Thẩm quyền ra quyết định thi hành án

15/12/2008
Căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn của người đứng đầu Cơ quan Thi hành án (CQTHA) khoản 1 Điều 16 Pháp lệnh THADS năm 2004 quy định thẩm quyền ra quyết định thi hành án (QĐTHA) là Thủ trưởng CQTHA. Đồng thời căn cứ vào sự phân cấp của CQTHA (CQTHA cấp huyện và CQTHA cấp tỉnh) và sự phân biệt giữa Cơ quan THADS với Cơ quan THA trong quân đội, Điều 21 Pháp lệnh THADS năm 2004 đã quy định cụ thể thẩm quyền ra quyết định thi hành án của Thủ trưởng Cơ quan Thi hành án dân sự.


Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay vẫn còn một số quan điểm khác nhau về thẩm quyền ra QĐTHA đối với những bản án, quyết định của Toà án có yếu tố nước ngoài. Dưới đây là một vụ việc cụ thể mà tác giả muốn đề cập.

Theo Quyết định số 02/2008/QĐST-KDTM ngày 08 tháng 2 năm 2008 của Toà án nhân dân huyện PV thì Công ty TNHH Nam Phú Mỹ (địa chỉ: Phú Thượng, Phú Vang, Thừa Thiên Huế) phải trả nợ cho Công ty TNHH Quốc tế Long Thăng (địa chỉ: 32 Trần Phú, Nha Trang, Khánh Hoà) số tiền 157.000.000đ.

Ngày 05/3/2008, Công ty TNHH Quốc tế Long Thăng có đơn gửi Cơ quan THADS huyện PV để yêu cầu thi hành án khoản tiền trên. Sau khi nhận Đơn yêu cầu thi hành án, Thủ trưởng Cơ quan THADS huyện PV xét thấy đây là vụ việc có yếu tố nước ngoài (Công ty TNHH Quốc tế Long Thăng do ông Wan Chu Ung người Trung Quốc làm Giám đốc) nên đã làm Công văn xin ý kiến chỉ đạo của THADS tỉnh về thẩm quyền ra QĐTHA đối với trường hợp này. Xung quanh vấn đề này hiện đang có hai quan điểm trái ngược nhau.

*Quan điểm thứ nhất cho rằng, đây là vụ việc có yếu tố nước ngoài nên thẩm quyền ra quyết định và tổ chức thi hành là của CQTHA cấp tỉnh .

Cơ sở pháp lý của quan điểm này đưa ra là căn cứ vào điểm a khoản 2 Điều 11 của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989 quy định: Khi có đương sự là người nước ngoài hoặc là người Việt Nam ở nước ngoài thì thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm thuộc thẩm quyền Toà án nhân dân cấp tỉnh, theo đó thì những bản án, quyết định của Toà án có đương sự là người nước ngoài hoặc là người Việt Nam ở nước ngoài (gọi chung là có yếu tố nước ngoài) thuộc thẩm quyền của Cơ quan THADS cấp tỉnh ra quyết định và tổ chức thi hành án.

Hơn nữa, theo điểm c khoản 1 Điều 12 Nghị định 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ (Nghị định 173) thì Thủ trưởng CQTHA cấp tỉnh không được uỷ thác cho CQTHA cấp huyện thi hành những bản án, quyết định của Toà án có yếu tố nước ngoài. Điều đó cũng có nghĩa là những bản án, quyết định của Toà án có yếu tố nước ngoài chỉ có CQTHA cấp tỉnh mới có thẩm quyền ra quyết định và tổ chức thi hành.

Vì vậy, mặc dù hiện nay theo quy định tại Điều 33 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004 (BLTTDS 2004) thì thẩm quyền của Toà án nhân dân (TAND) cấp huyện được tăng lên rất nhiều, trong đó có cả thẩm quyền giải quyết những vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài (chỉ trừ những vụ việc được quy định tại khoản 3 Điều 33 của Bộ luật này). Tuy nhiên, pháp luật về thi hành án dân sự chưa có quy định nào điều chỉnh theo hướng mở rộng thẩm quyền cho CQTHA cấp huyện, cho nên đối với những bản án, quyết định của Toà án cấp huyện giải quyết có yếu tố nước ngoài vẫn thuộc thẩm quyền ra quyết định và tổ chức thi hành của CQTHA cấp tỉnh.

