Quyền yêu cầu thi hành án dân sự: Thúc đẩy thi hành án

10/11/2008

Có rất nhiều chủ thể tham gia quá trình thi hành một bản án, quyết định dân sự. Tuy nhiên, không phải tất cả các chủ thể đều có quyền yêu cầu THA và không phải lúc nào họ cũng có thể thực hiện quyền này.



Khoản 1 Điều 5 Pháp lệnh THADS 2004 qui định: “Nếu các bên đương sự không tự nguyện thi hành thì người được THA, người phải THA căn cứ vào bản án, quyết định dân sự có quyền yêu cầu Cơ quan THA có thẩm quyền ra quyết định THA”. Như vậy, quyền yêu cầu THA là quyền chỉ dành riêng cho người được THA, người phải THA. Nhưng theo pháp luật hiện hành, họ chỉ thực hiện quyền yêu cầu THA trong trường hợp “các bên đương sự không tự nguyện thi hành”. Với qui định này, pháp luật muốn đảm bảo cho các bên có quyền yêu cầu THA và muốn được THA thúc đẩy nhanh chóng quá trình THA vì lợi ích hợp pháp của mình căn cứ vào bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.

Qui định như vậy cho thấy, trong pháp luật về THADS ở nước ta, người được THA và người phải THA đều được coi là những chủ thể trung tâm của pháp luật THA. Tư tưởng này cũng được tiếp tục thể hiện trong dự thảo Luật THADS (dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào tháng 10 tới). Tuy nhiên, Điều 7 dự thảo Luật THADS dành cho những chủ thể có quyền yêu cầu THA được thực hiện quyền này bất kỳ lúc nào nếu còn thời hiệu yêu cầu, chứ không phải đợi nếu “các bên đương sự không tự nguyện thi hành” thì mới thực hiện quyền yêu cầu THA như qui định của Pháp lệnh 2004. Về cơ bản, qui định như dự thảo Luật THADS sẽ tạo điều kiện cho các chủ thể có quyền yêu cầu THA thực hiện quyền của mình tự do và chủ động hơn.

Khác với qui định của pháp luật Việt Nam, theo Luật THADS Pháp, chỉ người được THA là chủ thể duy nhất được quyền yêu cầu THA (trừ trường hợp yêu cầu thi hành đăng ký, thay đổi hộ tịch là thuộc thẩm quyền của Viện Công tố). Ông Nicolas Monachon Duchene – Phó Chánh án Tòa án phúc thẩm Rennes (Pháp) – cho biết, qui định này xuất phát từ nguyên tắc coi người được THA là trung tâm của pháp luật THA. Từ đó, người được THA sẽ có toàn quyền quyết định các biện pháp (kê biên tài sản của người phải THA theo nguyên tắc tương xứng mà pháp luật đã qui định) để yêu cầu thừa phát lại tổ chức THA.

Pháp lệnh THADS 2004 không qui định nghĩa vụ chứng minh dành cho người yêu cầu THA mà cơ quan THA (cụ thể là trách nhiệm thuộc về CHV) phải chủ động xây dựng và xác định các biện pháp, phương thức cần thiết để tổ chức THA theo yêu cầu của đương sự. Nhưng dự thảo Luật THADS, học hỏi kinh nghiệm của nước ngoài (Pháp), đã qui định nghĩa vụ chứng minh điều kiện THA thuộc về người yêu cầu THA. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Thủy – Phó Cục trưởng Cục THADS (Bộ Tư pháp), xuất phát từ điều kiện kinh tế - xã hội ở nước ta nên trong dự thảo cũng qui định trường hợp đương sự không thể xác minh được điều kiện THA của người phải THA thì có quyền đề nghị cơ quan THA xác minh hộ.

Tóm lại, dù quyền yêu cầu THA được qui định có hạn chế trường hợp áp dụng hay không thì pháp luật cũng nhằm mục đích bảo vệ tối đa quyền lợi hợp pháp của các bên đương sự, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình THA./.

Huy Long

1. Trong thời hạn ba năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được THA, người phải THA có quyền yêu cầu Cơ quan THA có thẩm quyền ra quyết định THA.

Trong trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định của Toà án thì thời hạn ba năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn.

Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn ba năm được áp dụng cho từng định kỳ, tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn.

2. Nếu người yêu cầu thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu THA đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng đó không tính vào thời hiệu yêu cầu THA.

(Trích Điều 25 Pháp lệnh THADS 2004)