Cần nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong việc chấp hành các bản án, quyết định về hành chính

26/08/2009

Ngày 21/5/1996, Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/1996. Tại Điều 74 của Pháp lệnh qui định:



1- Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác thi hành án hành chính trong phạm vi cả nước.

2- Cá nhân, cơ quan nhà nước, tổ chức có nghĩa vụ chấp hành bản án, quyết định của Toà án phải nghiêm chỉnh chấp hành. Thủ trưởng cơ quan nhà nước cấp trên trực tiếp có trách nhiệm theo dõi, giám sát việc thi hành án hành chính; trong trường hợp cần thiết có quyền buộc phải chấp hành quyết định của Toà án về vụ án hành chính. Người nào thiếu trách nhiệm trong việc thi hành án hành chính hoặc cố tình không chấp hành bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính, thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

3- Các quyết định về phần tài sản, quyền tài sản trong các bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính được thi hành theo Pháp lệnh Thi hành án dân sự.

            Căn cứ qui định trên, thẩm quyền thi hành án của cơ quan Thi hành án dân sự  đối với bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính được phát sinh từ ngày 01/7/1996 và trình tự, thủ tục tổ chức THA đối với bản án, quyết định của Toà án về hành chính áp dụng theo Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 1993, đồng thời pháp luật cũng đã qui định trách nhiệm cụ thể đối với các cơ quan, tổ chức trong việc thi hành bản án, quyết định của Toà án về hành chính. Ngày 14/01/2004, Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 thay thế Pháp lệnh năm 1993. Việc thi hành bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính được qui định tại điểm d, khoản 2, Điều 1 của Pháp lệnh, cụ thể: cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành “Quyết định về phần tài sản trong bản án, quyết định của Toà án về hành chính”. Hiện nay, Luật thi hành án dân sự năm 2008, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2009, tại Điều 1, Điều 2 đã qui định: nguyên tắc, trình tự thủ tục thi hành bản án, quyết định của Toà án trong đó tiếp tục qui định thẩm quyền thi hành án của cơ quan THADS đối với phần tài sản trong bản án, quyết định về hành chính của Toà án. Như vậy, theo qui định thì trình tự, thủ tục thụ lý, ra quyết định thi hành án và tổ chức thi hành bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính được thực hiện như trình tự, thủ tục thi hành các bản án, quyết định khác thuộc thẩm quyền thi hành án của cơ quan Thi hành án dân sự.

Trước đây, khi chưa có Toà án hành chính, việc giải quyết các khiếu nại của công dân về hành vi hành chính, quyết định hành chính do chính cơ quan ban hành quyết định hành chính và các cơ quan hành chính cấp trên trực tiếp giải quyết. Việc thành lập Toà hành chính chuyên trách thuộc Toà án nhân dân các cấp để xét xử vụ án hành chính và giao thẩm quyền thi hành án đối với bản án, quyết định về hành chính cho cơ quan Thi hành án dân sự là một bước tiến mới trong tiến trình cải cách tư pháp, góp phần bảo đảm quyền khiếu kiện và quyền tiếp cận công bằng thông qua nguyên tắc tố tụng hành chính, các đương sự được bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong quá trình giải quyết vụ án, nhằm bảo đảm tính khách quan đối với các hoạt động của các cơ quan hành chính. Đồng thời, ngăn ngừa và hạn chế việc vi phạm, lạm dụng quyền hạn trong thực thi mệnh lệnh hành chính. Hơn nữa, bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật sẽ được đảm bảo việc thực thi hơn so quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan hành chính.

Theo qui định tại Điều 9 của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1996 thì: Bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật về vụ án hành chính phải được các cơ quan nhà nước, tổ chức và mọi người tôn trọng.

Cá nhân, cơ quan nhà nước, tổ chức có nghĩa vụ chấp hành bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính phải nghiêm chỉnh chấp hành. Cơ quan nhà nước được giao nhiệm vụ thi hành bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính phải nghiêm chỉnh thi hành và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ đó.