* Quan điểm thứ hai thì cho rằng, vụ việc trên thuộc thẩm quyền của CQTHA cấp huyện. Tác giả cũng hoàn toàn đồng ý theo quan điểm thứ hai, bởi các lý do sau:

Một là, cơ sở pháp lý mà quan điểm thứ nhất đưa ra là chưa thuyết phục. Thứ nhất, theo quy định tại điểm 1 của Nghị quyết số 32/2004/QH11 về việc thi hành BL TTDS 2004 thì Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989 đã hết hiệu lực (chỉ trừ những TAND cấp huyện chưa được giao thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự quy định tại Điều 33 BLTTDS 2004 mới đang còn tiếp tục áp dụng khoản 1 Điều 11 Pháp lệnh năm 1989). Thứ hai, điểm c khoản 1 Điều 12 Nghị định 173 quy định CQTHA cấp tỉnh không được uỷ thác những bản án, quyết định của Toà án có yếu tố nước ngoài cho CQTHA cấp huyện thì không đồng nghĩa là những bản án, quyết định của Toà án có yếu tố nước ngoài chỉ thuộc thẩm quyền của CQTHA cấp tỉnh. Hơn nữa, theo quy định tại Điều 33 BLTTDS 2004 thì những vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài không còn là thẩm quyền riêng biệt của TAND cấp tỉnh, mà TAND cấp huyện cũng có thẩm quyền giải quyết, chỉ trừ những trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 33. Theo đó, những bản án, quyết định của Toà án có yếu tố nước ngoài cũng không chỉ CQTHA cấp tỉnh mới có thẩm quyền ra quyết định và tổ chức thi hành.

Hai là, căn cứ vào Điều 33 BLTTDS 2004 thì thẩm quyền giải quyết của TAND huyện PV đối với vụ việc này là hoàn toàn đúng pháp luật vì TAND huyện PV đã được giao thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự theo quy định tại Điều 33. Hơn nữa, tại khoản 3 Điều 33 chỉ loại trừ thẩm quyền giải quyết của TAND cấp huyện đối với những tranh chấp, yêu cầu được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 33 mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, cho Toà án nước ngoài. Còn đương sự là người nước ngoài hoặc không có quốc tịch Việt Nam nhưng cư trú ở Việt Nam (có yếu tố nước ngoài) vẫn thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp huyện nếu đó là những tranh chấp, yêu cầu được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 33 BLTTDS 2004.

Ba là, theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 21 Pháp lệnh THADS 2004 thì các bản án, quyết định sơ thẩm của TAND cấp huyện thuộc thẩm quyền ra quyết định và tổ chức thi hành của CQTHA cấp huyện.

Với những lý do trên, tôi cho rằng theo quan điểm thứ hai là hoàn toàn có cơ sở và đúng quy định của pháp luật. Hơn nữa, trong thực tiễn hiện nay không phải vụ việc nào có yếu tố nước ngoài cũng là phức tạp hay khó thi hành. Vì cũng có nhiều vụ việc hết sức đơn giản và rất dễ thi hành án. Bên cạnh đó thì cũng có những vụ việc phức tạp, gây không ít khó khăn cho CQTHA cấp huyện trong việc tổ chức thi hành án, thậm chí có một số trường hợp CQTHA cấp huyện không đủ khả năng để tổ chức thi hành. Trong những trường hợp này CQTHA cấp huyện cần phải căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 21 Pháp lệnh THADS 2004 đề nghị CQTHA cấp tỉnh rút lên để thi hành.

Tóm lại, với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cùng với xu thế mở cửa, hội nhập như hiện nay của đất nước thì các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài mà Toà án phải giải quyết ngày càng nhiều. Cho nên, tăng thẩm quyền cho TAND cấp huyện giải quyết các vụ việc có yếu tố nước ngoài là có cơ sở và hoàn toàn phù hợp với quy luật khách quan. Do đó, thẩm quyền của CQTHA cấp huyện đương nhiên cũng phải được mở rộng theo thẩm quyền của TAND cấp huyện. Vì vậy, để phù hợp với quy định của BL TTDS 2004, theo tôi tại khoản 1 Điều 12 của Nghị định 173 cần được sửa đổi theo hướng CQTHA cấp tỉnh có quyền uỷ thác cho CQTHA cấp huyện cả những vụ việc có yếu tố nước ngoài, trừ những trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 33 của BLTTDS 2004./.

 

 ThS. Cù Hoàng Hanh - Thi hành án dân sự huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế