Một số vấn đề khi tiếp nhận các vụ việc thi hành án do có sự sáp nhập, chia tách địa giới hành chính

10/11/2008

Theo Nghị định số 84/2008/NĐ-CP ngày 31/7/2008 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Đồng Hỷ để mở rộng thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, 02 xã Đồng Bẩm và Cao Ngạn của huyện Đồng Hỷ được nhập về Thành phố Thái Nguyên tỉnh Thái Nguyên (Xã Đồng Bẩm có 401,90ha diện tích tự nhiên và 5.398 nhân khẩu; xã Cao Ngạn có 861.06ha diện tích tự nhiên và 6.447 nhân khẩu). Đối với các cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn cũng phải tiến hành bàn giao hồ sơ các việc đang thi hành án theo đúng địa giới hành chính đã được chia tách.



Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên về việc tổ chức bàn giao xã Cao Ngạn và xã Đồng Bẩm về Thành phố Thái Nguyên. Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu Trưởng Thi hành án dân sự huyện Đồng Hỷ tổ chức bàn giao công tác Thi hành án dân sự cho Thi hành án dân sự thành phố Thái Nguyên quản lý. Sáng ngày 09/9/2008, trước sự chứng kiến của Thi hành án dân sự tỉnh Thái Nguyên, các bên đã tổ chức bàn giao 217 hồ sơ thi hành án theo quy định, cụ thể:

Tổng số việc: 217 việc với số tiền 1.524.259.172đ

1. Số việc chưa có điều kiện: 195 việc với số tiền 1.464.273.172đồng;

2. Số việc có điều kiện: 22 việc với số tiền 59.986.000đồng

Trong đó: ( Án ma tuý: 118 việc với số tiền 1.366.408.372 đồng; Án chuyển giao cấp xã: 40 việc với số tiền 5.925.000 đồng;  Các loại việc khác: 59 việc với số tiền 151.925.000đồng ).

Đơn vị nhận bàn giao có trách nhiệm tiếp nhận và tiếp tục đưa ra thi hành đối với số việc trên. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, có một số ý kiến về việc tiếp tục thi hành án đối với những việc đã được bàn giao như sau:

 Không lẽ Thi hành án dân sự A lại thi hành Quyết định Thi hành án do Trưởng Thi hành án dân sự B ban  hành? Bởi vì những việc thay đổi thẩm quyền thi hành án do Thi hành án dân sự cấp tỉnh rút những việc thuộc thẩm quyền của Thi hành án dân sự cấp huyện lên để thi hành hoặc uỷ thác thi hành án thì Pháp lệnh Thi hành án dân sự ( THADS )   năm 2004 đã quy định trình tự, thủ tục cụ thể. Đối với việc tiếp nhận các việc về thi hành án do có sự sáp nhập, chia tách địa giới hành chính thì Pháp lệnh THADS không có quy định. Trong các biểu mẫu về thống kê Thi hành án dân sự theo Quyết định số 02/2006/QĐ-BTP ngày 14/4/2006 của Bộ Tư pháp ban hành chế độ báo cáo thống kê, các biểu mẫu báo cáo tài chính về thi hành án theo Quyết định số 572/2004/QĐ-TP ngày 25/10/2004, Quyết định số 09/2007/QĐ-BTP ngày 08/10/2007 cũng không có cột mục nào quy định về việc tiếp nhận việc và tiền do chia tách, sáp nhập địa giới hành chính.

 Vì vậy, có ý kiến cho rằng, đơn vị THADS bàn giao nên thực hiện việc thu hồi các quyết định THA ( thực hiện theo thủ tục uỷ thác về THA ); sau đó đơn vị THADS tiếp nhận sẽ thụ lý mới bằng các Quyết định thi hành án mới hoặc ban hành Quyết định tiếp tục thi hành án những việc đã được bàn giao.

Chúng tôi cho rằng việc chia tách, sáp nhập địa giới hành chính dẫn đến việc thay đổi thẩm  quyền tổ chức thi hành án là việc bình thường trong quản lý hành chính Nhà nước nói chung và các cơ quan Thi hành án dân sự nói riêng.

Từ năm 1996, để giải quyết việc chia tách tỉnh đối với các cơ quan tư pháp địa phương, trong đó có các cơ quan Thi hành án; Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 1611/TT ngày 27/11/1996 hướng dẫn thực hiện việc chia tách tỉnh đối với cơ quan tư pháp địa phương. Tại điểm a khoản 2 mục I  của thông tư này quy định về hoạt động nghiệp vụ thi hành án  đối với Phòng thi hành án như sau:

- Những hồ sơ chưa được thi hành, thi hành dở dang, thi hành đều, hoãn, tạm đình chỉ, trả đơn yêu cầu v.v.. thuộc thẩm quyền của tỉnh có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc thi hành thì được phân chia về tỉnh đó. Cơ quan thi hành án tại tỉnh mới không cần ra quyết định thi hành án mới mà khi thụ lý vào sổ mới vẫn giữ nguyên số thụ lý cũ vì đây chỉ là những hoạt động kế thừa công việc của cơ quan thi hành án tại tỉnh cũ;

- Đối với những bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa được thụ lý và lập hồ sơ thi hành án ( do mới nhận được hoặc do chưa có đơn yêu cầu thi hành án ) hoặc những bản án, quyết định của Toà án do Toà án chuyển giao nhưng chưa có hiệu lực thi hành thì được phân chia theo cơ quan Thi hành án có thẩm quyền ra quyết định thi hành án

Vì vậy, khi tiếp nhận các  vụ việc đang được thi hành  từ đơn vị Thi hành án dân sự cũ ( kể cả cấp tỉnh, cấp huyện ) sang đơn vị Thi hành án dân sự mới do chia tách, sáp nhập địa giới hành chính, Cơ quan Thi hành án mới có trách nhiệm tiếp tục tổ chức thi hành những việc do đơn vị cũ chuyển giao  mà không cần  ban hành bất kỳ một quyết định nào. Việc vào sổ thụ lý thực hiện theo quy định chung về thủ tục hành chính trong thi hành án dân sự. Đối với việc thống kê thì bổ sung các việc và tiền vào mục Số năm trước chuyển sang theo các mẫu tương ứng; Về phần báo cáo tài chính, thực hiện vào các mẫu tương ứng ban hành theo Quyết định số 572/2004/QĐ-TP ngày 25/10/2004, trong đó cần nêu rõ  có sự biến động trong việc thực hiện là tiếp nhận các việc từ đơn vị khác chuyển giao. Thủ trưởng của đơn vị nhận bàn giao có trách nhiệm chỉ đạo các bộ phận giúp việc khẩn trương vào sổ thụ lý, phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự./.

Hà Tuấn Phương