùi Hằng)

1. Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình và cá nhân có trách nhiệm thực hiện đầy đủ yêu cầu của chấp hành viên trong việc THA.

…3. Cơ quan công an có nhiệm vụ giữ gìn trật tự, kịp thời ngăn chặn những hành vi cản trở, chống đối việc THA. Trong trường hợp phải áp dụng biện pháp cưỡng chế THA thì cơ quan công an và các cơ quan hữu quan khác có nhiệm vụ phối hợp thực hiện theo yêu cầu của Thủ trưởng Cơ quan THA hoặc Chấp hành viên.

(Khoản 1,3 Điều 8 Pháp lệnh THADS)