Một số vấn đề về thực hiện việc định kỳ chuyển đổi công tác đối với chức danh Chấp hành viên Thi hành án dân sự

26/08/2009

Định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là một trong sáu biện pháp phòng ngừa tham nhũng được quy định trong Luật phòng, chống tham nhũng.



Theo Điều 3 của Nghị định số 158/2007/NĐ-CP, ngày 27/10/2009 quy định về danh mục các vị trí công tác và thời hạn chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức ( viết tắt là Nghị định 158/NĐ-CP ) thì  “ Định kỳ chuyển đổi vị trí công tác” là việc người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quyết định điều động, bố trí, phân công lại vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong đơn vị mình, có thời hạn công tác đủ 36 tháng tại các vị trí trong các lĩnh vực ngành, nghề theo quy định tại Nghị định số 158/NĐ-CP. Nghị định 158/2007/NĐ-CP cũng quy định nguyên tắc và những hành vi bị cấm trong việc thực hiện việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác. Khoản 10 của Điều 8 của Nghị định 158/2007/NĐ-CP có quy định một số chức danh trong ngành Tư pháp thuộc diện định kỳ chuyển đổi “ Hoạt động quản lý và cấp phát các loại: giấy đăng ký, đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, giấy chứng nhận, giấy phép, cấp phiếu lý lịch tư pháp; công chứng viên, chấp hành viên thi hành án dân sự”.  Ngày 09/7/2008, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có Quyết định số 1277/QĐ-BTP ban hành danh mục các vị trí công tác phải thực hiện định kỳ chuyển đổi trong các lĩnh vực chuyên môn thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp. Việc thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với chức danh Chấp hành viên thi hành án dân sự theo Nghị định 158/2007/NĐ-CP cũng như Quyết định số 1277/QĐ-BTP, ngày 09/7/2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp mới được triển khai trong thời gian chưa lâu. Qua hơn 01 năm thực hiện việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác tại các cơ quan Thi hành án dân sự của tỉnh Thái Nguyên, đã chuyển đổi được 02 Chấp hành viên. ( Cụ thể là: chuyển 01 chấp hành viên Thi hành án dân sự huyện Phổ Yên đến Thi hành án dân sự Thành phố Thái Nguyên, 01 chấp hành viên Thi hành án dân sự thị xã Sông Công đến Thi hành án dân sự huyện Phú Lương ).

 Kết quả bước đầu cho thấy, cán bộ được chuyển đổi đã hoà nhập với môi trường công tác mới, hoàn thành nhiệm vụ được giao, tạo sự chuyển biến tích cực đối với đội ngũ cán bộ, công chức. Tỷ lệ xong hoàn toàn về việc và giá trị tăng rõ rệt. Khẳng định đây là chủ trương đúng, tạo bước đột phá trong công tác cán bộ, tạo điều kiện cho cán bộ rèn luyện, thử thách ở các môi trường làm việc khác nhau. Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác bước đầu phát sinh một số vướng mắc như sau:

Thứ nhất: Công tác chỉ đạo, tuyên truyền cũng như triển khai thực hiện  các quy định của pháp luật về việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác được thực hiện một thời gian nhưng một số cấp uỷ, thủ trưởng đơn vị cũng như cán bộ, công chức, viên chức chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, mục đích của việc chuyển đổi vị trí công tác, thậm chí còn có sự nhầm lẫn giữa chuyển đổi vị trí công tác với luân chuyển cán bộ. Thậm chí còn có ý kiến cho rằng, chấp hành viên có “vấn đề” nên mới chuyển đổi vị trí công tác.

Thứ hai: Đối với chấp hành viên thì việc chuyển đổi thể hiện dưới dạng: chuyển đổi địa bàn phụ trách án ( huyện, thành phố, thị xã; các xã, phường,  thị trấn ) mà chấp hành viên đang phụ trách; chuyển Chấp hành viên Thi hành án cấp tỉnh về cấp huyện hoặc luân chuyển Chấp hành viên cấp huyện từ huyện này sang huyện khác. Về nội dung này còn có lúng túng vì  hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền còn chưa cụ thể.Nếu như việc chuyển đổi chấp hành viên từ cấp tỉnh xuống cấp huyện, từ huyện này sang huyện khác hoặc từ phòng chuyên môn này sang phòng chuyên môn khác của Thi hành án dân sự cấp tỉnh được thể hiện dưới dạng ban hành Quyết định điều động thì việc chuyển đổi địa bàn phụ trách án mà chấp hành viên đang phụ trách không thể hiện bằng văn bản mà chỉ thông qua tại phiên họp của cơ quan, trong khi đó khoản 2 Điều 5 Nghị định 158/NĐ-CP yêu cầu        “ định kỳ chuyển đổi vị trí công tác chỉ được thực hiện bằng việc ban hành quyết định điều động, bố trí cán bộ, công chức, viên chức theo nội dung quy định tại khoản 1 Điều này”. Hơn nữa, việc kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền đối với việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với chức danh chấp hành viên chưa thường xuyên.

Thứ ba: Nghị định 158/2007/NĐ-CP mới chỉ quy định thời hạn chuyển đổi nhưng chưa có chính sách khuyến khích, động viên cán bộ chuyển đổi vị trí công tác như: nhà ở công vụ, nâng bậc lương trước thời hạn, đặc biệt là khi hết thời hạn chuyển đổi thì chấp hành viên có thể được xem xét quay trở lại nhận nhiệm vụ tại đơn vị trước đây đã công tác hay không? Đây cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến tâm lý ổn định công tác của cán bộ làm công tác thi hành án nói chung và chấp hành viên nói riêng. Tại các đơn vị thành phố, thị xã thì các chấp hành viên có tâm lý e ngại  không muốn chuyển đến công tác ở một số  huyện vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn…

Để thực hiện tốt việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với chức danh chấp hành viên thi hành án dân sự,  chúng tôi cho rằng cơ quan có thẩm quyền nên sửa đổi, bổ sung một số nội dung sau:

Một là: Thời hạn chuyển đổi vị trí công tác là 36 tháng là chưa phù hợp, cần kéo dài thời gian hơn nữa để cán bộ thuộc diện chuyển đổi có điều kiện, thời gian phát huy năng lực chuyên môn cũng như chuẩn bị có cán bộ thay thế vào vị trí người sẽ được chuyển đổi để không làm xáo trộn sự ổn định trong cơ quan, đơn vị.

Thứ hai: Tạo điều kiện thuận lợi nhất để công chức yên tâm công tác. Có chính sách, chế độ đãi ngộ thoả đáng với Chấp hành viên đã hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian thực hiện việc chuyển đổi vị  trí công tác.

Thứ ba:  Trong quá trình thực hiện, cần thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc của việc chuyển đổi, đặc biệt là phải được tiến hành theo kế hoạch, được công bố công khai trong nội bộ cơ quan, tổ chức và gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Cần tiến hành thận trọng, không chạy theo số lượng. Hằng năm, tiến hành kiểm tra đánh giá, rút kinh nghiệm để công tác chuyển đổi vị trí công tác đi vào nề nếp, tránh hiện tượng tiêu cực trong quá trình thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác./.

Hà Tuấn Phương