Thực tế việc tổ chức thi hành bản án, quyết định của Toà án về hành chính ở một số nơi trong thời gian qua cho thấy, đối với các việc thi hành án phí, hoàn trả dự phí hoặc bồi thường có giá trị nhỏ, kết quả đạt tỷ lệ tương đối cao. Đối với việc tổ chức thi hành các bản án, quyết định bồi thường có giá trị lớn, giao tài sản, đất đai hoặc vụ việc tuy giá trị không lớn nhưng quá trình tranh chấp có phát sinh nhiều tình tiết phức tạp, thì khi tổ chức thi hành án, cơ quan Thi hành án dân sự gặp rất nhiều khó khăn và hiện nay vẫn còn tồn đọng nhiều. Theo tôi, nguyên nhân của việc tồn đọng thể hiện ở các khía cạnh sau:

Trong bản án, quyết định của Toà án về hành chính, thường một bên là cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền thực thi công vụ, thẩm quyền giải quyết khiếu nại, khi họ là bên phải thi hành án thường nại ra nhiều lý do như: bản án tuyên không đúng, thiếu cơ sở pháp lý, không khách quan… Cơ quan Thi hành án dân sự phải làm việc nhiều lần, nhiều trường hợp phải xin ý kiến chỉ đạo của cấp uỷ, UBND, Ban chỉ đạo thi hành án mới thi hành được. Nhiều bản án phải kéo dài nhiều năm, khi người đứng đầu cơ quan chuyển đổi vị trí công tác hoặc nghỉ hưu mới tổ chức thi hành án được.

Nhiều bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính trong giai đoạn điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ chưa khách quan, thiếu căn cứ nên khi xét xử và ra quyết định chưa phù hợp với diễn biến của vụ việc, chưa gắn kết với nhiệm vụ chính trị tại địa phương, từ đó việc tổ chức thi hành án có sự phản ứng, chống đối từ phía của các bên có liên quan.

 Nhiều cơ quan hành chính là người phải thi hành án kinh phí được cấp chỉ đủ cho hoạt động thường xuyên, không có khoản khác để thi hành án, nhiều trường hợp đã lập hồ sơ đề nghị cơ quan quản lý ngân sách cấp trên hỗ trợ kinh phí để thi hành án theo qui định tại Quyết định số: 136/2005/QĐ-TTg, ngày 09/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số: 86/2005/TT-BTC, ngày 03/10/2005 của Bộ Tài chính, nhưng không được hỗ trợ, làm cho việc thi hành án khó khăn, kéo dài.

Nhiều bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính chỉ công nhận hoặc giữ nguyên quyết định của cơ quan hành chính đã ban hành, nhưng nhiều cơ quan hành chính ngại đụng chạm lại đề nghị cơ quan Thi hành án dân sự tổ chức thi hành án, nhưng theo qui định của pháp luật về thi hành án thì không thuộc thẩm quyền thi hành án của cơ quan THADS, dẫn đến hiện tượng đùn đẩy việc thi hành bản án, quyết định của Toà án.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả trong việc thi hành bản án, quyết định của Toà án về hành chính, các cơ quan hành chính nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền cần thực hiện tốt một số vấn đề sau đây:

Đối với các cơ quan hành chính nhà nước: Cần phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành nghiêm các bản án, quyết định của Toà án, tránh tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc thẩm quyền quản lý hành chính nhà nước ở địa phương mà trì hoãn hoặc cản trở việc thi hành án; xác định đúng thẩm quyền tổ chức thi hành bản án, quyết định của Toà án về hành chính để tổ chức thi hành án, tránh tình trạng đùn đẩy lẫn nhau.

Đối với cơ quan Toà án: Nâng cao hơn nữa chất lượng xét xử đối với các vụ án về hành chính; xét xử công tâm, vô tư, khách quan, thể hiện tính thuyết phục cao nhằm đảm bảo cho bản án, quyết định được thực thi trên thực tế.

Đối với cơ quan Viện Kiểm sát: Tăng cường công tác kiểm sát thi hành án hành chính, trong đó phải thường xuyên kiểm sát đối với cơ quan hành chính nhà nước khi họ là người phải thi hành án trong việc thực thi các bản án, quyết định của Toà án về hành chính, nhằm đảm bảo cho việc thi hành án được kịp thời và đúng qui định của pháp luật.

Võ Công Hoàng