Thu phí 100 triệu đồng/01 đơn yêu cầu THA - Những vướng mắc trong thực tiễn

18/05/2009

Thu phí thi hành án được quy định tại Điều 20 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 và được hướng dẫn chi tiết bằng Thông tư số 68/2008/TTLT-BTC-BTP ngày 21/7/2008 hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án (sau đây được viết tắt là Thông tư 68).



Cũng tại Thông tư này, mức thu phí được quy định như sau: “ Mức thu phí thi hành án được tính bằng 2,5% trên số tiền hoặc giá trị tài sản thực nhận nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng/01 đơn yêu cầu thi hành án.”

Việc quy định như vậy đã giúp đơn giản hóa việc tính toán và tổ chức thu phí cho cơ quan Thi hành án dân sự, giảm thiểu nhầm lẫn khi tính toán và theo dõi thu phí khi vụ việc thi hành án kéo dài. Vì trước đó, tại Thông tư số 43/2006/TTLT-BTC-BTP ngày 19/5/2006 hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án lại quy định thu theo từng mức tiền và giá trị tài sản thực nhận.

Tuy nhiên, việc quy định hạn mức thu phí tối đa không quá 100 triệu đồng/01 đơn yêu cầu thi hành án sẽ gây ra một số vướng mắc trong thực tiễn áp dụng.

Việc thu phí 2.5% đối với số tiền, giá trị tài sản thực nhận được chia ra 2 trường hợp:

- Tiền, giá trị tài sản ≤ 4 tỷ đồng (4 tỷ x 2,5% = 100 triệu đồng), trường hợp này việc thu phí theo quy định là không có khó khăn gì.

- Tiền, giá trị tài sản > 4 tỷ đồng, số phí thu vẫn là 100 triệu đồng.

Trong trường hợp nhiều người được thi hành án trong các bản án chia tài sản chung, chia thừa kế cùng làm 01 đơn yêu cầu thi hành án để yêu cầu thi hành cùng một bản án và tổng giá trị yêu cầu của đơn yêu cầu đó lớn hơn 4 tỷ đồng. Trong trường hợp này sẽ phải tính 100 triệu tiền phí sau đó chia theo tỷ lệ thực nhận của mỗi người được THA theo quy định tại điểm c, khoản 2, phần II Thông tư 68: “ Đối với các vụ việc chia tài sản chung, chia thừa kế; chia tài sản trong ly hôn; vụ việc mà các bên vừa có quyền, vừa có nghĩa vụ đối với tài sản được thi hành án (chỉ cần một trong các bên có đơn yêu cầu thi hành án), người nhận tài sản phải nộp phí thi hành án tương ứng với giá trị tài sản thực nhận tính trên tổng số tiền phí thi hành án phải nộp của các bên.” , hay căn cứ vào số giá trị mà mỗi người được thi hành án được nhận để tính phí THA theo quy định tại khoản 1 phần II Thông tư 68 rồi mới áp dụng mỗi người được thi hành án không phải nộp quá 100 triệu đồng tiền phí THA. Đây chính là điểm khó khăn nếu quy định không thu quá 100 triệu đồng/01 đơn yêu cầu thi hành án.

Để có thể giải quyết khó khăn này, đòi hỏi phải làm rõ khái niệm đơn yêu cầu THA. Tại Điều 6 Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 quy định hình thức và nội dung của đơn yêu cầu thi hành án như sau:

 1. Yêu cầu thi hành án, việc đề nghị tự nguyện thi hành án (gọi chung là đơn yêu cầu thi hành án) phải được thể hiện bằng văn bản; nếu đơn yêu cầu không dùng tiếng Việt thì phải được dịch ra tiếng Việt có công chứng của cơ quan có thẩm quyền.

2. Đơn yêu cầu thi hành án gồm những nội dung chính sau đây:

a) Họ, tên, địa chỉ của người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền, lợi ích liên quan; ngày, tháng, năm làm đơn yêu cầu thi hành án;

b) Nội dung yêu cầu thi hành án; các nội dung không yêu cầu thi hành án. Nội dung yêu cầu phải phù hợp với nội dung bản án, quyết định được thi hành;

c) Số bản án, quyết định; ngày, tháng, năm ra bản án, quyết định; Toà án ra bản án, quyết định, Tổ chức Trọng tài ra quyết định; tình hình tài sản, thu nhập, nơi cư trú của người phải thi hành án và các thông tin cần thiết khác (nếu có).         

Thông tư 68 không quy định rõ hơn về cách hiểu thế nào là 01 đơn yêu cầu thi hành án.

Như vậy, việc có nhiều người làm chung một đơn yêu cầu thi hành án để yêu cầu thi hành các nội dung của một bản án cần được hiểu là một hay nhiều đơn yêu cầu thi hành án không được quy định rõ tại văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Tất yếu sẽ dẫn đến có nhiều cách hiểu và áp dụng pháp luật khác nhau.

Ngoài ra, việc quy định hạn mức theo số lượng đơn yêu cầu thi hành án cũng gây ra vướng mắc trong trường hợp giá trị tiền, tài sản lớn hơn 4 tỷ đồng được yêu cầu trong 01 đơn yêu cầu thi hành án vì một cơ quan THADS đã thu được 4 tỷ và thu đủ 100 triệu đồng tiền phí THA, sau đó ủy thác cho cơ quan THADS khác tiếp tục thi hành số tiền còn lại. Như vậy, cơ quan Thi hành án nhận ủy thác có được thu phí THA theo quy định tại khoản 1 phần II của Thông tư 68 nữa không? Nếu thu thì đã đi ngược với quy định hiện hành, nhưng nếu không thu thì lại mâu thuẫn với chính mục đích thu phí THA và gây thiệt thòi cho đơn vị nhận ủy thác phải thi hành phần còn lại của bản án.

Rất mong những vướng mắc trên sẽ sớm được giải quyết khi có Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án dân sự.

Lê Đình Nam - Thi hành án dân sự TP Hà Nội